Thạc sỹ Bùi Phương Trà - giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bậc thầy về phương pháp cách mạng. Các phương pháp được Người vận dụng trong đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao như: phương pháp vận động quần chúng, phương pháp tuyên truyền giáo dục, phương pháp kế thừa và đổi mới, phương pháp “Dĩ bất biến ứng vạn biến”…Tùy từng hoàn cảnh, tùy từng đối tượng mà Người có sự vận dụng phương pháp một cách linh hoạt, biến hóa và sáng tạo. Nhưng tất cả các phương pháp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng đều nhằm phục vụ cho một mục đích duy nhất đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Vận dụng phương pháp “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực tiễn cách mạng Việt Nam
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, để giữ vững nền độc lập dân tộc, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều nhiệm vụ mang tính giải pháp, để củng cố và giữ vững chính quyền non trẻ mới ra đời trước sự tấn công của nhiều loại kẻ thù tàn bạo. Giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ chính quyền non trẻ là cái bất biến. Nhưng nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện đó chính là cái vạn biến. Trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, cũng như trong nước trước nguyện vọng, mong muốn của nhân dân là độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã làm mọi cách để giữ vững nền độc lập dân tộc ấy đã lấy cái bất biến đó làm mục tiêu lớn nhất và sử dụng cái vạn biến để giữ vững mục tiêu đó.
Trong thời gian từ 3 tháng 9 năm 1945 đến ngày 19 tháng 12 năm 1946 là quãng thời gian chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta phải xử lý nhiều công việc để giữ vững nền độc lập dân tộc thể hiện rõ phương pháp “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Người.
Chính quyền nhân dân lúc này còn non trẻ, còn thiếu thốn đủ thứ và gặp nhiều khó khăn chồng chất. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời chưa được nước nào trên thế giới công nhận, nền kinh tế nước ta vốn đã nghèo nàn lạc hậu lại bị Pháp, Nhật vơ vét xác xơ, nạn đói khủng khiếp năm 1945 đã làm cho 2 triệu đồng bào bị chết đói. Vận mệnh của cách mạng Việt Nam, của dân tộc Việt Nam đứng trước thử thách vô cùng nghiêm trọng. Chính quyền nhân dân có thể bị lật đổ. Nền độc lập dân tộc vừa giành được có thể bị thủ tiêu. Nhân dân ta có nguy cơ bị trở lại cuộc sống nô lệ.
Để giữ vững nền độc lập dân tộc, đảm bảo cho cái “bất biến” tồn tại ngày 6 tháng 3 năm 1946, Chính phủ ta ký với đại diện Chính phủ Pháp bản hiệp định sơ bộ đặt cơ sở cho việc đàm phán đi đến một hiệp ước chính thức. Ngày 9 tháng 3 năm 1946, Ban thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị Hòa để tiến, vạch rõ lý do phải hòa với Pháp. Những sự kiện diễn ra từ sau ngày 2 tháng 9 năm 1945, những nhân nhượng của chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta đối với Tưởng và đối với thực dân Pháp, là những ứng phó là cái vạn biến để giữ vững cái bất biến đó là nền độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Tư tưởng, phương pháp “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị lý luận và giá trị thực tiễn hết sức to lớn trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đó là sự đóng góp quan trọng, to lớn vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, là cơ sở nền tảng của đường lối đấu tranh cách mạng. Từ phương pháp “ Dĩ bất biến ứng vạn biến” của chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành đường lối đấu tranh của Đảng làm lên thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giành độc lập cho dân tộc, thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giữ vững, củng cố nền độc lập của tổ quốc vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Vận dụng phương pháp “Dĩ bất biến ứng vạn biến” theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là cái “bất biến”, để giữ vững và thực hiện thắng lợi mục tiêu trên trong thời gian tới Đảng cần phải có những đường lối đúng, có phương pháp và bước đi phù hợp, phải có “vạn biến” trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, ngoại giao, an ninh quốc phòng…
Trên lĩnh vực kinh tế: Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ tài nguyên môi trường; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại, có hiệu quả, bền vững, gắn kết chặt chẽ công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ. Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đồng thời chủ động, tích cự hội nhập kinh tế quốc tế.
Trên lĩnh vực văn hóa: Đảng ta chỉ rõ:
“Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hoá gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển.” Trong quá trình hội nhập với khu vực cũng như trên phạm vi quốc tế Đảng ta luôn xác định rõ nguyên tắc hội nhập chứ không hòa tan. Định hướng xã hội chủ nghĩa là bất biến, song để đưa đất nước đi lên không thể không có các hoạt động giao lưu văn hóa khu vực và trên phạm vi thế giới. Trong quá trình giao lưu đó phải giữ cho được bản sắc văn hóa dân tộc, giao lưu văn hóa cũng là nhằm mục đích phục vụ cho định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng. Tuy nhiên trong quá trình giao lưu, văn hóa có sự tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các nước trong khu vực cũng như phạm vi thế giới, Đảng ta chỉ rõ:
“Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao. Phát triển, nâng cao chất lượng sáng tạo văn học, nghệ thuật; khẳng định và biểu dương các giá trị chân, thiện, mỹ, phê phán những cái lỗi thời, thấp kém, đấu tranh chống những biểu hiện phản văn hoá.” Như vậy trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội, có thể coi văn hóa là một trong nhiều cái vạn biến để giữ vững cái bất biến đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh
Đảng ta chỉ rõ: “Nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hoà bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”. Trên lĩnh vực này hiện nay chúng ta có quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên trong quá trình quan hệ phải xác định rõ đối tượng cũng như đối tác để có bước đi đúng, phù hợp. Mục tiêu là phải bảo vệ cho được nền độc lập của tổ quốc. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trong hàng đầu của công tác quốc phòng an ninh, nó quyết định và đảm bảo cho việc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta.Tuy nhiên Đảng ta cũng chỉ rõ: Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng - an ninh.
Trên lĩnh vực ngoại giao
Có thể nói đây là một trong những lĩnh vực thể hiện rõ nhất sự vạn biến của Đảng ta trong quá trình hội nhập với khu vực và trên thế giới. Nhìn lại quá trình hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, chúng ta thấy quan điểm ngoại giao của Đảng có sự phát triển nhận thức theo từng giai đoạn, theo nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng khác nhau. Điều đó nói lên cái vạn biến linh hoạt trong công tác ngoại giao của Đảng. Trong giai đoạn hiện nay: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.”.
Như vậy để thực hiện thắng lợi mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội, đây là mục tiêu bất biến mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn cần phải sử dụng nhiều các biện pháp, cách thức, phương pháp phục vụ nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đó. Tất cả những cái đó là những cái vạn biến thể hiện trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, ngoại giao, quốc phòng an ninh. Những lĩnh vực trên đồng thời cũng là những quan điểm cơ bản của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; là cái “vạn biến” để giữ cho cái “bất biến” được giữ vững.