na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2025) VÀ 139 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886-01/5/2025)! 
Bảo vệ nền tảng tư tường
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ KẾ HOẠCH HÓA VÀ NHỮNG GỢI Ý TRONG PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
24/04/2025 03:09:53

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, kế hoạch hóa có một vai trò quan trọng. Nội dung kế hoạch hóa được đề cập một cách toàn diện, dưới nhiều góc độ khác nhau, từ góc kế hoach tổng thể đến kế hoạch chi tiết, tùy hoàn cảnh, công việc, gắn với từng chủ thể Người sử dụng thuật ngữ “kế hoạch” với những ý nghĩa khác nhau. Đó có thể được hiểu là kế hoạch tổng thể ở cấp độ vĩ mô, và chính sách, kế hoạch, biện pháp ở cấp độ vi mô đối với mỗi doanh nghiệp, ngành hay mỗi cá nhân. Nội dung kế hoạch hóa gắn với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn, hoàn cảnh lịch sử.

Mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội được Người khẳng định một cách đơn giản và dễ hiểu, đó là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động. Vì thế, để thực hiện được mục tiêu, cần phải có kế hoạch. Kế hoạch theo Hồ Chí Minh là khâu quan trọng, không có kế hoạch hoặc kế hoạch không đầy đủ sẽ dẫn đến dẫn đến sự thành công hay thất bại của công tác quản lý: “bất kỳ việc to hay việc nhỏ đều phải có kế hoạch, căn cứ vào đó mà thực hiện tùy theo trật tự công việc. Kế hoạch đầy đủ thì thành công. Kế hoạch không đầy đủ thì thành công một nửa. Không có kế hoạch thì hoàn toàn thất bại. Làm việc phải có ngăn nắp. Bất kỳ việc gì cũng phải nắm lấy phần chính mà làm trước, không được bừa bãi, chậm trễ”[i]. Kế hoạch là khâu quyết định nhưng mức độ thành công của kế hoạch phụ thuộc lớn vào tính khoa học, sự “ngăn nắp” hay khả năng dự báo của kế hoạch để tính toán khả năng, điều kiện thực hiện cho phù hợp, khả thi.

Với ý nghĩa quan trọng đó của kế hoạch, trước lúc đi xa, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn lại: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Trong nhiều bài nói, bài viết của mình, Người chỉ rõ vai trò của kế hoạch trong việc thúc đẩy thi đua, hoàn thành nhiệm vụ. Vậy kế hoạch được xây dựng như thế nào để thực hiện thi đua?

Trước hết, kế hoạch phải được xây dựng một cách dân chủ

Trong các bài viết, bài nói Người thường nhấn mạnh đến tính dân chủ của kế hoạch. Kế hoạch dân chủ được hiểu trước hết ở tính thống nhất của kế hoạch “nghĩa là từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, nghĩa là Chính phủ trung ương có kế hoạch cho toàn quốc, và địa phương căn cứ theo kế hoạch toàn quốc mà đặt kế hoạch thích hợp với địa phương mình”. Từ kế hoạch chung tổng thể, thống nhất đó, các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể của địa phương mình “mỗi ngành, mỗi gia đình, mỗi người sẽ có kế hoạch riêng của mình, ăn khớp với kế hoạch chung”.

Hai là, kế hoạch phải được xây dựng cụ thể, tỉ mỷ, sát với thực tiễn

Để đảm bảo tính khả thi, kế hoạch phải được xây dựng một cách tỉ mỷ, trên cơ sở thực tiễn, bám sát thực tiễn, kế hoạch phải do từng đơn vị nhỏ, từng cá nhân, bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, làm sao cho mỗi nhóm, mỗi người tự giác tự động. Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực. Khi đặt kế hoạch phải tuyệt đối tránh sự sơ suất, “đại khái”, quá cao, phiền phức, miễn cưỡng.

Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, kế hoạch có vai trò quan trọng, cùng với biện pháp tổ chức thực hiện là yếu tố quyết định sự thành công của mục tiêu. Để hiện thực hóa kế hoạch, kế hoạch phải được xây dựng một cách dân chủ, khách quan, khoa học, tỉ mỉ, sát thực tế và có tính dự báo.

Ở nước ta, sau gần 40 năm đổi mới, từ một nước nghèo, lạc hậu vận hành nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, Việt Nam đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và trở thành một nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình của thế giới. Mặc dù nền kinh tế của đất nước đã có nhiều thay đổi, quy mô nền kinh tế lớn gấp nhiều lần trước đây, nhưng công tác quy hoạch, kế hoạch chưa theo kịp trước sự đổi mới và đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, gây khó khăn trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành, làm lãng phí nguồn lực của đất nước, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân.

Do đó, để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giới hạn vai trò của Nhà nước như thế nào, đến đâu để phát huy được mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của kinh tế thị trường, công tác quy hoạch, kế hoạch có ý nghĩa quan trọng. Từ góc độ tiếp cận những tư tưởng của Hồ Chí Minh về kế hoạch hóa có thể rút ra một số vấn đề có thể vận dụng vào phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam:

Một là, nâng cao khả năng phân tích, dự báo trong xây dựng kế hoạch

Đối với công tác dự báo phục vụ điều hành vĩ mô, giai đoạn này sẽ có nhiều cơ hội: Tiếp cận với thông tin đa dạng kể cả truyền thống và phi truyền thống, đa chiều về nguồn gốc, phong phú về lĩnh vực; cách thức thu thập, xử lý thông tin cũng trở nên thông suốt và được hỗ trợ nhiều bởi các công nghệ mới; hệ thống phương pháp và mô hình cũng được phát triển mạnh, tốc độ xử lý thông tin lưu trữ nhanh, kỹ thuật trợ giúp quá trình đưa ra các dự báo phục vụ điều hành vĩ mô ngày một tiên tiến. Đây đều là những cơ hội để có thể tiếp cận và phát triển dự báo nhằm đáp ứng yêu cầu điều hành vĩ mô nhanh và chính xác.

Tuy vậy, cũng còn nhiều thách thức đối với công tác dự báo. Việc thông tin đa dạng, đa chủng loại, đa tần suất cần đòi hỏi sự tỉnh táo và trình độ cao của đội ngũ cán bộ làm công tác dự báo. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, biến động kinh tế - xã hội trên thế giới diễn biến rất nhanh và chưa từng có tiền lệ, tác động đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội với mức độ ngày một lớn, yêu cầu đối với công tác dự báo phục vụ điều hành vĩ mô cũng sẽ nhiều và phức tạp hơn. Tình hình thế giới biến động ngày một khó lường, gây ra những tác động tích cực và tiêu cực đan xen đến nền kinh tế Việt Nam. Trước sự tác động trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội với phạm vi mở rộng nhiều quốc gia đòi hỏi công tác dự báo kinh tế có những bước chuyển mình mới, nhằm đưa ra những kết quả dự báo nhanh, sát với tình hình thực tế, tư vấn chính sách kịp thời và chính xác. Thêm vào đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế đặc thù riêng có của Việt Nam, điều này đòi hỏi công tác dự báo đưa ra kịch bản dự báo diễn biến của nền kinh tế.

Nhận thức rõ bối cảnh, điều kiện mới, Đảng ta xác định: “Cần chú trọng nâng cao bản lĩnh, năng lực dự báo và chất lượng công tác hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại”[ii]. Trước biến động khó lường của tình hình và mức độ hội nhập ngày một sâu của nền kinh tế Việt Nam, nhiệm vụ dự báo phục vụ điều hành vĩ mô phải đổi mới, cập nhập các công nghệ, bảo đảm đưa ra tư vấn chính sách nhanh, chính xác và kịp thời

Hai là, đổi mới công tác kế hoạch

Về nguyên tắc, kế hoạch của các ngành, địa phương phải phù hợp với kế hoạch chung của cả nước. Tuy nhiên, Nhà nước cần tăng cường việc điều tiết nền kinh bằng khung khổ pháp lý, hạn chế tối đa mọi can thiệp mang tính áp đặt, trực tiếp, cơ quan hoạch định chính sách cần có quy chế công bố công khai các quy hoạch để các chủ thể trong nền kinh tế đóng góp ý kiến, tham khảo và tích cực thực hiện. Ngược lại, các địa phương, ngành cần hỗ trợ cho việc lập và điều hành kế hoạch kinh tế quốc dân bằng cách cung cấp các thông tin, dự báo và những kiến nghị cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách kinh tế.

Như vậy, để tránh chồng chéo, hành chính, thiếu thống nhất, thiếu tính khả thi của kế hoạch, đổi mới công tác kế hoạch cần được thực hiện theo một quy trình mới với sự phân công, phối hợp chặt chẽ, thống nhất, cụ thể giữa các ngành, các cấp… Đồng thời, quá trình xây dựng nội dung kế hoạch cần đổi mới theo hướng xác định các mục tiêu phải được làm cùng với xác định biện pháp tương ứng để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.

Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dự báo chiến lược và xây dựng kế hoạch

Chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dự báo chiến lược là nội dung quan trọng có tính quyết định đến việc nâng cao chất lượng công tác dự báo chiến lược và xây dựng kế hoạch trong tình hình mới, đòi hỏi người làm công tác dự báo không những phải có kiến thức toàn diện, kiến thức chuyên môn sâu, sử dụng thành thạo công cụ hỗ trợ mà còn phải có hiểu biết sâu về phương pháp luận dự báo, kỹ năng phân tích, xử lý thông tin và khả năng phối, kết hợp chặt chẽ trong quá trình dự báo. Trong khi đó, phần lớn cán bộ làm công tác dự báo hiện nay chưa được đào tạo chuyên sâu; khả năng, kỹ năng nhiều mặt còn hạn chế. Do vậy, nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ làm công tác dự báo chiến lược là vấn đề quan trọng, vừa cấp thiết trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, khả năng dự báo chiến lược trong điều kiện mới.

ThS. Nguyễn Thị Nga, Khoa Lý luận cơ sở



[i] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr.264.

[ii] Lại Xuân Môn: “Nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược của đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay”, Tạp chí Cộng sản, số 999 (10-2022), tr. 14