NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG NGÀY TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH HẢI DƯƠNG (27/7/1963-27/7/2023) VÀ PHẤN ĐẤU XÂY DỰNG TRƯỜNG ĐẠT CHUẨN VÀO NĂM 2025!
Nghiên cứu trao đổi
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÔN GIÁO TẠI TỈNH HẢI DƯƠNG

Hải Dương là tỉnh có nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo đan xen và có đông chức sắc, tín đồ các tôn giáo sinh sống. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn cơ bản, thuần túy trong tôn giáo. Những năm qua, các cấp chính quyền của tỉnh không ngừng nâng cao công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo trong địa bàn tỉnh và đạt được kết quả đáng ghi nhận.

18/8/2020
Ths. Đặng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng

Trên cơ sở quan điểm của Chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo về giải quyết vấn đề tôn giáo. Năm 1990, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 24 về công tác tôn giáo, xác định “Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”, “các giáo hội và tổ chức tôn giáo nào có đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, có tôn chỉ, mục đích, điều lệ phù hợp với luật pháp Nhà nước, có tổ chức phù hợp và bộ máy nhân sự đảm bảo tốt về cả hai mặt đạo, đời thì sẽ được Nhà nước xem xét trong từng trường hợp cụ thể để cho phép hoạt động”. Trước tình hình mới, tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Đảng ta tiếp tục ban hành Nghị quyết số 25/NQ-TW (ngày 12/3/2003) Về công tác tôn giáo, trong đó, Đảng ta nhất quán các quan điểm sau đây:

1- Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật.

2- Đảng, Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân. Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia.

3- Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có quyền và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công tác vận động quần chúng các tôn giáo phải động viên đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc; thông qua việc thực hiện tốt các chính sách kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, trong đó có đồng bào tôn giáo.

4- Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Công tác tôn giáo có liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, các cấp, các ngành, các địa bàn. Làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tôn giáo có trách nhiệm trực tiếp, cần được củng cố và kiện toàn. Công tác quản lý nhà nước đối với các tôn giáo và đấu tranh chống việc lợi dụng tôn giáo để chống đối chế độ chỉ thành công nếu làm tốt công tác vận động quần chúng.

5- Vấn đề theo đạo và truyền đạo.

Mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận được hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ, được hoạt động tôn giáo, mở trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành, xuất bản kinh sách và giữ gìn, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo của mình theo đúng quy định của pháp luật.

Việc theo đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không được ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo, người truyền đạo và các cách thức truyền đạo trái phép, vi phạm các quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Nhằm cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về công tác tôn giáo, nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để điều chỉnh lĩnh vực này. Mới đây nhất là Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và Nghị định số 162/NĐ–CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Theo đó, nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo được quy định tại Điều 60, Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, cụ thể như sau:

        - Xây dựng chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

       - Quy định tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo.

       - Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

        - Phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

       - Nghiên cứu trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

        - Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

         - Quan hệ quốc tế trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Ban trị sự Phật giáo tỉnh Hải Dương Nhiệm kỳ VIII (2017-2022) ra mắt và nhận nhiệm vụ.

Hải Dương là tỉnh có nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo đan xen. Về tôn giáo, toàn tỉnh có 3 tôn giáo được nhà nước công nhận pháp nhân hoạt động là: Phật giáo, Công giáo và Tin lành với tổng số là 1.163 cơ sở thờ tự, 580 chức sắc, nhà tu hành và trên 340.700 tín đồ (chiếm khoảng 18% dân số). Ngoài ra còn một số tổ chức, điểm nhóm tin theo hiện tượng tôn giáo mới, chưa đăng ký hoạt động theo quy định. Nhìn chung, tình hình hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua tiếp tục ổn định, phần lớn các chức sắc, tu sĩ và quần chúng tín đồ phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy và chính quyền các cấp ở Hải Dương, qua đó, góp phần củng cố vững chắc hơn khối đại đoàn kết, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đ/c Lương Văn Cầu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương có bài phát biểu tại Đại hội đại biểu phật giáo tỉnh Hải Dương

Công tác quản lý nhà nước (QLNN) về hoạt động tôn giáo được quan tâm trên mọi phương diện:

Trên cơ sở Nghị định số 92/2012/NĐ – CP ngày 08 tháng 11 năm  2012 quy định chi tiết về biện pháp thi hành Pháp luật Tín ngưỡng tôn giáo, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 22/2014/QĐ–UB ngày 22 tháng 10 năm 2014 quy định về quản lý nhà nước đối với tôn giáo và hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với tôn giáo, căn cứ Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và Nghị định số 162/NĐ – CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 36/2018/QĐ – UB ngày 17 tháng 12 năm  2018 quy định về trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được quan tâm từ tỉnh đến cơ sở. Thực hiện Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thông tư số 15/2014/TT-BNV ngày 04/6/2008 của Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo tỉnh được thành lập theo Quyết định số 1966/QĐ-UBND ngày 18/7/2016 của UBND tỉnh Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương. Hiện nay, Ban Tôn giáo có 03 Phòng chức năng (Phòng Hành chính – Tổng hợp, Phòng Nghiệp vụ Phật giáo và Phòng Nghiệp vụ Công giáo, Tin lành), 10 công chức và 03 hợp đồng theo Nghị định 68 của Chính phủ. Ở cấp huyện: Phòng Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh,  12/12 huyện, thị xã, thành phố đã phân công đồng chí Trưởng phòng hoặc Phó trưởng phòng phụ trách công tác tôn giáo và 01 chuyên viên kiêm nhiệm công tác tôn giáo. Đối với cấp xã, không bố trí cán bộ chuyên trách công tác tôn giáo mà phân công đồng chí Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch phụ trách công tác tôn giáo và 01 đồng chí cán bộ văn phòng kiêm nhiệm.

Cán bộ chuyên trách công tác tôn giáo, đã được đào tạo bài bản, theo hướng chuyên nghiệp, có bản lĩnh, lập trường chính trị vững vàng, am hiểu sâu sắc về tôn giáo, nắm vững chính sách, pháp luật đối với tôn giáo; thường xuyên được cập nhật thông tin, tình hình mới về các tôn giáo hoạt động trên địa bàn; có uy tín, kinh nghiệm, có cả niềm tin và sự chân thành.

Công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về tôn giáo và các văn bản pháp luật liên quan được triển khai đồng bộ, sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức và trong chức sắc, nhà tu hành tôn giáo. Từ đó, tạo mối quan hệ tốt giữa cấp ủy, chính quyền và chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo, phát huy truyền thống gắn bó dân tộc, chấp hành tốt quy định trong hoạt động tôn giáo.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến tôn giáo được quan tâm. Một số hoạt động vi phạm, phức tạp được các cấp, các ngành kịp thời phát hiện và phối hợp xử lý có hiệu quả, bảo đảm giữ vững an ninh – trật tự trên địa bàn tỉnh. Công tác giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng cũng được các ngành chức năng của tỉnh tập trung thực hiện và đạt kết quả quan trọng; hiệu lực, hiệu quả QLNN đối với công tác tôn giáo được tăng cường hơn.

Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo còn bộc lộ một số bất cập và hạn chế sau đây:

- Tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo, nhất là Phật giáo trên địa bàn tỉnh còn quá nhiều tầng nấc, giải quyết các vụ việc Phật giáo phát sinh phải thông qua nhiều cấp;

- Cán bộ, công chức làm công tác Phật giáo mặc dù đã được quan tâm đào tạo, nhưng chưa tương xứng, chưa ngang tầm với nhiệm vụ chính trị được giao.

- Công tác quản lý nhà nước tại cơ sở vẫn còn những yếu kém, buông lỏng, dẫn đến việc còn để ra tình trang xây dựng trái phép các công trình không thuộc đất tôn giáo.

- Vẫn còn hiện tượng xảy ra mâu thuẫn về tôn giáo dẫn đến ảnh hưởng chính trị địa phương, có đơn thư khiếu kiện gửi đến các cơ quản quản lý .

- Một số địa phương chưa thật sự quan tâm thường xuyên việc xây dựng và phát huy vai trò lực lượng cốt cán trong tôn giáo. Việc lựa chọn xây dựng cốt cán trong tôn giáo còn lúng túng và khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo tại Hải Dương, trong thời gian tới, cần tập trung vào một số nội dung sau:

- Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo.

Tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng Nghị quyết số 25/NQ-TW ngày 12/3/2003 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Nghị định số 162/2017NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Chỉ thị số1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 về nhà, đất liên quan đến tôn giáo; Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30/5/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ, hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; Quy định về việc cưới, việc tang của UBND tỉnh Hải Dương, các văn bản pháp luật liên quan như Luật Di sản, Luật Xây dựng... đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là với các chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo. 

- Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo.

Tiếp tục rà soát, đánh giá, sử dụng đội ngũ cán bộ hiện có, kể cả đối tượng kiêm nhiệm và chuyên trách làm công tác tôn giáo. Từ đó, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cho phù hợp năng của cán bộ làm công tác tôn giáo.

Tích cục chăm lo bồi dưỡng cán bộ là người có đạo.

- Đấu tranh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tôn giáo

Tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo công tác dân vận tỉnh; phối hợp xử lý các trường hợp hoạt động tôn giáo trái phép, xây dựng không xin cấp phép, mở rộng khuôn viên cơ sở thờ tự sai quy định.

Trong quá trình xử lý, cần công khai chỉ rõ những việc làm chưa đúng pháp luật, chưa đúng Hiến chương, nội quy của Giáo hội, hậu quả của vi phạm.

- Làm tốt công tác vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo

Đối với chức sắc, nhà tu hành, cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cần tập trung xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt giữa chức sắc, nhà tu hành. Mối quan hệ cần xây dựng theo cả chiều ngang và chiều dọc, tạo nên sự đồng thuận, nếu chỉ sử dụng biện pháp hành chính để quản lý có thể dẫn đến sự áp đặt một chiều, gây bức xúc cho chức sắc, nhà tu hành.

Phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể với công tác vận động quần chúng tín đồ các tôn giáo. Đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc cho phù hợp với từng đối tượng quần chúng tín đồ các tôn giáo.

- Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào theo đạo.

Cần có chính sách phát triển kinh tế- xã hội lâu dài ở vùng tôn giáo tập trung; trước mắt, cần giải quyết những nhu cầu, lợi ích thiết thân của quần chúng tín đồ ở từng khu vực, từng cơ sở. Coi trọng việc củng cố mối quan hệ xã hội trong cộng đồng các tôn giáo và giữa các tôn giáo với toàn thể xã hội.

 
Các tin mới hơn
QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG TA VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ NỮ(22/11/2023)
Chủ động nhận diện những luận điệu xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh(15/11/2023)
Vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong giảng dạy môn học Quản lý hành chính nhà nước tại trường Chính trị tỉnh Hải Dương(15/11/2023)
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, TỔNG KẾT THỰC TIỄN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHUẨN(13/11/2023)
Một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã của tỉnh Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại(11/11/2023)
Các tin cũ hơn
Một số lỗi ngôn ngữ thường gặp trong văn bản quản lý nhà nước(05/08/2020)
Trường Chính trị tỉnh Hải Dương - Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ(24/07/2020)
Đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng ủy Trường Chính trị tỉnh Hải Dương trong giai đoạn hiện nay(04/07/2020)
NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ 12 BCH TW ĐẢNG KHÓA XII(30/06/2020)
BÀN VỀ DI CHÚC MIỆNG VÀ ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA DI CHÚC MIỆNG (17/06/2020)
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
Bộ CHQS tỉnh Hải Dương Bảo Tàng tỉnh Hải Dương
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín