na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
Nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII của Đảng
05/01/2022 04:36:27

                                      Th.s Nguyễn Thuỳ Linh

                                      Khoa Xây dựng Đảng

 Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1), “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém(2). Nhận thức được điều đó,Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác cán bộ, trong đó xác định đánh giá cán bộ là tiền đề cho các khâu tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm,… thực hiện chính sách cán bộ.

Đánh giá cán bộ có nghĩa là nhận xét, xem xét, cân nhắc, bày tỏ thái độ và quan điểm của tổ chức hoặc cá nhân được tổ chức phân công đối với cá nhân người khác trên những khía cạnh như: phẩm chất đạo đức, lối sống; bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng; năng lực công tác, trình độ nhận thức; tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật. Mục đích của đánh giá cán bộ là để phân loại cán bộ, tìm và sử dụng cán bộ một cách hợp lý, phát huy được hiệu quả của người cán bộ.

Trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ có vai trò quan trọng, được xem là khâu mở đầu mang tính quyết định trong công tác cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ là cơ sở cho phát huy được tiềm năng đội ngũ cán bộ, để bản thân cán bộ có phương hướng đúng trong phấn đấu, rèn luyện; là cơ sở để thực hiện đúng chính sách cán bộ, biểu dương, tôn vinh những cán bộ hoàn thành xuất sắc trách nhiệm được giao, có đóng góp, có cống hiến cho đất nước, cho địa phương, đơn vị; đồng thời phê bình những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, không nêu gương, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với tổ chức Đảng. Đánh giá đúng cán bộ là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng tình đoàn kết, thống nhất trong cơ quan, địa phương, đơn vị, góp phần ổn định chính trị, động viên, phát huy được tính tích cực của nhân dân, cán bộ vào sự nghiệp chung. Ngược lại nếu đánh giá sai cán bộ, nhất là người đứng đầu dễ gây ra những phân tâm trong cán bộ, ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ, làm giảm lòng tin, có khi mất cả phong trào ở mỗi địa phương, ngành, đơn vị. Bản thân người cán bộ được đánh giá không đúng thực chất có thể hoặc sinh ra chủ quan, tự cao, tự đại hoặc trái lại trở nên tự ti, nhụt chí phấn đấu, làm cho tổ chức mất đi những cán bộ tốt.

Qua nhiều kỳ đại hội, Đảng ta đã ban hành nhiều quyết định, quy định, quy chế về đánh giá cán bộ như: Quyết định số 286-QĐ/TW ngày 08-2-2010 của Bộ Chính trị khóa X về việc ban hành Quy chế đánh giá cán bộ, công chức; Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04/08/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp;Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 4-8-2017 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quyết định 132-QĐ/TW, ngày 08-3-2018 của Bộ Chính trị về việc quy định kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trên hệ thống chính trị;Quy định 214-QĐ/TW, ngày 02-01-2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý;…Đây là những văn bản quan trọng của Đảng làm cơ sở, căn cứ để nhận xét, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, giới thiệu cán bộ ứng cử chính xác và khách quan, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Tuy nhiên công tác đánh giá cán bộ được Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục. Những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ là một trong những điểm yếu, cản trở sự phát triển”(3). Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII, đã xác định, mộttrong những vấn đề bất cập, cần tập trung giải quyết nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp hiện nay là công tác đánh giá cán bộ. Có thể thấy, ít có nhiệm kỳ nào mà việc xây dựng, chỉnh đốn lại công tác cán bộ cũng như chăm lo tạo nguồn, bồi dưỡng cán bộ đi đôi với việc chấn chỉnh tác phong, kỷ luật cán bộ lại được làm thường xuyên, bài bản, quyết liệt, hiệu quả như nhiệm kỳ Đại hội XII.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.000 tổ chức đảng và hơn 87.000 đảng viên, trong đó, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, kể cả đương chức và đã nghỉ hưu(4). Đây là con số chưa từng thấy trong các nhiệm kỳ đại hội của Đảng trước đây. Hàng loạt cán bộ bị kỷ luật có phần nguyên nhân từ đánh giá cán bộ chưa đúng thực chất. Tình trạng nể nang, né tránh trách nhiệm, ngại va chạm và dân chủ hình thức trong đánh giá cán bộ vẫn còn tồn tại ở các cấp; không ít trường hợp đánh giá cán bộ còn chủ quan, cảm tính cá nhân, dễ người dễ ta, cục bộ địa phương, hoặc bị các mối quan hệ xã hội khác chi phối, nên chưa phản ánh chính xác phẩm chất, năng lực của cán bộ, ảnh hưởng đến chất lượng chung của công tác cán bộ.

Trước thực tế đó, Đại hội XIII của Đảng với phương châm “nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật”, Đảng đã chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, mặc dù đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn còn không ít trường hợp chưa phản ánh đúng thực chất. Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi chưa đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, cá biệt có nơi bố trí người nhà, người thân chưa đủ uy tín…; nhiều nơi còn tình trạng nể nang, chưa chỉ rõ những cán bộ có biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cơ hội, tham vọng quyền lực”(5)

Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác cán bộ và để chấn chỉnh công tác đánh giá cán bộ - khâu từng được coi là yếu nhất qua nhiều kỳ, Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành trung ương Đảng khoá XIII, đã họp và ra Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021, về đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” đã chỉ rõ những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó phải “Nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí và thông qua sản phẩm cụ thể; gắn đánh giá cá nhân với tập thể, với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm”(7)

Để thực hiện được nhiệm vụ và giải pháp trên góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ nói chung, công tác đánh giá cán bộ của cấp ủy Đảng cần tập trung làm tốt:

Một là, đánh giá cán bộ phải chú trọng đánh giá hiệu quả hoạt động thực tiễn của mỗi cán bộ, lấy hiệu quả công tác thực tế làm thước đo chủ yếu.

Đánh giá cán bộ phải dựa vào những quy định cụ thể về tiêu chuẩn của từng chức danh và tiêu chí đánh giá đối với từng đối tượng cán bộ. Năng lực cán bộ thể hiện ở hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của họ theo chức trách nhiệm vụ được giao, thể hiện ở khối lượng, chất lượng hiệu quả công tác trên các lĩnh vực lãnh đạo, quản lý. Vì vậy, để có thể đánh giá cán bộ khách quan hơn, phương thức đánh giá cần được bổ sung những yếu tố định lượng (về kết quả thực  hiện công việc, thời gian hoàn thành công việc, tỷ lệ xử lý tình huống thỏa đáng và những giải pháp sáng tạo trong công việc …) bằng cách xây dựng một hệ thống yêu cầu, đòi hỏi của công việc cho mỗi vị trí cán bộ, hệ thống các tiêu chí về tiêu chuẩn trình độ, năng lực; về khối lượng công việc, quy trình xử lý; quy trình tổng hợp, báo cáo kết quả công tác định kỳ.

Hai làđánh giá, cán bộ cần phải xem xét vị trí công tác của từng cán bộ có phù hợp với sở trường công việc cụ thể hay không để đánh giá được khách quan, đúng thực tế, từ đó xác định nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan, để sau đó có hướng bố trí, sắp xếp công việc cho phù hợp với năng lực, sở trường của họ.

Đánh giá đúng năng lực, nguyện vọng, sở trường của từng cán bộ thì sẽ đóng góp tích cực cho việc bố trí, sắp xếp công việc được chính xác, tạo điều kiện cho cán bộ phát huy được sở trường của mình từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ba là, đánh giá cán bộ phải được xem xét trong một quá trình.

Khi đánh giá cán bộ không thể chỉ xét một lúc, một thời điểm, một thời gian ngắn, hoặc chỉ thấy hiện tại, mà cần có thời gian dài, có một quá trình. Bởi vì, mọi việc đều có sự biến chuyển, con người cũng có sự thay đổi về nhiều mặt, cho nên nhận xét về một con người không thể cố định bất biến mà phải trong quá trình vận động, biến đổi. Một người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi. Cũng có cán bộ đến nay chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm? Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau. Muốn đánh giá cán bộ đúng đắn, chính xác, cần phải kiên nhẫn tìm hiểu, theo dõi cán bộ trong một thời gian dài; xác định đánh giá cán bộ không phải một lần, mà bao hàm cả một quá trình nhận thức, là yếu tố thường xuyên trong quá trình quy hoạch, luân chuyển, đào tạo và bố trí sử dụng cán bộ (tức là quá trình đánh giá và đánh giá lại cán bộ). Do đó, cấp ủy Đảng phải có kế hoạch thật chặt chẽ, hợp lý trong quản lý cán bộ, phải có các bước đánh giá phù hợp, khoa học, phải hợp lực với nhiều người, tham khảo ý kiến số đông trong đánh giá cán bộ.

Bốn là, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch trong đánh giá cán bộ. Để cho tập thể và quần chúng tham gia đánh giá cán bộ.

Mỗi cán bộ là một thành viên của một tập thể, một cộng đồng, cùng làm việc, cùng sinh hoạt với nhau, nên cũng có rất nhiều mối quan hệ ngang dọc, trên dưới, trong ngoài. Công việc mà cán bộ phụ trách thường liên quan đến nhiều việc, nhiều người. Do vậy, khi đánh giá cán bộ, bên cạnh ý kiến nhận xét của cán bộ cấp ủy Đảng đơn vị còn phải coi trọng ý kiến của tập thể cán bộ và ý kiến của đông đảo quần chúng thông qua nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế từng đơn vị. Tuy nhiên, thực hiện dân chủ trong đánh giá cấn bộ cần lưu ý khắc phục những hiện tượng lệch lạc, thành kiến cá nhân, tư tưởng bè phái trong tổ chức trước khi tiến hành đánh giá cán bộ.

Năm là, Công tác đánh giá cán bộ không chỉ làm một lần mà phải làm thường xuyên, theo định kỳ hằng năm và trước khi đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ và đưa vào hồ sơ cán bộ để quản lý, theo dõi nắm và hiểu được cán bộ; đồng thời giúp cho bản thân người cán bộ hiểu đúng mình hơn nhằm phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm.

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội trong tình hình thế giới có nhiều thời cơ, thách thức đan xen. Nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới đòi hỏi phải phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, vai trò cầm quyền của Đảng nhằm phát triển đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Để thực hiện được sứ mệnh lịch sử đó, Đảng phải xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài. Xây dựng đội ngũ cán bộ phải tiến hành bằng nhiều phương pháp. Trong đó, đánh giá cán bộ là khâu đầu tiên và là khâu quan trọng nhất trong công tác cán bộ.

1,2 - Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Sự thật-Hà Nội, 1984, Tập 4,tr 452, tr 487.

3 - Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

4 - Theo báo cáo tại Hội nghịTổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại Hội XII của Đảng.

5 - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H. 2021, tập 2, tr196-197.

6 - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H. 2021, tập 2, tr226.

7 - Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021, về đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.