ThS Phạm Thị Quyên – Khoa Nhà nước & Pháp luật
Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tài liệu chính trị có ý nghĩa hết sức to lớn trong công tác tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xã hội. Do vậy, việc đưa nội dung Cuôn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào giảng dạy lý luận chính trị vào thời điểm này có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở nhằm trang bị, củng cố cho họ những kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và năng lực thực hiện nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu mới đang là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách hiện nay.
Xuất phát từ tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị cũng như việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị hiện nay, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, hệ Trung cấp Lý luận chính trị theo Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG, ngày 21/01/2021, thay thế Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính theo Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG ngày 24/01/2014. Khoa Nhà nước và pháp luật đảm nhiệm 4 học phần trong chương trình trên trong đó học phần Những vấn đề cơ bản về Nhà nước và pháp luật bao gồm 4 chuyên đề với tổng 56 tiết học lý thuyết và thảo luận trên lớp. Phần học trang bị kiển thức cơ bản về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ đó học viên vận dụng vào thực tiễn công tác tại cơ quan, đơn vị mình.
Cuốn sách: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/2023) và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực (01/02/2023).
Tác phẩm với 623 trang, gồm 3 phần nội dung có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản các các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và nhà nước ta:
Phần thứ nhất “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam” gồm bài viết tổng quan “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!” của Tổng Bí thư, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam từ khi thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng (năm 2013) đến nay; 4 bài phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng các năm 2014, 2018, 2020, 2022; 5 nhóm vấn đề lớn, trọng tâm trong các bài phát biểu kết luận tại 36 phiên họp Ban Chỉ đạo, cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo.
Phần thứ hai “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc”, tuyển chọn 22 bài viết tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong đó, 14 bài viết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ những năm đầu tiến hành đổi mới đất nước đến nay; 8 bài viết về rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, trong đó có bài được viết từ những năm 70 của thế kỷ XX thể hiện sự trăn trở của đồng chí về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Phần thứ ba “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” tập hợp, chọn lọc 62 ý kiến của các tầng lớp nhân dân, 10 ý kiện của đại biểu Quốc hội và 24 ý kiến của các chính khách, học giả, bạn bè quốc tế, thể hiện niềm tin tưởng sâu sắc của cán bộ, đảng viên, nhân dân, sự ghi nhận, ủng hộ của bạn bè quốc tế về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Áp dụng trong lý luận chính trị để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước, giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật đưa nội dung trên lồng ghép trong phần giảng học phần Những vấn đề cơ bản về Nhà nước và pháp luật Việt Nam. Để áp dụng trong giảng dạy môn Nhà nước và pháp luật một cách hiệu quả, tuyên truyền sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, học viên nội dung Cuốn sách, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất: Đội ngũ giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật cần nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình giảng dạy và học tập.
Thứ hai: Khoa Nhà nước và pháp luật cần có kế hoạch cụ thể trong việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn định kỳ, đổi mới nội dung sinh hoạt theo hướng tập trung nghiên cứu, tìm hiểu và thảo luận về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xây dựng Đảng, nhà nước ta vững mạnh. Áp dụng hình thức sinh hoạt chuyên môn theo hướng linh hoạt, phong phú như: thảo luận, trao đổi, tình huống, phân công viết bài tham luận...
Thứ ba: Đội ngũ giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật cần không ngừng đổi mới, nâng cao trình độ chuyên môn nhất là trong việc học tập cập nhật kiến thức pháp luật mới. Cụ thể, giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật cần được tham gia các lớp tập huấn kiến thức pháp luật, tập huấn kỹ năng, tham gia hội thảo, viết bài tham luận, tham gia đề tài khoa học hàng năm...
Thứ tư: Trong quá trình giảng dạy, giảng viên không chỉ truyền đạt đúng, đủ quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mà cần đòi hỏi giảng viên có kiến thức thực tiễn sâu sắc, cần phân tích làm sáng tỏ những nội dung đưa ra góp phần giúp học viên có tư duy đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, giảng viên cần đổi mới phương pháp, hình thức giảng dạy theo hướng tích cực, trao đổi, thảo luận đảm bảo trao đổi thông tin trên lớp. Từ đó có những thông tin, định hướng đúng đắn, hình thành thái độ, niềm tin và bản lĩnh chính trị vững vàng cho đội ngũ học viên.
Thứ năm: Xây dựng tập thể khoa Nhà nước và pháp luật trong sạch, vững mạnh. Môi trường văn hóa lành mạnh là cái nôi nuôi dưỡng, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đản viên. Do vậy, cần xây dựng tập thể khoa đoàn kết, gắn bó, tự giác, kỷ luật, kỷ cương; xây dựng lối sống phù hợp với các chuẩn mực đạo đức, không chia rẽ, hẹp hòi, cần giúp đỡ nhau phát triển, có thái độ tích cực, giúp đỡ về vật chất hoặc tinh thần./.