na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Tin trong nước, Quốc tế
Chuyện trí tuệ Việt đưa vải thiều sang Nhật
13/07/2020 03:20:43

NDĐT- Trái vải thiều của Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh tại các siêu thị Nhật Bản, không chỉ mở ra cơ hội lớn cho trái vải nhỏ tự tin chinh phục thị trường toàn cầu, mà còn khẳng định trình độ công nghệ xử lý và bảo quản trái cây do chính người Việt nghiên cứu và phát triển.

Năm 2017, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường chính thức đề xuất với phía Nhật Bản cho phép xuất khẩu vải sang thị trường này. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) là đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối để tiến hành quá trình thực hiện xúc tiến bán vải thiều sang Nhật Bản.

Sau khi nhận nhiệm vụ, Cục Bảo vệ thực vật bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho quá trình đám phán với các cơ quan và đối tác Nhật Bản. Tháng 12-2019, quả vải thiều Việt Nam chính thức nhận được cái “gật đầu” của Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) sau hai năm đàm phán, sau rất nhiều cuộc thí nghiệm được triển khai chỉ để hoàn thiện hệ thống xử lý, khử trùng vải thiều để không còn lo sự tấn công của ruồi đục quả phương Đông. Loài dịch hại này vẫn luôn là rào cản của nhiều loại trái cây khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính, như Nhật Bản.

Đó là một thắng lợi mang tính bước ngoặt, bởi dây chuyền xử lý, khử trùng vải thiều này hoàn toàn do người Việt Nam nghiên cứu và phát triển, bằng những loại vật liệu có giá thành rẻ nhưng vẫn đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe của phía Nhật Bản.

Ngay sau khi phía Nhật Bản chấp thuận trái vải thiều Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp tỉnh Bắc Giang và Hải Dương quy hoạch vùng trồng vải phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản, cấp mã số vùng trồng với những quy định vô cùng khắt khe.

Tất cả mọi thứ đã sẵn sàng cho lô vải thiều đầu tiên chinh phục xứ Mặt trời mọc thì bất ngờ dịch Covid-19 bùng phát và trở thành đại dịch toàn cầu. Bài toán về việc tiêu thụ vải thiều cần có ngay lời giải, vì các cùng vải bắt đầu vào vụ thu hoạch.

Để bảo đảm quá trình xuất khẩu vải thiều không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Cục Bảo vệ thực vật lập tức đề xuất với MAFF để được ủy quyền kiểm tra, đánh giá hệ thống khử trùng, sau khi hoàn thiện thì chuyên gia Nhật Bản sẽ sang chứng nhận lần cuối. Phía MAFF về cơ bản đồng ý với phương án này.

Nhưng thời điểm đó, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Cục Bảo vệ thực vật đã viết thư cho phía đối tác Nhật Bản đề xuất thêm phương án dự phòng: Đó là ủy quyền cho các chuyên gia Nhật ở Việt Nam đang làm việc tại các nhà máy xoài ở TP Hồ Chí Minh, được chuyển sang giám sát vải thiều. Đổi lại, ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật giám sát các nhà máy xoài. Thư vừa được gửi đi ngày hôm trước thì hôm sau Việt Nam xuất hiện những ca lây nhiễm chéo Covid-19 trong cộng đồng, các chuyên gia Nhật Bản lần lượt rút khỏi Việt Nam và phía Nhật Bản cũng không cho phép xuất cảnh vào Việt Nam do lo ngại dịch bệnh còn phức tạp.

Hồi đáp đề nghị của ta, phía đối tác Nhật Bản đã có thư trả lời là chưa nghĩ đến phương án ủy quyền, nhưng sẽ cố gắng hết sức để đưa được vải thiều sang Nhật Bản. Đúng thời điểm đó, xuất hiện thông tin cho rằng, phía đối tác Nhật Bản có thể không sang Việt Nam trong năm nay để giám sát xử lý khử trùng vải thiều phục vụ xuất khẩu. Điều này đồng nghĩa với trái vải đang vào vụ thu hoạch có nguy cơ không thể sang xứ sở hoa Anh Đào, gây không ít hoang mang cho người dân vùng trồng vải và các doanh nghiệp xuất khẩu.

Giữ được vùng trồng rồi, thì mối lo khác lại ập đến! Cuối tháng 5, sau khi có thông tin chuyên gia Nhật Bản sẽ chính thức sang Việt Nam để giám sát, xử lý vải thì điều khiến Cục Bảo vệ thực vật, chính quyền các địa phương có vùng vải xuất khẩu lo lắng là làm sao tìm được máy bay để đưa được vị chuyên gia Nhật Bản sang một cách an toàn, trong bối cảnh các đường bay quốc tế bị hạn chế để phòng chống dịch Covid-19. 

Ông Hiếu nhớ lại, khi nhận được thông tin có một chuyến bay của FPT sẽ về Việt Nam trong đầu tháng 6, ông cùng các cộng sự tìm mọi cách liên hệ để đưa được vị chuyên gia Nhật lên máy bay, nhưng ngặt nỗi chuyến bay đó lại bay về Đà Nẵng. Phương án này ngay lập tức phải từ bỏ vì khoảng cách xa vùng trồng vải. Tiếp tục tìm các chuyến bay khác nhưng vẫn bị từ chối. Đúng lúc ấy, có thông tin sẽ có một chuyến bay chở hàng của Vietnam Airline từ Nhật Bản về Việt Nam, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã liên hệ để có phương án đưa chuyên gia Nhật Bản lên máy bay.

Trong bối cảnh, vải đang vào đợt thu hoạch rộ, việc đón chuyên gia của Nhật Bản sang để kiểm dịch là việc không thể chậm trễ. Bởi thế, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Bộ NN-PTNT, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hải Dương đồng loạt gửi thư kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt. Nhờ đó, Vietnam Airline đồng ý “ghép thêm một ghế nhựa” sau cơ trưởng cho vị chuyên gia Nhật Bản.

“Sáng mai là máy bay cất cánh nhưng đến tận 16 giờ 02 phút, ngày hôm trước Vietnam Airline mới đồng ý cho chuyên gia Nhật bay. Đó là chuyến bay đặc biệt chỉ có một hành khách và chở hàng”, ông Hiếu kể.

Sau khi xuống sân bay, chuyên gia Nhật được các cán bộ Cục Bảo vệ thực vật và chuyên viên y tế đưa lên xe chuyên dùng bệnh viện đưa thẳng về cách ly tại khách sạn Mường Thanh (Bắc Giang) 14 ngày theo đúng quy định phòng dịch.

“Việc đưa được chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam và về đến Bắc Giang là nhờ có sự hợp tác và tạo điều kiện rất lớn của các đơn vị, nhiều thủ tục nhanh chóng được hoàn thành nên mọi việc mới diễn ra thuận lợi như vậy”, ông Hiếu nói.

Sau 14 ngày cách ly, ngày 17-6, chuyên gia Nhật Bản chính thức vào cuộc giám sát dây chuyền xử lý, khử trùng vải thiều và ông đã vô cùng ấn tượng với hệ thống xử lý vải do Việt Nam sáng chế.

Một trong những thành công của mùa vải thiều năm nay chính là nhờ các nhà khoa học Việt Nam đã thiết kế thành công hệ thống xử lý, khử trùng vải thiều bằng Methyl Bromide, có khả năng làm sạch 100% các đối tượng dịch bệnh.

Tất cả các khâu, trang thiết bị và kỹ năng vận hành của Việt Nam đều đã đáp ứng, thậm chí vượt yêu cầu của chuyên gia Nhật Bản kiểm định.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hiểu, Trưởng bộ môn Nghiên cứu Công nghệ bảo quản nông sản thực phẩm (Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ NN-PTNT), dây chuyền xử lý này được viện nghiên cứu, hoàn thiện ngay trong mùa Covid-19, là một chamber (buồng) khử trùng thương mại đầu tiên được thiết kế theo yêu cầu từ phía Nhật Bản, trên cơ sở bám sát các đặc tính của quả vải thiều.

Được biết, các cán bộ của Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch đã phải mất một tháng để xử lý bảo quản vải thiều sau khử trùng bằng một chất hoàn toàn hữu cơ do viện nghiên cứu và đã ứng dụng thành công trên nhiều loại trái cây khác.

Ngày đầu tiên kiểm tra buồng khử trùng, có một danh sách các hạng mục cần kiểm tra, vị chuyên gia Nhật đã thực hiện kiểm tra kỹ từng bước một. Sau cùng, vị chuyên gia này đánh giá, đây là một dây chuyền xử lý tốt, vượt cả yêu cầu của họ trong mọi thông số kỹ thuật.

Được biết, công suất xử lý vải thiều của chamber khử trùng do Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch thiết kế, xử lý được khoảng hai tấn vải thiều/mẻ, mỗi ngày tối đa ba mẻ. Hiện, lịch khử trùng của chamber đặt tại Công ty Toàn Cầu (Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) đã kín do nhu cầu của doanh nghiệp quá lớn.

Việc bảo quản quả vải giữ được độ an toàn và tươi ngon suốt cả tháng sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu nông sản. Ông Nguyễn Quang Hiếu giải thích: Phí vận chuyển một kg vải đi đường hàng không có giá khoảng 3,5 USD tùy hãng và tùy chặng bay, trong khi vận chuyển bằng đường biển phải mất vài ngày nhưng chỉ có giá 0,1 USD/kg. Như vậy, nhờ khâu bảo quản dài, mỗi kg vải xuất khẩu bằng đường biển, chúng ta sẽ được thêm 3,4 USD/kg cho người nông dân và doanh nghiệp.

Lô vải đầu tiên hạ cánh trên đất nước Mặt trời mọc vào ngày 20-6, nhưng chỉ sau vài giờ lên kệ ở các hệ thống siêu thị Yufruit, Sunrise Farm và AEON…, hơn hai tấn vải thiều Việt Nam đầu tiên đã được bán hết. Các đơn hàng phía bạn liên tiếp đặt hàng mới.

Nói về sự thành công ngoài mong đợi trong việc đưa vải thiều sang Nhật Bản, ông Nguyễn Quang Hiếu, chia sẻ:“Ban đầu, chúng tôi chỉ dám mơ, chúng ta bán được một công (container) vải đã là thành công. Nhưng cho đến thời điểm này, theo thông tin cập nhật đến ngày 1-7-2020, chúng ta đã xử lý xong hơn 30 tấn để xuất đi Nhật. Đây thật sự là một câu chuyện thần kỳ của quả vải Việt Nam”.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Hiếu, sự thành công khi đưa vải thiều xuất sang Nhật Bản, còn là sự quyết tâm nỗ lực của những người nông dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng NN-PTNT và sự đồng lòng của chính quyền hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương.

Trở lại câu chuyện công nghệ, ông Hiếu tâm đắc: Đây là lần đầu tiên chúng ta áp dụng trí tuệ Việt để sáng chế ra hệ thống xử lý khử trùng, bảo quản vải và đã rất thành công. Mặc dù trước đó, cả phía Việt Nam và Nhật Bản đều chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Mặt khác, khi hợp tác với đối tác vô cùng chặt chẽ và rất nguyên tắc như Nhật Bản, đòi hỏi phải kiên trì, nhẫn lại và phải rất sáng tạo để thuyết phục đối tác.

“Các bạn Nhật làm việc rất nguyên tắc. Nhiều vấn đề họ hỏi đi, hỏi lại nhiều lần, thậm chí có những vấn đề rất đơn giản nhưng họ lại yêu cầu giải thích nhiều lần. Những lúc như thế, ngoài việc kiên trì thì cũng cần phải có sự sáng tạo để thuyết phục được đối tác”, ông Hiếu thêm.

“Tới đây, chúng tôi sẽ đăng ký bản quyền với Cục Sở hữu trí tuệ về hai công nghệ này”, ông Hiếu tự tin nói.

Có thể nói, hành trình để trái vải thiều Việt Nam đặt chân lên được đất nước Nhật Bản đã tạo ra hiệu ứng tích cực, tăng niềm tin cho người dân, khuyến khích người dân hướng tới sản xuất sạch an toàn. Mặc dù, Nhật Bản không phải là thị trường xuất khẩu đầu tiên của quả vải, nhưng việc chinh phục được thị trường khó tính nhất như Nhật Bản đã cho chúng ta thêm tự tin để xâm nhập các thị trường khác, mở ra cơ hội lớn cho trái vải Việt Nam.

Nguồn: Nhân dân Điện tử