TS. Đặng Thị Mai
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở
Đạt giải: B cuộc thi chính luận về bảo vệ
nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 2, năm 2022
Tóm tắt: Ngày 24/2/2022, Nga đã tiến hành một chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Hơn 4 tháng trôi qua, xung đột giữa 2 nước láng giềng ở châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt đã tác động không nhỏ đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của thế giới, có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng lương thực lớn đe dọa chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn cầu. Vấn đề này đồng thời đặt ra bài toán quan trọng cho các nước nhỏ trong đó có Việt Nam đối với việc giữ vững độc lập, chủ quyền, đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc.
Chiến tranh là hiện tượng chính trị - xã hội mang tính lịch sử và gắn liền với chế độ chính trị sinh ra nó. Đó là sự đấu tranh vũ trang có tổ chức giữa các giai cấp, nhà nước (hay liên minh giữa các nước) nhằm đạt mục đích chính trị nhất định. Chính trị và chiến tranh có mối quan hệ chặt chẽ trong đó chính trị chi phối, quyết định toàn bộ tiến trình và kết cục chiến tranh, quy định mục tiêu và điều chỉnh mục tiêu, hình thức tiến hành đấu tranh vũ trang. Ngược lại, chiến tranh là một bộ phận, một phương tiện chính trị tác động trở lại chính trị theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Nguyên nhân chiến tranh xuất phát từ các mau thuẫn về lợi ích về kinh tế, chính trị… Để bảo vệ lợi ích của mình, các tộc người, các quốc gia tìm mọi cách trong đó có chinh phạt, thôn tính hoặc do lo sợ bị chinh phạt, thôn tính nên ra đòn trước để loại trừ.
Hiện nay, thế giới đang chứng kiến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine từ ngày 24/2/2022. Vì lo sợ bị thôn tính và với lý do bảo vệ người có nguồn gốc Nga nên Nga nên đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt trên với những hậu quả thảm khốc và lâu dài cho cả hai bên.
Tiến hành chiến dịch quân sự rất khó khăn và gây tranh cãi này, Nga nhằm 5 mục tiêu:
1- Phi quân sự hoá Ukraine.
2- Phi phát xít hoá Ukraine.
3- Buộc Ucraina phải cam kết là nước trung lập, không gia nhập Nato.
4- Buộc Ukraine công nhận bán đảo Crim thuộc Nga.
5- Buộc Ukraine công nhận chế độ tự trị của hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk.
Trước khi Nga tấn công, Chính phủ Ucraina đã tiến hành cuộc chiến tại Donetsk và Luhansk khiến hơn 14000 người tử vong; tiến hành chính sách bài Nga loại bỏ hoàn toàn những gì liên quan đến Nga, xoá sổ những di sản của Hồng quân Liên xô - những người đã đem xương máu để giải phóng Ucraina; o ép những người nói tiếng Nga với hơn 17,3% dân số. Nga gọi đó là chủ nghĩa phát xít mới phải loại bỏ và đó là nguyên nhân của cuộc chiến.
Tuy nhiên, khi thực hiện chiến dịch, Nga đang gặp rất nhiều khó khăn do sự kháng cự của Ukraine, sự hậu thuẫn của phương Tây đối với Ukraine và sự trừng phạt tàn khốc của phương Tây đối với Nga. Cuộc chiến kéo dài đã gây ảnh hưởng đến toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thông qua việc đánh giá tiềm lực, sức mạnh, sức chịu đựng để duy trì cuộc chiến của Nga và so sánh với các mục tiêu của họ, chúng ta có thể dự đoán về xung đột Nga – Ukraine.
Về tiềm lực và sức chịu đựng: Theo Trung tâm Phục hồi Kinh tế từ công ty tư vấn Civitta và EasyBusiness, Nga phải chi ít nhất 1,5 tỷ USD chi phí quân sự; nếu tính cả thiệt hại về vũ khí, phương tiện chiến tranh thì con số đó khoảng 20 tỷ USD… Trong khi đó, Nga có dự trữ vàng và ngoại tệ khoảng 300 tỷ USD nhưng phần nhiều đã bị đóng băng ở các ngân hàng nước ngoài do bị trừng phạt, cấm vận. Lượng hàng hoá thay thế nhập khẩu của Nga duy trì được trong vòng 10- 20 tháng. Như vậy, với quy mô hiện nay, Nga khó có thể duy trì cuộc chiến quá một năm. Ngân sách của Nga trong năm 2022 có thể sẽ vẫn dồi đào, nhưng tổn thất trong năm sau có thể vào khoảng 30-50 tỷ USD. (1) Nhưng quan trọng hơn đó là thiệt hại về sinh mạng. Sau hơn 100 ngày kể từ khi chiến dịch xảy ra, Nga đã phải thay đổi cả chiến lược lẫn chiến thuật, thu hẹp các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt do họ tiến hành từ ngày 24-2. Từ chỗ bao vây các thành phố lớn của Ukraine như thủ đô Kyiv, Kharkiv, pháo kích Lviv, Odessa, quân đội Nga lui về vùng Donbass, quyết chiếm thành phố cảng Mariupol bên bờ biển Azov (và đã chiếm được), củng cố khu vực Kherson (chiếm được trước đó), đang cố gắng làm chủ hoàn toàn những thành phố trọng yếu khác như Severodonetsk và Lysychansk nằm ở khu vực sông Siverskiy Donets. Nếu hai thành phố này thất thủ thì gần như toàn bộ tỉnh Luhansk ở vùng Donbass sẽ nằm trong sự kiểm soát của Nga... Theo công bố từ phía Nga ngày 26/3, Nga đã mất 1.351 binh lính, hơn 3000 bị thương. Tuy nhiên, các nhà quan sát Ucraina và phương Tây cho rằng con số thực tế cao hơn so với dữ liệu do phía Nga công bố (từ 12000 -16000 chết và hơn 30.000 bị thương). Tổng thống Zelensky hôm 2/6 cho biết hơn 30.000 quân nhân Nga đã thiệt mạng. Về phía Ucraina, tại các khu vực ly khai do Moscow hậu thuẫn ở miền Đông Ukraine đã ghi nhận hơn 1.300 binh sĩ thiệt mạng và gần 7.500 người bị thương ở Donetsk, cùng với 477 dân thường thiệt mạng và gần 2.400 người bị thương, trong khi ở Lugansk, 29 dân thường đã thiệt mạng và 60 người khác bị thương. Cuộc xung đột trong thời gian qua đã phá hủy gần 38.000 tòa nhà dân cư khiến khoảng 220.000 người mất nhà cửa, gần 1.900 cơ sở giáo dục, từ nhà trẻ, trường phổ thông đến đại học đã bị hư hại, trong đó có 180 cơ sở bị phá hủy hoàn toàn. Các thiệt hại về cơ sở hạ tầng khác bao gồm 300 cầu đường bộ và 50 cầu đường sắt, 500 nhà máy và khoảng 500 bệnh viện. (2) Đó là điều khó khăn nhất để Quốc hội và nhân dân Nga ủng hộ cuộc chiến.
Về các mục tiêu của Nga: Mục tiêu thứ nhất, hiện tại Nga đã phá huỷ khoảng 70% tiềm lực quân sự của Ukraine. Mục tiêu thứ hai - phi phát xít hoá Ukraine tức là loại bỏ chủ nghĩa dân tộc, phát xít mà theo Nga đang nổi lên ở Ucraina. Đây là mục tiêu mang tính định tính, trừu tượng mà nếu đạt được mục tiêu 1 và 3 thì cũng có thể coi như đạt được mục tiêu này. Mục tiêu thứ ba: Tổng thống Ukraine đã một số lần đề cập có thể chấp nhận không gia nhập NATO. Mục tiêu thứ tư và thứ năm thì gần như không thể xảy ra vì nếu Nga có chiến thắng hoàn toàn, dựng được chính phủ Ukraine thân Nga thì sẽ phải đối mặt với một cuộc kháng chiến lâu dài bởi phe đối lập là chính phủ hiện tại được phương Tây và NATO hậu thuẫn; đa số các nước trên thế giới sẽ vẫn công nhận chính phủ này mà không công nhận chính phủ thân Nga.. Do vậy sẽ không có sự công nhận mang tính pháp lý như đòi hỏi của Nga… Hơn ai hết, tổng thống Putin sẽ hiểu rõ vấn đề này. Do vậy, đến một thời điểm nào đó, khi Nga đã đạt được mục đích phá huỷ đa số lực lượng và cơ sở vật chất của quân đội Ukraine. Ukraine chấp nhận không gia nhập NATO cùng một số thoả thuận ngừng bắn ở hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk thì Nga sẽ chấp nhận đàm phán với việc cơ bản đạt được 3 mục tiêu và tránh sa lầy vào cuộc chiến lâu dài. Ucraina và NATO cũng sẽ chấp nhận 3 mục tiêu trên vì họ đều hiểu không thể dồn tổng thống Putin đến bước đường cùng dẫn đến chiến tranh thế giới thứ ba và thảm hoạ hạt nhân.
Tuy nhiên sau hoà đàm và rút quân, tình hình sẽ còn phức tạp kéo dài nhiều năm bởi hai vùng ly khai vẫn tiếp tục mục tiêu của mình. Chính phủ Ucraina tuy ký thoả thuận nhưng vẫn bằng mọi cách để quản lý khu vực này dẫn đến việc thường xuyên vi phạm hiệp định đã ký như trước đây.
Vì vậy, thế giới sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine. Khi cuộc chiến xảy ra, thế giới sẽ bước vào một cuộc chạy đua vũ trang mới vô cùng tốn kém làm thụt lùi sự phát triển kinh tế, sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa các nước, các liên minh, cản trở tiến trình toàn cầu hoá. Các nước lớn tuy vẫn muốn trở thành cường quốc lãnh đạo thế giới nhưng sẽ không liều lĩnh sử dụng vũ lực, thôn tính hoặc áp đặt cường quyền lên các nước nhỏ…
Để tiếp tục ổn định và phát triển, Việt Nam cần nhận thức rõ bài học từ Ukraine. Do vị trí địa chính trị và nguồn gốc lịch sử, Ukraine đứng giữa sự tranh giành ảnh hưởng của phương Tây và Nga. Nếu như Ukraine chọn trung lập, không liên kết, độc lập, tự cường, tôn trọng lịch sử thì đó là lợi thế tuyệt vời. Họ sẽ được cả tài chính của phương Tây đầu tư và năng lượng, khí đốt, nguyên liệu của Nga để phát triển, hơn hết là tránh được chiến tranh, được cả hai bên tranh thủ. Ngược lại với chính sách ngả bên này, chống bên kia thì tất yếu xung đột sẽ xảy ra.
Việt Nam có nhiều điểm tương đồng như Ukraine nhưng trong thời gian qua đã thực hiện đường lối đối ngoại linh hoạt, hiệu quả, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại, tự lực, tự cường, không liên minh quân sự, không dựa nước này chống nước kia, không cho nước này sử dụng lãnh thổ để tấn công nước khác… Từ đó, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với tất cả các nước trên thế giới, có quan hệ hợp tác toàn diện với cả 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, có hiệp định thương mại tự do (FTA) với cả Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Anh… Việt Nam hợp tác với Mỹ, Hàn quốc, Ixraen nhưng vẫn quan hệ tốt với Cu Ba, Triều Tiên, Iran, Venezuela; nhập nguyên liệu của Trung Quốc, xuất hàng hoá sang Mỹ, mua vũ khí của Nga… nhưng tất cả các nước trên dù cạnh tranh hay thù địch vẫn tôn trọng thậm chí tranh thủ Việt Nam trong nhiều vấn đề. Chính vì vậy, trong đại dịch Covid-19, Việt Nam được thế giới từ Liên hợp quốc, Mỹ, Anh, Châu Âu, Nga Trung Quốc, Cu Ba… bán, cho, tặng, viện trợ vắc xin nên trong vòng 4 tháng có được hơn 200 triệu liều vắc xin tiêm cho toàn dân để mở cửa, phục hồi kinh tế như hiện nay. Với chính sách ngoại giao khôn khéo, linh hoạt, mềm dẻo, không liên minh với nước này để chống lại nước kia, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đây cũng là tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc theo trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Phát biểu tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 14-12-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rằng, cây tre Việt Nam cũng như ngoại giao Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển. (3) Đó là sự: “mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt. (4)
Như vậy, “gốc vững” trong đường lối, chiến lược và chính sách ngoại giao của Việt Nam chính là sự độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế trong thời kỳ đổi mới để mở ra vận hội phát triển mới, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước, hiện thực hóa khát vọng phát triển (năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Năm 2030: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Năm 2045: trở thành nước phát triển, thu nhập cao). “Thân chắc” thể hiện qua phương châm, quan điểm chỉ đạo và bài học kinh nghiệm khi thực hiện đường lối đối ngoại. Đó là bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc cao nhất, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, hợp tác và đấu tranh, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa... “Cành uyển chuyển” là sự linh hoạt về sách lược, nhất là trong bối cảnh các nước lớn cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Trước xung đột Nga - Ukraine, Việt Nam giữ lập trường trung lập, không chọn phe nào mà chọn hòa bình, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc. Điều đó đã được thể hiện rõ trong Tuyên bố của Đại sứ Việt Nam tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 02/3/2022: “Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi hứng chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng, các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Một số xung đột vẫn còn gắn liền với những yếu tố lịch sử, ngộ nhận và hiểu lầm. Với trải nghiệm của chính mình, Việt Nam thấu hiểu rằng chiến tranh và xung đột khi nổ ra chỉ gây ra đau khổ sâu sắc cho người dân và hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều khía cạnh trong đời sống của các quốc gia có liên quan trực tiếp cũng như của các quốc gia khác… Mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này”. (5)
Có người hoài nghi rằng Việt Nam là nước nhỏ, bên cạnh một nước lớn luôn có âm mưu thôn tính thì phải liên kết để chống lại. Câu hỏi này đã được Ukraine trả lời. Vậy chúng ta không liên kết thì có giữ được đất nước trước đối thủ mạnh không?
Lịch sử dân tộc đã chứng minh rằng khi nào đất nước chia rẽ, mất đoàn kết, năm phe, bảy mối thì ngoại bang sẽ thôn tính còn khi thống nhất, đoàn kết thì chúng ta có thể dựa vào thế mạnh địa hình, sông núi; tiềm lực quân sự, lòng yêu nước, truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc và hơn nữa là nghệ thuật chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, chiến tranh phi đối xứng…chúng ta nhất định sẽ thắng lợi.
Trong thời gian tới, khi thế giới bất ổn nhất là những ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, các nước lớn Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản đều có các đối thủ tiềm tàng, thậm chí nguy cơ xung đột hạt nhân; Châu Âu đối mặt với khủng hoảng năng lượng và lương thực…Việt Nam tiếp tục giữ ổn định chính trị, an ninh sẽ giống như Thuỵ Sỹ, Thuỵ Điển, Phần Lan trong chiến tranh thế giới thứ nhất, thứ hai (không bị lôi vào cuộc chiến), trở thành nơi an toàn để cả thế giới bảo quản và đầu tư tài sản của mình. Đó là điều kiện để nước ta phát triển.
Tuy vậy, các thế lực thù địch lợi dụng tình hình này bôi nhọ, nói xấu Việt Nam, vu cáo Việt Nam không bảo vệ chính nghĩa, không chống chiến tranh, khi bị ngoại bang xâm lược không có chỗ dựa, thậm chí kêu gọi biểu tình gây bất ổn định xã hội. Trước tình hình đó, chúng ta cần chú ý một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng; tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước, ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, bị cô lập, phụ thuộc vì lợi ích quốc gia - dân tộc.
Hai là, mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hóa và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng với các nước; tiếp tục đưa các mối quan hệ với các đối tác, trước hết là các nước láng giềng và các nước lớn, đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả; “ưu tiên duy trì ổn định và giữ đà quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý các khác biệt và vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng, dựa trên luật pháp quốc tế và thông lệ khu vực”(6).
Ba là, thực hiện chính sách “bốn không” trong quan hệ đối ngoại: Thứ nhất, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; thứ hai, không tham gia liên minh quân sự; thứ ba, không liên kết với nước này để chống nước kia; thứ tư, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Bốn là, coi trọng công tác tuyên truyền về đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách đại đoàn kết dân tộc để mỗi người dân hiểu rõ từ đó chủ động, tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, kích động gây mất ổn định; đoàn kết cùng Đảng và Nhà nước thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tóm lại, chính sách ngoại giao của Việt Nam nói chung, đặc biệt là đối với xung đột giữa Nga và Ukraine thời gian qua là sự hội tụ đầy đủ, toàn diện, phù hợp với các quy luật của lịch sử, hiện tại và tương lai, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết trong một thế giới đầy biến động, đa dạng và phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay.
Chú thích:
(1). Theo Truyền hình thông tấn.vn
(2). Theo Dân trí.com.vn
(3). Nguyễn Phú Trọng, “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 980, tháng 12-2021, tr.8.
(4) Bài viết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: “Ngoại giao Việt Nam: 75 năm đồng hành cùng dân tộc”, Báo Tuổi trẻ điện tử, https://tuoitre.vn/ngoai-giao-viet-nam-75-nam-dong-hanh-cung-dan-toc-20200828000353122.htm, ngày 28-8-2020.
(5). Theo VOV thứ tư ngày 02.3.2020
(6). Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tr.195
Tài liệu tham khảo:
1. Phan Thị Thu Dung, “Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên”, Tạp chí Cộng sản điện tử, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chi-tiet-tim-kiem/-/2018/825105/mot-so-ly-giai-ve-cuoc-xung-%C4%91ot-nga---ukraine-hien-nay-va-tinh-toan-chien-luoc-cua-cac-ben.aspx, ngày 14-3-2022.
2. Nguyễn Phú Trọng, “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 980, tháng 12-2021.
3. Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, H.2022
4. Thông tấn xã Việt Nam: “Tổng thống V. Putin ban hành luật chống tung tin sai lệch về quân đội Nga”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/tong-thong-v-putin-ban-hanh-luat-chong-tung-tin-sai-lech-ve-quan-doi-nga-687846, ngày 5-3-2022.