Thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức và giảng viên lý luận chính trị năm 2021, Học viện Chính trị
quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức lớp Bồi dưỡng về Phát triển Việt Nam trong bối cảnh
chuyển dịch địa chiến lược mới của các nước lớn dành cho giảng viên giảng dạy
Kinh tế chính trị. Do tình hình dịch bệnh, đợt tập huấn được thực hiện thông
qua hình thức trực tuyến, diễn ra từ ngày 27/9 đến ngày 30/9/2021. Căn cứ vào Kế
hoạch của học viện, trường Chính trị tỉnh Hải Dương đã cử 5 đồng chí giảng viên
và giảng viên kiêm chức thuộc chuyên ngành Kinh tế chính trị tham dự đợt tập huấn,
trong đó bao gồm 3 giảng viên của khoa Lý luận cơ sở và 2 giảng viên kiêm chức
thuộc phòng TC-HC-TTTL.
Trong những năm qua, tri thức
- thông tin đã trở thành nguồn lực có ý nghĩa ngày càng quyết định. Cuộc Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) khác căn bản so với các cuộc
cách mạng trước về cả tốc độ phát triển và mức độ tác động sâu rộng. Bên cạnh
đó, các nhân tố địa lý như biển, đại dương và them vào đó là sự tác động của đại
dịch Covid-19 ngày càng có tác động quan trọng đến vận mệnh của nhiều quốc gia.
Do vậy, nội hàm và cách tiếp cận khái niệm “địa - chiến lược” cũng khác trước.
Việc nhận diện những bước phát triển mới trong nhận thức về khái niệm này gợi mở
hàm ý đối với Việt Nam cả trên hai phương diện cơ hội và thách thức. Trong đợt
tập huấn lần này, các giảng viên đã được các Phó Giáo sư, Tiến sĩ, các chuyên
gia đầu ngành trao đổi 7 chuyên đề lớn xoay quanh các vấn đề: lý luận chung về
địa chiến lược, sự thay đổi trong địa chiến lược của các nước lớn trong khu vực
và trên thế giới, những thách thức và yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam cũng như
định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong bối cảnh mới như thế
nào. Đối với giảng viên ở các trường chính trị tỉnh, thành phố nói chung, giảng
viên giảng dạy Kinh tế chính trị nói riêng, việc bổ sung, cập nhật những vấn đề
trên là hết sức cần thiết.
Thông qua đợt tập huấn, các giảng viên đều được cập nhật, bổ sung nhiều kiến thức bổ ích, góp phần
nâng cao nhận thức, trình độ của bản thân đồng thời vận dụng những kiến thức đó
trong quá trình giảng dạy. Trong thời gian tới, kính đề nghị Đảng ủy, Ban Giám
hiệu nhà trường tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên được
tham gia thêm các lớp bồi dưỡng, đề từ đó nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp
vụ, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính
trị hiện nay.
Ths. Nguyễn Thị Nga - GV khoa Lý luận cơ sở