na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
NHỮNG GIÁ TRỊ BỀN VỮNG CỦA CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN TRONG THỜI ĐẠI NGAY NAY
21/11/2022 10:19:19

PGS, TS Đặng Quang Định – Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Trong toàn bộ lịch sử tư tưởng nhân loại, không một tư tưởng nào, học thuyết nào về lịch sử có thể sánh kịp với chủ nghĩa Mác về phương diện khoa học và cách mạng. Bằng việc phát hiện ra những quy luật khách quan của sự vận động, biến đổi của toàn bộ thế giới vật chất và lịch sử loài người, lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng nhân loại, C.Mác đã chỉ ra cho giai cấp vô sản và nhân loại tiến bộ toàn thế giới những con đường và biện pháp hiện thực để tự giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột, bất công để xây dựng một chế độ xã hội mới hướng đến sự giải phóng triệt để và phát triển toàn diện con người.  

Nói một cách khái quát, chủ nghĩa Mác là học thuyết về sự giải phóng và phát triển. Chủ nghĩa ấy hướng đến sự giải phóng triệt để con người khỏi mọi sự nô dịch, áp bức bóc lột, sự hạn chế trong các quan hệ xã hội và hướng đến sự giải phóng triệt để con người. Chủ nghĩa ấy thực hiện được điều đó bởi lẽ nó bao hàm các học thuyết khoa học, được xây dựng trên cơ sở kế thừa các thành tựu nhận thức khoa học của lịch sử tư tưởng nhân loại; nó chỉ ra được những quy luật chi phối toàn bộ sự vận động và phát triển của thế giới vật chất nói chung và lịch sử xã hội nói riêng, chấm dứt mọi sai lầm của chủ nghĩa duy tâm, tôn giáo, chủ nghĩa duy vật siêu hình trong giai thích các hiện tượng xã hội và lịch sử. Chủ nghĩa đó cũng đóng góp vô cùng quý giá vào sự phát triển khoa học triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa cộng sản khoa học và nhiều khoa học khác, trở thành nền tảng lý luận có ý nghĩa phương pháp luận to lớn trong việc phát triển tư duy và nhận thức của nhân loại. Lần đầu tiên chủ nghĩa ấy cũng cấp phương pháp luận khoa học trong nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Nó góp phần thay đổi căn bản tư duy của nhân loại trong việc thay đổi, cải tạo thế giới, hướng đến việc xây dựng một thế giới của con người, cho con người, vì con người. Ở đó, sự phát triển của mỗi người là tiền đề cho sự phát triển và tự do của tất cả mọi người. Vì vậy, chủ nghĩa ấy, đồng thời bao hàm tính cách mạng. Tính khoa học và cách mạng đã làm nên những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác, qua đó tạo cho chủ nghĩa ấy sức sống mạnh mẽ trong thời đại của chúng ta. Có thể khái quát những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác ở những nội dung sau:

Thứ nhất, phép biện chứng duy vật

Phép biện chứng duy vật của triết học Mác là sự kết tinh toàn bộ tinh hoa trong lịch sử phát triển nhận thức của nhân loại về sự vận động, biến đổi của thế giới vật chất. Như Ph.Ăngghen đã định nghĩa, phép biện chứng duy vật là khoa học về những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy. Phép biện chứng trình bày một cách có hệ thống, chặt chẽ tính chất biện chứng của thế giới thông qua những nguyên lý, những quy luật và những phạm trù chung nhất của thế giới. Vì vậy, phép biện chứng duy vật vừa là lý luận duy vật biện chứng, vừa là lý luận nhận thức, và là lôgic học của chủ nghĩa Mác. Phép biện chứng duy vật là lý thuyết triết học và đồng thời cũng là phương pháp phổ biến của tư duy, của sự nhận thức khoa học, “nó cung cấp cho loài người và nhất là cho giai cấp công nhân những công cụ nhận thức vĩ đại"[1], đồng thời là phương pháp để cải tạo xã hội. 

Thông qua phương pháp luận của phép biện chứng duy vật, C.Mác đã khẳng định: "triết học không hứa hẹn gì cả ngoài chân lý…, triết học không đòi hỏi tin tưởng vào các kết luận của nó, nó đòi hỏi kiểm nghiệm những điều hoài nghi"[2]. Theo đó, triết học duy vật biện chứng của C.Mác luôn nhìn thẳng vào sự thật, hướng về thực tiễn để hướng dẫn, giải quyết những vấn đề cơ bản và bức thiết do thực tiễn, do hiện thực cuộc sống đặt ra. Chính vì thế mà triết học duy vật biện chứng của C.Mác có khả năng tự đổi mới và phát triển, trở thành kim chỉ nam cho hành động, mở đường và hướng dẫn nhân loại tiến bộ tiếp tục tìm kiếm và nhận thức chân lý, chứ không đi tới chân lý tuyệt đính, cuối cùng.

Thông qua phương pháp luận của phép biện chứng duy vật, lần đầu tiên Mác đã gắn triết học với đời sống hiện thực. Triết học không đứng ngoài cuộc sống, mà nó đã góp phần vào cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân lao động, làm cho cuộc đấu tranh giai cấp của nhân dân lao động “không còn mang tính chất biệt phái, ngẫu nhiên” nữa mà là hành động có tổ chức nhằm bảo vệ lợi ích của các giai cấp, các tầng lớp đông đảo người trong xã hội, điều mà các lý luận khác không làm được.

C.Mác đã từng phê phán những trường phái triết học xa rời thực tiễn đời sống xã hội. Ngay từ khi còn là biên tập viên của Báo Sông Ranh C.Mác đã chỉ ra rằng, triết học cũng phải theo đuổi những mục đích thực tiễn hiểu theo ý nghĩa cao nhất của chữ đó như bất cứ hoạt động lao động nào khác của con người. C.Mác nói, các nhà triết học không mọc như nấm từ dưới đất lên, họ là sản phẩm của thời đại họ, của nhân dân họ, những nhựa sống tinh tế nhất, quý giá nhất và chưa từng có của nhân dân được chung đúc lại trong những tư tưởng triết học. Cũng như cái tinh thần xây dựng nên đường sắt với bàn tay của người công nhân, xây dựng nên những hệ thống triết học trong đầu óc của nhà triết học. Triết học không lơ lửng ở đâu ngoài thế giới cũng như bộ óc không nằm ngoài con người. C.Mác phản đối quan điểm cho rằng triết học chỉ quan sát hiện thực, và không có quan hệ gì với hoạt động thực tiễn, với sự biến đổi chế độ xã hội. Tháng 9 năm 1843, trong thư gửi A.Rugiơ, C.Mác cũng cho rằng nhiệm vụ của triết học không phải là xây dựng lên một hệ thống, thích dụng “đối với mọi thời đại sau này” mà là phê phán thẳng tay mọi cái đang tồn tại. Trong cuộc đấu tranh chống lại các hệ tư tưởng phản động, C.Mác viết, triết học cũng cần gắn liền với cuộc đấu tranh hiện thực. Đó là cuộc đấu tranh vì lợi ích của nhân dân lao động, trước hết là giai cấp công nhân. Trong Lời nói đầu Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen, C.Mác đã trình bày một tư tưởng rất quan trọng về mối liên hệ giữa lý luận cách mạng và thực tiễn cách mạng. Ông cho rằng, lý luận cách mạng phản ánh yêu cầu, địa vị lịch sử và hoạt động đấu tranh của giai cấp cách mạng. Nhưng chỉ bằng lý luận thì không thể xoá bỏ được áp bức, bóc lột, bất công, mà muốn giải phóng toàn nhân loại thì phải gắn lý luận với con đường đấu tranh cách mạng. C.Mác cho rằng, lý luận không chỉ có nhiệm vụ nhận thức ra yêu cầu, địa vị, hoạt động của quần chúng, mà còn phải có khả năng thâm nhập vào quần chúng và trở thành lực lượng vật chất. Tư tưởng này được thể hiện tập trung ở trong luận điểm: "Giống như triết học thấy giai cấp vô sản là vũ khí vật chất của mình, giai cấp vô sản cũng thấy triết học là vũ khí tinh thần của mình, và chỉ cần sấm sét của tư tưởng đánh một cách triệt để vào cái mảnh đất nhân dân còn nguyên vẹn ấy là việc giải phóng người Đức thành con người sẽ hoàn thành"."Đầu não của sự giải phóng ấy là triết học, trái tim của nó là giai cấp vô sản. Triết học không trở thành hiện thực nếu không xoá bỏ, giai cấp vô sản; giai cấp vô sản không thể xoá bỏ được bản thân mình nếu không làm cho triết học biến thành hiện thực"[3]. Tư tưởng trên của C.Mác cũng được thể hiện rõ nét nhất trong tác phẩm Luận cương về Phoiơbắc trước khi C.Mác viết tác phẩm Hệ tư tưởng Đức. Trong luận đề thứ 11, C.Mác viết: “Các nhà triết học đã giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới”[4]. Luận đề đó của C.Mác không chỉ chỉ rõ vai trò của triết học đối với hiện thực mà còn nêu lên một cách vắn tắt và sâu sắc thực chất cuộc cách mạng trong triết học nói chung và phép biện chứng duy vật nói riêng do C.Mác và Ph.Ăngghen thực hiện.

Thứ hai, quan niệm duy vật về lịch sử

Có thể nói, C.Mác là người đầu tiên trong lịch sử triết học của nhân loại tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người. Đúng như Ph.Ănghen đã nói, “Trên hành tinh của chúng ta, Sáclơ Đácuyn đã tìm ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ. Mác đã phát hiện ra quy luật cơ bản chi phối sự vận động và phát triển của lịch sử loài người”[5]. Chính quan niệm duy vật về lịch sử này đã chấm dứt sự lộn xộn và tuỳ tiện vẫn thống trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị.

C.Mác xuất phát từ phương thức sản xuất để nghiên cứu sự vận động, biến đổi, phát triển và quy luật của lịch sử. Ở đó, phương thức sản xuất được hiểu là sự vận động của lực lượng sản xuất và quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất vật chất. Đó còn là sự liên kết các lĩnh vực vào một thể thống nhất, tạo nên tính toàn vẹn và tính cụ thể đặc trưng của một xã hội. C.Mác đã xem xét tính quy luật chung của sự phát triển lực lượng sản xuất, của quan hệ sản xuất và tính đặc thù của chúng trong các xã hội cụ thể. Nội dung này được thể hiện tập trung trong học thuyết hình thái kinh tế - xã hội. Bằng phạm trù hình thái kinh tế - xã hội, C.Mác đã thực hiện sự phân kỳ lịch sử như tính liên tục của sự thay thế nhau một cách tất yếu, hợp quy luật các giai đoạn phát triển, tạo nên vòng khâu nối tiếp nhau, giữa các nấc thang, các thời đại, cũng như sự kế thừa, chế ước lẫn nhau giữa các dân tộc có trình độ phát triển khác nhau. Trong bức tranh sinh động của tiến trình lịch sử - xã hội nổi lên những khuynh hướng chủ đạo, làm xương sống cho sự biến đổi, sự thay thế cái cũ bằng nhân tố mới, đảm bảo quá trình vận động đi lên của lịch sử. Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác đã làm sáng tỏ những dấu hiệu phổ biến cho các nấc thang phát triển của xã hội, cũng như những nét đặc thù cho từng xã hội cụ thể. Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội lần đầu tiên cung cấp những tiêu chuẩn thực sự duy vật, khoa học cho việc phân kỳ lịch sử, giúp con người hiểu được lôgic khách quan của quá trình tiến hoá xã hội. Nó vạch ra sự thống nhất của lịch sử trong cái muôn vẻ của các sự kiện ở các nước khác nhau trong các thời kỳ khác nhau, chỉ ra những mối liên hệ để giải thích chứ không chỉ mô tả các sự kiện lịch sử. V.I.Lênin đã đánh giá: “lúc đó, tư tưởng ấy chỉ mới còn là giả thuyết, nhưng là một giả thuyết lần đầu tiên đã tạo ra khả năng có được một thái độ hết sức khoa học đối với những vấn đề lịch sử và xã hội” [6]. C.Mác “đã vạch ra con đường nghiên cứu lịch sử một cách khoa học, coi lịch sử là một quá trình thống nhất và có quy luật, mặc dầu quá trình đó cực kỳ phức tạp và có nhiều mâu thuẫn”[7]. V.I.Lênin khẳng định, C.Mác đã "có được một cơ sở vững chắc để quan niệm sự phát triển của những hình thái xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên"[8]. Tư tưởng này "tự bản thân nó, cũng đã là một tư tưởng thiên tài rồi"[9]. Bằng việc phát hiện ra những quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng nhân loại, C.Mác đã chỉ ra cho giai cấp vô sản và nhân loại tiến bộ toàn thế giới những con đường và biện pháp hiện thực để tự giải phóng khỏi ách áp bức về mặt xã hội và tạo ra những điều kiện, tiền đề cho một cuộc sống thật sự mang tính người trong xã hội cộng sản.

Thứ ba, học thuyết giá trị thặng dư

Học thuyết giá trị thặng dư là một trong hai phát kiến vĩ đại của C.Mác. Theo đánh giá của V.I Lênin, học thuyết giá trị thặng dư là "hòn đá tảng của học thuyết kinh tế của Mác" và học thuyết kinh tế của C.Mác là “nội dung căn bản của chủ nghĩa Mác’’. Nội dung chính của học thuyết phát biểu rằng sản xuất và chiếm hữu giá trị thặng dư là hình thức đặc biệt trong chủ nghĩa tư bản về sản xuất và chiếm hữu sản phẩm thặng dư, nghĩa là hình thức cao nhất của sự tha hóa con người đối với hoạt động của mình, đối với sản phẩm từ hoạt động đó, đối với chính mình, đối với người khác. Qua học thuyết giá trị thặng dư C.Mác đã làm rõ cơ sở và quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản. Theo C.Mác, để đạt được mục đích làm giàu tối đa của mình nhà tư bản đã mua sức lao động của công nhân kết hợp với tư liệu sản xuất ra sản phẩm, thu về giá trị thặng dư. Nhưng nhà tư bản bao giờ cũng chỉ trả một phần giá trị sức lao động cho người công nhân thông qua hình thức tiền lương và bóc lột giá trị thặng dư do người công nhân sáng tạo ra trong quá trình sản xuất.

Trong xã hội tư bản, mối quan hệ giữa tư bản và lao động là mối quan hệ cơ bản, sâu sắc nhất, xuyên qua tất cả các quan hệ sản xuất của xã hội đó. Giá trị thặng dư, phần giá trị do lao động của công nhân làm thuê sáng taọ ra ngoài sức lao động bị nhà tư bản chiếm không, phản ánh mối quan hệ sản cơ bản nhất đó. Giá trị thặng dư do lao động không công  của công nhân làm thuê sáng tạo ra là nguồn gốc làm giàu của giai cấp các nhà tư bản, sản xuất ra giá trị thặng dư là cơ sở tồn tại của chủ nghĩa tư bản. Từ việc làm rõ phạm trù giá trị thặng dư - cơ sở của sự tồn tại và những bất công trong chủ nghĩa tư bản, C.Mác đi đến kết luận khoa học rằng, sự diệt vong của xã hội tư sản và sự ra đời của chế độ xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa đều là tất yếu như nhau. Và, trên cơ sở phân tích một cách sâu sắc quá trình phát triển của các quan hệ xã hội, C.Mác đã đi đến nhận thức đúng đắn về vai trò lịch sử vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới với tư cách lực lượng có khả năng cải tạo tận gốc các quan hệ xã hội, thủ tiêu tình trạng người bóc lột người và xây dựng chế độ xã hội mới, tự giải phóng mình và qua đó, giải phóng nhân loại. C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhận định rằng, nền công nghiệp hiện đại đã sản sinh, nuôi dưỡng một giai cấp vô sản với những đặc trưng cơ bản: không có tư liệu sản xuất, đối lập với giai cấp tư sản, bị giai cấp tư sản bóc lột ngày càng nặng nề; có tinh thần cách mạng, đoàn kết, có tính tổ chức kỷ luật cao. Bởi vậy, giai cấp vô sản chứ không phải bất kỳ một giai cấp nào khác gánh trên vai mình sứ mệnh cao cả là “người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản” để xây dựng một xã hội mới.

Xã hội mới mà giai cấp vô sản và nhân dân lao động xây dựng là chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, là một xã hội hướng đến sự giải phóng triệt để là phát triển toàn diện con người. Xã hội đó “thoát thai” từ xã hội trước đó; nhiều tiền đề kinh tế - xã hội đã được chuẩn bị một cách tự nhiên trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa. Những điều kiện vật chất cần thiết cho sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản đã ra đời một cách tự phát trong quá trình phát triển của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Trong tập I của Tư bản, C.Mác nói về khuynh hướng lịch sử của chủ nghĩa tư bản và nhân đó nhắc tới quy luật phủ định của phủ định. C.Mác cũng đã nêu ra mâu thuẫn bản chất trong xã hội tư bản là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội ngày càng cao của lực lượng sản xuất và sự chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đối với tư liệu sản xuất. Mâu thuẫn này sẽ không được giải quyết chừng nào còn chủ nghĩa tư bản. Do vậy, đây chính là tiền đề cho cuộc đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội tất yếu xảy ra và nó mở đầu cho một giai đoạn lịch sử mới. C.Mác viết: “Sự độc quyền của tư bản trở thành xiềng xích ràng buộc cái phương thức sản xuất đã thịnh vượng lên cùng với độc quyền và dưới độc quyền đó. Sự tập trung tư liệu sản xuất và xã hội hoá lao động đạt đến cái điểm mà chúng không còn thích hợp với cái vỏ tư bản chủ nghĩa của chúng nữa...  Phương thức chiếm hữu tư bản chủ nghĩa do phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đẻ ra, và do đó cả chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa nữa đều là sự phủ định đầu tiên đối với chế độ tư hữu cá nhân dựa trên lao động của bản thân. Nhưng nền sản xuất tư bản chủ nghĩa lại đẻ ra sự phủ định bản thân nó, với tính tất yếu của một quá trình tự nhiên. Đó là sự phủ định của phủ định. Sự phủ định này không khôi phục lại chế độ tư hữu, mà khôi phục lại chế độ sở hữu cá nhân trên cơ sở những thành tựu của thời đại tư bản chủ nghĩa: trên cơ sở sự hiệp tác và sự chiếm hữu công cộng  đối với ruộng đất và những tư liệu sản xuất do chính lao động làm ra" [10]. Nói cách khác, chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại trong lòng xã hội tư bản đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản.

Thứ tư, học thuyết về chủ nghĩa xã hội

Khi nói về tính tất yếu ra đời chủ nghĩa xã hội, C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Đối với chúng ta, chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là do những tiền đề hiện đang tồn tại đẻ ra”[11]. Như vậy, những tiền đề cho sự ra đời của chủ nghĩa xã hội xuất hiện trong lòng chủ nghĩa tư bản, và sự xuất hiện chủ nghĩa xã hội là một tất yếu.

V.I.Lênin nhận xét: “Mác đặt vấn đề chủ nghĩa cộng sản giống như một nhà tự nhiên học đặt, chẳng hạn, vấn đề tiến hoá của một giống sinh vật mới một khi đã biết nguồn gốc của nó và định được rõ rệt hướng của những biến đổi của nó”[12]. “Ngày nay... chủ nghĩa xã hội đang hiện ra một cách trực tiếp, trên thực tiễn, trong mỗi biện pháp quan trọng tạo thành một bước tiến trên cơ sở của chủ nghĩa tư bản hiện đại ...”[13]. Triển vọng của chủ nghĩa xã hội không chỉ do chủ nghĩa xã hội hiện thực quy định mà còn do chính quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản chuẩn bị những tiền đề trên nhiều mặt của xã hội hiện đại. Với ý nghĩa đó, “Chủ nghĩa cộng sản là hình thức tất yếu và là nguyên tắc kiên quyết của tương lai sắp tới”[14].    

Thứ năm, sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản

V.I.Lênin cho rằng C.Mác và Ph.Ăngghen là những người đầu tiên đã chỉ ra rằng giai cấp công nhân, với những yêu sách của họ, là sản phẩm tất yếu của chế độ kinh tế hiện đại là cái chế độ, cùng với việc tạo ra và tổ chức giai cấp tư sản, đang không tránh khỏi tạo ra và tổ chức giai cấp vô sản; hai ông đã chỉ ra rằng không phải những mưu toan thiện ý của những cá nhân hào hiệp, mà chính là cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản có tổ chức, sẽ giải phóng loài người khỏi những tai họa hiện đang đè lên họ”[15].

“C.Mác và Ph.Ăngghen là những nhà duy vật chủ nghĩa. Xem xét thế giới và loài người một cách duy vật, hai ông nhận thấy rằng cũng như mọi hiện tượng trong giới tự nhiên đều có nguyên nhân vật chất, sự phát triển của xã hội loài người là do sự phát triển của những lực lượng vật chất, sản xuất quyết định… Sự phát triển của lực lượng sản xuất đã tạo ra những quan hệ xã hội dựa trên chế độ tư hữu, nhưng ngày nay, chúng ta thấy cũng sự phát triển ấy của lực lượng sản xuất lại tước mất sở hữu của đa số và tập trung sở hữu đó vào tay một thiểu số rất nhỏ. Nó xóa bỏ cái chế độ sở hữu làm cơ sở cho trật tự xã hội hiện đại, nó tự hướng tới chính cái mục đích mà những người xã hội chủ nghĩa đã tự đề ra cho mình. Những người xã hội chủ nghĩa chỉ còn cần nhận rõ được lực lượng xã hội nào do địa vị của nó trong xã hội hiện nay mà quan tâm đến việc thực hiện chủ nghĩa xã hội, và làm cho lực lượng ấy giác ngộ về lợi ích và sứ mệnh lịch sử của nó. Lực lượng đó là giai cấp vô sản”[16].

Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848), với sự luận giải một cách khoa học, C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định trong xã hội hiện đại, chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp cách mạng nhất, triệt để nhất, có khả năng lật đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chế độ cộng sản chủ nghĩa. Đồng thời, Tuyên ngôn cũng chỉ rõ trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng, giai cấp công nhân tất nhiên phải lập ra chính đảng của mình để lãnh đạo phong trào cách mạng.

Trong tác phẩm Chống Duyrinh, khi nói về vai trò lịch sử của giai cấp công nhân, Ph.Ăngghen đã chỉ rõ "... phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tạo ra một lực lượng bị buộc phải hoàn thành cuộc cách mạng ấy, nếu không thì sẽ bị diệt vong”[17]. Rằng, “Thực hiện sự nghiệp giải phóng thế giới ấy, - đó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản hiện đại” [18]. V.I.Lênin cũng khẳng định “Điểm chủ yếu trong học thuyết của Mác là ở chỗ nó làm sáng rõ vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa”[19]. Vì vậy, “C.Mác và Ph.Ăngghen đặt tất cả hy vọng của mình vào sự lớn lên không ngừng của giai cấp vô sản. Càng có nhiều người vô sản bao nhiêu thì lực lượng của họ, với tư cách là giai cấp cách mạng, càng lớn lên bấy nhiêu, thì chủ nghĩa xã hội càng tới gần và càng có khả năng được thực hiện bấy nhiêu”[20].

V.I.Lênin cho rằng: “Có thể vắn tắt nêu công lao của C.Mác và Ph.Ăngghen đối với giai cấp công nhân như sau: hai ông đã dạy cho công nhân tự nhận thức được mình và có ý thức về mình, và đã đem khoa học thay thế cho mộng tưởng”[21]. Đồng thời, C.Mác và Ph.Ăngghen dạy cho công nhân phương pháp đấu tranh trong sự nghiệp cách mạng lâu dài.

Về mặt nhận thức, chủ nghĩa Mác đã chấm dứt thời kỳ “mò mẫm như trong đêm tối” của hàng triệu nhân dân lao động sống dưới ách áp bức và bóc lột, tìm đường giải phóng cho mình. Lý luận của Mác được truyền bá rộng rãi trên toàn thế giới, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến mọi quốc gia - dân tộc, đến các nền văn hóa - chính trị trong nhiều bối cảnh lịch sử khác nhau.

 “Ph.Ăngghen là người đầu tiên đã nói rằng giai cấp vô sản không phải chỉ là giai cấp đau khổ, rằng chính địa vị kinh tế nhục nhã của giai cấp vô sản thúc đẩy, một cách không gì ngăn cản nổi, nó tiến lên và buộc nó phải đấu tranh cho sự giải phóng cuối cùng của nó. Và giai cấp vô sản đấu tranh sẽ tự mình giúp bản thân mình. Phong trào chính trị của giai cấp công nhân nhất định sẽ dẫn công nhân đến chỗ hiểu rằng đối với họ, không có lối thoát nào khác hơn là chủ nghĩa xã hội”[22]. Rằng, "việc giải phóng giai cấp vô sản phải là sự nghiệp của bản thân giai cấp vô sản".

Ph.Ăngghen cho rằng: “Nghiên cứu những điều kiện lịch sử và do đó, nghiên cứu chính ngay bản chất của sự biến đổi ấy, và bằng cách ấy làm cho giai cấp hiện nay đang bị áp bức và có sứ mệnh hoàn thành sự nghiệp ấy hiểu rõ được những điều kiện và bản chất của sự nghiệp của chính họ - đó là nhiệm vụ của chủ nghĩa xã hội khoa học, sự thể hiện về mặt lý luận của phong trào vô sản”[23]. 

Ph.Ăngghen cho rằng, giai cấp công nhân càng nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và lý tưởng của mình thì cuộc đấu tranh càng nhanh chóng thắng lợi.  “Giai cấp vô sản càng tiếp thu tư tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa thì cách mạng sẽ càng ít đổ máu, báo thù và tàn khốc”[24].

Về mặt đấu tranh, V.I.Lênin viết, trước khi C.Mác và Ph.Ăngghen xuất hiện “có nhiều người, có tài và vô tài, lương thiện và bất lương, say sưa đấu tranh cho tự do chính trị, đấu tranh chống lại chế độ chuyên chế của bọn vua chúa, cảnh sát và thầy tu, đã không nhìn thấy sự đối lập giữa lợi ích của giai cấp tư sản với lợi ích của giai cấp vô sản. Những người ấy không thừa nhận ngay cả đến ý nghĩ cho rằng công nhân có thể hoạt động với tư cách là một lực lượng xã hội độc lập. Mặt khác, có nhiều người mộng tưởng, đôi khi lại là những thiên tài, nghĩ rằng chỉ cần thuyết phục cho những nhà cầm quyền và các giai cấp thống trị thấy được tính chất bất công của chế độ xã hội hiện hành là cũng đủ để dễ dàng kiến tạo trên trái đất một nền hòa bình và một nền thịnh vượng chung. Họ mơ tưởng có chủ nghĩa xã hội mà không cần đấu tranh. Cuối cùng, hầu hết những người xã hội chủ nghĩa lúc đó và nói chung, những người bạn của giai cấp công nhân chỉ thấy rằng giai cấp vô sản là một ung nhọt, họ khiếp sợ thấy ung nhọt ấy lớn  lên cùng với sự phát triển của công nghiệp. Cho nên tất cả bọn họ đều tìm cách chặn sự phát triển của công nghiệp và của giai cấp vô sản lại, chặn "bánh xe lịch sử" lại”[25].

C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng: “Toàn bộ lịch sử thành văn từ trước đến nay là lịch sử đấu tranh giai cấp, là sự thay thế nhau của những nền thống trị và những cuộc chiến thắng của những giai cấp xã hội này đối với những giai cấp xã hội khác. Và tình trạng ấy sẽ còn kéo dài mãi, chừng nào mà những cơ sở của đấu tranh giai cấp và của sự thống trị giai cấp - tức là chế độ tư hữu và sự sản xuất xã hội vô tổ chức - vẫn chưa mất đi. Lợi ích của giai cấp vô sản đòi hỏi phải tiêu diệt những cơ sở ấy, và do đó cuộc đấu tranh giai cấp tự giác của những công nhân có tổ chức phải nhằm chống lại những cơ sở ấy” [26].

Thông qua các hình thức đấu tranh từ sơ khai, thô sơ, cục bộ đến đấu tranh cách mạng sâu sắc, toàn diện, giai cấp công nhân ngày càng mạnh mẽ. Trong tác phẩm Tình cảnh của giai cấp công nhân ở Anh, Ph.Ăngghen viết, hình thức sớm nhất, thô sơ nhất và ít hiệu quả nhất của sự phản kháng là phạm tội. Công nhân phải sống nghèo khổ, bần cùng mà lại thấy đời sống của kẻ khác khá hơn mình; anh ta không hiểu tại sao chính anh ta là người lao động cho xã hội nhiều hơn bọn nhà giàu ăn không ngồi rồi, mà lại phải chịu thiếu thốn như thế. Tiếp theo, dùng bạo lực để chống lại việc sử dụng máy móc, phá máy móc, phá hủy công xưởng. Nhưng hình thức phản kháng ấy cũng có tính chất cô lập, hạn chế ở những khu vực cá biệt và chỉ đạt được thắng lợi chốc lát. Năm 1824, khi công nhân có quyền tự do lập hội thì những công liên ra đời. Lịch sử của những công liên ấy là một chuỗi dài những thất bại của công nhân, chỉ có vài lần thắng lợi cá biệt. Công nhân nhận rằng muốn đập tan thế lực của giai cấp tư sản thì ngoài công liên và bãi công ra, công nhân còn cần phải có cái gì khác hơn thế nữa. Công nhân đã hiểu rằng sự thống trị của giai cấp tư sản chỉ xây dựng được trên sự cạnh tranh giữa công nhân với nhau, tức là xây dựng trên sự chia rẽ của giai cấp vô sản, trên sự đối lập giữa những loại công nhân này với những loại công nhân khác. Khi công nhân không còn cạnh tranh lẫn nhau nữa, khi mọi người đều hạ quyết tâm không để cho giai cấp tư sản bóc lột mình nữa thì vương quốc của chế độ tư hữu đến ngày tận số. “Cuộc chiến tranh của người nghèo chống người giàu, hiện đang gián tiếp tiến hành bằng hình thức xung đột nhỏ cá biệt, sẽ trở thành cuộc chiến tranh toàn diện và công khai”[27]. “Sự phân hóa giai cấp ngày càng gay gắt, tinh thần phản kháng ngày càng ăn sâu vào lòng người công nhân, sự căm phẫn càng tăng, những cuộc xung đột cá biệt kiểu du kích đang mở rộng thành những cuộc chiến đấu và thị uy lớn hơn, và không lâu nữa, chỉ cần một sự va chạm nhẹ cũng đủ gây nên sóng gió lở đất long trời” [28].

Ngoài việc xây dựng “vũ khí lý luận” cho giai cấp vô sản, Ph.Ăngghen còn đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tổ chức những người theo chủ nghĩa xã hội ở châu Âu, dành nhiều thời gian, công sức truyền bá tư tưởng, lý luận cách mạng và khoa học của C.Mác, xây dựng các tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân.

Năm 1864, C.Mác đã sáng lập ra "Hội liên hiệp lao động quốc tế" và lãnh đạo hội đó suốt trong 10 năm. Ph.Ăngghen cũng đã tham gia tích cực vào công tác của hội đó. Hoạt động của "Hội liên hiệp quốc tế", - hội, theo Mác, đã đoàn kết được vô sản ở tất cả các nước - có một tác dụng to lớn đối với sự phát triển của phong trào công nhân. Qua đó, người ta có thể nói vai trò của Ph.Ăngghen, với tư cách là người lãnh đạo thực sự của phong trào công nhân, làm cho phong trào công nhân cũng phát triển không ngừng.

Sau khi C.Mác mất, Ph.Ăngghen vẫn một mình tiếp tục làm người cố vấn và chỉ đạo cho những người xã hội chủ nghĩa ở châu Âu. Đến xin ông cho ý kiến và chỉ dẫn có cả những người xã hội chủ nghĩa Đức, là những người mà lực lượng của họ, tuy bị chính phủ truy bức nhưng vẫn không ngừng lớn lên nhanh chóng, và cả những đại biểu của các nước lạc hậu, chẳng hạn người Tây ban nha, người Rumani, người Nga, là những người đang phải suy nghĩ và đắn đo trong bước đi đầu tiên của họ. Tất cả họ đều nhờ đến kho tàng tri thức và kinh nghiệm phong phú của Ph.Ăngghen.

V.I.Lênin đã khẳng định, Ph.Ăngghen là một “bó đuốc sáng ngời” trong những trí tuệ anh minh, là một “trái tim vĩ đại” trong những trái tim nhân loại. Ph.Ăngghen, người chiến sĩ và người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, đời đời sống mãi.

Kết luận

V.I.Lênin đã khẳng định: “Toàn bộ thiên tài của Mác chính là ở chỗ ông đã giải đáp được những vấn đề mà tư tưởng tiên tiến của nhân loại nêu ra… Chủ nghĩa Mác là học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là một học thuyết hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của tư sản”[29]. Khi nói về giá trị, tính khoa học và bản chất cách mạng của học thuyết Mác, V.I.Lênin đã khẳng định rằng, toàn bộ giá trị của học thuyết Mác là ở chỗ, lý luận đó về bản chất là một lý luận có tính chất phê phán và cách mạng. Bất cứ những quan tâm nào về xã hội, lịch sử đều có thể tìm thấy trong học thuyết Mác những cơ sở khoa học cho lời giải đáp.

Gần 180 năm hình thành và phát triển, chủ nghĩa Mác đã chứng tỏ vai trò to lớn của nó đối với sự phát triển nhận thức, tinh thần và hiện thực của xã hội loài người, trước hết là cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Lịch sử nhân loại ngày nay đã có nhiều thay đổi lớn lao, nhưng chủ nghĩa Mác vẫn chứng tỏ được sức sống của nó. Bất cứ những quan tâm nào về xã hội, lịch sử đều có thể tìm thấy trong học thuyết Mác những cơ sở khoa học cho lời giải đáp. Ngoài ra, từ chỗ phản ánh khách quan, khoa học quá trình tất yếu của lịch sử nhân loại, chủ nghĩa Mác còn cung cấp những quan điểm, nguyên tắc chung, cơ bản để nhận thức, giải thích chính xác về cơ bản những chế độ xã hội, và con đường để xây dựng xã hội mới - xã hội cộng sản.

Đánh giá một cách rõ ràng và sâu sắc ý nghĩa và giá trị trong những phát kiến khoa học của C.Mác đối với phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản và nhân loại tiến bộ, V.I.Lênin đã quả quyết khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa duy vật triết học của Mác là đã chỉ cho giai cấp vô sản con đường phải theo để thoát khỏi chế độ nô lệ về tinh thần, trong đó tất cả các giai cấp bị áp bức đã sống lay lắt từ trước tới nay. Chỉ có học thuyết kinh tế của Mác là đã giải thích được địa vị thực sự của giai cấp vô sản trong toàn bộ chế độ tư bản chủ nghĩa” [30]. “Sức hấp dẫn không gì cưỡng nổi đã lôi cuốn những người xã hội chủ nghĩa của tất cả các nước đi theo lý luận đó, chính là ở chỗ nó kết hợp tính chất khoa học chặt chẽ và cao độ (đó là đỉnh cao nhất của khoa học xã hội) với tinh thần cách mạng, và kết hợp không phải một cách ngẫu nhiên, không phải chỉ vì người sáng lập ra học thuyết ấy đã kết hợp trong bản thân mình những phẩm chất của nhà bác học và của nhà cách mạng, mà là kết hợp trong chính bản thân lý luận ấy, một sự kết hợp nội tại và khăng khít"[31].

Có thể nói, sau khi đã “nắm bắt thời đại bằng tư tưởng”, chủ nghĩa Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng vĩ đại trong nhận thức và cải tạo thế giới. Chủ nghĩa Mác không chỉ là “công cụ nhận thức vĩ đại”, là khoa học hoàn chỉnh, chặt chẽ chấm dứt sự tuỳ tiện, sự lộn xộn trong các quan niệm về lịch sử và chính trị, mà còn là phương pháp cải tạo thế giới sâu sắc và triệt để.

Khảo nghiệm sự nghiệp cách mạng của của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở những nước đang xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội cũng như sự biến đổi của thế giới hiện thực từ khi chủ nghĩa Mác ra đời đến nay đã chứng tỏ, những giá trị của chủ nghĩa Mác vẫn còn được khẳng định và tiếp tục là nền tảng tư tưởng của chúng ta!


[1]V.I.Lênin: Toàn tập, tập 23, Nxb. Tiến bộ, M.1977, tr.54.

[2]C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập1, Nxb. CTQG Hà Nội 1995, tr.157, 159

[3] C.Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H,1995,  tr.589-590

[4] C.Mác và Ph, Ăngghen: Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H.1994, tr.12

[5]C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.19, tr.496.

[6] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 1, Nxb. Tiến bộ, M.1974, tr.161.

[7] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 26, Nxb. Tiến bộ, M.1980, tr.69.

[8]V.I.Lênin. Sđd., t.1, tr.159, 163.

[9].V.I.Lênin. Sđd., t.1, tr.166,161.

[10] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995,  t.23, tr. 1059-1060.

[11] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb. CTQG, H.,1995, tr.51.

[12] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 33, Nxb. Tiến bộ, M. 1977, tr. 103-104

[13] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 34, Nxb. Tiến bộ, M., 1977, tr.258.

[14] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 42, Nxb. CTQG, H., 2000, tr.183.

[15] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tập 2, tr.3.

[16] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tập 2, tr.7.

[17] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1993, tập 20, tr.388-389.

[18] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1993, tập 20, tr.393.

[19] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Matxcơva, 1980, tập 23, tr.1.

[20] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tập 2, tr.5.

[21] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tập 2, tr.5.

[22] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tập 2, tr.7-8.

[23] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1993, tập 20, tr.393.

[24] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1993, tập 2, tr.697.

[25] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tập 2, tr.4-5.

[26] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tập 2, tr.3-4.

[27] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1993, tập 2, tr.698.

[28] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1993, tập 2, tr.698.

[29]V.I.Lênin. Sđd., t.23, tr.49-50.

[30]V.I.Lênin. Toàn tập, t.23. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.57-58.

[31]V.I.Lênin. Sđd., t.1, tr.421.