NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG NGÀY TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH HẢI DƯƠNG (27/7/1963-27/7/2023) VÀ PHẤN ĐẤU XÂY DỰNG TRƯỜNG ĐẠT CHUẨN VÀO NĂM 2025!
Nghiên cứu trao đổi
Kết quả PCI Hải Dương trong tương quan các tỉnh, thành phố

Mặc dù, các năm qua điểm số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI của Hải Dương có cải thiện, nhưng thứ hạng lên tục tụt hạng. Năm 2019, đánh dấu sự khởi sắc về về quả PCI. Điểm số đã tăng từ 60,98 năm 2018 lên 63,85 (+2,87 điểm), đã tăng 8 bậc so với năm trước đó nhưng vẫn xếp thứ hạng 47/63 tỉnh, TP trong cả nước.

24/5/2020

TS. Phạm Đức Minh

Chỉ số PCI - Provincial Competitiveness Index, được dịch sang tiếng Việt là “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”, là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh [i]. PCI lần đầu tiên được công bố thí điểm vào năm 2005 đối với 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lần thứ hai từ năm 2006 trở đi, tất cả các tỉnh, thành phố ở Việt Nam đều được đưa vào xếp hạng, đồng thời các chỉ số thành phần cũng được tăng cường thêm và đổi mới về nội dung [ii].

Ngày 5/5/2020 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố “Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019” trên cơ sở dựa trên khảo sát gần 12.500 doanh nghiệp (DN) [iii].Với quy mô điều tra ngày càng toàn diện hơn, báo cáo PCI tiếp tục chuyển tải tập hợp “tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về môi trường kinh doanh của 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Trong 15 năm qua, đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong môi trường kinh doanh và sự nghiệp phát triển DN ở Việt Nam. Từ chỗ ít được quan tâm, công tác cải cách thủ tục hành chính hiện nay đã và đang là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu ở tất cả các địa phương. Giá trị và sản phẩm quan trọng nhất của PCI không phải là bảng xếp hạng thứ bậc của các địa phương mà chính là những bài học kinh nghiệm, những mô hình và công nghệ cải cách được lan tỏa và chia sẻ, những dư địa cải cách được phát hiện và những khoảng cách cần khép lại giữa nỗ lực của chính quyền và kỳ vọng của người dân”.

Không chỉ khuyến cáo ở tầm định tính, thông điệp cải cách từ PCI là những con số biết nói, và những câu chuyện cụ thể có thể “cân, đong, đo, đếm” và áp dụng được ngay. Cách tiếp cận thực tiễn là đặc sản của PCI [iv].

Thứ nhất, về điểm nhấn trong kết quả PCI năm 2019:

Chất lượng điều hành kinh tế các địa phương đã giữ vững được xu hướng cải thiện. Công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp đã có những cải thiện rõ rệt, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, các DN gặp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục giảm, cải cách hành chính có kết quả tích cực… Cụ thể như:

Điểm số PCI trung vị tăng từ 52,50 điểm (năm 2006) lên 65,18 (năm 2019); Số ngày chờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm mạnh từ 121 ngày (năm 2006) xuống còn 30 (năm 2019); Thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn quy định 67% (năm 2017*) tăng 73% (năm 2019); Chất lượng thông tin trang website các tỉnh cải thiện vượt bậc tăng từ 9 điểm (năm 2006) lên 35 (2019); Chính quyền tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN tăng từ 74% (năm 2006) lên 80% (năm 2019); Số ngày đăng ký DN giảm từ 20 ngày (năm 2006) xuống còn 5 ngày (năm 2019); Cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả tăng từ 75% (năm 2013) lên 81% (năm 2019); Nội dung làm việc của các đoàn thanh tra giảm 26% (năm 2015*) xuống 11% (năm 2019)Vai trò của các hiệp hội DN trong tham gia, góp ý chính sách tăng từ 36% (năm 2009*) lên 46% (năm 2019); DN tin tưởng vào khả năng được pháp luật bảo vệ quyền tài sản và thực thi hợp đồng từ 62% (năm 2006) lên 88% (năm 2019)… [v]

Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng 73,4 điểm (3 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng). Đứng thứ 2 bảng xếp hạng là tỉnh Đồng Tháp với 72,10 điểm (12 năm liên tiếp nằm trong top 5), tiếp theo là Vĩnh Long (71,30 điểm) và Bắc Ninh (70,79 điểm). Ngoài các tỉnh nói trên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An, Hà Nội và Hải Phòng cũng góp mặt trong top 10 của bảng xếp hạng. Đáng chú ý, Thành phố Hồ Chí Minh không nằm trong top 10 của bảng xếp hạng PCI 2019. Nhóm cuối trong bảng xếp hạng là các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Bắc Kạn.

Kết quả PCI các năm nói chung và năm 2019 nói riêng cho thấy một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: Chi phí gia nhập thị trường thấp; Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; Chi phí không chính thức thấp; Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; Dịch vụ hỗ trợ DN phát triển, chất lượng cao; Chính sách đào tạo lao động tốt; Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.

Thứ hai, đối với tỉnh Hải Dương:

Tính từ năm 2015, Hải Dương được đánh giá ở mức khá nhưng 3 năm liên tiếp ở mức độ trung bình và giảm thứ hạng, nhất là năm 2018 nằm trong  TOP 10 tỉnh, thành đội sổ (55/63 tỉnh, thành phố) thì đến năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hải Dương đã tăng 8 bậc so với năm 2018 và nằm trong nhóm khá. Tuy nhiên, vẫn xếp thứ hạng 47/63 tỉnh thành phố. (xem hình 1).

Hình 1: Kết quả điểm số và xếp hạng PCI của tỉnh Hải Dương qua các năm

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo PCI qua các năm

Nhiều chỉ số thành phần PCI của tỉnh Hải Dương trong những năm qua có sự cải thiện, nhưng sự cải thiện đó chưa ổn định và chưa có bước đột phá. Hiện tỉnh Hải Dương chưa có chỉ số nào nằm trong TOP 10 tỉnh, thành đứng đầu. Năm 2019 có các chỉ số nằm trong nhóm 11 như: tiếp cận đất đai và đào tạo lao động… Trong khi đó có nhiều chỉ số nằm trong TOP 10 tỉnh, thành đội sổ như: Tính minh bạch, chi phí thời gian… Còn lại các chỉ số khác nằm ở nhóm trung bình.

Kết quả PCI năm 2019 cho thấy: Hải Dương có 6 chỉ số tăng điểm so với năm 2018 là gia nhập thị trường (+0,75), tiếp cận đất đai (+0,73), minh bạch (+0,62), tính năng động (+0,07), dịch vụ hỗ trợ DN (+0,69) và đào tạo lao động (+0,87). Kết quả trên đã chứng minh quyết tâm trong xác định mục tiêu và hành động ngày càng quyết liệt hơn, giải pháp cụ thể hơn trong cải thiện và xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh ngày càng thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả [i]. Chất lượng điều hành kinh tế của các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đang có chuyển biến tích cực, được cộng đồng DN ghi nhận, việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN luôn được lãnh đạo các cấp quan tâm, chỉ đạo quyết liệt [ii]. DN đã thuận lợi hơn trong tiếp cận thông tin về đất đai, thiết chế pháp lý...

Đáng chú ý trong 4 chỉ số giảm điểm của tỉnh thì chỉ số chi phí không chính thức đạt rất thấp 4,88 điểm (-1,33 điểm và là điểm số thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây), chi phí thời gian (-0,82), cạnh tranh bình đẳng (-0,68)thiết chế pháp lý (-0,46). Mặc dù có chỉ số tăng điểm so với năm 2018, nhưng so với các năm trước đó lại giảm điểm như gia nhập thị trường (xem bảng).

Bảng: Kết quả biến động các chỉ số thành phần PCI của Hải Dương qua các năm

Năm

2006

2007

2008

2009

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

Gia nhập thị trường

6.19

7.92

7.81

7.72

6.51

8.26

8.26

7.82

8.35

8.26

8.49

7.67

6.70

7.45

Tiếp cận đất đai

6.15

5.84

6.91

6.04

5.94

6.06

5.98

6.93

5.53

5.15

5.63

6.68

6.69

7.42

Tính minh bạch

5.81

5.39

6.38

6.36

5.37

4.97

5.09

4.64

5.83

6.10

5.71

5.45

5.71

6.33

Chi phí thời gian

4.23

6.24

6.36

7.19

6.68

7.13

6.27

5.95

6.39

6.75

6.12

6.32

6.95

6.13

Chi phí không chính thức

5.70

6.74

7.60

5.28

6.24

7.46

6.83

6.23

5.28

5.22

5.22

5.46

6.21

4.88

Cạnh tranh bình đẳng

N/A

N/A

N/A

N/A

N/A

N/A

N/A

4.93

5.19

4.98

4.56

4.45

7.03

6.35

Tính năng động

5.96

4.64

5.07

4.51

5.06

4.85

4.25

4.90

4.30

4.75

5.24

4.93

5.96

6.03

Dịch vụ hỗ trợ DN

5.09

4.98

7.52

4.85

6.22

4.30

4.26

5.54

5.78

5.27

5.28

6.17

5.47

6.16

Đào tạo lao động

4.52

4.67

3.99

4.99

5.27

4.44

5.33

5.61

6.18

6.29

6.54

6.91

6.34

7.21

Thiết chế pháp lý

3.91

3.73

4.73

5.03

4.62

5.23

3.18

6.61

5.80

5.77

5.29

5.63

6.16

5.7

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo PCI qua các năm

Mặc dù thứ hạng PCI năm 2019 của Hải Dương tăng hơn so với năm 2018 (tăng 8 bậc) nhưng điểm số PCI của tỉnh vẫn thấp hơn điểm trung vị của cả nước. Trong nhóm 33 tỉnh xếp hạng khá về chỉ số PCI, Hải Dương chỉ cao hơn 2 tỉnh khác là Hòa Bình và Quảng Trị. Nếu so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, chỉ số chi phí không chính thức của Hải Dương cũng ở mức rất thấp, chỉ cao hơn tỉnh thấp nhất cả nước là Điện Biên 0,18 điểm. Chỉ số chi phí thời gian cũng đạt thấp. Còn nếu so với các tỉnh có nhiều điểm tương đồng về địa hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thì chỉ số PCI của tỉnh còn rất khiêm tốn. Trong 7 tỉnh, thành phố thuộc vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hải Dương xếp thứ hạng 6/7) hay trong 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng, PCI của Hải Dương xếp thứ 10/11, chỉ cao hơn tỉnh đứng thứ 11 là Hưng Yên 0,25 điểm và thấp hơn nhiều so với tỉnh đứng đầu là Quảng Ninh (thấp hơn 9,55 điểm). Mục tiêu phấn đấu PCI của tỉnh năm 2019 ở nhóm 30 tỉnh, thành phố vẫn chưa đạt được.

Hình 2: Kết quả điểm số PCI của Hải Dương so sánh với các tỉnh, thành phố vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo PCI qua các năm

Hải Dương hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại (ảnh minh họa)

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng so với nhiều tỉnh, thành phố có chỉ số PCI khá và tốt, Hải Dương vẫn còn ở khoảng cách khá xa. Để nâng cao chỉ số PCI đòi hỏi tỉnh có các giải pháp đột phá, các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt hơn nữa... Cụ thể:

Một là, Từng cơ quan, đơn vị, cá nhân tiếp tục phải nghiên cứu, quán triệt, thực hiện nghiêm túc đề án “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020” Kế hoạch hành động số 893/KH-UBND ngày 25/3/2019 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2019 và định hướng đến năm 2021…

Việc nâng cao PCI chính là tạo lập hình ảnh một tỉnh Hải Dương năng động, tương xứng với vị trí trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là địa phương có chính quyền thân thiện trong mắt cộng đồng DN và nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh. Phấn đấu trong những năm tới đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cải thiện môi trường đầu tư để đưa Hải Dương đứng vào nhóm 20 - 25 tỉnh, thành phố trong cả nước có PCI tốt nhất. Đây chính là động lực để Hải Dương thu hút đầu tư, phát triển DN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2020-2025.

Hai là, Các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu cần chỉ đạo rà soát lại tất cả những công việc, nhiệm vụ được giao, làm rõ trách nhiệm của ngành, lĩnh vực cụ thể trong việc chưa cải thiện được thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tìm ra những điểm nghẽn, nút thắt trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương.

Ba là, duy trì và cải thiện các chỉ số thành phần đã có bước tiến, xếp hạng khá như: chỉ số “Gia nhập thị trường”, “Tiếp cận đất đai” và chỉ số “Đào tạo lao động” để phấn trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước (hiện đang đứng thứ hạng 11 -12).

Bốn là, tiếp tục tập trung cải thiện có tính chất đột phá các chỉ số hiện nay đang có kết quả tương đối thấp như: “Thiết chế pháp lý”, “Dịch vụ hỗ trợ DN”, “Chi phí không chính thức”, “Tính minh bạch”,  “Chi phí thời gian”, “Môi trường cạnh tranh bình đẳng” là các chỉ số có xếp hạng trung bình và đặc biệt là chỉ số có xếp hạng thấp là “Chi phí không chính thức” (dưới trung bình).

Năm là, tiếp tục cải cách hành chính theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính minh bạch để giảm thời gian, giảm chi phí chính thức và không chính thức cho DN, nhất là trong bối cảnh cần nhanh chóng phục hồi kinh tế do tác động của dịch Covid-19 và các tác động không thuận khác. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng đón thời cơ mới, làn sóng chuyển hướng đầu tư ra ngoài Trung Quốc, từ các quốc gia tham gia hiệp định EV-FTA và EV-IPA.

Sáu là, tiếp tục triển khai các chính sách về phát triển DN và khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ DN tiếp cận thông tin và khai thác, mở rộng thị trường. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, xuất khẩu và thực hiện các chương trình hỗ trợ, phổ biến, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến tới các DN.

Trong xu hướng tự động hoá và số hoá mạnh mẽ trên phạm vi xã hội và cộng đồng DN, cần nhanh chóng nâng cao kỹ năng của người lao động, cần có một chương trình cụ thể về đào tạo doanh nhân để nâng cấp, chuẩn hoá, quốc tế hoá DN đặc biệt là với các DN nhỏ và vừa. Nâng cao chất lượng tích hợp Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Hệ thống thông tin Quốc gia.

Bảy là, phát huy tốt hơn vai trò “cầu nối” của các Hiệp hội DN, Hiệp hội ngành nghề để các chính sách của tỉnh lan tỏa đến các DN. Đồng thời để nhanh chóng, kịp thời nắm bắt các khó khăn của DN, tìm giải pháp tháo gỡ. Thường xuyên đổi mới phong cách làm việc của từng cán bộ công chức, từng đơn vị và phương pháp đánh giá chất lượng cán bộ công chức; thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương công chức trong thực thi công vụ [i]./.


[i] Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2019. Trong đó, Hải Dương có một số lĩnh vực của tỉnh giảm hạng sâu so với năm 2018 là: Công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL (giảm 30 bậc); Hiện đại hóa hành chính (giảm 24 bậc); Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (giảm 14 bậc); Tác động của cải cách hành chính đến sự hài lòng của người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (giảm 20 bậc).


[i] Đơn cử như: Triển khai đề án Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020 được ban hành theo Quyết định số 2556/QĐ-UBND ngày 20/9/2016 của UBND tỉnh; Ban hành Quyết định 2894/QĐ-UBND, ngày 18/10/ 2016 về thành lập Tổ công tác PCI tỉnh Hải Dương thực hiện Đề án “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Hải Dương”; Thông báo số 907-TB/TU ngày 07/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2017, nhiệm vụ năm 2018; Kế hoạch hành động  số 893/KH-UBND ngày 25/3/2019 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2019 và định hướng đến năm 2021 của tỉnh Hải Dương; Tháng 10/2019 UBND tỉnh đã triển khai  “Nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp tỉnh – LGSP và Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Hải Dương” với kỳ vọng sẽ là công vụ hướng đến cải thiện chỉ số PCI và chỉ số ICT Index của Tỉnh (hiện nay đã cung cấp 1.706 dịch vụ công mức độ 3 và và 134 dịch vụ công mức độ 4. Trong đó,  cấp tỉnh là 1.450, cấp huyện là 279, cấp xã là 111 thủ tục. Theo đánh giá xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ TT&TT - Chỉ số ICT index, năm 2019 tỉnh Hải Dương xếp thứ 19/63 tỉnh/thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2018); Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 21/01/2020 về việc ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác sử dụng Hệ thống Một cửa điện tử liên thông và cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Hải Dương…

[ii] Bên cạnh sự nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, các nội dung cải cách khác cũng được quan tâm và cải thiện khá đồng bộ. Cụ thể: kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của các bộ và các tỉnh, TP. Hải Dương xếp thứ 33/63 tỉnh, TP trực thuộc TW (tăng 8 bậc so với năm 2018).Trong đó, nhóm lĩnh vực tăng hạng cao là: Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xếp thứ 25/63 (tăng 28 bậc); Chỉ đạo điều hành cải cách hành chính, xếp thứ 45/63 (tăng 18 bậc); Cải cách tài chính công, xếp thứ 3/63 (tăng 9 bậc); Cải cách thủ tục hành chính, xếp thứ 52/63 (tăng 6 bậc). Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, Hải Dương xếp thứ 5/63 tỉnh, TP trực thuộc TW (giữ nguyên vị trí như năm 2018).


* Năm bắt đầu điều tra, đánh giá


[i]Dự án hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (do cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID, tài trợ).

[ii] Lần đầu tiên được công bố vào năm 2005, PCI có 8 chỉ số thành phần; Năm 2009, phương pháp luận PCI được điều chỉnh lên 9 chỉ số thành phần. Đến nay, Chỉ số PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi của chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Việt Nam thông qua 10 lĩnh vực có tác động tới sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, một tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt khi có: 1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) Môi trường kinh doanh minh bạch với thông tin từ các cơ quan nhà nước công khai, dễ tiếp cận đối với các DN; 4) Việc thực hiện các quy định pháp luật, thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận lợi, cùng với gánh nặng thanh tra, kiểm tra giảm thiểu; 5) Chi phí không chính thức thấp; 6) Môi trường kinh doanh bình đẳng; 7) Chính quyền tỉnh, thành phố năng động, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề cho DN và công tác chỉ đạo điều hành có hiệu quả, hiệu lực thực thi cao; 9) Chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu sử dụng của DN; và 10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh, trật tự cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN được duy trì.

[iii] Năm 2005 thí điểm điều tra PCI tại 45 tỉnh, thành phố mới chỉ có sự tham gia của 1.957 DN. Năm 2019, số lượng trả lời điều tra PCI đã lên đến con số kỷ lục là 12.429 doanh nghiệp (trong đó có 10.846 DN dân doanh và 1.583 DN FDI). Tính tổng toàn bộ 15 năm tiến hành điều tra PCI, đã có 141.011 DN, bao gồm 125.162 DN dân doanh và 15.849 DN FDI tham gia trả lời phiếu khảo sát. Nếu tính một cách đơn giản trên số 760 nghìn DN đang hoạt động tại Việt Nam vào cuối năm 2019, thì trung bình cứ 5 DN đã có 1 DN từng phản ánh tiếng nói, nguyện vọng của mình qua điều tra PCI.

[iv] https://www.vcci.com.vn/pci-phan-anh-chat-luong-dieu-hanh-kinh-te-cua-chinh-quyen-dia-phuong

[v] Nguồn: tổng hợp từ Báo cáo CPI năm 2019 do VCCI và USAID công bố

Các tin mới hơn
QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG TA VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ NỮ(22/11/2023)
Chủ động nhận diện những luận điệu xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh(15/11/2023)
Vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong giảng dạy môn học Quản lý hành chính nhà nước tại trường Chính trị tỉnh Hải Dương(15/11/2023)
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, TỔNG KẾT THỰC TIỄN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHUẨN(13/11/2023)
Một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã của tỉnh Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại(11/11/2023)
Các tin cũ hơn
Ý nghĩa lịch sử ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975(08/05/2020)
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tiếp tục chăm lo giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ (08/05/2020)
Ý nghĩa chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm ngày 7/5/1954(08/05/2020)
Chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông năm 1947, chiến thắng lớn của Việt Nam trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp(18/04/2020)
Vai trò của đạo đức công vụ đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước (06/04/2020)
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
Bộ CHQS tỉnh Hải Dương Bảo Tàng tỉnh Hải Dương
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín