NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG NGÀY TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH HẢI DƯƠNG (27/7/1963-27/7/2023) VÀ PHẤN ĐẤU XÂY DỰNG TRƯỜNG ĐẠT CHUẨN VÀO NĂM 2025!
Nghiên cứu trao đổi
HIẾN PHÁP 1946 - VAI TRÒ ĐỐI VỚI NHÀ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Tóm tắt

Hiến pháp 1946 gồm lời nói đầu, 7 chương với 70 điều Trong đó Hiến pháp ghi nhận thành quả của Cách mạng tháng Tám “giành lại chủ quyền cho đất nước tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa”. Lời nói đầu cũng nêu rõ: “Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo đảm lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”.Hiến pháp năm 1946 ra đời trong bối cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, đặc biệt trước nguy cơ của cuộc chiến bảo vệ độc lập dân tộc trước sự xâm lược của thực dân Pháp đang đến gần. Để củng cố tính hợp hiến và tăng cường sự lãnh đạo của Nhà nước Dân chủ Cộng hòa trước những yêu cầu cấp bách của lịch sử, ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp 1946 đã được thông qua tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I. Trong thời gian tồn tại, Hiến pháp 1946 đã đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc xây dựng và củng cố chính quyền trong công cuộc bảo vệ tổ quốc và kiến thiết đất nước.

1. Đặt vấn đề

Ngày 9/11/1946, Quốc hội khóa I tại kỳ họp thứ hai đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp 1946. Đây là bản Hiến pháp được soạn thảo và thông qua trong một thời gian rất ngắn sau khi nước nhà giành được độc lập năm 1945, trong điều kiện còn muôn vàn khó khăn như thù trong, giặc ngoài và nhất là nguy cơ đang đến gần về một cuộc chiến không thể tránh khỏi với thực dân Pháp để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Mặc dù vậy, Hiến pháp 1946 vẫn hội tụ đầy đủ các yếu tố của một bản Hiến pháp tiêu biểu không kém bất cứ bản hiến pháp nào trên thế giới. Có thể nói Hiến pháp 1946 là một văn bản có sứ mệnh xác lập chế độ mới thay thế chế độ cũ. Hiến pháp 1946 vừa là văn bản pháp lý của Nhà nước, vừa là bản khế ước thể hiện ý chí, khát vọng chung của nhân dân về bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo toàn lãnh thổ, đoàn kết toàn dân, bảo đảm các quyền tự do dân chủ và xây dựng chính quyền nhân dân mạnh mẽ, sáng suốt. Đây cũng chính là vị trí, vai trò của Hiến pháp 1946 trong đời sống xã hội nói chung, trong hoạt động quản lý Nhà nước nói riêng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình lịch sử cụ thể.

2. Vai trò của Hiến pháp 1946

2.1. Hiến pháp năm 1946 xác lập tính hợp pháp của Nhà nước

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 dẫn tới sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Đó là một nhà nước kiểu mới, đại diện cho quốc gia, dân tộc, khởi đầu cho quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Để xây dựng nhà nước độc lập, tự chủ, dân chủ cộng hòa, ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chỉ thị, sắc lệnh quan trọng. Đặc biệt, ngày 9/11/1946, Quốc hội khóa I thông qua bản Hiến pháp đầu tiên - Hiến pháp 1946 - đã khẳng định những tư tưởng cơ bản của nhà nước mới. Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định thành quả thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945, xác lập và khẳng định tính hợp pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, phát triển cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ngày 27/10/1946, Pháp đã ban hành Hiến pháp chế độ Cộng hòa IV, trong Chương VIII từ Điều 60 đến Điều 82 khẳng định “duy trì thuộc địa trước đây như một Liên hiệp Pháp”. Tình hình đó đã đặt Việt Nam đứng trước hai sự lựa chọn: hoặc là trở thành một thành viên của Liên hiệp Pháp như Hiến pháp chế độ Cộng hòa IV của Pháp quy định, hoặc là khôi phục lại nền độc lập hoàn toàn như đã ghi trong Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam, “cho nên Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam phản ánh tương quan lực lượng giữa Việt Nam và Pháp từ sau Tuyên ngôn độc lập”[1]. Sự ra đời của Hiến pháp 1946 có ý nghĩa xác lập tính hợp pháp, sự vững vàng của một Nhà nước về mặt đối nội và đối ngoại. Đây là văn bản có tính cơ sở pháp lý để chuyển chính quyền đã giành được bằng hành động cách mạng thực tiễn của nhân dân ta thành chính quyền hợp pháp, vừa làm thất bại âm mưu của thù trong và giặc ngoài, vừa củng cố được chính quyền nhân dân.

Đánh giá về Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do,…[2]. Như vậy, ngay sau khi Nhà nước được thành lập, nước ta đã kịp thời xây dựng một hệ thống quy định những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Hiến pháp góp phần xác lập tính hợp pháp của Nhà nước Việt Nam trên bình diện quốc gia và quốc tế. Đối với đất nước, trong những ngày đầu xây dựng bộ máy chính quyền và hệ thống pháp luật mới, đạo luật cơ bản này có một ý nghĩa hết sức lớn lao.

2.2. Hiến pháp 1946 khẳng định bản chất dân chủ của Nhà nước Việt Nam

Nội dung cơ bản của Hiến pháp là vấn đề tổ chức quyền lực nhà nước, tổ chức bộ máy nhà nước và ghi nhận các quyền tự do dân chủ của công dân. Nhận thấy tầm quan trọng trong việc khẳng định quyền tự do, dân chủ, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa (9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách mà Chính phủ cần phải thực hiện. Một trong sáu nhiệm vụ đó là xây dựng Hiến pháp bởi vì “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ[3].

Hiến pháp 1946 đã quy định về thể chế dân chủ cộng hoà, một chế độ trong đó quyền lực thuộc về nhân dân, đảm bảo quyền bình đẳng, dân chủ tự do cho mọi công dân. Hiến pháp 1946 là công cụ pháp luật cơ bản để xây dựng chế độ chính trị dân chủ cộng hòa, thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về chính quyền của dân. Chương I (từ Điều 1 đến Điều 3) quy định về chính thể, theo đó Việt Nam  là một nước dân chủ cộng hòa, thống nhất, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, quốc kỳ lả cờ đỏ sao vàng, quốc ca là bài Tiến quân ca, thủ đô đặt ở Hà Nội, khẳng định chủ quyền nhân dân và chính quyền dân chủ với nguyên tắc: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa” và “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Ngoài ra, Hiến pháp còn dành toàn bộ Chương II (từ Điều 4 đến Điều 21) quy định về quyền và nghĩa vụ công dân, ghi nhận quyền bình đẳng trên tất cả các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hôi; bình đẳng giữa nam vả nữ; bình đẳng trước pháp luật; quyền được tham gia chính quyền và công việc kiến quốc tùy theo tài đức; quyền tự do ngôn luận, hội họp, cư trú, đi lại, tín ngưỡng; quyền bầu cử, bãi miễn, phúc quyết; quyền đảm bảo thân thể, nhà ở, thư tín...; nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Tính chất ưu việt của chế độ mới không chỉ ghi trong các sắc lệnh và Hiến pháp mà sớm được thực thi trong thực tế ngay trong năm đầu của chế độ dân chủ cộng hoà trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, tài chính, văn hoá, giáo dục... Mọi hoạt động của Chính phủ đều nhằm vào lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, tự do, nhằm mang lại quyền lợi thực tế cho nhân dân ngay trong điều kiện đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn. Quyền dân tộc gắn liền với quyền dân chủ, tự do, công bằng xã hội là một động lực lớn của sự phát triển đất nước, có giá trị trường tồn.

2.3. Hiến pháp 1946 đặt ra những nguyên tắc cho việc tổ chức bộ máy Nhà nước dân chủ cộng hòa

Trong Hiến pháp 1946, hệ thống bộ máy nhà nước dân chủ cộng hòa Việt Nam được quy định cụ thể ở Chương III (từ Điều 22 đến Điều 42) quy định về Nghị viện nhân dân (Quốc hội), theo đó, cơ quan lập pháp tối cao là Nghị viện nhân dân gồm các Nghị viện được nhân dân trực tiếp bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng và bỏ phiếu kín. Nghị viện nhân dân chỉ gồm một viên, là “cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Công hòa”: quyết định những vấn đề chung quan trọng nhất của đất nước, đặt ra luật pháp biểu quyết ngân sách, bầu và giám sát hoạt động của Chính phủ…Chương này cũng quy anh cơ cấu, hoạt đông của Nghị viện nhân dân; quyền và nghĩa vụ của các nghị viên.Chương IV (từ Điều 43 đến Điều 56) quy định về Chính phủ, theo đó, “Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất” của quốc gia, gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, các bộ trưởng và thứ trưởng. Chính phủ được lập ra và chịu trách nhiệm trước Nghị viện. Chương này còn quy định chi tiết cơ cấu, thẩm quyền và phương thức hoạt động của chính phủ, Chương V (từ Điều 57 đến Điều 62) quy định về hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương do nhân dân địa phương trực tiếp bầu ra và phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Ủy ban hành chính là cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, thực hiện những quyết định của hội đồng nhân dân và các cơ quan nhà nước cấp trên. Chương này còn quy định về cơ cấu đơn vị hành chính lãnh thổ Việt Nam, Chương VI (từ Điều 63 đến Điều 69) quy định về cơ quan tư pháp, theo đó, tòa án được chia thành 4 cấp, có trách nhiệm xét xử các vụ án hình sự và dân sự. Khi xét xử thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật. Xét xử các vụ án hình sự, phải có phụ thẩm nhân dân tham gia. Thẩm phán do Chính phủ bổ nhiệm. Bị cáo được quyền tự bào chữa, mượn luật sư, dùng tiếng nói riêng và không bị ngược đãi.

Hiến pháp năm 1946 quy định chính thể của Nhà nước ta là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo hình thức này, Nghị viện nhân dân (Quốc hội) là cơ quan Nhà nước cao nhất, còn Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc do Chủ tịch nước là người được chọn trong Nghị viện nhân dân đứng đầu. Chế định về vai trò của Chủ tịch nước đồng thời là người trực tiếp điều hành Chính phủ là một đặc trưng tiêu biểu về tổ chức nhà nước Việt Nam được thực thi ngay trong năm đầu của chế độ cộng hoà và tiếp tục những năm kháng chiến về sau. Để có thể lãnh đạo và điều hành đất nước trong tình thế thù trong, giặc ngoài thì cần phải có một Chính phủ đủ mạnh, có thực quyền. Hiến pháp 1946 đã trao cho Chủ tịch nước rất nhiều quyền hạn. Với uy tín của Hồ Chí Minh, Người đã được Nghị viện tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước. Trở thành người lãnh đạo hợp pháp với những quyền hạn được trao theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ dân tộc, dân chủ trong các giai đoạn lịch sử sau này.

Trong tình hình đất nước chuẩn bị bước vào cuộc chiến toàn quốc chống thực dân Pháp, Quốc hội đã ra quyết định trong điều kiện chưa thi hành được Hiến pháp thì Chính phủ phải dựa vào những nguyên tắc đã quy định trong Hiến pháp để ban hành các sắc luật. Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Do hoàn cảnh chiến tranh mà Hiến pháp 1946 không được chính thức công bố, việc tổ chức tổng tuyển cử bầu Nghị viện nhân dân không có điều kiện thực hiện. Tuy nhiên Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Ban thường vụ Quốc hội luôn luôn dựa vào tinh thần và nội dung của Hiến pháp 1946 để điều hành mọi hoạt động của Nhà nước.

Hiến pháp 1946 được xây dựng phù hợp với tình hình đất nước lúc bấy giờ. Nội dung Hiến pháp trước hết nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng. Mặc dù trong Hiến pháp 1946 chưa có điều khoản nào nói đến sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương nhưng toàn bộ nội dung của nó đã thể hiện đường lối, chủ trương, sách lược của Đảng trong thời kỳ lịch sử này. Sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và đối với xã hội trong giai đoạn này và các giai đoạn lịch sử sau này là một tất yếu lịch sử khách quan. Điều này không phải ngẫu nhiên, đó là thành quả đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ của toàn Đảng, toàn dân ta.

Xây dựng chế định về vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị của nền dân chủ cộng hoà Việt Nam được ghi trong Hiến pháp 1946 là một nét rất đặc sắc của thể chế chính trị dân tộc dân chủ Việt Nam. Sự kết hợp chặt chẽ và phát huy đúng vai trò, quyền hạn của từng tổ chức trong tổ chức bộ máy Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ý nghĩa quyết định đối với việc phát huy sức mạnh của dân tộc, của chế độ mới để thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc.

3. Kết luận

Hiến pháp 1946 là văn kiện mang tính nền tảng cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Mục tiêu chiến lược của Hiến pháp là hoàn thành độc lập dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ nhân dân, chuẩn bị tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp đầu tiên của nước ta, là một bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém một bản hiến pháp nào trên thế giới. Nó là bản hiến pháp mẫu mực trên nhiều phương diện.

Hiến pháp 1946 được đánh giá là văn bản chính trị mang tính pháp lý đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, là bản Hiến pháp dân chủ và tiến bộ nhất ở Đông Nam Á thời bấy giờ. Nó ghi nhận thành quả vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc và thống nhất lãnh thổ. Hiến pháp 1946 đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản của Nhà nước và nhân dân ta trong giai đoạn trước mắt, chỉ rõ những đường lối thực hiện nhiệm vụ ấy. Đồng thời, nó đặt nền móng cho một bộ máy nhà nước kiểu mới - nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hiến pháp 1946 còn công nhận, đảm bảo quyền dân chủ thiêng liêng của công dân, phù hợp với tình hình, đặc điểm cách mạng khẳng định tính hợp pháp của chính quyền giành được bằng sức mạnh đấu tranh của quần chúng sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám, đồng thời xác lập và khẳng định về thể chế chính trị, các nguyên tắc căn bản về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những giá trị của bản Hiến pháp 1946 đã được kế thừa và phát triển trong các Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013.

Th.s Hoàng Thị Chung

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. AIKYO T. INAKO (1993), Nghiên cứu hệ thống pháp luật Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 145 - 146.

2.Vũ Hồng Anh (2003), “Vai trò của hiến pháp đối với việc phát huy dân chủ, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, Tạp chí Luật học, số 3, tr.3-9.

3. Trần Mộng Lang (sưu tầm và giới thiệu) (2002), Hiến pháp Việt Nam: từ năm 1946 đến năm 2001, Nxb. Tp. HCM.

4. Nguyễn Tư Long (2010), “Vị trí, vai trò của hiến pháp và các đạo luật trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 21(182), tr. 19-25.

5.Hồ Chí Minh (1980), Tuyển tập, Tập 1, Nxb. Sự thật, Hà Nội.

6.Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

7. Bùi Ngọc Sơn (2009), “Chủ nghĩa hợp hiến ở Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 11, tr. 12 - 24.

8. Phan Đăng Thanh - Trương Thị Hòa (2013), Lược sử lập hiến Việt Nam, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh.

9. Bùi Anh Thủy (2012), “Vai trò của hiến pháp và việc tổng kết thực thi hiến pháp của nước ta”, Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, số 6(56), tr. 43-48.

10.  Văn phòng Quốc hội (1998), Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

 



[1] AIKYO T. INAKO (1993), Nghiên cứu hệ thống pháp luật Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 145 – 146.

[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 491.

[3] Hồ Chí Minh Tuyển tập (1980), Tập 1, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr. 356.

Các tin mới hơn
QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG TA VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ NỮ(22/11/2023)
Chủ động nhận diện những luận điệu xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh(15/11/2023)
Vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong giảng dạy môn học Quản lý hành chính nhà nước tại trường Chính trị tỉnh Hải Dương(15/11/2023)
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, TỔNG KẾT THỰC TIỄN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHUẨN(13/11/2023)
Một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã của tỉnh Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại(11/11/2023)
Các tin cũ hơn
BÀN VỀ VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG Ở ĐƠN VỊ CƠ SỞ(04/12/2020)
CÔNG TÁC GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN XÃ HỘI CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ CÁC ĐOÀN THỂ CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI QUA NGHIÊN CỨU THỰC TẾ Ở HUYỆN THANH MIỆN(04/12/2020)
NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA ĐIỀU LỆ CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM KHÓA XII(01/12/2020)
CUỘC VẬN ĐỘNG “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI VÀ ĐÔ THỊ VĂN MINH” - HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY.(18/11/2020)
“Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”(05/11/2020)
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
Bộ CHQS tỉnh Hải Dương Bảo Tàng tỉnh Hải Dương
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín