NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 61 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH HẢI DƯƠNG (27/7/1963 - 27/7/2024) VÀ 95 NĂM NGÀY NGÀY THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM (28/7/1929 - 28/47/2024)!
Nghiên cứu trao đổi
TỔNG BÍ THƯ NGUYÊN PHÚ TRỌNG “NGƯỜI ĐỐT LÒ” VĨ ĐẠI

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân.

Từ khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư, đất nước ta đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về kinh tế - xã hội và chính trị trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều thay đổi khó lường. Đây là công lao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có đóng góp rất lớn của người đứng đầu Đảng ta, đặc biệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thực tiễn, sau năm 1975, nước ta thoát khỏi chiến tranh, nhưng cũng đối mặt với “mầm mống” tham nhũng. Đặc biệt từ năm 1986, khi nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, xây dựng và phát triển xã hội trên nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, thì nạn tham nhũng có chiều hướng gia tăng và lan rộng. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy giảm đạo đức, lối sống, thoái hoá biến chất. Trước tình hình đó, Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khoá VIII được ban hành, quy định rõ “chế tài”: “Chống tham nhũng phải chống từ cơ quan công quyền, từ người có chức, có quyền”. Nghị quyết ấy như một “luồng sáng mới” “rọi” vào tư tưởng cán bộ, đảng viên. Đồng thời, là “ngọn roi sắt” “quất” vào danh dự, phẩm giá cán bộ chủ chốt của Đảng; đặc biệt những cán bộ có tư tưởng “leo cao, chui sâu, nịnh bợ cấp trên, coi thường cấp dưới”... Tuy nhiên, Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khoá VIII mới chỉ dừng lại ở “triển khai nhưng chưa quyết liệt”.

Để biến Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khoá VIII thành hiện thực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã “khởi xướng” sự nghiệp vĩ đại mang tên “đốt lò” với mục đích diệt tham nhũng từ trong trứng nước. Tháng 5/2012, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị. Chiến dịch “đốt lò” này thực sự là “cuộc cách mạng đánh sâu, quất mạnh, không có vùng cấm” vào các đối tượng tham nhũng, bất kể người đó là ai. Chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự là một nỗ lực của Đảng với mục tiêu cuối cùng là giành lại quyền lực và uy thế, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Tháng 10/2012, phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 6, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn Dân về một số khuyết điểm lớn cả hiện tại lẫn các nhiệm kỳ trước. Giọng Ông nghẹn ngào: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghiêm túc tự phê bình, và thành thật nhận lỗi trước Ban chấp hành Trung ương về yếu kém tồn tại trong công tác xây dựng đảng, những suy thoái tiêu cực trong cán bộ đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu”. Không thể không nghẹn ngào khi mà một Đảng cầm quyền sinh ra từ cuộc đấu tranh giải phóng Dân tộc, phấn đấu vì hạnh phúc của Nhân dân, mà ở nhiều nơi, nhiều thời điểm cán bộ đảng viên đang có biểu hiện xa dân, rời dân, nảy sinh tệ tham nhũng tiêu cực, làm xói mòn niềm tin của Nhân dân…

Khi tình trạng tham nhũng, tiêu cực khiến Đảng ta lo lắng, lòng dân bất an, thì đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất hiện đúng thời điểm lịch sử. Ở Ông hội đủ trí tuệ, dũng khí cũng như sự tín nhiệm và sự ủng hộ để làm người phất cờ, người đánh trống lệnh tấn công vào “sào huyệt” tham nhũng ở mọi cấp, mọi ngành, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết chiến với “giặc nội xâm”. Vì thế, không phải ngẫu nhiên là nhân dân gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “người đốt lò vĩ đại” và cái “lò” mà Ông đốt, đã nóng lên thì “củi tươi vào cũng phải cháy” ấy đã sưởi ấm lòng tin của dân với Đảng, Nhà nước, để người dân hiểu rằng Nhà nước này là của dân, do dân và vì dân.

Công cuộc phòng chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, do Tổng bí thư là Trưởng Ban đã chỉ đạo quyết liệt, bài bản và ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện. Công cuộc đầy sức nóng này để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta.

Ngày 31/7/2017, tại phiên họp thứ 12, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư một lần nữa phát đi thông điệp đầy sức nóng: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy, củi khô, củi vừa vừa cháy, củi khô cháy trước rồi dần dần cả lò phải nhóm lên”. Đó là tinh thần không khoan nhượng trước cái xấu, cái ti tiện; là bản lĩnh, dũng khí của người lãnh đạo cao nhất của Đảng trong bối cảnh một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái, biến chất, đe dọa sự tồn vong của Đảng, của dân tộc.

Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 tổ chức vào tháng 6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược". Sự lãnh đạo chỉ đạo sâu sắc quyết liệt với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là sự gương mẫu quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là yếu tố quyết định đến thành công của công tác phòng chống tham nhũng nói chung và công tác phát hiện điều tra xử lý án tham nhũng nói riêng.

Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban được công bố - sự kiện có ý nghĩa lớn đối với toàn Đảng, toàn dân ta. Cuốn sách có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Toàn bộ nội dung cuốn sách được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú, thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, góp phần làm sáng rõ bước phát triển nhận thức, tư duy lý luận của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ.

Tháng 5/2023, tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát đi thông điệp mạnh mẽ: Cần chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, những lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, nảy sinh tâm lý cầm chừng, phòng thủ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. “Ai không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm”, Ông nói.

Trong suốt 11 năm kể từ ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng triển khai chiến dịch “đốt lò”, hàng trăm đại án đặc biệt nghiêm trọng được xét xử công khai. Hàng ngàn cán bộ tham nhũng từ Trung ương đến các tỉnh, thành đã “sa lưới”. Có những cán bộ giữ trọng trách trong Bộ Chính trị thay vì hiếu trung với nước, tận hiến vì dân, nhưng vì đồng tiền che lấp phẩm giá đã “nhúng chàm” tham nhũng. Bao năm xây dựng nhân cách bản thân, chỉ một thời gian ngắn, thậm chí một ngày, một phút không cưỡng được cám dỗ của đồng tiền đã rơi vào vòng lao lý. Lưới trời lồng lộng, vòng công lý nghiêm minh đã buộc các tham quan phải nhận tội, bất kể người đó là ai.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành hạt nhân trung tâm của sự đoàn kết và quyết liệt trong công tác chỉ đạo, đấu tranh phòng chống tham nhũng gắn với phòng chống tiêu cực. “Tổng Bí thư trở thành người cầm cờ, giương lên ngọn cờ đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực. Ngọn cờ của Tổng Bí thư phù hợp ý chí và nguyện vọng của người dân. Đó là con đường để chúng ta góp phần vào xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh và hùng cường”, ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trên 55 năm hoạt động liên tục, được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng, với tầm nhìn chiến lược, tư duy sắc bén, gắn kết chặt chẽ với tổng kết thực tiễn, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; bổ sung, hoàn thiện và lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, xây dựng đất nước ta “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày hôm nay”.

Với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cả cuộc đời mình vì lý tưởng cao đẹp của Đảng, là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, là nhà chính trị sắc sảo, trí tuệ, nhà lý luận xuất sắc của Đảng, suốt đời cống hiến cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Cái để lại qúi giá nhất trên đời của Tổng Bí thư đó là tư tưởng trọn đời tận hiến vì nước, vì dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người chiến sỹ cộng sản chân chính, trọn đời phụng sự cho Tổ Quốc giờ đây đã đi gặp Bác Hồ và về nơi thế giới người hiền”, nhưng những di sản Ông để lại cho Đảng cho Dân là to lớn. Đó là ý chí kiên định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội. Đó là phong cách người cộng sản kiên trung Nguyễn Phú Trọng. Đó là tấm gương sáng vì nước, vì Dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Đó là những sách lược vĩ đại về chiến dịch “đốt lò” để tiêu diệt tham nhũng, đấu tranh chống lại cái xấu xa, cái ti tiện, không ngừng không nghỉ, ngay trong nội bộ đội ngũ của mình. Ông luôn sống như những gì Ông nói: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai, mang tiếng, mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, có thể tự hào rằng: Ta đã sống có ích, đã mang tất cả đời ta, tất cả sức ta hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời: Vì vinh quang của Tổ quốc, của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, của con người; để con cháu chúng ta mai sau mãi mãi biết ơn, kính trọng, học tập và noi theo”.

ThS. Nguyễn Thuỳ Linh - Khoa Xây dựng Đảng

Các tin mới hơn
Các tin cũ hơn
QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG TA VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ NỮ(22/11/2023)
Chủ động nhận diện những luận điệu xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh(15/11/2023)
Vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong giảng dạy môn học Quản lý hành chính nhà nước tại trường Chính trị tỉnh Hải Dương(15/11/2023)
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, TỔNG KẾT THỰC TIỄN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHUẨN(13/11/2023)
Một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã của tỉnh Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại(11/11/2023)
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
Bộ CHQS tỉnh Hải Dương Bảo Tàng tỉnh Hải Dương
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín