na
MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG XUÂN ẤT TỴ! 
Bảo vệ nền tảng tư tường
30/4/1975 - GIÁ TRỊ LỊCH SỬ KHÔNG THỂ BỊ PHỦ NHẬN
02/04/2025 04:26:01

Cách đây 50 năm, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Ngày 30-4-1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam, mang tầm vóc quốc tế và thời đại, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã nhận định: “…thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” (1).

Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã khép lại cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta ròng rã gần 1/3 thế kỷ (1945 - 1975) kể từ khi thực dân Pháp nổ súng trở lại Nam Bộ, trong đó hơn 1/5 thế kỷ (1954 - 1975) chống đế quốc Mỹ can thiệp và xâm lược miền Nam; đập tan cuộc phản công lớn nhất, kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai của chủ nghĩa đế quốc, mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới. Chiến thắng ấy góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì độc lập, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, đồng thời khẳng định chân lý: Trong thời đại ngày nay, một dân tộc đất không rộng, người không đông, kinh tế kém phát triển nhưng toàn dân đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của một Đảng mácxít với đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực xâm lược.

Tuy nhiên, hàng năm cứ vào dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, các tổ chức phản động lưu vong như Việt Tân, Chính phủ Việt Nam lâm thời hoặc các đối tượng phản động, chống phá cùng một số người mơ hồ, bị lôi kéo …lại tung lên các diễn đàn những luận điệu xét lại, phủ nhận lịch sử, làm lung lạc lòng người, chia rẽ, phá hoại, hạ thấp uy tín của Đảng, bôi nhọ lãnh tụ. Các đối tượng cực đoan đã tụ tập tiến hành kỷ niệm “ngày quốc hận”, đòi “phục hồi danh dự cho những người trong chế độ Việt Nam Cộng hòa”, đòi Việt Nam phải thừa nhận cuộc chiến vệ quốc là cuộc “nội chiến”… Trong số đó, có những kẻ cho rằng việc Mỹ có mặt trên lãnh thổ miền Nam là cần thiết nhằm ngăn chặn sự bành trướng, xâm lược, thôn tính của của chủ nghĩa cộng sản miền Bắc và Mỹ phải có trách nhiệm bảo vệ đồng minh là ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa. Hơn nữa, Mỹ giúp miền Nam tiếp cận được nền văn minh và văn hóa phương Tây với tư cách là hình mẫu của dân chủ và tự do. Cách nhìn lệch lạc chứa đựng ác ý thâm độc cùng với sự ngộ nhận, mơ hồ trong đánh giá sự thật lịch sử ấy cũng không thể biện minh cho mục tiêu muốn thôn tính miền Nam Việt Nam của đế quốc Mỹ, biến nơi đây thành thuộc địa kiểu mới, thành căn cứ quân sự, càng không thể xóa nhòa những hậu quả mà Mỹ đã gây ra. Trong thời gian ấy, Mỹ đã sử dụng các loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất như xe tăng, máy bay, đại bác và vũ khí hóa học hủy diệt sự sống thậm chí "tiêu diệt tất cả những gì chuyển động trên mặt đất" nhằm đè bẹp ý chí chiến đấu của dân tộc ta. Với hơn 60 vạn quân viễn chinh (gồm quân Mỹ và năm nước chư hầu) làm điểm tựa cho hơn một triệu quân nguỵ (có lúc cao nhất tới 68% bộ binh, 60% lính thuỷ đánh bộ, 32% lực lượng không quân chiến thuật, 50% lực lượng không quân chiến lược), Mỹ đã dội 7,8 triệu tấn bom (gấp hơn 3 lần số bom đạn Mỹ sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai và gấp 12 lần so với chiến tranh Triều Tiên), rải trên 80 triệu lít chất độc hóa học (chủ yếu điôxin) ở Việt Nam. Bằng phương thức thống trị thực dân kiểu mới giấu mặt, trá hình, Mỹ đã viện trợ cho chính quyền miền Nam Việt Nam 7 tỉ USD, chi 414 triệu USD (năm 1955-1956) nhằm xây dựng lực lượng thường trực quân đội Việt Nam cộng hòa; viện trợ 21,336 tỉ USD cả về kinh tế và quân sự (giai đoạn 1962-1974). Đặc biệt khi liên tiếp sa lầy, thất bại trên chiến trường miền Nam, quân đội Mỹ đã ném bom xuống Thủ đô Hà Nội liên tục 12 ngày đêm vào cuối năm 1972. Với khoảng 30.000 tấn bom dội xuống các mục tiêu quân sự, giao thông, trường học, bệnh viện, khu phố... Mỹ đã gây tội ác vô cùng dã man. Mục tiêu, tính chất, lực lượng, phương tiện trên đã chứng minh rõ nét đó là cuộc chiến tranh xâm lược nhằm quét sạch chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam và Đông Dương, biến Việt Nam thành thuộc địa, là bàn đạp để thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới, thực hiện chiến lược toàn cầu “ngăn chặn” chủ nghĩa cộng sản, đàn áp phong trào giải phóng dân tộc. Ngoài ra, Mỹ còn tính toán tới lợi ích kinh tế thu được qua cuộc chiến này đồng thời răn đe Liên Xô, Trung Quốc và phong trào giải phóng dân tộc. Vì mục tiêu chiến lược toàn cầu và lợi ích của giới tư bản, Mỹ quyết định hành động chiến tranh và thúc đẩy chiều hướng leo thang chiến tranh. Vì thế, không thể cho rằng miền Bắc xâm lược miền Nam hay chính quyền Việt Nam dân chủ Cộng hòa hiếu chiến, muốn gây chiến tranh thôn tính miền Nam bởi "nước ta là một khối, không ai chia cắt được... đó là nguyện vọng thiết tha của toàn thể nhân dân ta từ Bắc đến Nam(2). "Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi"(3). Càng không thể cho rằng chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa là “tay sai” của Liên Xô, Trung Quốc; chống Mỹ là thực hiện mưu đồ của Liên Xô, Trung Quốc. Hành động xâm phạm độc lập, chủ quyền và lãnh thổ ở Việt Nam của đế quốc Mỹ là trái đạo lý, phải trả giá.

Đại diện cho những con người “cấp tiến” trong giới văn nghệ sĩ, “dám đấu tranh cho công bằng, tiến bộ”, quay lưng lại với lịch sử chính là nhà văn Dương Thu Hương. Khi non sông thu về một mối, kẻ vong ân bội nghĩa ấy đã thốt lên: “Thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ”. Với tác phẩm “Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen”, Dương Thu Hương đã hùa theo giọng điệu của những kẻ chống phá cách mạng cho rằng: “Cộng sản Bắc Việt đã gây ra cuộc chiến tranh làm hàng triệu người thảm tử”. Không những thế còn bôi đen lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc là “lịch sử bất hạnh của một dân tộc hèn mọn”. Với chủ đích phủ nhận giá trị hòa bình, phủ nhận cội nguồn dân tộc, những tác phẩm của Dương Thu Hương như “Thiên đường mù”, “Đỉnh cao chói lọi”, “Vô đề” …đã được các thế lực thù địch ca ngợi, nâng đỡ và cổ súy bởi nội dung bóp méo sự thật về đất nước, chửi rủa nhân dân Việt Nam là “mọi rợ”; bôi nhọ, xuyên tạc về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh đồng thời lại dùng nhiều lời hoa mỹ ca ngợi phương Tây. Bản chất vong quốc ấy đã được bộc lộ rõ ngay từ khi chưa xuất ngoại và càng trở nên trơ tráo hơn khi được hà hơi, tiếp sức mạnh mẽ của những kẻ chống phá ở nước ngoài.

Trên không gian mạng có luận điệu cho rằng: Việt Nam đánh đuổi Mỹ nhưng bây giờ lại làm ăn với Mỹ, đưa con cháu sang Mỹ học tập, sinh sống. Vậy có phải là tự mình làm khó cho mình, mâu thuẫn với chính mình và lao vào vòng luẩn quẩn sau khi hàng triệu đồng bào nằm xuống?

Có thể khẳng định rằng, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội không bao giờ đóng khung, chết cứng, giáo điều mà luôn kế thừa, phát triển. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin trong quá trình xây dựng học thuyết của mình đã cho rằng để xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải không ngừng học hỏi, kế thừa những thành tựu, ưu việt của chủ nghĩa tư bản và trí thức tư sản. V.I.Lênin từng kêu gọi những người cộng sản: “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt của nước ngoài: Chính quyền Xô viết + trật tự ở đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơ-rớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ etc.etc.+ + = S = chủ nghĩa xã hội”(4); cũng như nắm bắt “những phát minh mới nhất của khoa học hiện đại”(5) mà “chủ nghĩa tư bản đã để lại cho chúng ta một di sản lớn, nó đã để lại cho chúng ta rất nhiều chuyên gia giỏi mà chúng ta phải sử dụng bằng bất cứ giá nào và sử dụng trên quy mô lớn”(6). Do đó, “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra” (7). Theo V.I.Lênin, cần phải: “cử một vài người có năng lực và tận tâm sang Đức hay sang Anh để sưu tầm tài liệu và nghiên cứu vấn đề. Tôi nói sang Anh, trong trường hợp không thể sang Mỹ hay Canađa được” (8)... thậm chí vô cùng quyết liệt: “Tôi sẵn sàng đổi hàng tá những đảng viên cộng sản hữu danh vô thực để lấy một chuyên gia tư sản thạo việc”. Như vậy, ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, quan điểm của V.I.Lênin đã thể hiện tính biện chứng sâu sắc và sự vượt trội về tầm nhìn chiến lược. Ông không hề tả khuynh đồng nhất chủ nghĩa tư bản với tiêu cực mà nhận thấy rất những tích cực có thể học hỏi, vận dụng, kế thừa trong đó Mỹ là quốc gia tư bản được V.I.Lênin đánh giá cao.

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Người đã tuyên bố: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. c) Nước VN chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc(9). Người còn chủ trương chuộc lại dần dần những cơ sở kinh tế người Pháp đã bỏ vốn ra gây dựng trước cách mạng như cần thiết cho nền kinh tế quốc gia Việt Nam; hoan nghênh tư bản Pháp đầu tư khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác, mời chuyên gia nước ngoài dù từ Pháp, Mỹ hay Nga, Trung Quốc đến giúp kiến thiết quốc gia với điều kiện phải thừa nhận nền độc lập của nước ta.

Sinh thời, cố Thủ tướng Anh Winston Churchill đã từng nói: “Không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. Trong câu nói ấy, chúng ta thấy từ “không có” được nhắc lại hai lần, từ “vĩnh viễn” được lặp lại ba lần. Đó cũng là thông điệp: Trong đối ngoại, lựa chọn làm bạn hay thù của nhau thì tiêu chí cao nhất để đánh giá, định vị mối quan hệ ấy chính là lợi ích quốc gia. Điều đó cũng có nghĩa lợi ích quốc gia là “dĩ bất biến” còn chuyện bạn hay thù là “ứng vạn biến”. Lợi ích quốc gia phải là trên hết, là trước hết. Nói cách khác, đây chính là trường phái ngoại giao cây tre hiện nay của Việt Nam - sự kết hợp hài hòa giữa gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển(10). Đó là sự: “mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt(11). Trên tinh thần khép lại quá khứ, hướng đến tương lai, Mỹ đã bình thường hóa quan hệ đối ngoại với Việt Nam từ 1995. Từ đối tác toàn diện, quan hệ Việt - Mỹ đã được nâng tầm thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023 trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; đóng góp cho sự nghiệp chung, vì sự phát triển của hai nước, vì hoà bình của nhân loại. Điều này khác xa với việc quân đội chính quy Hoa Kỳ và đồng minh đến Việt Nam trước đây để xâm lược và nuôi dưỡng bọn bán nước Việt Nam Cộng hòa chống lại dân tộc Việt Nam. Việt Nam đánh Mỹ nhưng bây giờ lại đưa con, cháu sang Mỹ định cư và học tập là điều hoàn toàn bình thường bởi Mỹ là nước có nền kinh tế và khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới, là nơi quy tụ trí tuệ của nhân loại (không chỉ riêng của người Mỹ).

Lịch sử Việt Nam đã trải qua những cuộc trường chinh giữ nước nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền của Tổ quốc. Bất cứ ai cũng đều có quyền tự hào về truyền thống chống giặc ngoại xâm, giữ gìn giang sơn, bờ cõi. Sự thật trong quá khứ không thể nào phủ nhận, càng không thể bằng ý đồ cá nhân cố tình đánh tráo khái niệm cho rằng kháng chiến chống Mỹ cứu nước mang yếu tố “nội chiến”. Tôn trọng lịch sử, không được phép lãng quên lịch sử nhưng cũng không có nghĩa nhớ về lịch sử nhằm khơi gợi hận thù, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Nhìn nhận, đánh giá đúng lịch sử là quyền và trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam trong dòng chảy của quá trình dựng nước và giữ nước./.

Ts Đặng Thị Mai, khoa Lý luận cơ sở

CHÚ THÍCH

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 37, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 471.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2011, t.10, tr.102

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.280

(4), (5) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t.36, tr.684, 368

(6) V.I.Lênin: Toàn tập, t.37, Sđd, tr.493.

(7) V.I.Lênin: Toàn tập, t.41, Sđd, tr.362

(8) V.I.Lênin: Toàn tập, t.45, Sđd, tr.449

(9) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H., 2011, tập 4, tr.523

(10). Nguyễn Phú Trọng, “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 980, tháng 12-2021, tr.8.

(11) Bài viết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: “Ngoại giao Việt Nam: 75 năm đồng hành cùng dân tộc”, Báo Tuổi trẻ điện tử, https://tuoitre.vn/ngoai-giao-viet-nam-75-nam-dong-hanh-cung-dan-toc-20200828000353122.htm, ngày 28-8-2020.