na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Tin trong nước, Quốc tế
Ký kết FTA lớn nhất thế giới
28/11/2020 09:54:21

Là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ mở ra nhiều cho hội lớn cho Việt Nam.

Hiệp định RCEP đã chính thức được ký kết ngày 15/11 trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội. Đây là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới giữa ASEAN và các đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

RCEP gồm các quốc gia ASEAN và 5 nước đối tác

Hiệp định được chính thức đàm phán từ năm 2012 giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác đối thoại gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, New Zealand, Australia và Ấn Độ. Cuối năm 2019, Ấn Độ rút khỏi RCEP, các quốc gia còn lại vẫn tiếp tục quá trình đàm phán và ký kết hiệp định. Mặc dù vậy, trong bản tuyên bố chung hôm 15/11, đại diện của các nước thành viên khẳng định, RCEP để mở sự gia nhập của Ấn Độ kể từ ngày hiệp định có hiệu lực.

RCEP có 20 chương, bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại tự do trước đây giữa ASEAN và các nước đối tác. Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, RCEP còn bao gồm các chương về sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác kinh tế, kỹ thuật và mua sắm của chính phủ.

RCEP sẽ chính thức có hiệu lực khi ít nhất 6 quốc gia thành viên ASEAN và 3 nước đối tác gửi văn kiện phê chuẩn tới cơ quan lưu chiểu theo quy định của hiệp định. 

Nhìn chung, việc ký kết RCEP đánh dấu mốc quan trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và các nước thành viên. RCEP sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, cùng GDP xấp xỉ 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

Theo Bộ Công Thương, với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực.

Bên cạnh đó, RCEP cũng tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp..., góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực.

Đặc biệt, với các khung khổ hợp tác mới được đưa ra trong Hiệp định RCEP cùng với các hiệp định thương mại tự do trước đây, Việt Nam cùng một số nước ASEAN đang trở thành một điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế.

Doanh nghiệp mặc dù được dự báo sẽ có lợi thế trong RCEP nhưng cũng phải sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống cạnh tranh mới. Bởi, RECP tạo sức ép cạnh tranh hàng hoá. Sức ép này không chỉ diễn ra trên thị trường xuất khẩu, mà cả thị trường nội địa. Nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh mạnh hơn. Trong khi đó, chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của nhiều sản phẩm Việt còn khiêm tốn. Ngoài ra, hàng hoá Việt vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các nguồn nhập khẩu, trong khi khả năng năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị, mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu còn khiêm tốn./.

Nguồn: Kinh tế và Dự báo