Bài 1: Cuộc đối đầu lịch sử
NDĐT - Ngày 30-4 năm nay chúng ta kỷ niệm 45 năm ngày toàn thắng, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước - mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường 21 năm đấu tranh nhiều gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng vẻ vang của toàn thể nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh đã vượt qua bao thử thách cam go để đi đến thắng lợi cuối cùng. Niềm tự hào và những kinh nghiệm từ cuộc kháng chiến vĩ đại còn tiếp tục được chúng ta kế thừa và phát huy trong những chặng đường mới.
Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải (Quảng Trị) - giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền sau Hiệp định Genève. (Ảnh: Vương Anh)
Từ trước và sau khi Hiệp định Genève được ký kết (ngày 20-7-1954), Mỹ đã dần dần thay thế Pháp để thực hiện âm mưu biến miền nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, chia cắt lâu dài Việt Nam và xây dựng miền nam Việt Nam thành tiền đồn chống cộng tại Đông - Nam Á.
Thực hiện âm mưu này, Mỹ đã can thiệp ngày càng sâu, rồi trực tiếp tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tuy nhiên, các chiến lược chiến tranh của Mỹ thực hiện ở Việt Nam đều thất bại đã buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris (ngày 27-1-1973). Bản Hiệp định này đã chấm dứt sự hiện diện trực tiếp của lực lượng quân sự Mỹ tại miền nam Việt Nam và là tiền đề dẫn tới sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn vào ngày 30-4-1975.
Âm mưu phá hoại Hiệp định Genève và chia cắt Việt Nam lâu dài
Âm mưu của Mỹ được diễn đạt một cách “mỹ miều”: “xây con đê ở miền nam Việt Nam ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản tràn xuống Đông - Nam Á”. Để thực hiện điều đó, Mỹ sử dụng chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên.
Ngày 7-7-1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về làm Thủ tướng miền nam Việt Nam. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã trắng trợn xé bỏ Hiệp định Genève. Ngày 17-7-1955, Ngô Đình Diệm tuyên bố: Không hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Và ngày 23-10-1955, Ngô Đình Diệm tổ chức “Trưng cầu dân ý”, phế truất Bảo Đại và lên làm Tổng thống Việt Nam cộng hòa.
Được sự trợ giúp mạnh mẽ của Mỹ, Ngô Đình Diệm đẩy mạnh việc thanh toán những phe phái khác rồi tập trung mọi cố gắng để “tiêu diệt cộng sản”, với những đợt “tố cộng”, “dồn dân”, những chiến dịch quy mô lớn, kéo dài để khủng bố, tàn sát những người kháng chiến. Cả miền nam chìm trong không khí khủng bố, tang tóc. Hàng chục vạn cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng bị giam cầm, đày ải, giết hại. Đây là cuộc chiến tranh đơn phương tàn bạo chống lại nhân dân miền nam. Cách mạng miền nam chịu nhiều tổn thất, khó khăn to lớn. Tuy nhiên, bạo lực không thể dập tắt được tinh thần yêu nước, không dập tắt được ý chí đấu tranh vì độc lập tự do và quyết tâm thống nhất đất nước của nhân dân cả hai miền nam - bắc Việt Nam. Cuộc đấu tranh của nhân dân miền nam đòi thực hiện Hiệp định Genève, chống lại chính sách chia cắt và đàn áp của chính quyền tay sai Mỹ ngày càng dâng cao buộc Mỹ phải gia tăng mức độ can thiệp để giữ cho những “con bài” của mình không sụp đổ.
Cả dân tộc Việt Nam đứng trước thử thách lịch sử phải đối đầu với lực lượng xâm lược hung bạo nhất, có tiềm lực mạnh nhất để bảo vệ những giá trị độc lập dân tộc của mình.
Những chiến lược chiến tranh lần lượt thất bại
Trong suốt quá trình can thiệp và xâm lược Việt Nam, nhiều chiến lược chiến tranh của Mỹ được thực hiện trên chiến trường và lần lượt thất bại. Khi cuộc chiến đơn phương khủng bố, tàn sát không tiêu diệt hết được cán bộ, cơ sở cách mạng và phong trào Đồng khởi lan rộng khắp miền nam, để cứu nguy cho chế độ tay sai, Mỹ đưa ra kế hoạch Staley - Taylor với mục tiêu “bình định miền nam trong 18 tháng”. Hơn 16.000 “ấp chiến lược” được xây dựng nhằm tách lực lượng cách mạng khỏi nhân dân để “tát nước bắt cá”. Mỹ đổ tiền và vũ khí cho chính quyền Sài Gòn gấp rút xây dựng lực lượng quân sự để thực hiện “Chiến tranh đặc biệt” với công thức: Quân đội Sài Gòn + Vũ khí Mỹ + Cố vấn Mỹ + Viện trợ Mỹ = Thắng lợi. Một trận càn bằng chiến thuật “trực thăng vận” - (Ảnh: Horst Faas, AP)
Với vũ khí trang bị và sự chỉ huy của cố vấn Mỹ, trong những năm 1960-1963 đã có gần 4.000 cuộc hành quân càn quét “bủa lưới - phóng lao” với “trực thăng vận” và “thiết xa vận” để tiêu diệt các đơn vị vũ trang cách mạng. Nhưng chiến thuật này từng bước bị vô hiệu hóa, đánh dấu từ chiến thắng Ấp Bắc vang dội (ngày 2-1-1963). Ở vùng nông thôn, “Ấp chiến lược” bị phá từng mảng lớn. Phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị dâng cao làm lung lay chính quyền của Ngô Đình Diệm. Ngày 1-11-1963, Mỹ buộc phải “thay ngựa giữa dòng”. Cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm lại đưa chế độ tay sai của Mỹ vào “vòng xoáy” khủng hoảng mới và một giai đoạn bất ổn chính trị kéo dài, đứng trước nguy cơ rối loạn và sụp đổ.
Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” thất bại, nhưng với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, Mỹ tiếp tục leo thang can thiệp. Ngày 4-8-1964, Mỹ gây ra “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” để lấy cớ đưa quân Mỹ vào trực tiếp tham chiến trên chiến trường, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền nam và tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ở miền bắc Việt Nam.
Trong những năm 1965-1968, cường độ chiến tranh và số quân Mỹ tham chiến liên tục được đẩy lên cao trong cố gắng làm chủ tình hình của Mỹ. Trên chiến trường miền nam, quân Mỹ tiến hành nhiều cuộc hành quân “tìm và diệt” quân chủ lực đối phương trong hai mùa khô năm 1965-1966 và năm 1966-1967 bằng lực lượng lớn quân đội và phương tiện chiến tranh([i]) đồng thời tăng cường giúp sức chính quyền Sài Gòn “bình định miền nam”. Không quân và hải quân Mỹ gây ra cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc, tấn công tất cả các mục tiêu kinh tế và quốc phòng ở miền bắc Việt Nam([ii]).
Tuy nhiên các mục tiêu của Mỹ còn chưa thực hiện được thì cuộc tấn công bất ngờ Tết Mậu Thân 1968 đã làm đảo lộn chiến lược chiến tranh và kéo theo rất nhiều sự rối loạn trên các mặt đời sống chính trị - xã hội Mỹ. Cuộc tấn công Mậu Thân 1968 đã bẻ gãy ý chí duy trì chiến tranh của giới lãnh đạo Mỹ. Trong cơn khủng hoảng về chiến lược chiến tranh, về chính sách đối ngoại, ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Lindon. B. Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom miền bắc Việt Nam từ phía bắc vĩ tuyến 20. Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán tại Paris. Các em học sinh vẫn đến lớp ở nơi sơ tán với mũ rơm và nụ cười rạng rỡ (năm 1967) - (Ảnh: Mầu Hoàng Thiết - TTXVN)
Từ năm 1969, Tổng thống Richard Nixon từng bước “xuống thang” chiến tranh, “phi Mỹ hóa chiến tranh” rồi thực thi một chiến lược chiến tranh mới - “Việt Nam hóa chiến tranh”: Dùng người Việt đánh người Việt bằng viện trợ và vũ khí của Mỹ; kết hợp chiến tranh hủy diệt, chiến tranh giành dân và chiến tranh bóp nghẹt để khống chế phần lớn miền nam, tiến tới bao vây cô lập, làm cho cuộc chiến tranh cách mạng bị “tàn lụi”. Tuy “Học thuyết Nixon” có làm “thay đổi màu da xác chết” trên chiến trường nhưng những mục tiêu chiến lược của Mỹ ở miền nam Việt Nam không thay đổi.
Dù cố “chơi ván bài quyết định” bằng chiến dịch Linebacker II, “Pháo đài bay” B52 và cuộc tấn công tàn bạo trong dịp Giáng sinh năm 1972 của Nixon đã không lật ngược được thế cờ. Trận Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội đã quyết định kết cục của cuộc đàm phán ở Paris. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký sau hơn bốn năm đấu tranh ngoại giao và sau khi Mỹ chịu thua trên bầu trời Hà Nội. Bản Hiệp định đã chính thức chấm dứt sự hiện diện của các lực lượng quân sự Mỹ tại miền nam Việt Nam. Điều này dẫn đến hệ quả trực tiếp là sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn chỉ hơn hai năm sau đó trên thế suy yếu về mọi mặt và thế thắng lợi tất yếu của nhân dân Việt Nam. Xác máy bay Mỹ trên đồng lúa ở ngoại thành Hà Nội (tháng 7-1972) - (Ảnh: Đoàn Công Tính)
Những lời thú nhận
Trong cuốn sách Không hòa bình, chẳng danh dự. Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam([iii]), tác giả Larry Berman([iv]) đã công bố Phụ lục B: Bản ghi nhớ (đánh số ký hiệu 3173-X có dòng chữ Bí mật/Nhạy cảm/Trình riêng ở phía trên) của ông Henry Kissinger - Cố vấn An ninh quốc gia (từ năm 1969) và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ (từ năm 1973) - gửi Tổng thống Gerald. R. Ford về: Bài học Việt Nam. Trong đó ông H. Kissinger thừa nhận những sai lầm về quân sự và ngoại giao đã dẫn đến thất bại của Mỹ (xin trích):
“… Cả hai bên đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chiến thuật thích hợp cho mỗi loại chiến tranh. Nhưng chúng ta và Nam Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này hơn là phe bên kia.
... Mỉa mai thay, chúng ta chuẩn bị cho Nam Việt Nam loại chiến tranh quy ước sau năm 1954 (vì dự đoán sẽ có một cuộc tấn công kiểu Triều Tiên), và họ phải đương đầu với một cuộc chiến tranh chính trị; họ đã tự chuẩn bị cho loại chiến tranh chính trị sau năm 1973 để rồi phải đương đầu với một cuộc xâm lăng của chủ lực quân 20 năm sau khi loại chiến tranh đó được dự đoán.
... Nền ngoại giao của chúng ta cũng bị thiệt hại trong tiến trình đó, và chúng ta cần phải có một thời gian mới phục hồi được.
... Cuối cùng, chúng ta lại phải thương thuyết với chính chúng ta, liên tục làm hết nhượng bộ này đến nhượng bộ khác trong khi Bắc Việt không thay đổi một chút nào mục tiêu ngoại giao của họ và thay đổi rất ít trong lập trường ngoại giao của họ”([v]).
Những kết luận này của ông Henry Kissinger cũng có thể tóm tắt cho những sai lầm về chiến lược mà Mỹ đã mắc phải ở Việt Nam. Nhưng trước hết và trên hết đó là thất bại của các thế lực và âm mưu phi nghĩa trước cuộc đấu tranh chính nghĩa để bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Dân tộc Việt Nam đã ở tuyến đầu trong cuộc đấu tranh với thế lực chiến tranh hung hãn nhất hành tinh và đã giành chiến thắng trong cuộc đối đầu lịch sử đó.
[i] Lực lượng Mỹ trên chiến trường Việt Nam thời điểm cao nhất lên tới 11 sư đoàn và 11 trung đoàn với hơn 540.000 quân - Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị - Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 - 1975 Thắng lợi và bài học - Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr. 504.
[ii] Bình quân mỗi km² đất miền bắc phải đựng chịu sáu tấn bom, mỗi người dân miền bắc phải chịu đựng 45,5 kg bom Mỹ - Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị - Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 - 1975 Thắng lợi và bài học - Sđd, tr. 516.
[iii] Bản tiếng Anh của Nxb Free Press, Simon&Schuster Group, New York, 2001, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Tide xuất bản 2003.
[iv] Larry Berman là GS Chính trị học kiêm Giám đốc Trung tâm Washington của Đại học California. Ông cũng là tác giả cuốn sách nổi tiếng Điệp viên hoàn hảo (Perfect spy) viết về nhà tình báo nổi danh Phạm Xuân Ẩn.
[v] Larry Berman (2003) - Không hòa bình, chẳng danh dự. Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam - Tài liệu đã dẫn (Bản dịch tiếng Việt), tr. 371 - 372).
Bài 2: Thiên anh hùng ca bất diệt
NDĐT- Chặng đường 21 năm đấu tranh, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ và tay sai, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước đã ghi dấu đường lối chỉ đạo chiến lược đúng đắn và những chặng đường thắng lợi của quân và dân hai miền dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam còn để lại nhiều kinh nghiệm quý báu. Xe tăng tiến qua cổng dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975. (Ảnh: Neal Ulevich AP)
Những quyết sách chiến lược đúng đắn
Sau Hiệp định Genève, lịch sử đặt ra yêu cầu có một đường lối chiến lược cách mạng đúng đắn để đưa cách mạng Việt Nam tiến lên phù hợp với tình hình mới và xu thế vận động của thời đại.
Trên miền bắc đã được giải phóng, con đường hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội dần dần rõ nét. Chỉ trong khoảng thời gian hơn 5 năm, với tất cả sự nỗ lực, nhân dân miền bắc đã đạt được nhiều thành tựu trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi kinh tế, cải tạo quan hệ sản xuất và bước đầu xây dựng những cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội.
Ở miền nam, hy vọng về một cuộc hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất hai miền đất nước trong hòa bình đã dần dần mất đi vì những hành động hiếu chiến trắng trợn và tàn bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm “xé bỏ” Hiệp định Genève. Bản Đề cương Đường lối cách mạng miền Nam do đồng chí Lê Duẩn khởi thảo mang “hơi thở” từ hiện thực máu lửa của cuộc đấu tranh được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ tháng 12-1956 chỉ rõ: Để chống lại sự thống trị độc tài phát-xít hiếu chiến của Mỹ - Diệm, nhân dân miền nam chỉ còn con đường cách mạng cứu nước và tự cứu mình, ngoài ra không còn con đường nào khác.
Bản Đề cương đã cung cấp những cơ sở để Nghị quyết 15 của Đảng (1-1959) khẳng định: “... con đường đấu tranh vũ trang để hoàn thành nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền nam là giải phóng miền nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền nam; Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân...”. Nghị quyết 15 đã đáp ứng nhu cầu lịch sử mở đường cho cách mạng miền nam tiến lên vượt qua giai đoạn đen tối mà còn thể hiện rõ bản lĩnh cách mạng độc lập, tự chủ của Đảng. Bản Nghị quyết đã tạo bước nhảy vọt cho phong trào cách mạng miền nam, hiện rõ qua cao trào Đồng khởi rầm rộ khắp miền nam từ đầu năm 1960.
Tháng 9-1960, Đại hội Đảng lần thứ III đã xác định nhiệm vụ và đường lối thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền trong giai đoạn mới: Đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền nam, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.
Đại hội lần thứ III của Đảng - (Ảnh tư liệu)
Đường lối này xuất phát từ thực tiễn và thể hiện ý chí độc lập thống nhất của cả dân tộc Việt Nam, bất chấp những âm mưu chia cắt, những toan tính của các thế lực khác đằng sau cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Việc đề ra và thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng đã bảo đảm tính thống nhất, tính liên tục của cách mạng Việt Nam. Nước Việt Nam là thống nhất. Cách mạng miền nam là bộ phận không thể tách rời của cuộc cách mạng dân tộc. Quan điểm “gốc” đó là nền tảng, là căn cứ, là điểm xuất phát để đề ra những quyết sách cụ thể phù hợp với sự vận động biến đổi của tình hình trong từng giai đoạn. Đây chính là điểm mấu chốt định rõ tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, chống lại lập luận của những kẻ xâm lược và tay sai bán nước coi quân đội bắc Việt Nam là “quân đội nước ngoài”, đánh đồng sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam với những kẻ xâm lược. Mọi người dân Việt Nam, cả ở miền bắc và miền nam chưa bao giờ và không bao giờ coi miền nam Việt Nam là một quốc gia. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một - chân lý đó không bao giờ thay đổi.
Trước một kẻ thù mạnh hơn rất nhiều lần về lực lượng vật chất, Đảng đã đề ra những đối sách phù hợp với từng bước phát triển của tình hình, đối phó thắng lợi với từng chiến lược chiến tranh của Mỹ áp dụng ở Việt Nam. Chúng ta đã vận dụng “nghệ thuật biết thắng từng bước”, phát huy những thế mạnh từ truyền thống dân tộc và những lợi thế địa hình và thiên nhiên để đẩy lùi quân địch trên từng chiến trường, kết hợp với sự ủng hộ của những lực lượng tiến bộ trên thế giới làm xói mòn và tiến đến đánh bại ý chí duy trì cuộc chiến tranh ở Việt Nam của “giới chóp bu diều hâu” ở Mỹ. Từ tháng 5-1968, chúng ta chủ động mở mặt trận ngoại giao, đấu tranh buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (ngày 27-1-1973), trục xuất toàn bộ lực lượng quân sự của Mỹ ra khỏi miền nam, tiến lên đánh đổ chế độ tay sai của Mỹ, giành thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước.
Đường lối đúng là một trong những nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi. Thực tiễn lịch sử đã kiểm nghiệm tính đúng đắn trong việc xác định và tổ chức thực hiện đường lối của Đảng Lao động Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng khẳng định những giá trị lý luận và thực tiễn của đường lối đó - những điều chúng ta còn cần nghiên cứu để nhận thức sâu sắc hơn.
Không có gì quý hơn độc lập, tự do
Từ tháng 7-1954, Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào miền nam. Nhưng đến năm 1964, kế hoạch Staley - Taylo đã bị phá sản, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đã bị đánh bại. Mỹ không từ bỏ âm mưu mà tiếp tục “leo thang” chiến tranh xâm lược với mức độ ngày càng khốc liệt. Từ tháng 3-1965, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào trực tiếp tham chiến ở miền nam và dùng không quân, hải quân đánh phá khốc liệt miền bắc Việt Nam. Đứng trước cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo, ý chí không khuất phục và quyết tâm chiến đấu bảo vệ độc lập tự do của nhân dân Việt Nam càng được thổi bùng mạnh mẽ, cô đọng trong chân lý được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên trong “Lời kêu gọi” ngày 17-7-1966: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội (1966) - (Ảnh: TTXVN)
Đáp lời kêu gọi của Người, hàng triệu thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước bằng “Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh” - con đường chiến lược nối liền nam bắc được mở từ ý chí và lòng kiên cường, từ bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Miền bắc dồn sức chi viện cho miền nam - “Tất cả vì miền nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”…
Quân và dân miền nam chiến đấu anh dũng kiên cường. Hai cuộc phản công mùa khô năm 1965-1966 và năm 1966-1967 của quân Mỹ đều không đạt được mục đích. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã làm đảo lộn thế chiến lược buộc Mỹ phải chấm dứt ném bom miền bắc Việt Nam từ phía bắc vĩ tuyến 20 và từ ngày 13-5-1968, ngồi vào bàn đàm phán tại Paris. Từ thời điểm đó, Mỹ bắt đầu phải từng bước “xuống thang” chiến tranh Việt Nam. Nhưng trong những năm Hội nghị Paris bàn việc kết thúc chiến tranh, súng vẫn nổ dữ dội trên chiến trường. Thực lực của các lực lượng và tình thế chiến trường sẽ quyết định những điều khoản thỏa thuận đạt được trên bàn đàm phán.
Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Tổng thống R. Nixon rồi “Cuộc ném bom Giáng sinh năm 1972” của Mỹ đều thất bại. Mỗi chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội cũng là câu trả lời đanh thép của nhân dân Việt Nam gửi tới bàn Hội nghị Paris. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký, Điều 1 (Chương I) của Hiệp định ghi rõ: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Genève năm một nghìn chín trăm năm mươi tư (1954) về Việt Nam đã công nhận”([i]).
Hiệp định Paris đã mở đường cho thắng lợi cuối cùng. Ngay sau Hiệp định, chúng ta đã sớm chuẩn bị chiến lược giải phóng miền nam, cả về thế và lực. Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, Trung ương Đảng đã chỉ đạo sắc sảo, chọn hướng tấn công bất ngờ, chọn cách đánh hiệu quả, nắm bắt nhanh diễn biến chiến trường và khi thời cơ xuất hiện đã kịp thời quyết tâm tận dụng và thúc đẩy thời cơ phát triển với tinh thần “Một ngày bằng hai mươi năm”, với phương châm “Thần tốc - Táo bạo - Bất ngờ - Chắc thắng”, nhanh chóng kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đường Trường Sơn - con đường Hồ Chí Minh huyền thoại - (Ảnh tư liệu)
Chiến thắng cuối cùng ngày 30-4-1975 cũng đã kết thúc 30 năm chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt vĩnh viễn ách nô dịch của thực dân, đế quốc và phong kiến để mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc: Kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất và xây dựng phồn vinh. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam đã có tác động mạnh đến cục diện tình hình thế giới, có ảnh hưởng to lớn và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc đang đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới.
Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến anh hùng và vẻ vang để lại nhiều bài học quý: Đó là những bài học: “Kiên định quyết tâm, quyết đánh và quyết thắng” và “Đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ”. Đó là những bài học về “Sử dụng nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân sáng tạo” và “Tổ chức lực lượng cả nước đánh giặc”. Đó là những bài học về “Xây dựng căn cứ địa, hậu phương kháng chiến vững chắc” và “Đoàn kết, liên minh với nhân dân Lào, nhân dân Campuchia, đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh thời đại”. Những bài học này còn mang nhiều ý nghĩa để chúng ta phát huy trong những giai đoạn sau.
[i] Lưu Văn Lợi, Nguyễn Anh Vũ (1996) - Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Pari, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 450; 451.
(Nguồn: Báo nhân dân điện tử)