Việc đưa câu hỏi trắc nghiệm và
bài tập tình huống vào giảng dạy đối với môn Nhà nước và pháp luật và môn quản
lý hành chính nhà nước thực sự là việc làm cần thiết. Nó giúp phát huy tinh
thần chủ động tư duy của học viên để nắm bắt kiến thức ngay ở trên lớp, tạo
tiền đề cho việc tự học, tự tìm hiểu và tự nghiên cứu sâu hơn. Học viên
tham gia chủ động vào giờ học, thấy hứng thú và thực sự cảm nhận ý nghĩa của
mỗi giờ đến lớp. Qua việc trả lời câu hỏi trắc nghiệm, bài tập tình huống,
giảng viên củng cố lại kiến thức, kịp thời uốn nắn tư duy chưa đúng và
nhận thức lệch chuẩn nếu có của học viên.
Do đặc thù các chuyên đề thuộc hai bộ
môn do khoa Nhà nước và pháp luật đảm nhận thường khô khan nhiều khái niệm
chuyên môn khó hiểu. Hầu hết các bài học đều mang tính lý luận và trừu tượng dựa
trên quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Thực tế đòi hỏi cần biến
cách học thụ động, im lặng, nghe giảng, ghi chép và độc thoại từ phía giảng
viên thành cách học chủ động, tự giác. Khi kết thúc khóa học, học viên có thể
giải quyết được các vấn đề ở cơ sở đặt ra trong lĩnh vực luật pháp.
Trong bài viết này, chúng tôi muốn
chia sẻ về một số nội dung liên quan đến kỹ năng xây dựng câu hỏi trắc nghiệm
và tình huống giảng dạy môn Nhà nước và pháp luật, môn quản lý hành chính nhà
nước. Cụ thể:
1.
Giảng viên cần xây dựng câu
hỏi trắc nghiệm và bài tập tình huống cho phù hợp.
Trước hết cần
chọn nội dung để xây dựng. Trong từng bài có nhiều nội dung, nhưng tập trung
vào vấn đề chính, trọng tâm. Từng bài đều xác định rõ mục đích, yêu cầu và nội
dung trọng tâm. Việc đưa các câu hỏi trắc nghiệm hay bài tập tình huống nên đưa
ngay vào sau mỗi phần nội dung trọng tâm để đánh giá việc nhận thức vấn đề của
nội dung trọng tâm đó. Khi tiến hành cần dành khoảng thời gian nhất định cho
học viên nghiên cứu, thảo luận. Việc nghiên cứu các nội dung lý luận yêu cầu
học viên tự đọc trước khi lên lớp. Giảng viên cần hướng dẫn học viên cách phân
tích các tình tiết, tìm ra đặc thù các quan hệ được mô tả trong tình tiết để
xác định ngành luật điều chỉnh. Tiếp đến, cần xác định quy phạm pháp luật được
vận dụng để giải quyết. Trên cơ sở đó đưa ra các phương án giải quyết và lựa
chọn phương án tối ưu. Ở mỗi bước giải quyết các tình huống giảng viên cần gợi
mở vấn đề thông qua việc đặt các câu hỏi. Các câu hỏi đưa ra phải từ dễ đến
khó, từ những tình tiết riêng lẻ đến sâu chuỗi các tình tiết. Tất cả các học
viên đều có thể tham gia, phương án tối ưu được lựa chọn là thuyết phục.
- Đối với
việc xây dựng các câu hỏi trắc nghiệm.
Có nhiều cách xây dựng câu hỏi khác nhau như xây dựng câu hỏi trắc nghiệm
Đúng/Sai, câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, câu hỏi trắc nghiệm điền khuyết,
câu hỏi trắc nghiệm ghép đôi. Tuy nhiên, với đặc thù đối tượng học viên và nội
dung giảng dạy lý luận, nhất là giảng dạy lý luận về luật pháp, nên xây dựng
câu hỏi trắc nghiệm theo cách trắc nghiệm Đúng/Sai tức là đưa ra một nhận
định, học viên phải lựa chọn một trong hai phương án trả lời để khẳng định nhận
định đó là đúng hay sai và có yêu cầu giải thích. Việc giải thích này để
xác định câu trả lời là có cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý, việc chọn câu trả lời
Đúng/Sai không phải cảm tính, ngẫu nhiên, may mắn.
Có thể sử
dụng câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Với câu hỏi dạng này có hai
phần, phần đầu được gọi là phần dẫn, nêu ra vấn đề, cung cấp thông tin cần
thiết hoặc nêu một câu hỏi; phần sau là phương án để chọn, thường được đánh dấu
bằng các chữ cái A, B, C, D, …. hoặc các con số 1, 2, 3, 4, … Trong các phương
án đã chọn chỉ có duy nhất một phương án đúng hoặc một phương án đúng nhất còn
các phương án khác được đưa vào với tác dụng gây nhiễu. Do vậy khi các câu lựa
chọn được chuẩn bị tốt thì một người không có kiến thức chắc chắn về vấn đề đó
sẽ không thể nhận biết được trong tất cả các phương án đã chọn đâu là phương án
đúng, đâu là phương án nhiễu, chưa đúng.
- Đối với
cách xây dựng bài tập tình huống. Yêu
cầu đối với tình huống đưa ra phải là tình huống được mô tả sát thực tế, sát
yêu cầu giải quyết và trong khả năng hiểu biết để học viên với trình độ thực tế
có thể giải quyết được. Các tình tiết đưa ra phải lôgic, chặt chẽ. Các
tình huống đưa ra phải liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công
chức, thẩm quyền của chính quyền cơ sở.
2. Như vậy, để
thực hiện các kỹ năng trên giảng viên cần quan tâm một số vấn đề sau:
Một là, các
giảng viên cần nắm chắc các vấn đề lý luận, am hiểu thực tế. Do vậy, giảng viên
cần nghiên cứu sâu, thường xuyên cập nhật kiến thức và văn bản pháp lý để đảm
bảo xây dựng các câu hỏi trắc nghiệm cũng như tình huống được phù hợp.
Hai là, giảng
viên cần được cung cấp và chủ động tiếp cận hệ thống tài liệu, cập nhật kịp
thời những văn bản pháp lý vốn thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, nhất là
những hướng dẫn chuyên môn của ngành, của tỉnh, trên các lĩnh vực, đặc biệt là
áp dụng cho cấp cơ sở.
Ba là, kiến nghị nhà trường có thể áp dụng hình thức thi trắc
nghiệm hoặc bài tập tình huống đối với các môn học thuộc khoa Nhà nước và pháp
luật trong thời gian tới. Vừa tiết kiệm thời gian, vừa giúp học viên có được
phông kiến thức pháp lý sâu, rộng, mang lại hiệu quả cao hơn.
Trên đây là một số biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả giảng dạy các
môn học thuộc khoa Nhà nước và pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo,
bồi dưỡng của nhà trường đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.