Hiện nay, mặc dù đội ngũ giảng viên đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng bài giảng gắn với đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực, song hiện tượng một số học viên chưa thực sự hứng thú trong học tập các môn lý luận chính trị vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân của vấn đề này có thể được tiếp cận từ nhiều khía cạnh nhưng một trong số đó là tính thực tiễn trong bài giảng chưa nhiều, giảng dạy còn nặng về lý thuyết, khiến cho người học chưa thực sự hứng thú với bài giảng. Do đó, việc tăng cường sử dụng kết quả nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn trong quá trình giảng dạy là đòi hỏi cần thiết để nâng cao chất lượng bài giảng, qua đó góp phần khẳng định vị thế, uy tín của nhà trường.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Lý luận rất cần thiết, nhưng nếu cách học tập không đúng thì sẽ không có kết quả. Do đó, trong lúc học tập lý luận, chúng ta cần nhấn mạnh: Lý luận phải liên hệ với thực tế. Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”[1]. Thực tiễn luôn vận động, biến đổi cùng với thời gian. Ở những giai đoạn khác nhau, thực tiễn diễn ra cũng khác nhau, do đó cần nắm vững bối cảnh của đất nước trong từng sự kiện quan trọng của Đảng và dân tộc để lồng ghép trong từng bài giảng để nâng cao tính thực tế, bài giảng cũng trở nên thuyết phục hơn.
Theo Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG, ngày 19/12/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quy chế giảng viên của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quy định nghiên cứu thực tế của giảng viên. Những năm qua, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Hải Dương đã tạo mọi điều kiện giảng viên các khoa, phòng đi nghiên cứu thực tế theo đúng quy định, trong đó: giảng viên chính 10 ngày/năm, giảng viên 15 ngày/năm. Nghiên cứu thực tế hiện nay đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi giảng viên. Ngoài ra, các giảng viên còn có thể linh hoạt nghiên cứu thực tế cùng với các lớp Trung cấp lý luận chính trị, chuyên viên, chuyên viên chính…
Thông qua hoạt động nghiên cứu thực tế, giúp các giảng viên nắm bắt được tình hình phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương; những kết quả đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan Đảng, chính quyền; nghiệp vụ trong triển khai thực hiện các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương nói chung, cuộc vận động xây dựng nông thôn mới nói riêng. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu thực tế còn giúp cho giảng viên hiểu được những kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng. Mặt khác, còn giúp giảng viên rèn luyện các kỹ năng xử lý tình huống và giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở, vấn đề nổi cộm, nảy sinh;...
Với những thông tin thu nhận được trong quá trình nghiên cứu thực tế cũng giúp cho giảng viên giảng dạy tự tin hơn, sử dụng kiến thức lý luận chính trị để phân tích, luận giải các vấn đề thực tiễn nảy sinh với tính thuyết phục cao, tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn học viên tập trung vào bài giảng; qua đó định hướng cho học viên rèn luyện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, đáp ứng tốt yêu cầu công tác của học viên ở cơ sở.
Nghiên cứu thực tế là biện pháp hữu hiệu để khắc phục cách dạy “lý luận suông”, góp phần làm cho bài giảng thêm sinh động, sát với thực tiễn. Xác định đúng vai trò của kiến thức thực tiễn sẽ giúp cho giảng viên không còn mắc bệnh chủ quan, xa rời thực tiễn và gắn lý luận với thực tiễn, qua đó “thổi hồn thực tiễn” vào trong từng bài giảng.
Bám sát những văn bản của cấp trên, trong thời gian vừa qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban giám hiệu, hoạt động nghiên cứu thực tế tại trường chính trị tỉnh Hải Dương được tiến hành bài bản, đi vào nề nếp. Các nội dung nghiên cứu thực tế rất đa dạng như: tìm hiểu vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; công tác xây dựng Đảng tại cơ sở; tình hình thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở và công tác cải cách hành chính tại UBND xã, phường, thị trấn; thực trạng và giải pháp xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở Kinh Môn; thực trạng phát triển sản phẩm OCOP tại các xã của huyện Gia Lộc,…là những vấn đề học viên rất quan tâm và có ứng dụng cao trong thực tiễn công tác tại cơ sở. 100% báo cáo kết quả nghiên cứu thực tế hằng năm của giảng viên đều được đánh giá ở mức “Đạt”, chất lượng báo cáo ngày càng được nâng lên rõ rệt. Đây không chỉ là hoạt động giúp nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn mà còn là nguồn tài liệu quan trọng giúp giảng viên xây dựng những bài giảng chất lượng.
Bên cạnh đó, hoạt động hướng dẫn học viên nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng của giảng viên được triển khai một cách chủ động, có kế hoạch chi tiết, nội dung nghiên cứu phù hợp với học viên. Đặc biệt trong quá trình hướng dẫn học viên nghiên cứu thực tế, một số giáo viên chủ nhiệm đã chủ động thu thập các kiến thức thực tiễn, viết bài nghiên cứu trên bảng tin Thông tin lý luận và thực tiễn, bài đăng website của nhà trường. Đây là biện pháp hiệu quả và tích cực của giảng viên góp phần chia sẻ và việc vận dụng kiến thức thực tiễn trong quá trình nghiên cứu, học tập lý luận.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động nghiên cứu thực tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: một số giảng viên viết báo cáo nghiên cứu thực tế mang tính hình thức, đối phó, làm báo cáo qua loa, cho xong; sử dụng kết quả báo cáo nghiên cứu thực tế chỉ mới dừng lại ở việc giảng viên tự chủ động cập nhật vào bài giảng dưới góc độ cá nhân, chưa có sự nhân rộng trong khoa, trường. Nguyên nhân là do một số giảng viên chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu thực tế nên quá trình thực hiện chỉ cố gắng hoàn thành đúng nhiệm vụ, đủ định mức, chưa thực sự đầu tư, nên giá trị và tính ứng dụng của các báo cáo nghiên cứu thực tế chưa cao.
Hoạt động viết bài đăng trên website, trang Thông tin lý luận và thực tiễn sau mỗi đợt nghiên cứu thực tế hàng năm hay tổ chức, hướng dẫn học viên đi nghiên cứu thực tế vẫn chưa được phổ biến rộng trong Nhà trường, các bài viết về nghiên cứu thực tiễn cũng có nhưng chưa nhiều.
Việc gắn kết giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn khoảng cách xa so với yêu cầu trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và so với chính mong muốn của người học (bởi lẽ thực tế học viên là những nhà hoạt động thực tiễn, có kinh nghiệm trong công tác tại cơ sở). Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tính tích cực của người học chưa cao, khiến cho người học chưa thực sự tích cực học tập, đôi khi còn có biểu hiện học đối phó, hình thức học cho xong.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế, tăng cường tổng kết thực tiễn áp dụng vào quá trình giảng dạy của giảng viên tại trường chính trị tỉnh Hải Dương, trong thời gian tời cần thực hiện các giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, tăng cường tính tích cực, chủ động từ phía giảng viên
Bản thân mỗi giảng viên cần nhận thấy được hoạt động giảng dạy và hoạt động nghiên cứu thực tế là hai nhiệm vụ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, tác động hữu cơ qua lại lẫn nhau. Việc vận dụng kết quả nghiên cứu thực tế vào bài giảng nhằm kết hợp giữa “lý luận gắn liền với thực tiễn”, bài giảng có sức thuyết phục bằng những minh chứng cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Do đó, mỗi giảng viên cần xác định nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng kế hoạch cụ thể, tích cực, chủ động đảm nhận công tác tổng kết thực tiễn gắn với đào tạo, bồi dưỡng; ứng dụng kết quả tổng kết vào thực tế. Đây là nhiệm vụ bắt buộc, nhưng đồng thời cũng là yêu cầu phát triển tự thân của mỗi giảng viên.
Bên cạnh đó, mỗi giảng viên cần tăng cường các phương pháp giảng dạy tích cực, chuyển từ phương pháp giảng dạy truyền thống sang các phương pháp học chủ động, giao tiếp và hợp tác. Giảng viên có thể sử dụng các tình huống thực tế để học viên giải quyết. Các tình huống từ thực tế sẽ giúp học viên hình dung được các vấn đề cụ thể và cách thức giải quyết chúng trong công tác lãnh đạo, quản lý. Từ đó hình thành khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn công tác. Ngoài ra, giảng viên phải thường xuyên cập nhật chương trình giảng dạy theo nhu cầu thực tế, theo sự thay đổi của xã hội và yêu cầu công tác chính trị hiện nay.
Hai là tiếp tục nghiên cứu thực tế từ các đơn vị, địa phương
Các khoa chuyên môn tiếp tục tổ chức các chuyến khảo sát thực tế tại các địa phương trong tỉnh Hải Dương, để giảng viên có cơ hội tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị để kết nối lý thuyết với thực tế. Mặt khác, có thể thông qua tổ chức các buổi gặp mặt, toạ đàm, hội thảo để giảng viên có cơ hội giao lưu với các chuyên gia, nhà lãnh đạo địa phương chia sẻ những kinh nghiệm thực tế từ công việc, qua đó giúp cập nhật thông tin thực tiễn và hiểu rõ hơn về công tác lãnh đạo, quản lý ở cấp cơ sở, từ đó làm phong phú thêm nội dung bài giảng. Các nghiên cứu, báo cáo từ thực tế được tổng hợp sẽ trở thành tài liệu học tập cho giảng viên và học viên, qua đó góp phần bài giảng thêm phần sống động và dễ tiếp cận.
Ba là, đối với trường chính trị tỉnh Hải Dương
Nhà trường cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ như hiện tại: Hỗ trợ kinh phí; khuyến khích, tạo động lực cho giảng viên trong thực hiện nghiên cứu thực tế, đảm bảo thực hiện học đi đôi với hành.
Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lưu trữ, số hoá các báo cáo nghiên cứu thực tế của giảng viên các khoa chuyên môn. Bởi lẽ, đây không chỉ là nguồn tư liệu quý giúp giảng viên soạn và giảng bài sát thực tiễn, mà còn giúp học viên tra cứu dễ dàng liên hệ thực tiễn trong quá trình học tập, viết tiểu luận cuối khoá hoặc là tài liệu ôn tập rất hữu ích. Mặt khác, việc thống kê các báo cáo nghiên cứu thực tế của giảng viên còn giúp nhà trường quản lý các nội dung nghiên cứu của các khoa đảm bảo tính khoa học và tránh sự trùng lặp, góp phần đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên để thực hiện mục tiêu xây dựng trường chính trị chuẩn.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy ở trường chính trị tỉnh Hải Dương hiện nay, việc tăng cường nghiên cứu thực tế và tổng kết thực tiễn là một yêu cầu rất quan trọng. Vận dụng các kết quả nghiên cứu thực tế giúp giảng viên có thể cập nhật các thông tin mới vào nội dung giảng dạy, cải thiện phương pháp dạy học; giúp học viên tiếp cận với các vấn đề nóng hổi đang diễn ra trong xã hội, có góc nhìn sâu sắc hơn về thực tiễn và tình hình hiện tại. Thông qua việc tăng cường nghiên cứu thực tế và tổng kết thực tiễn, các bài giảng ở trường chính trị tỉnh Hải Dương sẽ trở nên sinh động, thực tiễn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo cho tỉnh nhà.
Vũ Thị Mận, Khoa xây dựng Đảng
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.94-95.