Trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay, cấp xã là cấp cơ sở, là nơi thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước cụ thể nhất, đồng thời là nơi tạo sự gắn bó mật thiết của đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp xã với cử tri, với Nhân dân. Việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trong công tác kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở nói chung và chính quyền cấp xã nói riêng. Trong hơn 70 năm thành lập và phát triển, HĐND cấp xã đã không ngừng hoàn thiện, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, qua đó khẳng định vị thế, vai trò của một thành tố trong chính quyền địa phương, trong hệ thống chính trị cơ sở,đóng góp rất quan trọng vào sự ổn định và phát triển của các địa phương trên tất cả các lĩnh vực.
Đối với tỉnh Hải Dương, sau hơn 8 năm triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015; dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp tích cực của các cơ quan, hoạt động của HĐND cấp xã tại tỉnh Hải Dương đã có nhiều đổi mới, chất lượng ngày càng được nâng cao,cụ thể như: Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp tiếp tục được tăng cường. Chất lượng giám sát của Thường trực và các Ban đã có nhiều cố gắng, từng bước được nâng lên; góp phần tạo ra sự chuyển biến tích cực ở các địa phương. Tựu chung lại,hoạt động giám sát của HĐND cấp xã tại tỉnh Hải Dương trong thời gian qua cơ bản đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, góp phần tích cực vào công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử tại địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Hải Dương nói chung và hoạt động giám sát của HĐND nói riêng còn có những hạn chế nhất định như: (1) Nội dung, lĩnh vực một số cuộc giám sát còn dàn trải, chưa tập trung vào các vấn đề mang tính bức xúc đang được cử tri quan tâm; hoạt động giám sát của các Ban HĐND còn thiếu chủ động, chất lượng giám sát chưa cao. (2) Việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát có việc chưa hiệu quả; hoạt động tái giám sát của HĐND còn hạn chế. (3) Tại các phiên chất vấn, số lượng đại biểu tham gia chất vấn ít, chủ yếu tập trung vào một số đại biểu chuyên trách, đại biểu khối Đảng, đoàn thể. (4) Hoạt động giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND ít chất lượng; hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa được các địa phương tích cực thực hiện. (5) Hoạt động của đại biểu thiếu thường xuyên. Một số đại biểu chưa dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động của cơ quan dân cử theo chức trách, nhiệm vụ được giao...
Từ việc phân tích các nguyên nhân của hạn chế gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND cấp xã tại tỉnh Hải Dương bao gồm: tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng; đổi mới, thích ứng linh hoạt, sáng tạo, chú trọng chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát; phát huy hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa các chủ thể trong thực hiện hoạt động giám sát; chú trọng nâng cao chất lượng đại biểu HĐND; đẩy mạnh bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đại biểu HĐND; quan tâm các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của HĐND... Trong đó, việc bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng giám sát của đại biểu HĐND là một trong những giải pháp trọng tâm.
Kỹ năng giám sát của đại biểu HĐND được hiểu là khả năng vận
dụng khéo léo, thành thạo những kiến thức và kinh nghiệm trong thực hiện hoạt động giám sát. Kỹ năng giám sát của đại biểu là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND cấp xã. Để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng giám sát cho đại biểu HĐND cấp xã, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
- Thứ nhất, cần tăng cường việc mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tăng thời gian tham gia tập huấn cho đại biểu HĐND cấp xã. Hiện nay, tại Hải Dương, việc thực hiện bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cấp xã chỉ được tiến hành vào đầu nhiệm kỳ. Quá trình thực hiện, việc bồi dưỡng được tổ chức chung cho cả đại biểu chuyên trách và kiêm nhiệm, đại biểu trúng cử lần đầu và đại biểu tái cử… trong khi đại biểu có lĩnh vực hoạt động, chuyên môn, kinh nghiệm hoàn toàn khác nhau. Thời gian tập huấn còn quá ít, chưa thể trang bị cho đại biểu những kỹ năng cơ bản cần thiết cho hoạt động giám sát. Bởi vậy cần tăng số đợt tập huấn, tăng thời gian tập huấn và có những đợt tập huấn chuyên đề dành riêng cho hoạt động giám sát của đại biểu HĐND cấp xã.
- Thứ hai, về chương trình và nội dung tập huấn, bồi dưỡng: Đối với nội dung tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề về kỹ năng giám sát cho đại biểu HĐND cấp xã, nên tránh việc quá coi trọng các vấn đề mang tính lý luận chung chung, mà cần tập trung làm rõ, hướng dẫn mang tính cầm tay chỉ việc cho đại biểu các kỹ năng cần thiết trong quá trình thực hiện hoạt động giám sát. Việc tập huấn nên chia thành nhiều lớp, nhiều đợt. Tránh việc tổ chức thành một đợt nhiều ngày, đại biểu khó sắp xếp thời gian, mà nên chia thành các đợt tập huấn khác nhau, mỗi đợt 2 – 3 ngày, với các nhóm nội dung bồi dưỡng khác nhau. Có thể chia thành các nhóm nội dung cơ bản sau:
+ Nhóm nội dung về kiến thức pháp luật, quản lý nhà nước: Cung cấp cho đại biểu những kiến thức cơ bản về nhà nước, pháp luật, quản lý hành chính; chủ trương chính sách phát triển của địa phương; nội dung và phương thức quản lý trên một số lĩnh vực như: kinh tế; văn hóa; giáo dục; ngân sách; đất đai; môi trường; xử lý tình huống chính trị xã hội ở địa phương,…
+ Nhóm nội dung về các nghiệp vụ, kỹ năng giám sát:Kỹ năng xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát; Kỹ năng tổ chức kỳ họp;Kỹ năng phân tích, thẩm tra báo cáo, Nghị quyết, quyết định;Kỹ năng chất vấn;Kỹ năng giám sát chuyên đề;Kỹ năng tiếp xúc cử tri;Kỹ năng giám sát việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân;Kỹ năng giám sát việc tuân theo pháp luật tại địa phương;
+ Nhóm các kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ cho hoạt động giám sát:Kỹ năng thu thập và xử lý thông tin;Kỹ năng phối hợp với các tổ chức và cá nhân khác trong thực hiện hoạt động giám sát…Kỹ năng tổ chức họp;Kỹ năng soạn thảo văn bản, Nghị quyết,…Kỹ năng tiếp nhận, tổng hợp và xử lý đơn thư, ý kiến…Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin…
Việc chia thành các nhóm kỹ năng để mở lớp bồi dưỡng cho đại biểu HĐND sẽ giúp đại biểu dễ sắp xếp thời gian tham gia; lựa chọn được nội dung bồi dưỡng phù hợp đối tượng; đại biểu dễ theo dõi, dễ thảo luận, ghi nhớ và cũng dễ dành thời gian để phân tích, đi sâu từng kỹ năng cho đại biểu.
- Thứ ba, về hình thức tổ chức tập huấn, bồi dưỡng: việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đại biểu có thể tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, vừa tăng tính hiệu quả, vừa tránh gây nhàm chán cho đại biểu tham dự. Ngoài việc tổ chức thành các lớp tập huấn, bồi dưỡng, có thể soạn thảo, cung cấp các cuốn sổ tay, cẩm nang giám sát, tổng hợp các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho đại biểu. Có thể tổ chức các buổi học, trao đổi kinh nghiệm online qua hệ thống công nghệ thông tin, hoặc qua các video để đại biểu chủ động tìm hiểu. Có thể tổ chức các mô hình mẫu về thực hiện giám sát chuyên đề, tổ chức cuộc họp, chất vấn và trả lời chất vấn… để các đại biểu cùng rút kinh nghiệm. Hoặc tổ chức các hoạt động giao lưu, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm giữa đại biểu HĐND các xã trong huyện hoặc trong tỉnh… Những hoạt động phong phú này vừa giúp đại biểu nâng cao kỹ năng giám sát, vừa là hình thức tuyên truyền hiệu quả để đại biểu và nhân dân hiểu sâu sắc vai trò, ý nghĩa, tác dụng của hoạt động giám sát tại địa phương, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đại biểu.
- Thứ tư, quá trình thực hiện tập huấn, bồi dưỡng cần lựa chọn chủ thể thực hiện vừa có trình độ, hiểu biết sâu sắc về hoạt động giám sát, vừa có năng lực sư phạm tốt để truyền đạt hiệu quả. Đề án 03-ĐA/TU của Tỉnh ủy Hải Dương đã xác định trường Chính trị là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh; với lực lượng cán bộ, giảng viên có trình độ, có kinh nghiệm giảng dạy; có điều kiện để nghiên cứu nắm bắt sâu sát thực tế hoạt động của HĐND… Hội đồng Điều hành công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tỉnh nên xác định rõ chức năng giảng dạy của nhà trường; đồng thời giao trách nhiệm để trường hoàn thiện năng lực đội ngũ, giao Trường đảm nhận nhiệm vụ tập huấn, bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã của tỉnh. Bên cạnh đó, chú trọng đổi mới phương pháp tổ chức, truyền đạt. Có chính sách hỗ trợ về thời gian, kinh phí để đại biểu yên tâm tham gia tập huấn, bồi dưỡng.
Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND cấp xã tại tỉnh Hải Dương cần thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp. Từ các giải pháp về hoàn thiện hệ thống quy định pháp lý, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, đổi mới phương thức tổ chức giám sát, nhất là giám sát chuyên đề để đạt hiệu quả cao. Mỗi hoạt động giám sát đều cần phải thực hiện nghiêm túc theo quy trình chặt chẽ, từ công tác chuẩn bị, tổ chức giám sát đến việc báo cáo kết quả giám sát. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đề nâng cao năng lực, kỹ năng giám sát cho đại biểu HĐND là một trong những giải pháp quan trọng, có ý nghĩa hàng đầu nhằm nâng cao năng lực giám sát nói riêng, năng lực hoạt động nói chung của đại biểu HĐND cấp xã, góp phần phát huy tích cực vai trò của HĐND cấp xã đối với quá trình xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Ths. Lê Thị Liên