na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2025) VÀ 139 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886-01/5/2025)! 
Bảo vệ nền tảng tư tường
BÀI HỌC CHỚP THỜI CƠ TỪ CHIẾN THẮNG 30-4-1975 VÀ Ý NGHĨA CHO CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC HIỆN NAY
15/04/2025 09:29:34

Đúng nửa thế kỷ trước, trên đất nước ta đã diễn ra một sự kiện chấn động toàn cầu về ý nghĩa và tầm quan trọng của nó. Chiến thắng oanh liệt trong chiến dịch mang tên Bác “chiến dịch Hồ Chí Minh” - biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước, khí phách, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, đã kết thúc vẻ vang sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Thắng lợi của cuộc kháng chiến lùi vào quá khứ nhưng những bài học kinh nghiệm quý báu của chiến thắng vẫn hiện tồn, đặc biệt bài học về chớp thời cơ vẫn giữ nguyên giá trị, đang được Đảng ta vận dụng vào công cuộc xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Lạc bước hai xe đành bỏ phí, gặp thời một tốt cũng thành công”[1] để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của yếu tố thời cơ trong cách mạng. Nếu như trong thương mại thời cơ tạo ra lợi nhuận, thì trong chiến tranh thời cơ làm nên chiến thắng. Chớp thời cơ chính là nắm được thời điểm lịch sử thuận lợi, diễn ra tương đối ngắn, giúp ta chiếm ưu thế, đảm bảo cách mạng nổ ra và thắng lợi. Đại thắng mùa xuân năm 1975 là sự toàn thắng của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và thống nhất nước nhà. Để có được điều đó, Đảng đã tranh thủ các lợi thế từ bối cảnh trong và ngoài nước, tận dụng các điều kiện khách quan và chủ quan cả về phía ta và phía địch.

Về phía Mỹ: Cuộc chiến tranh của Mỹ tiến hành ở Việt Nam ngay từ đầu là hoàn toàn phi nghĩa. Người dân nước Mỹ ngày càng nhận ra bản chất của cuộc chiến tranh của Mỹ tiến hành ở Việt Nam, thấy được sự tàn khốc của cuộc chiến, sự tổn thất của chết chóc, thương vong thông qua các phương tiện truyền thông. Do đó, hàng loạt các phong trào phản đối cuộc chiến tranh, diễn ra khắp nước Mỹ như hành động tự thiêu của No - man mo ri -xơn, hay cuộc biểu tình của 250 nghìn người để phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam.... Bên cạnh đó, hàng loạt thất bại thảm hại của Mỹ trên các trận địa như Tết Mậu Thân 1968, Khe Sanh, đường 9 Nam Lào,...cũng buộc Mỹ phải xuống thang và đi đến kí kết hiệp định Pari, rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam.

Mặt khác, chính quyền nguỵ quân Sài Gòn được Mỹ hậu thuẫn đô la và vũ khí, dựng lên để chống phá cách mạng Việt Nam giai đoạn này cũng bộc lộ nhiều yếu kém. Sự chuyển giao quyền lực từ tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sang Trần văn Hương rồi sau đó là Dương Văn Minh cho thấy đội ngũ lãnh đạo của chính quyền Việt Nam Cộng hoà có sự khủng hoảng trầm trọng. Hơn nữa, trên chiến trường về mặt quân sự liên tiếp là các trận chiến thất bại. Sự thất bại liên tiếp trong các trận chiến từ Phước Long đến Ban Mê Thuột rồi sau đó là Huế, Đà Nẵng và Xuân Lộc buộc gần 1 triệu nguỵ quân phải rút chạy về Sài Gòn. Hàng loạt minh chứng đó cho thấy, trước khi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử diễn ra thì chính quyền nguỵ quân Sài Gòn đã rệu rã không còn khả năng kháng cự.

Về phía ta: Để giành thắng lợi trong cuộc chiến không cân sức giữa ta và đế quốc Mỹ, Đảng đã chỉ đạo lãnh đạo giành thắng lợi quyết định trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán buộc Mỹ phải ký Hiêp định Pari rút hết quân về nước ngày 21-7-1973, như lời khẳng định “Chúng ta buộc địch ký hiệp định Pari có nghĩa là ta mạnh hơn địch, đủ sức thắng cả Mỹ lẫn nguỵ”[2]. Đến cuối năm 1974, sau khi đánh giá tình hình tương quan giữa ta và địch, có những biến đổi có lợi cho ta, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp, kịp thời phân tích đánh giá tình hình mọi mặt và khẳng định: chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược, chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, để tiến tới hoà bình, thống nhất đất nước. Thực hiện quyết tâm chiến lược cơ bản giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, năm 1975 tạo tiền đề để năm 1976 tiến tới tổng khởi nghĩa. Bộ Chính trị còn dự kiến một phương án với tinh thần rất táo bạo, sẵn sàng nắm thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975. Bộ Chính trị nhận định: “Chúng ta đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở niềm Nam để tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc”[3].

Thời cơ cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân đã đến, cùng với những diễn biến có lợi mang lại cho ta, Đảng đã có chỉ đạo chiến lược kịp thời. Bộ Chính trị họp và quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975. Trên cơ sở chuẩn bị đầy đủ, cụ thể đảm bảo vật chất - kỹ thuật, kế hoạch tác chiến và nghi binh địch, cuộc tổng tiến công và nổi dạy mùa xuân 1975 mở đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên, tiến công thị xã Buôn Ma Thuột và giành thắng lợi lớn. Phối hợp với chiến trường Tây Nguyên, chiến dịch Huế và sau đó là chiến dịch Đà Nẵng được tiến hành. Căn cứ vào diễn biến nhanh chóng trên chiến trường, Bộ Chính trị bổ sung quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trước mùa mưa. Ngày 26-3 thành phố Huế được giải phóng, ngày 29-3 thành phố Đà Nẵng được giải phóng. Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam ngay trong tháng 4. Sau khi giải phóng Xuân Lộc, tất cả lực lượng của ta đã tập trung xung quanh cho Sài Gòn, chuẩn bị cho trận đánh lớn cuối cùng. Vào lúc 11h30 ngày 30-4-1975 lá cờ chiến thắng đã được cắm trên nóc dinh Độc Lập, chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh đã toàn thắng.

Một nửa thế kỷ đã đi qua nhưng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc; kết thúc cuộc chiến đấu 30 năm giải phóng, giành độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chấm dứt ách thống trị kéo dài hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta. Thắng lợi đó mãi ghi vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng sáng ngời về bản lĩnh, trí tuệ, chủ nghĩa anh hùng cách mạng con người Việt Nam.

Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước ta đang mở cửa hội nhập quốc tế, trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới và những diễn biến liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn diễn ra khá mạnh mẽ thì bài học chớp thời cơ trong chiến thắng năm 1975 vẫn còn nguyên giá trị, đang được Đảng và Nhà nước ta vận dụng sáng tạo trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Sự kết hợp giữa tinh gọn bộ máy trong nước và mở rộng hợp tác quốc tế đang tạo nên bức tranh toàn cảnh đầy triển vọng. Bài học tranh thủ những điều kiện trong nước đẩy mạnh CNH, HĐH phấn đấu trở thành nước công nghiệp phát triển vào giữa thế kỷ này. Khi dòng ngân sách được giải phóng, nguồn tài nguyên chiến lược được khai thác hợp lý, và tri thức từ các đối tác quốc tế được tiếp thu, những bước nhảy vọt trong phát triển công nghệ không còn là điều xa vời. Những mảnh ghép quan trọng đang dần hiện ra trên bàn cờ chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.

Việc sáp nhập đang là vấn đề cấp bách, quan trọng để tinh gọn bộ máy nhà nước, tiết kiệm ngân sách, nâng cao hiệu quả quản lý và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã trên toàn quốc dự kiến sẽ giảm mạnh từ hơn 10.500 xuống còn khoảng 2.000 sau khi sáp nhập. Với mức cắt giảm gần 80% - đây là câu trả lời rõ ràng nhất cho những trăn trở của người dân: "Bộ máy đông quá, dân không chịu nổi". Nhưng điều đáng nói không nằm ở việc cắt giảm bộ máy mà ở cách nguồn lực tiết kiệm được sẽ được tái phân bổ. Chính từ việc bỏ đơn vị hành chính cấp huyện, cắt giảm quỹ lương của những cán bộ rời bộ máy. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc chuyển dịch nguồn lực từ bộ máy theo kiểu truyền thống sang phát triển hiệu lực, hiệu quả của thời đại.

Bài học về phát huy những tiềm năng lợi thế đất nước phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Việt Nam hiện đang sở hữu lợi thế lớn với nguồn tài nguyên đất hiếm phong phú, đặc biệt tại khu vực Tây Bắc như Lai Châu, Sơn La và Lào Cai. Đất hiếm - những nguyên tố không thể thiếu trong sản xuất công nghệ cao - từ nam châm vĩnh cửu, pin điện thoại, thiết bị năng lượng tái tạo đến xe điện đang trở thành vàng của thế kỷ XXI. Khi thế giới đang chạy đua để giảm phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ một số quốc gia độc quyền, kho báu ẩn sâu trong dãy núi Tây Bắc có thể trở thành đòn bẩy chiến lược cho vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc khai thác và chế biến hiệu quả loại tài nguyên này không chỉ cung cấp nguyên liệu cho công nghệ cao mà còn mở ra cánh cửa tham gia vào mắt xích quan trọng của nền công nghiệp tương lai.

Bên cạnh việc khai thác nội lực, Việt Nam cũng đang hướng ra bên ngoài. Tính đến thời điểm năm 2025 đã có 12 nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là: Trung Quốc (2008); Nga (2012); Ấn Độ (2016); Hàn Quốc (2022); Hoa Kỳ (09/2023); Nhật Bản (11/2023); Úc (03/2024); Pháp (10/2024); Malaysia (11/2024); New Zealand (02/2025); Indonesia (10/03/2025); và Singapore (12/03/2025). Việc kí kết các hiệp định đối tác chiến lược toàn diện với các nước hay chuyến thăm cấp Nhà nước của Việt Nam đến các nước ngoài, không hẳn là ngẫu nhiên, đặc biệt trong thời điểm nước nhà tinh gọn, đã mở ra cơ hội hợp tác, phát triển mọi lĩnh vực cho Việt Nam.

Trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, làm chủ công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, mở ra cánh cửa thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình" - thách thức lớn nhất của mọi nền kinh tế đang phát triển. Mô hình quỹ hỗ trợ nghiên cứu và chính sách khuyến khích đầu tư vào công nghệ là bước đi quan trọng cho hành trình số hóa của Việt Nam. Bức tranh công nghệ đang dần hiện lên sống động với nền tảng từ hạ tầng 5G, điện toán đám mây đến trí tuệ nhân tạo.

Chiến thắng 30-4-1975 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng nắm bắt thời cơ để đạt được mục tiêu đề ra. Bài học chớp thời cơ trong giai đoạn hiện nay mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam, từ việc mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài đến việc tiếp nhận tiến bộ khoa học - công nghệ từ các nước phát triển. Đây là cơ hội quý giá để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tranh thủ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Để làm được điều này, Đảng và Nhà nước ta đang nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, cải cách hành chính mạnh mẽ, nâng cao chất lượng giáo dục, và gần đây tinh gọn bộ máy. Những bài học lịch sử cùng với việc tận dụng thời cơ trong bối cảnh hiện đại sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục phát triển và hội nhập quốc tế một cách bền vững.

Vũ Thị Mận, Khoa xây dựng Đảng


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1995, t3, tr.287.

[2] Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb Sự thật, H.1991, tập 2, tr.178.

[3] Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb Sự thật, H.1991, tập 2, tr.184