TS. Lê Xuân Huy
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Hải Dương
Những tháng vừa qua, thế giới chứng kiến cuộc xung đột dữ đội giữa hai quốc gia là Nga và Ukraine. Lợi dụng cơ hội này, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ra sức xuyên tạc lịch sử, phủ nhận hoặc đánh đồng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hiện nay. Nhận diện, đấu tranh bác bỏ luận điệu sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng, giá trị bất diệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là rất cấp thiết có ý nghĩa to lớn cả về lý luận và thực tiễn.
1. Bối cảnh lịch sử, nguyên nhân cơ bản:
1.1. Về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, cục diện thế giới có sự biến đổi sâu sắc về địa chính trị, hệ tư tưởng; trong đó là sự đối đầu gay gắt, toàn diện cả về mặt chính trị, kinh tế, quân sự giữa phe XHCN do Liên Xô đứng đầu và phe đế quốc chủ nghĩa do Mỹ cầm đầu mà ta quen gọi là “chiến tranh lạnh”. Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, với âm mưu và mục tiêu nhất quán của Mỹ làm bá chủ thế giới; do vậy, mọi thủ đoạn chống phá đều nhằm vào các nước XHCN, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp cách mạng của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam có nguyên nhân sâu sa và căn bản khởi phát từ lợi ích bên trong của đế quốc Mỹ - tư tưởng bản chất của chế độ chính trị bá quyền, âm mưu “Diễn biến hòa bình” - chiến lược toàn cầu do Mỹ khởi xướng và chỉ đạo; với mưu đồ xâm lược, từ những năm 50 Mỹ chính thức can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Tháng 7/1954 Hiệp định Giơ - ne - vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, đế quốc Mỹ đã ráo riết phá hoại công cuộc hòa bình, thống nhất nước Việt Nam. Ngày 23/7/1954 nghĩa là chỉ hai ngày sau khi Hiệp định Giơ - ne - vơ được ký kết, ngoại trưởng Mỹ Đ. Đalét tuyên bố: “Từ nay về sau, vấn đề bức thiết không phải là than vãn dĩ vãng, mà là lợi dụng thời cơ để việc thất thủ miền Bắc Việt Nam không mở đường cho chủ nghĩa cộng sản bành trướng ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương”(1). Ngày 8/8/1954 Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ họp dưới sự chủ trì của Tổng thống Aixenhao (Eisenchower) quyết định thay Pháp “ngăn làn thủy triều đỏ của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam”. Tiếp đến, Mỹ dựng lên chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm từ chối hiệp thương, tổng tuyển cử (10/1955) tổ chức cái gọi là “Trưng cầu dân ý” phế truất Bảo Đại (23/10/1954) rồi tổ chức bầu cử gian lận để thành lập một quốc gia riêng với tên gọi Việt Nam Cộng hòa ở phía Nam vĩ tuyến 17 do chính Ngô Đình Diệm làm tổng thống, đánh dấu việc Mỹ đã xác lập thành công một bước chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở Miền Nam Việt Nam.
Mục đích Mỹ gây chiến tranh xâm lược Việt Nam nhằm:
- Xây dựng “con đê” ngăn chặn làn sóng đấu tranh giải phóng dân tộc đang dâng cao trên khắp các Châu lục, nhất là khu vực Đông Nam Á.
- Coi Việt Nam là “Bãi chiến trường” để thử nghiệm các loại vũ khí, các chiến lược, chiến thuật chiến tranh “chống Cộng” mới, “dùng người Việt trị người Việt” hòng đè bẹp ý chí độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, đàn áp và gieo rắc nỗi sợ “bóng ma” của Mỹ cho các dân tộc thuộc địa, yếm thế khác trên thế giới.
Như vậy, sau thế chiến thứ II lợi dụng bối cảnh quốc tế có diễn biến phức tạp, phe XHCN có sự bất đồng gay gắt, trong khi Mỹ với ưu thế về kinh tế, quân sự với bản chất sen đầm quốc tế đã tìm mọi phương thức thủ đoạn để chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam. Thực tế lịch sử khẳng định, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975 không phải là “nội chiến” mà là cuộc chiến tranh yêu nước, nhằm giải phóng dân tộc thống nhất Tổ quốc. Nguồn gốc căn bản của cuộc chiến tranh chính là mưu đồ chính trị và hành động xâm lược Việt Nam của chính giới Mỹ, chứ không phải xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ dân tộc Việt Nam(2). Đúng như nhận xét của Christian G.Appy tác giả bài viết “Chiến tranh Việt Nam là gì?” đăng trên báo The New york ngày 26/3/2018: “cuộc chiến ở Miền Nam Việt Nam không phải là một cuộc xung đột cục bộ, cô lập, không liên quan đến an ninh quốc gia của Mỹ, mà là một cuộc chiến không thể tách rời với ưu tiên cao nhất của quốc gia - cuộc chiến chống Cộng sản trên toàn cầu trong chiến tranh lạnh”(3). Tựu trung lại, nguyên nhân sâu xa cuộc kháng chiến thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam chính là do đế quốc Mỹ đã chống lại sự nghiệp thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam, chống lại tất cả những ai ủng hộ chủ tịch Hồ Chí Minh và mong muốn độc lập, hòa bình thống nhất của Việt Nam. Rõ ràng Đế quốc Mỹ đã chà đạp luật pháp quốc tế, trắng trợn đem quân xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, chà đạt lên nhân dân Việt Nam, đây hoàn toàn không phải là một cuộc “nội chiến”, nếu nhìn nhận khách quan khoa học, người có lương tri, trọng danh dự; và vì thế nó đã trở thành đối tượng đấu tranh trước hết trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc của cả nhân dân Việt Nam.
1.2. Về cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Sáng sớm ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Putin thông báo sẽ triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm bảo vệ người dân ở khu Donkas (bao gồm Donetsk và Luhansk). Ngay sau đó, các lực lượng quân đội Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự vào Ukraine để tìm cách “phi quân sự hóa” quốc gia này. Một lần nữa, hòa bình khu vực Đông Âu bị dung chuyển, dư luận quốc tế chấn động và hết sức lo lắng, vậy nguyên nhân sâu sa diễn ra cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine? Đây có phải là cuộc “nội chiến” như các thế lực thù địch với Việt Nam xuyên tạc và đánh đồng với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam trước đây hay không?
- Cuộc khủng hoảng chính trị Nga - Ukraine hiện nay bắt nguồn từ sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, với sự tan rã chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, Cộng hòa Ukraine tuyên bố độc lập trở lại (24/8/1991) sau gần 70 năm trong “ngôi nhà chung” Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết (1922 - 1991). Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea (2014), gần đây nhất ngày 22/2/2022 nghĩa là trước 2 ngày Nga triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine. Tổng thống Nga Putin đã ký quyết định công nhận độc lập của 2 nước cộng hòa tự xưng là Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR) thuộc khu vực Donbass phía Đông Ukraine. Tuy nhiên, đây chỉ là “bề nổi” của “tảng băng chìm” sâu xa của cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine. Theo chúng tôi, chảo lửa xung đột này bắt nguồn từ 3 nguyên nhân chính:
Thứ nhất, dưới góc độ địa - chính trị thì cuộc xung đột Nga - Ukraine là sự hệ quả của sự tranh giành ảnh hưởng và xung đột lợi ích giữa các nước lớn trên thế giới. Bởi lẽ, nằm trên lục địa Âu - Á, Ukraine là “vùng giáp danh” - “vùng đệm tự nhiên” giữa Đông và Tây. Cả Nga và phương Tây đều cho rằng, bên kia là mối nguy cơ an ninh, đe dọa sự tồn tại của mình. Theo Nga, việc Mỹ và Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) “phớt lờ” Bản đề nghị an ninh 8 điểm (12/2021), trong đó nêu rõ các quan ngại về an ninh coi như “lằn ranh đỏ”, đó là: 1) Ukraine không thể trở thành thành viên của NATO; 2) NATO không tiếp tục mở rộng sang phía đông; 3) NATO quay trở lại điểm xuất phát năm 1997. Trái lại, Mỹ và NATO tiếp tục mở rộng sang phía đông và kết nạp 3 nước cộng hòa vùng Bantic vào khối NATO mà Nga cho là đe dọa nghiêm trọng đến an ninh và lợi ích chiến lược của Nga. Cũng trong thời gian đó, mâu thuẫn trở lên đỉnh điểm sau khi Ukraine dự kiến Ký kết một hiệp định quân sự với Anh và Ba Lan và nộp đơn xin gia nhập NATO. Nga cho rằng, việc Ukraine xin gia nhập NATO sẽ làm mất cân bằng cán cân quyền lực an ninh ở sườn phía Tây của Nga, đe dọa không gian sinh tồn của người Nga, mất vùng đệm chiến lược, suy giảm ảnh hưởng địa - chính trị từng có trong thời kỳ Liên Xô, do đó Nga phải hành động kịp thời để ngăn chặn mối nguy cơ an ninh đó để duy trì “vùng đệm an ninh” sống còn, chống lại nỗ lực mở rộng ảnh hưởng về phía Tây của NATO.
Thứ hai, dưới góc độ ý thức hệ và lịch sử văn hóa, gốc rễ cuộc xung đột Nga - Ukraine “là sự xung đột” không thể giải quyết giữa hai nền văn minh Anglo - Saxon và Slavo là sự phản ứng trước sự bành trướng địa chính trị của những người Anglo - Saxon dưới lớp vỏ lan rộng của toàn cầu hóa muốn thống trị toàn bộ châu Âu. Người Slavo cho rằng, đây là sự trở lại không gian lịch sử và vị trí của họ trên thế giới mà đại diện là Nga (4).
Về mặt lịch sử văn hóa, các quốc gia Nga, Ukraine và Belarus đều có nguồn gốc hình thành từ Nhà nước Kievan Rus. Đây từng là một đại công quốc giàu có, thịnh vượng và hùng mạnh trong suốt một quãng thời gian dài lịch sử thế giới tồn tại trong khoảng 500 năm từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII. Trung tâm kinh tế- chính trị nhà nước này đều được đặt tại vùng đất thánh - Kiev (thủ đô của Ukraine hiện nay). Bên cạnh nước Nga Sa hoàng, Ukraine được gọi là “tiểu Nga”, còn Belarus mang tên “Bạch Nga”. Ba quốc gia hiện tại Nga - Ukraine - Belarus hiện nay, trên thực tế là một khối khăng khít khó có thể tách rời trong suốt chiều dài lịch sử, ba nhánh cây đâm chồi trở thành một gốc Kievan Rus.
Nhân sự kiện Liên Xô tan rã (1991) V. Putin từng gọi là “bi kịch địa - chính trị lớn nhất thế kỷ XX”. Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” bạo loạn lật đổ, kích động “cách mạng màu”, kích động tư tưởng thù địch bài Nga, cấm vận Nga về kinh tế, công nghệ, tài chính... đặc biệt là xóa bỏ nhận thức của Châu Âu về công lao của Liên Xô giải phòng các dân tộc khỏi nạn diệt chủng phát xít trong chiến tranh thế giới thứ hai. Đồng thời cũng cần phải kể đến yếu tố chủ nghĩa dân tộc của Nga với lòng tự hào, tự tôn dân tộc rất cao. Đối với Nga, tình trạng suy giảm của kinh tế - trật tự xã hội trong nước và việc Nga phải từ bỏ ảnh hưởng tại nhiều khu vực trên toàn cầu là hậu quả của việc Liên Xô sụp đổ.
Xét về góc độ hệ tư tưởng, giá trị văn hóa, các nhà phân tích cho rằng xung đột quân sự Nga - Ukraine phần nào xuất phát từ tinh thần chủ nghĩa dân tộc cao ở Nga (Không phải là chủ nghĩa dân tộc cực đoan). Mặt khác, cuộc xung đột còn có thể lý giải xuất phát từ sự bá quyền tự do của Mỹ, khiến Mỹ cam kết, xuất khẩu, phổ biến giá trị dân chủ đến tận những nơi xa lạ, “bức màn sắt” mới mà Mỹ giăng cho tất cả khu vực, các quốc gia có chủ quyền nếu không tuân theo sự áp đặt của Mỹ, từ chiếm đóng về quân sự đi đôi với can thiệp dàn xếp chính trị. Nga coi việc Mỹ can thiệt và áp đặt các giá trị dân chủ, nhân quyền đối với Nga là nguy cơ mất ổn định chính trị nội bộ. Việc áp đặt, quy chụp ý thức hệ với giá trị dân chủ kiểu Mỹ lên một số quốc gia, 1 khu vực luôn là mục tiêu nhất quán trong chính sách chiến lược của Mỹ, một khi luận điểm ấy lại áp đặt thông qua 1 quốc gia Ukraine, tạo thế “cờ vây” đối với Nga đã vượt qua “lằn ranh đỏ”, “Giọt nước tràn ly” dẫn tới xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine hiện nay.
Thứ ba, nguyên nhân dẫn đến xung đột giữa Nga và Ukraine bắt nguồn từ nguồn gốc nội tại, đó là sự bế tắc trong chính sách đối ngoại của Ukraine và giới lãnh đạo của Ukraine hiện nay.
Như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Nguyên Thứ trưởng Bộ quốc phòng trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tuổi trẻ (27/6/2022): “Cuộc đối đầu quân sự và các diễn biến tại Ukraine mang tính cục bộ nhưng nhanh chóng được đẩy lên phạm vi toàn cầu”, “đây là sự kiện lạ thường xảy ra trong một thế giới hiện đại, giữa kỷ nguyên hội nhập và toàn cầu hóa. Đây là một bất ngờ với cả thế giới, từ trước đó có rất nhiều thuyết âm mưu. Trên bình diện quốc tế các cuộc chiến tranh dù quy mô to hay nhỏ nhưng đều gây ảnh hưởng đến ổn định, hòa bình, chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế...”
Ngoài 2 lý do khách quan “ngoại sinh” nêu trên, còn nguyên nhân thứ ba mang tính “nội sinh” do khủng hoảng chính trị kéo dài ngay tại đất nước Ukraine. Cách đây hơn 8 năm (19/2/2014) cuộc bạo động của các phe nhóm đối lập đã căng thẳng đến đỉnh điểm và biến thành bạo động lan rộng khắp thủ đô Kiev làm 28 người thiệt mạng và 287 người khác bị thương. Một nguyên nhân khác khởi phát cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine được cho là do Tổng thống V. Yanuckovych đã từ chối ký hiệp định liên kết với EU và quay sang hợp tác với Nga. Đây chính là một cú giáng mạnh vào nỗ lực “Đông tiến” mà EU luôn đeo đuổi sau khi Liên Xô tan rã. Nếu như EU hứa viện trợ cho Ukraine khoảng 660 triệu Euro (Khoảng 800 triệu USD) so với “món quà” từ người láng giềng Nga - Gần 15 tỷ USD viện trợ và giảm 30% giá khí đốt thì việc lựa chọn Mátcơva của Tổng thống V. Yanukovych là bước đi khôn ngoan. Tuy nhiên sau cuộc đảo chính 23/02/2014, Tổng thống Yanukovych rời Ukraine, Nga sát nhập bán đảo Crime bằng cuộc trưng cầu dân ý tại bán đảo và được cho là hỗ trợ cho nhóm dân quân ly khai tại miền đông Ukraine. Tổng thống Nga V. Putin đã mô tả phong trào nổi dậy, lật đổ cựu Tổng thống Yanukovych là “cuộc đảo chính vũ trang chống Hiến pháp” Ukraine “do Mỹ dàn dựng”. Đến 20/5/2019 V. Oleksandrovych Zelensky giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Ukraine lần thứ 6, song với lối tư duy ngoại giao “đòn sóc hai đầu”, “con lắc” trong nhiều năm qua, giới chức lãnh đạo Ukraine đã cố gắng sử dụng con bài chính trị, đối ngoại để gây sức ép lên Nga và phương Tây. Chính phủ Ukraine đối thoại với nga, để thúc ép phương Tây nhằm đảm bảo các ưu đãi bằng cách tuyên bố rằng nếu không Nga sẽ có ảnh hưởng lớn hơn ở Ukraine. Trong hai bài phát biểu của mình (22/02/2022) Tổng thống Nga V. Putin đã chỉ ra, Ukraine tiến hành xây dựng nhà nước trên cơ sở phủ định mọi thứ đã gắn kết với Nga, cố gắng bóp méo tâm lý và ký ức lịch sử của hàng triệu người ở đất nước này, xã hội Ukraine phải đối mặt với sự trỗi dậy chủ nghĩa dân tộc dân tộc cực hữu, vốn nhanh chóng phát triển thành chủ nghĩa sợ Nga. Chính từ đường lối đối ngoại của giới lãnh đạo Ukraine không thể hiện tư duy độc lập tự chủ, “biết mình, biết người” mà phụ thuộc, nghiêng ngả, giao động thường xuyên. Để các lực lượng phức tạp bên ngoài len lỏi sâu vào các cơ quan nhà nước - của mình thì báo hiệu hiểm họa khó lường. Cụ thể chính quyền Kiev, theo yêu cầu của phương Tây, đã giao quyền ưu tiên lựa chọn thành viên của các cơ quan tư pháp tối cao, Hội đồng Tư pháp và Ủy ban thẩm phán cho các tổ chức quốc tế. Ngoài ra, theo lời Putin, Hoa Kỳ còn trực tiếp kiểm soát Cơ quan Quốc gia về phòng chống tham nhũng, Cục chống tham nhũng và Tòa án Chống tham nhũng cấp cao... Tuy nhiên, tham nhũng ngày càng trở lên trầm trọng hơn bao giờ hết. (theo ông Putin). Chính vì điều này đã làm “đau đớn” thêm “vết thương thế kỷ” - hậu quả sụp đổ Liên bang Xô Viết mà người Nga cũng đã bị tổn thất rất lớn và Nga cho rằng họ cần phải hành động đòi lại sự công bằng.
2. Nhận diện, đấu tranh bác bỏ luận điệu xuyên tạc, đánh đồng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam ta với cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay.
Thực tiễn lịch sử mãi mãi khẳng định, cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam chống ngoại xâm nhằm giành độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước. Nó quyết không phải là cuộc “nội chiến” như Mỹ và lực lượng phản động xuyên tạc. Còn cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine hiện nay cũng không phải là cuộc “nội chiến”, bởi lẽ đây là hai quốc gia độc lập, có chủ quyền, có nhà nước, chính thể chính trị riêng; Vì vậy, chúng ta cần nhận diện rõ bản chất của sự việc, vấn đề để đấu tranh không khoan nhượng với luận điệu xuyên tạc thù địch ấy.
2.1. Nhận diện một số quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, đánh đồng Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam với cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine hiện nay.
- Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hiếu chiến, muốn chủ động gây chiến thôn tính Miền Nam, từ đó đổ lỗi 21 năm chiến tranh (1954 - 1975) làm hàng triệu người của hai miền thiệt mạng, hàng vạn gia đình ly tán đau thương là lỗi của chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa mà người lãnh đạo Nhà nước ấy là Đảng lao động Việt Nam.
- Việt Nam dân chủ cộng hòa là “tay sai” của Liên Xô, Trung Quốc, kháng chiến chống Mỹ thực hiện mưu đồ của Liên Xô, Trung Quốc “muốn đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”
- Việt Nam Dân chủ cộng hòa chỉ là “con bài” trong cuộc “mặc cả” giữa các nước lớn là Liên Xô, Trung Quốc và Mỹ.
- Việt Nam chỉ là bãi chiến trường thử nghiệm các loại vũ khí của Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc.
- Nếu Việt Nam Cộng hòa được xem là con rối, là bù nhìn, là tay sai, là Ngụy, do Hoa Kỳ giật dây thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ là “con rối”, “lính xung kích” do Liên Xô, Trung Quốc chỉ đạo... chiến tranh Việt Nam là cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn” giữa hai miền Nam - Bắc, do sự khác biệt về lý tưởng cộng sản và không cộng sản, trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, người Mỹ can thiệp vào Việt Nam là vì “thế giới tự do”...
- Nga đã áp đặt “hệ tư tưởng” bá quyền từ thời Liên Xô cũ với Ukraine là phải phụ thuộc hoàn toàn vào Nga, Ukraine mãi mãi là “vùng đệm” giữa Nga với Phương Tây, làm lá “chắn” của Nga trước sự phát triển hùng mạnh của Mỹ và NATO.
- Mỹ và các nước EU luôn rộng mở “chào đón” Ukraine vào EU và NATO nhưng Nga luôn tìm cách cản trở, ngăn chặn quyền “tự do” của Ukraine. Không những thế, năm 2014 lợi dụng khủng hoảng chính trị ở Ukraine, Nga đã đem quân chiếm và sáp nhập Bán đảo Crime vào Nga bất chấp sự phản đối của Ukraine, Liên hợp quốc, Mỹ và các nước Châu Âu.
- Cả Nga và Ukraine đều là bạn bè truyền thống, đối tác quan trọng của Việt Nam, nhưng khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra thì Việt Nam có thái độ “mơ hồ không rõ ràng”, đã là 1 trong 3 nước “đạo đức giả” đã bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết “lên án Nga xâm lược Ukraine và yêu cầu Nga chấm dứt chiến tranh” do Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức vào 2/3/2022, vì Việt Nam vẫn sợ Nga và Trung Quốc, viễn cảnh Việt Nam sẽ lại như Ukraine mà thôi.
2.2. Kiên quyết đấu tranh bác bỏ luận điệu xuyên tạc, đánh đồng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam với cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay.
Gần đây lợi dụng cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, các thế lực thù địch, phản động, phẩn tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước ra sức xuyên tạc, tung tin “xấu độc”, đẩy mạnh các hoạt động chống phá đường lối, chính sách của Đảng ta; trong đó âm mưu “Diễn biến hòa bình” phủ nhận hoặc đánh đồng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam với cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay nhằm kích động hận thù dân tộc, chia rẽ nội bộ, phá hoại tình đoàn kết hữu nghị tốt đẹp của Việt Nam với cộng đồng thế giới. Vì vậy, chúng ta cần đấu tranh kiên quyết và khẳng định ở mấy điểm lớn như sau:
Thứ nhất, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt nam là cuộc đấu tranh chính nghĩa nhằm thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam (từ năm 1954 - 1975), là cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đồng thời đấu tranh nhằm loại bỏ những thế lực đi ngược lại lợi ích quốc gia - dân tộc và nguyện vọng của nhân dân. Trên bình diện quốc tế, đó là một bộ phận của cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, nhằm khẳng định và bảo vệ quyền tự quyết của dân tộc mình. Trong bối cảnh của “chiến tranh lạnh”, cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam là một bộ phận của cuộc đối đầu quyết liệt giữa phe tư bản chủ nghĩa và phe xã hội chủ nghĩa. Nguồn gốc chiến tranh là mưu đồ chính trị và trực tiếp là từ hành động xâm lược Việt Nam của chính phủ Mỹ chứ không phải xuất phát từ nội bộ dân tộc Việt Nam, càng không phải là cuộc “nội chiến” như luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường chống phá.
Thứ hai, phải khẳng định rằng Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình, luôn tôn trọng độc lập, tự do, chủ quyền của các quốc gia và luật pháp quốc tế, luôn làm hết sức mình tăng cường tình đoàn kết, nền hòa bình thế giới. Chính vì thế, nhân dân Việt Nam không muốn đất nước phải chịu cảnh chiến tranh và cũng không bao giờ muốn chiến tranh xảy ra với bất kỳ quốc gia nào như đã xảy ra tại Ukraine. Trái với các luận điệu xuyên tạc, thù địch; trên các phương tiện truyền thông đại chúng, những ngày qua liên tục truyền đi thông điệp thể hiện rõ quan điểm, lập trường của Đảng, Nhà nước Việt Nam là không ủng hộ xung đột quân sự xảy ra tại Ukraine, đồng thời tích cực kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, tránh căng thẳng leo thang gây bất ổn cho tình hình chính trị thế giới, ảnh hưởng xấu đến nền hòa bình nhân loại.
Trên bình diện thực địa, ngày 01/3/2022, khi Đại hội đồng liên hợp quốc tổ chức phiên họp khẩn cấp lần thứ XI thảo luận về tình hình Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp Quốc đã phát biểu: “Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần đã chỉ ra rằng, cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị áp đặt và sử dụng lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế”.
Trên cơ sở đó, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng nhấn mạnh: “Việt Nam kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phám thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở pháp luật quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Các giải pháp như vậy sẽ chấm dứt những đau khổ và đóng góp cho hòa bình, an ninh và phát triển ở Châu Âu và thế giới nói chung”.
Có thể thấy rằng, kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có bất kỳ phát ngôn và hành động nào ủng hộ việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề xung đột và Việt Nam luôn khẳng định lập trường không thay đổi, đó là Việt Nam không đứng về bên này chống lại bên kia hay ngược lại mà luôn đứng về lẽ phải, công lý và luật pháp quốc tế. Các cơ quan báo chí, truyền thông của Việt Nam cũng quán triệt và thực hiện theo tinh thần đó, đưa tin bình luận về tình hình Ukraine một cách khách quan, trung thực, trên cơ sở nguồn tin chính xác. Chính vì vậy, mọi luận điệu của các thế lực thù địch cho rằng Việt Nam ủng hộ bên này chống lại bên kia, “cổ súy chiến tranh” hoặc “hèn hạ” không dám bỏ phiếu ủng hộ Ukraine là hoàn toàn sai trái, xuyên tạc. Việc đánh đồng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam là “nội chiến” mà xung đột Nga - Ukraine hiện nay là “phiên bản 2” là hoàn toàn sai trái, hằn học, thù địch cần được lên án và bác bỏ.
Với góc độ là một nhà chiến lược quân sự, trả lời phòng vấn Báo Tuổi trẻ (27/6/2022) Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh nói: “Chiến dịch quân sự đã tạo ra tiền lệ xấu, cần phải ngăn chặn thế giới phân cực, điều chúng ta lo ngại là cuộc chiến này có thể dẫn đến hệ lụy xấu đối với tương lai thế giới khi cấu trúc an ninh hiện tại bị phá vỡ. Một trật tự thế giới đa cực có thể bị biến đổi hành “hai phe”, nếu như vậy nguy cơ đối đầu dai dẳng và nguy hiểm. Cho nên tất cả những gì chúng ta mong muốn và cần phải hành động ngăn chặn kết cục xấu ấy, ngăn chặn nguy cơ phân cực thế giới một lần nữa”. Vì rằng “cuộc chiến này Nga và Ukraine sẽ không có bên nào thắng”. Do vậy, “giải pháp tối ưu không khó để nhìn ra đó là: Ngừng bắn ngay lập tức, các đoàn quân về bên kia biên giới; ngưng ngay quân sự cho tất cả các bên; các khu vực tranh chấp (Crime, Donbass…) giữ nguyên hiện trạng, 2 nước sẽ đàm phán trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế; Ukraine trung lập, “3 không” đối với tất cả các bên”.
Thế hệ 6X chúng tôi được sinh ra trong thời chiến tranh “những năm bom Mỹ trút trên mái nhà,...” rồi lớn lên trưởng thành trong hòa bình. Là một người con của liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi vô cùng xúc động và chân quý cuộc sống hòa bình ấm áp bên gia đình ngày hôm nay. “Ôn cố tri tân” chúng ta càng chân quý giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, tự hào truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam. Thay lời muốn nói, bài viết này như một nén tâm nhang nhân ngày Ngày thương binh liệt sĩ 27/7 để tri ân những người con đã hy sinh vì Tổ quốc. Chúng ta nên án những kẻ gây chiến tranh, kích động chiến tranh và hận thù dân tộc. Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, chúng ta mong muốn cả Nga và Ukraine cần tôn trọng Công ước quốc tế, gác lại bất đồng, trở lại đàm phán, chấm dứt xung đột, lập lại hòa bình ở Đông Âu. Việt Nam đã, đang và sẽ mãi mãi là bạn bè tin cậy, đối tác tốt của tất cả các nước trên thế giới! - HÒA BÌNH là con đường duy nhất cho bạn, cho tôi và cho chúng ta!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ giáo dục & Đào tạo: Lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục Hà Nội.2002. T3. Tr118
2. Tạp chí Cộng sản điện tử. Ngày 07/5/2022: Nguyễn Danh Tiên - Trịnh Thị Hồng Hạnh, Phê phán quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam là “Nội chiến”
3. Christian G. Appy “What was the Viet Nam war About?” The Newyork Time, day 26-3-2018.
4. Tạp chí tuyên giáo điện tử (ngày 27/6/2022).TS. Phan Thị Thu Dung (Bộ Công An). Một số lý giải về xung đột Nga - Ucraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên.