Mở đầu phiên làm việc, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại
Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị
đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu.
Việc phê chuẩn EVFTA sẽ đem lại cho nước ta nhiều lợi ích, thúc đẩy
gia tăng thương mại hai chiều giữa hai bên, tham gia chuỗi cung ứng toàn
cầu và có tính bổ trợ lẫn nhau, tăng quy mô xuất khẩu một số ngành hàng
thế mạnh của Việt Nam nhất là hàng nông sản, thủy sản, may mặc. Đồng
thời, doanh nghiệp và người dân Việt Nam sẽ có điều kiện mua máy móc,
thiết bị hiện đại với giá cả phải chăng, người dân Việt Nam sẽ được tiếp
cận hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao như nhóm hàng hóa mỹ phẩm được
người Việt Nam ưa chuộng với giá cả thấp hơn.
Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc phê chuẩn Hiệp định thúc đẩy
nước ta tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng
trưởng theo hướng hiện đại, tăng năng lực cạnh tranh trên cả ba cấp độ:
quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội
rà soát, tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư
tốt hơn.
Sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định EVFTA,
Quốc hội tiến hành biểu quyết bằng hệ thống điện tử.
Kết quả biểu quyết có 457/457 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành phê
chuẩn Hiệp định EVFTA, chiếm 94,62% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy,
Quốc hội đã chính thức phê chuẩn Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 8 Phụ
lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung.
Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành
thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn Hiệp định và thông báo thời điểm
Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam.
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA.
Tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam
Cũng tại phiên làm việc sáng 8-6, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối
ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của
các vị đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa
một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước
thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA).
Báo cáo nêu rõ, hầu hết ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đều bày tỏ
nhất trí cao Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính
phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, tán thành phê
chuẩn Hiệp định EVIPA đồng thời với Hiệp định EVFTA tại kỳ họp thứ 9
Quốc hội khóa XIV. Có ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của
Chính phủ và các Bộ ngành liên quan trong quá trình đàm phán, ký kết
Hiệp định. Việc phê chuẩn Hiệp định sẽ mang lại cơ hội thu hút vốn đầu
tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phục hồi
kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng trong những năm qua Việt Nam đã
thu hút vốn đầu tư nước ngoài khoảng 32.000 dự án với tổng vốn đăng ký
hơn 370 tỷ USD, nhưng khu vực châu Âu chỉ khoảng 2.500 dự án với số vốn
đăng ký 27,5 tỷ USD; việc phê chuẩn Hiệp định EVIPA giúp thu hút vốn đầu
tư, tiếp cận nền công nghiệp hiện đại, công nghệ mới và công nghệ sạch
từ các nước châu Âu.
Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội cũng phân tích những khó khăn,
thách thức và đặt ra yêu cầu cải cách thể chế, nâng cấp cơ sở hạ tầng,
nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực.
Các ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí nội dung của Hiệp định EVIPA
không trái với Hiến pháp và cơ bản phù hợp với hệ thống pháp luật Việt
Nam, tán thành ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc công nhận và cho
thi hành phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định.
Sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết Phê chuẩn EVIPA, Quốc hội
tiến hành biểu quyết bằng hệ thống điện tử.
Kết quả có 461/462 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành phê
chuẩn Hiệp định EVIPA, chiếm 95,65% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy,
Quốc hội đã chính thức phê chuẩn Hiệp định EVIPA gồm 4 Chương và 13 Phụ
lục.
Đồng thời, Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên
quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn Hiệp định EVIPA và
thông báo thời điểm Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam.
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVIPA.
Nguồn: Nhân dân điện tử