Thực hiện kế hoạch công tác năm 2020, ngày 28/10/2020, Khoa lý luận cơ sở tổ chức đi nghiên cứu thực tế tại xã Cẩm Đoài – Cẩm Giàng – Hải Dương.
Tham gia đoàn nghiên cứu có Đ/c trưởng đoàn Phạm Xuân Thiên trưởng khoa Lý luận cơ sở cùng các đồng chí giảng viên trong khoa đã đến và trao đổi với lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Cẩm Đoài.Nội dung tọa đàm, tìm hiểu về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương, các vấn đề về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các mô hình kinh tế hộ, doanh nghiệp nhỏ trong xã điển hình… Đặc biệt việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, những thuận lợi, khó khăn và phương hướng trong phát triển kinh tế của địa phương sau ảnh hưởng dịch covid.
Về dự buổi tọa đàm, đại diện địa phương có Đ/c Phạm Đình Quảng bí thư Đảng Uỷ, đ/c Nguyễn Văn Kiền phó bí thư thường trực cùng các đồng chí là trưởng các ban ngành, đoàn thể của xã. Đ/c Nguyễn Văn Kiền phó bí thư thường trực thay mặt địa phương báo cáo tình hình phát triển chung của xã.
Đc phạm đình quảng- bí thư đảng uỷ xã Cẩm Đoài phát biểu
Một số hình ảnh nghiên cứu thực tế của khoa
Cẩm Đoài thuộc phía đông nam của Huyện Cẩm Giàng, diện tích 462,15 ha với 4.821 nhân khẩu, là xã thuần nông, điều kiện cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi còn hạn chế. Tuy nhiên với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ chính quyền và nhân dân xã Cẩm Đoài đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, huy động tốt mọi nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp đột phá hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Báo cáo về phương hướng của địa phương nhiệm kỳ 2020-2025 thu ngân sách hàng năm trên 10% so với kế hoạch huyện giao, thu nhập bình quân đầu người đạt 85 triệu đồng/ người/năm, giảm 3/4 hộ nghèo. Phấn đấu tới năm 2025 đạt đô thị loại V, tầm nhìn 2030 xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Thay mặt lãnh đạo địa phương đ/c Phạm Đình Quảng đề nghị Trường Chính Trị tỉnh bên cạnh chương trình đào tạo chính về Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cần mở rộng thêm các lớp đào tạo tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ của địa phương như lớp về công tác quản lý ở cơ sở, các lớp về chuyên môn các đầu công việc của địa phương để cán bộ đi học về có thể áp dụng nhiều hơn nữa trong công việc của địa phương.
Sau khi nghe báo cáo của địa phương các đồng chí trong khoa trao đổi và thảo luận cùng các đồng chí lãnh đạo đại diện của địa phương để nắm rõ hơn về các vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhận thức hành động của cấp uỷ đảng, chính quyền, các chủ thể kinh tế và nhân dân trong khai thác tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường, những khó khăn trong một số tiêu chí của xây dựng nông thôn mới nâng cao…
Kết thúc buổi trao đổi tại ủy ban, đoàn công tác được các đồng chí lãnh đạo địa phương đưa đi thăm quan một số mô hình nuôi trồng thuỷ sản,trồng nấm, trồng cam … đã tạo được công việc và thu nhập ổn định cho nhân dân của địa phương.
Qua thời gian nghiên cứu thực tế các đồng chí cán bộ, giảng viên của đoàn đã thu nhận và bổ sung được rất nhiều kiến thức, những tình huống trong thực tiễn và cách thức giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Bổ sung các yếu tố thực tiễn lồng ghép vào các bài giảng của mỗi giảng viên./.
ThS. Lê Nga – Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở.