Trước những diễn biến mới về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch covid19, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19
UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 19/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; Công văn số 2681/UBND-VP ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường chỉ đạo các chốt kiểm dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; Công văn số 2704/UBND-VP ngày 27/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh với phương châm chống dịch "Chủ động, sáng tạo, quyết liệt và 4 tại chỗ"; lấy phòng dịch là chính; chủ động thực hiện nguyên tắc "sớm hơn 1 bước, cao hơn 1 cấp". Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; thường xuyên kiểm tra, rà soát các khâu, các điều kiện, biện pháp phòng, chống dịch để sẵn sàng đáp ứng khi tình thế thay đổi. Yêu cầu các sở, ngành và địa phương hoàn thành các nhiệm vụ UBND tỉnh giao tại các văn bản trên và gửi báo cáo về Văn phòng UBND tỉnh trước ngày 03/8/2021.
Tăng cường kiểm soát người ra, vào địa bàn tỉnh
UBND tỉnh yêu cầu Công an Tỉnh, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thành lập bổ sung ngay các Chốt kiểm soát cấp huyện, cấp xã nhằm kiên quyết không bỏ lọt người và phương tiện đi về từ vùng có dịch, có nguy cơ cao, mang mầm dịch vào địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện từ tỉnh ngoài vào và người Hải Dương ra tỉnh ngoài trở về; đặc biệt lưu ý người đến, về từ vùng dịch. Các trường hợp đặc biệt, cần thiết qua Chốt, nếu vượt quá phạm vi giải quyết, thì Trưởng Chốt, Ca trưởng xin ý kiến trực tiếp của Lãnh đạo Công an tỉnh hoặc Lãnh đạo BCĐ phòng, chống dịch tỉnh.
Không kiểm tra tại các Chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có Giấy nhận diện có QR Code do ngành giao thông vận tải cấp để vận chuyển hàng hoá phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định) theo đúng tinh thần Công văn số 5187/VPCP-CN, ngày 29/7/2021 của Văn phòng Chính phủ.
Đối với các xe chở thuốc y tế, trang thiết bị y tế, phương tiện chống dịch… được phép lưu thông qua các Chốt kiểm soát dịch nhưng phải được giám sát chặt chẽ, thực hiện nghiêm qui trình phòng chống dịch tại nơi giao nhận: thực hiện 5K, xét nghiệm test nhanh đối với lái xe và người đi cùng (nếu có).
Kể từ 12 giờ ngày 31/7/2021, người từ tỉnh ngoài vào và người Hải Dương ra tỉnh ngoài trở về phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính với SARS- CoV-2 có giá trị trong vòng 72 giờ (kể từ khi có kết quả xét nghiệm) mới được cho qua chốt.
UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Công an tỉnh bổ sung đủ, kịp thời cơ sở vật chất để thiết lập các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 đảm bảo an toàn và sức khỏe cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại các chốt, nhất là trong điều kiện mùa mưa bão đã đến.
Các sở, ngành và các địa phương khẩn trương bổ sung kịp thời lực lượng tham gia hoạt động chốt đảm bảo sức khỏe và chuyên môn thực thi nhiệm vụ, không để tình trạng chốt thiếu lực lượng thực thi nhiệm vụ hoặc có lực lượng nhưng không được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ.
Quản lý xe ô tô, phương tiện thủy
UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng “Luồng xanh” để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc lưu thông hàng hóa; phối hợp với UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ lái xe và phương tiện đã được cấp “luồng xanh” tại nơi giao nhận hàng, nơi cư trú để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải và UBND cấp huyện rà soát, tổ chức quản lý chặt chẽ xe taxi, xe ghép (xe 100) và các xe chở khách tương tự, yêu cầu lái xe ký cam kết không ra khỏi tỉnh, trừ trường hợp đặc biệt được cấp phép theo quy định; tăng cường kiểm soát các phương tiện và người đến từ tỉnh ngoài tại các bến thủy nội địa. Đồng thời, tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa trong tình hình chống dịch theo tinh thần Công văn số 5187/VPCP-CN, ngày 29/7/2021 của Văn phòng Chính phủ.
Các địa phương yêu cầu lái xe (taxi, xe 100) khai báo việc vận chuyển khách từ ngày 20/7/2021 trở lại đây, trong đó có bao nhiêu trường hợp đi ra tỉnh ngoài hoặc chở khách từ tỉnh ngoài về Hải Dương; lập danh sách báo cáo Ban Chỉ đạo cấp huyện đồng thời lấy mẫu xét nghiệm ngay các trường hợp này.các huyện, thị xã, thành phố:
UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố:
Tạm dừng tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri và Đại hội phụ nữ cấp huyện. Hạn chế các hoạt động liên quan đến tụ tập đông người, bán hàng, ăn uống, vui chơi, thể thao… ( giao chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định và chịu trách nhiệm). Tăng cường kiểm soát sàng lọc các trường hợp ho sốt trong cộng đồng, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các mầm dịch nếu có. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các thôn, khu dân cư khẩn trương rà soát lập danh sách những người đi ra ngoài tỉnh và quay trở về Hải Dương và những người từ tỉnh ngoài vào tỉnh Hải Dương từ ngày 20/7/2021 trở lại đây, báo báo về BCĐ phòng chống dịch COVID-19 tỉnh trước 12 giờ ngày 02/8/2021, đồng thời giao Trung tâm y tế tuyến huyện lấy mẫu Các huyện, thị xã, thành phố xét nghiệm cho tất cả các trường hợp nói trên.
Chủ động hướng dẫn, kiểm tra và quản lý các trường hợp là chuyên gia, cán bộ quản lý, lao động từ Hà Nội về làm việc, cư trú trên địa bàn đảm bảo nghiêm ngặt an toàn phòng, chống dịch bệnh. Tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh và Tổ công tác đặc biệt của tỉnh trên Zalo nhóm.
Ban hành quy định quản lý chặt chẽ phòng, chống dịch của các chợ đầu mối nông sản, kịp thời bổ sung trang thiết bị và lực lượng tham gia phòng, chống dịch, đưa chợ trở lại hoạt động. Tăng cường giám sát công tác phòng dịch tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhà hàng. Kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Yêu cầu các địa phương khẩn trương ban hành qui chế hoạt động và phương án phòng, chống dịch tại các chợ, hoàn thành trước ngày 02/8/2021.
Tăng cường giám sát người ra vào cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các nơi mua, sắm:
Thủ trưởng các cơ quan, địa phương, đơn vị có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các Tổ Covid cộng đồng, Tổ an toàn Covid nghiêm túc thực hiện chế độ phối hợp, thông tin, báo cáo liên quan đến người từ tỉnh ngoài, người ra tỉnh ngoài quay trở lại địa phương, vào các cơ quan, đơn vị, công xưởng, nhà máy, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhà hàng…. để tăng cường phối hợp theo dõi và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID- 19 hiệu quả. Nơi nào, cơ quan, đơn vị nào chưa thực hiện tốt việc này cần phải rút kinh nghiệm và triển khai ngay khắc phục ngay.
Về xây dựng phương án phòng, chống dịch đáp ứng yêu cầu mới
Ngành y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các địa phương khẩn trương xây dựng phương án, quy trình, kịch bản đối với việc lấy mẫu xét nghiệm cho thôn, khu dân cư và toàn bộ xã theo tinh thần “5 rõ”, nhằm đáp ứng được yêu cầu thần tốc sàng lọc, truy vết, dập dịch. Hoàn thành xây dựng phương án trước ngày 03/8/2021. Tổ chức tập huấn quy trình lấy mẫu cho các địa phương.
Giao Sở Y tế phối hợp với các ngành và địa phương xây dựng kế hoạch huy động các lực lượng y tế tư nhân, cán bộ y tế đã nghỉ hưu, đội ngũ giáo viên,… (có đủ điều kiện); tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch cho lực lượng này.
Khi xuất hiện ca bệnh F0 trong cộng đồng kịp thời cung cấp thông tin cho lực lượng Công an để điều tra truy vết thần tốc; phối hợp với các địa phương trong công tác khoanh vùng, chỉ đạo các đơn vị y tế trong và ngoài ngành (huy động sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, Trường Cao đẳng Y tế Hải Dương, Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương) lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2, toàn bộ dân cư trong khu vực phong tỏa (tần suất lấy mẫu theo qui định).
Sở Y tế khẩn trương tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh và hướng dẫn Ban chỉ đạo cấp huyện xây dựng kịch bản đáp ứng chăm sóc, điều trị người bệnh Covid- 19 theo các cấp độ lây nhiễm trên địa bàn tỉnh, địa bàn cấp huyện đáp ứng yêu cầu chống dịch với biến chủng Delta trong tình hình mới; Rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, vật tư, thiết bị, sinh phẩm y tế đáp ứng dùng cho các cơ sở thu dung, điều trị những người mắc COVID-19 theo 4 tầng bệnh nhân. Khẩn trương xây dựng dự toán và kế hoạch mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế kịp thời đáp ứng nhu cầu chống dịch theo các cấp độ. Ưu tiên cho xét nghiệm và điều trị; sớm hoàn thiện labo xét nghiệm mới để nâng cao năng lực xét nghiệm.
Sở Tài chính hướng dẫn Sở Y tế thực hiện các hình thức, cơ chế mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch theo Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22/7/2021 của Chính phủ về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm minh bạch, hiệu quả, không để tiêu cực, thất thoát.
Xử lý nhu cầu đối với các Chuyên gia, người lao động từ Hà Nội về Hải Dương làm việc.
Sở Lao động Thương binh Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp phối hợp với Công an tỉnh và các địa phương quản lý chặt chẽ các Chuyên gia, người lao động từ Hà Nội về Hải Dương làm việc theo phương án “3 tại chỗ” và “một cung đường hai điểm đến”. Yêu cầu các doanh nghiệp có chuyên gia, người lao động ở Hà Nội phải xây dựng kế hoạch chi tiết đảm bảo an toàn phòng chống dịch gửi về UBND cấp huyện xem xét, chấp thuận trước khi đón người về Hải Dương. Doanh nghiệp nào không thực hiện đúng các qui định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các qui định tại văn bản này thì yêu cầu dừng hoạt động. Các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch đối với các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp theo phân cấp quản lý.
Tăng cường công tác phòng chống dịch đối với các doanh nghiệp
Các doanh nghiệp phải chủ động xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real time - PCR hoặc bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV- 2 (Những loại test có tên trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép) cho toàn bộ người lao động tham gia cung cấp các dịch vụ cho doanh nghiệp, gồm: ăn uống, dịch vụ khách sạn, lưu trú cho chuyên gia, vận chuyển vật tư, hàng hóa, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì máy móc... và không dưới 20% người lao động có nguy cơ mắc COVID-19. Tần suất xét nghiệm sàng lọc từ 5 đến 7 ngày/lần, gửi báo cáo kết quả sàng lọc xét nghiệm SARS-CoV-2 về Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh (đối với các Khu công nghiệp) và UBND các huyện, thị xã, thành phố (đối với các cụm công nghiệp và các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài khu công nghiệp) để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh.
Giao cho Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và UBND cấp huyện khẩn trương kiểm tra thường xuyên nghiêm túc hoạt động này, nếu doanh nghiệp nào không chấp hành nghiêm, buộc dừng hoạt động.
UBND cấp huyện, Sở Lao động Thương binh & Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp phải kịp đăng tải thông tin về các ca bệnh F0 tới các doanh nghiệp để có các biện pháp ứng xử kịp thời, tránh lây lan mầm bệnh trong các doanh nghiệp và khu công nghiệp.
Đối với huyện Nam Sách, huyện Kim Thành và các huyện, thị xã, thành phố còn lại, khẩn trương huy động mọi nguồn lực để nhanh chóng dập dịch, không để dịch bệnh lan ra diện rộng, vận động người dân không ra khỏi địa bàn cấp huyện để chờ kết quả xét nghiệm diện rộng, đánh giá tình hình dịch bệnh trong vài ngày tới. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế và các sở, ban, ngành có liên quan tiếp tục tập trung hỗ trợ Nam Sách, Kim Thành truy vết (sử dụng ứng dụng công nghệ cao để truy tìm nguồn lây cho các ca bệnh mới phát hiện), khoanh vùng và dập dịch trong thời gian sớm nhất. Các địa phương giáp ranh với huyện Nam Sách, huyện Kim Thành chủ động phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ huyện Nam Sách, huyện Kim Thành nhanh chóng dập dịch, không để nguồn lây ra diện rộng.
Ban Chỉ đạo các cấp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 bảo đảm kịp thời, hiệu quả và an toàn theo kế hoạch đã ban hành; trong đó tập trung tiêm vắc xin cho lực lượng lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có đông công nhân, có đóng góp quan trọng cho kinh tế của tỉnh để bảo đảm an toàn cho sản xuất.