NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 61 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH HẢI DƯƠNG (27/7/1963 - 27/7/2024) VÀ 95 NĂM NGÀY NGÀY THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM (28/7/1929 - 28/47/2024)!
Nghiên cứu trao đổi
MỘT SỐ SAI LẦM TRONG NHẬN THỨC XÃ HỘI

1. Tư duy con người không ngừng đào sâu tìm hiểu hiện thực, từ các hiện tượng để tìm bản chất sâu xa nhất của các sự vật, hiện tượng với giá trị lô-gíc kỳ vọng là chân lý.

Hiện nay, trong nhận thức xã hội thông thường, đã và đang có không ít những sai lầm trong nhận thức và việc sử dụng thuật từ, thuật ngữ, thể hiện quan niệm, quan điểm ở các bài nói, bài viết của một bộ phận cán bộ, đảng viên, báo cáo viên... Việc phát hiện những sai lầm đó, tìm nguyên nhân và giải pháp là vấn đề cần thiết. Trong khuôn khổ có hạn, tác giả cố gắng trình bày ngắn gọn một số vấn đề mang tính chất tham khảo, trao đổi thông tin nghiên cứu, tham chiếu từ Triết học Mác - Lênin.

Một là, đồng nhất thực tế và thực tiễn

Trong nhiều bài nói, bài viết, người ta thường đồng nhất hai thuật từ này. Thực tế là phạm trù chỉ toàn bộ hiện thực đời sống vật chất và đời sống tinh thần; thực tiễn là phạm trù chỉ những hoạt động vật chất có mục đích, mang tính lịch sử - xã hội của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Thực tế là cái toàn thể, bao gồm cả kết quả thực tiễn đã qua và thực tiễn đang diễn ra; trong khi thực tiễn là cái bộ phận - chỉ hoạt động vật chất, có mục đích, mang tính lịch sử - xã hội.

Hai là, đồng nhất tồn tại và hạn chế

Tồn tại hay hiện thực, thực tại là khái niệm dùng để chỉ tất cả những gì đã có, đang có - cả thành tựu, ưu điểm…, mặt tích cực đạt được theo yêu cầu của thực tiễn. Và cả những hạn chế - khái niệm dùng để chỉ khuyết tật, nhược điểm…, mặt tiêu cực chưa đạt được theo yêu cầu của thực tiễn, trong kết quả quá trình hoạt động của chủ thể.

Trong khi đó, nhiều bài nói, bài viết (thường là tổng kết, phân tích, đánh giá về thực trạng của cơ quan, đơn vị, địa phương) người ta thường đồng nhất tồn tại và hạn chế.

Ba là, đồng nhất cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật

Quan niệm thông thường đồng nhất hai thuật ngữ: cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật. Trong nói, viết, người ta thường coi cơ sở hạ tầng là: điện, đường đi, trường học, trạm bơm, trạm y tế, trạm biến áp...

Sai lầm của quan niệm như thế là ở chỗ: cơ sở hạ tầng là tổng hợp những quan hệ sản xuất hợp thành kết cấu kinh tế của xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Cơ sở hạ tầng gồm: quan hệ sản xuất thống trị, quan hệ sản xuất tàn dư của hình thái kinh tế - xã hội cũ và quan hệ sản xuất mầm mống của hình thái kinh tế - xã hội tương lai. Cơ sở vật chất - kỹ thuật là toàn bộ các yếu tố vật chất của lực lượng sản xuất tương ứng với trình bộ kỹ thuật, công nghệ nhất định mà lực lượng sản xuất xã hội sử dụng để tạo ra của cải vật chất. Cơ sở vật chất - kỹ thuật là những phương tiện, thiết chế vật chất: điện, đường, trường, trạm; mà thực chất, điện (và cả trạm biến áp), đường, trạm bơm là các phương tiện lao động, tư liệu hỗ trợ, thuộc lực lượng sản xuất vật chất.

Bốn là, đồng nhất chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa Mác-xít

Chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết khoa học và cách mạng với ba bộ phận cấu thành: Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị học Mác-Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học - nó đồng nhất với Chủ nghĩa Mác. Nói hay viết: Chủ nghĩa Mác-xít là thừa. Mác-xít chẳng qua là phiên âm Việt của thuật từ tiếng Anh (Marxism - tạm đọc là Mác-xi-z-m) có nghĩa là Chủ nghĩa Mác.

Năm là, nói và viết Liên Xô (cũ)

Liên Xô, tên đầy đủ là Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết hoặc Liên bang Các nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết.

Sự thành lập quốc gia này gắn liền với quá trình sụp đổ của Đế quốc Nga trong Chiến tranh thế giới thứ nhất: cuộc Cách mạng tháng Hai lật đổ chính quyền Sa hoàngCách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917) lật đổ Chính phủ Lâm thời của Aleksandre Fyodorovich Kerensky sau đó. Liên Xô hình thành với chiến thắng của những người cộng sản Nga (Bolshevik) đứng đầu là Vladimir Ilyich Lenin trong cuộc cách mạng Tháng Mười và trong cuộc nội chiến Nga (19181922). Ngày 30 tháng 12 năm 1922, đại biểu Xô viết đến từ những vùng lãnh thổ còn lại của Đế quốc Nga (trừ Ba Lan, Phần Lancác nước Baltic) đã nhóm họp và thành lập liên minh các nhà nước tự trị trên lãnh thổ Đế quốc Nga, thống nhất quốc hiệu là Liên bang Các nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết. Các nhà nước hợp thành Liên Xô đều có điểm chung là do những người Bolsevik địa phương lãnh đạo; chính vì thế, về cơ bản Liên Xô là một quốc gia được thành lập trên nền tảng ý thức hệ chung là Chủ nghĩa cộng sản, ý thức hệ là nhân tố gắn kết các nhà nước này lại với nhau.

Ngày 25 tháng 12 năm 1991, lá cờ của Liên Xô trên nóc điện Kremlin bị hạ xuống và thay bằng lá cờ của Liên Bang Nga, đánh dấu sự kiện Liên Xô chính thức chấm dứt tồn tại. Đến nay, chưa có một Liên Xô nào xuất hiện (tái lập hay tân lập), cho nên, khi nói hoặc viết Liên Xô (cũ) là điều thừa.

Sáu là, xác định: con người là tổng hòa những quan hệ xã hội

Nói hay viết như vậy là cắt xén, xuyên tạc quan điểm, tư tưởng của Các Mác (Karl Marx 1818-1883). Sự thực là, trong tác phẩm “Về L.Feuerbach”, Các Mác viết 11 luận cương, trong đó có luận cương thứ 6, Người viết: “Phoi ơ bắc hòa tan bản chất tôn giáo vào bản chất con người. Nhưng bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội.”[1]. Luận cương thứ 6 đó đã phê phán sai lầm của Phơ-bách trong quan niệm về lịch sử, về con người và bản chất con người. Luận cương có ý nghĩa phương pháp luận đúng đắn để nhận thức bản chất con người.

2. Những sai lầm trên do chủ thể nhận thức yếu kém về Triết học Mác-Lênin. Họ có thể chưa được trang bị đầy đủ những nguyên lý cơ bản của Triết học Mác-Lênin hoặc là nhận thức sai, nhận thức không đầy đủ hoặc cố xuyên tạc những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Do trình độ, nội dung và phương pháp tuyên truyền của những người tuyên truyền Triết học Mác-Lênin. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế - chưa hiểu thấu những học thuyết của Triết học Mác-Lênin. Nội dung và phương pháp tuyên truyền chưa phù hợp với đối tượng tuyên truyền.

Do bệnh sùng bái cá nhân. Người ta nghe, đọc và tin tưởng tuyệt đối không hoài nghi, không cân nhắc tri thức lĩnh hội mà sẵn sàng nói hoặc viết theo đúng nguyên bản thông tin (đặc biệt của cán bộ lãnh đạo, quản lý) vốn đã có sai lệch, không đúng nguyên tác hoặc phi chân lý.

3. Muốn hạn chế, xóa bỏ sai lầm trong nhận thức, để hiểu đúng, tránh nói và viết sai (nhất là trong cán bộ, đảng viên) như trên, một là, cần nghiên cứu, thấu triệt, nghiêm túc những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là Triết học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh khi xem xét, cải biến đối tượng.

Bản chất của chủ nghĩa Mác - Lênin là khoa học và cách mạng. Bản chất khoa học đó đòi hỏi các chủ thể nhận thức vừa phải đứng vững trên lập trường cách mạng, lập trường của giai cấp công nhân vừa phải thực hiện việc nghiên cứu với tinh thần và phương pháp khoa học, nghiêm túc, đúng đắn. Sự thiếu hụt về năng lực nhận thức và tư duy, sự yếu kém về trình độ sáng tạo ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả một số người làm công tác lý luận có thể dẫn đến tình trạng hời hợt, giản đơn, một chiều, thiên về miêu tả, suy diễn một cách chủ quan về các vấn đề thực tiễn. Bệnh “giáo điều” trong nghiên cứu lý luận, sự “hời hợt”, “đại khái”, không chịu đi sâu nghiên cứu những vấn đề kinh điển, lý luận cơ bản thì sẽ không những không thể có sự hiểu biết lý luận sâu sắc, chắc chắn mà còn có thể làm méo mó bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin cả trong nhận thức cũng như trong vận dụng thực tiễn.

Nghiên cứu, quán triệt nghiêm túc những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là Triết học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đổi mới duy lý luận trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Điều đó được hiện thực hóa tư tưởng, lý luận thành sự lựa chọn và thực hiện mô hình, bước đi, chính sách cho quá trình phát triển đất nước; tuân thủ các quy luật vận động của lịch sử; chủ động tận dụng các cơ hội, ngăn ngừa thách thức; phân tích đúng đắn sự tác động biện chứng giữa động lực và trở lực; giữa hợp tác và đấu tranh; giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là kết quả của tư tưởng chính trị Việt nam, do vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là Triết học Mác - Lênin trong cuộc đổi mới đất nước.

Hai là, nâng cao trình độ tư duy lý luận của cán bộ, đảng viên

Chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định vai trò quan trọng của lý luận chính trị đối với quá trình vận động của cách mạng. Tư duy lý luận đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành, phát triển, hoàn thiện và thực hiện đường lối chính trị, đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội; đồng thời, thông qua công tác này mà chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thấm sâu vào quần chúng, góp phần nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân.

Cần nâng cao trình độ lý luận, trước hết là Triết học Mác-Lênin, đường lối của Đảng cho chính đội ngũ cán bộ, đảng viên, trực tiếp nhất là: lý luận nhận thức duy vật biện chứng, phép biện chng duy vật và lý luận hình thái kinh tế-xã hội. Cần chống nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nghiên cứu, học tập những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chính chủ nghĩa Mác-Lênin, trước hết là Triết học Mác-Lênin tiền đề tiêu chuẩn của tính thống nhất giữa nhận thức và thực tiễn trong quá trình hình thành và phát triển của Đảng. Vì vậy, cán bộ, đảng viên nhất là đối với những cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải học tập nghiêm túc; nghiên cứu, vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo. Hơn nữa trong giai đoạn cách mạng hiện nay đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nắm vững, vận dụng sáng tạo và góp phần phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không ngừng làm giàu trí tuệ, bản lĩnh chính trị và năng lực tổ chức của mình để đủ sức giải quyết các vấn đề đều do thực tiễn đặt ra.

Ba là, đổi mới công tác đào tạo lý luận chính trị

Trang bị lý luận chính trị, đặc biệt là Triết học Mác-Lênin, nhằm hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng, nhận thức tư tưởng, bản lĩnh chính trị, niềm tin và năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong các thời kỳ. Triết học Mác-Lênin có tác dụng to lớn đối với việc xây dựng tư duy biện chứng, nâng cao năng lực tư duy lý luận cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cũng như các hội viên, thành viên của xã hội. Tư duy biện chứng giúp chủ thể xây dựng và thực hiện tốt các chiến lược, chương trình, kế hoạch, mục tiêu, đề án trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ mới.

Hồ Chí Minh khẳng định rõ vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị: Không có lý luận chính trị thì chí khí kém cương quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng [2].

Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cần gắn với vận dụng thực tiễn, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học; chú trọng xây dựng cho người học nhận thức đúng đắn và niềm tin vững chắc vào lý tưởng cộng sản, vào con đường, lực lượng, phương pháp, mục tiêu do Đảng vạch ra để thực hiện lý tưởng đó.

Công tác đào tạo lý luận chính trị phải tạo dựng được đội ngũ cán bộ đủ trình độ nhận thức lý luận cách mạng và trưởng thành trong các hoạt động cách mạng của mình; cần làm cho lý luận khoa học và cách mạng thâm nhập vào quần chúng; đặc biệt trở thành lực lượng vật chất to lớn thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Đào tạo lý luận chính trị cần bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động thực tiễn, những đòi hỏi, nguyện vọng bức thiết của nhân dân; đặc biệt, phải biết phát hiện khả năng, phản ánh vượt trước có cơ sở sự vận động, phát triển của thực tiễn, dự báo được diễn biến tư tưởng, tình cảm, ý nguyện của Nhân dân, để vạch đường một cách đúng đắn cho những bước phát triển tiếp theo của xã hội.

Trong giai đoạn mới, thông qua công tác đào tạo lý luận chính trị, Đảng Cộng Sản Việt Nam tiếp tục xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng, xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa, khắc phục mọi biểu hiện suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống...

Bốn là, tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị đối với các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân

Theo V.I. Lênin, không tiến hành công tác giáo dục lý luận chính trị thì hoạt động chính trị tất nhiên biến thành trò chơi. Muốn tạo ra sự thay đổi thực tế ấy thì phải làm sao cho quần chúng quan tâm và tích cực tham gia vào các sự kiện. Nhưng quần chúng rất khó có thể đạt được trình độ tự giác nếu không có sự tác động nào từ Đảng và công tác giáo dục lý luận chính trị.

Do đó, cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chủ trương của Đảng phải được các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân nắm bắt, vận dụng để có nội dung và phương thức hoạt động thích hợp. Các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân phải được trang bị bởi tư tưởng, lý luận của hệ tư tưởng chính thống, cũng như được quán triệt, thấm nhuần những nội dung chính yếu của cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chủ trương của Đảng. Như thế, họ mới trực tiếp hoặc gián tiếp chế định và thực hiện pháp luật, chính sách, kế hoạch của nhà nước cũng như nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là, họ phải luôn luôn là đối tượng của công tác giáo dục, tuyên truyền tư tưởng, lý luận thì mới thường xuyên được trang bị bởi tư tưởng, lý luận của hệ tư tưởng chính thống, cũng như được quán triệt, thấm nhuần những nội dung chính yếu của cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chủ trương của Đảng. Đồng thời, bản thân những chính sách, pháp luật của Nhà nước muốn trở thành hiện thực, được triển khai thực hiện có hiệu quả thì cũng cần phải được phổ biến, tuyên truyền, nghĩa là cũng cần có sự trợ giúp của công tác tư tưởng, lý luận, nhất là công tác tuyên truyền, cổ động.

Năm là, không ngừng tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận

Giữa lý luận và thực tiễn có mối quan hệ biện chứng. Trong quan hệ đó thực tiễn giữ vai trò cơ sở, là động lực, là mục đích của lý luận, là tiêu chuẩn của chân lý. Lý luận không phản ánh hiện thực một cách thụ động mà có vai trò như kim chỉ nam vạch hướng cho thực tiễn, nó chỉ rõ những phương pháp, hành động có hiệu quả nhất để đạt được mục đích của thực tiễn. Lý luận Mác - Lênin không phải là một cái gì cứng nhắc mà đầy đủ tính khoa học, sáng tạo; lý luận đó luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ thực tiễn sinh động. Do đó, thực tiễn và lý luận luôn cần, phải thống nhất với nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn là thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông.

Trong xây dựng Đảng về tư tưởng, cán bộ, đảng viên cần luôn chú trọng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; nâng cao nhận thức, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; nâng cao năng lực tự đề kháng trước những quan điểm, tư tưởng, luận điệu sai trái, thù địch; đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Tiến trình phát triển của lịch sử không phải bao giờ cũng là con đường thẳng; trái lại, nó có thể trải qua những bước thăng trầm với những đoạn vòng trên con đường vòng xoáy ốc, thậm chí phải trải qua những bước khủng hoảng và thụt lùi tạm thời trên con đường phát triển của nó. Đó là biện chứng của lịch sử. Biện chứng của tư duy cũng vậy. Sai lầm trong nhận thức tất yếu dẫn đến sai lầm trong thực tiễn, gây những hậu quả khó lường. Song, nhận thức là quá trình biện chứng, rèn luyện năng lực nhận thức cũng đòi hỏi quá trình không ngắn về thời gian, không gian, quan hệ, trải thực tiễn và không ít suy tư.

ThS. Nguyễn Chí Công (Trường Chính trị tỉnh Hải Dương)

-----

CHÚ THÍCH:

1. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3. Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995; tr.11).

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.8, tr.279.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.1; t.12. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5,6,8 Nxb. CTQG, H., 2011.

4. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2022.

5. Tạp chí Cộng sản điện tử, http://www.tapchicongsan.org.vn.

6. V.I.Lênin: Toàn tập, t.6, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977.

Các tin mới hơn
Các tin cũ hơn
QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG TA VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ NỮ(22/11/2023)
Chủ động nhận diện những luận điệu xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh(15/11/2023)
Vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong giảng dạy môn học Quản lý hành chính nhà nước tại trường Chính trị tỉnh Hải Dương(15/11/2023)
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, TỔNG KẾT THỰC TIỄN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHUẨN(13/11/2023)
Một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã của tỉnh Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại(11/11/2023)
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
Bộ CHQS tỉnh Hải Dương Bảo Tàng tỉnh Hải Dương
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín