17/6/2020
Th.s: Nguyễn Toàn Thắng
Khoa Nhà nước và pháp luật
Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 thì “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình
cho người khác sau khi chết.” Bên cạnh đó Điều 627 quy định về hình thức của
di chúc đã ghi nhận: “Di chúc phải được lập
thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc
miệng”.
Như vậy theo quy định hiện nay của Bộ luật Dân sự 2015 thì Di chúc ngoài
việc lập thông qua bằng văn bản thì Di chúc có thể bằng miệng. Tuy nhiên trên
thực tế hiện nay Di chúc bằng miệng được diễn ra như thế nào để đáp ứng được điều
kiện dẫn đến tính hiệu lực của Di chúc luôn là vấn đề nhiều người quan tâm..
Di chúc bằng miệng được lập trong những trường hợp đặc biệt chứ không được
lập một cách tự do trong mọi trường hợp. Cụ thể, Điều 629 quy định về Di chúc
miệng như sau:
“1. Trường hợp tính mạng một người bị
cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di
chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng
mặc nhiên bị hủy bỏ”
Nhìn vào quy định này thì trên thực tế một người muốn lập di chúc miệng
thì trong trường hợp tính mạng người đó đang bị đe dọa và “không thể” và “không
có thời gian” để lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc bằng miệng.
Theo đó việc lập di chúc miệng cũng sẽ mặc nhiên bị hủy bỏ nếu như sau 3 tháng
người Di chúc miệng còn sống và minh mẫn, sáng suốt. Từ quy định này nhìn vào
thực tế chúng ta thấy rằng việc lập di chúc miệng trên thực tế diễn ra khá phổ
biến nhưng do nhận thức còn hạn chế của người dân về quy định của pháp luật
liên quan đến Di chúc miệng mà hầu hết Di chúc miệng đều không đáp ứng được yêu
cầu theo quy định. Từ đó mặc dù Di chúc miệng thể hiện ý chí của người lập di
chúc nhưng sau khi người đó chết đi thì Di chúc miệng đó không được thực hiện
trên thực tế vì không đáp ứng theo yêu cầu của pháp luật.
Ví dụ: Thực tế có nhiều gia đình
trong các buổi tập trung đông đủ con cái bố mẹ luôn nói bằng miệng cho tất cả
các con về việc định đoạt tài sản sau khi chết đi như: Sau khi bố mẹ chết đi
căn nhà này cho anh trai cả hay sau khi bố mẹ chết đi căn nhà này sẽ cho con
trai út...
Mặc dù bản chất đó chính là Di chúc miệng
nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu theo quy định của pháp luật đó là “tính mạng
bị đe dọa” và “không được lập thành văn bản ngay sau đó”. Vì thế sau khi bố mẹ
chết đi nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp yêu cầu chia di sản thừa kế theo quy
định của pháp luật vì Di chúc miệng bị “vô hiệu”, và đó cũng là lý do gây mất
đòan kết của nhiều gia đình hiện nay.
Bên cạnh đó, Di chúc được coi là hợp pháp
khi đáp ứng được yêu cầu theo quy định tại khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015
như sau: “Di chúc miệng được coi là hợp
pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất
hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối
cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn
05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì
di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận
chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”
Bản chất của Di chúc miệng là việc định
đoạt tài sản sau khi chết đi của người để lại di sản bằng lời nói, tuy nhiên “lời
nói gió bay” nên pháp luật quy định về việc lập thành văn bản ngay sau đó của
những người chứng kiến (ít nhất 2 người)
khi “nghe” người để lại di sản nói. Sau khi người làm chứng ghi chép lại
nội dung thì cần ký tên điểm chỉ vào văn bản và bắt buộc phải có xác nhận hay
công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như: Ủy ban nhân dân
xã, phường thị trấn; Tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan ngoại giao...trong
thời hạn 05 ngày làm việc. Bên cạnh đó, người làm chứng phải là người không
liên quan đến nội dung di chúc miệng để nội dung di chúc được khách quan và đảm
bảo đúng tinh thần, ý chí của người để lại di sản. Người làm chứng phải là người
không có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan, có nghĩa người là chứng không thể
là người được hưởng di sản thừa kế.
Như vậy, chúng ta thấy rằng việc lâp
di chúc là cần thiết và bên cạnh di chúc bằng văn bản được khuyến khích thực hiện
thì trong một số trường hợp đặc biệt người để lại di sản có thể di chúc miệng.
Tuy nhiên việc di chúc miệng rất hạn chế và khi di chúc miệng cũng cần đáp ứng
đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để tránh trường hợp bị vô hiệu ảnh
hưởng đến ý chí nguyện vọng của người để lại di sản cũng như quyền lợi của người
được hưởng di sản thừa kế.