NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2024) VÀ 138 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886-01/5/2024)!
Bảo vệ nền tảng tư tường
BẢO VỆ LỢI ÍCH NHÂN DÂN HAY CHIÊU TRÒ LỢI DỤNG, LÔI KÉO, KÍCH ĐỘNG CỦA CHỦ NGHĨA DÂN TÚY

TS Nguyễn Thị Nhật Thu - TUV, Hiệu trưởng

Chủ nghĩa dân túy gần đây nổi lên như một hiện tượng của nền chính trị thế giới, tác động trực tiếp đến hệ thống chính trị của nhiều quốc gia với những diễn biến rất phức tạp và khó lường. Nhận diện đúng bản chất của chủ nghĩa dân túy trong đời sống chính trị Việt Nam đồng thời có những biện pháp đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với những biểu hiện của trào lưu tư tưởng này có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ chính trị hiện nay.

Năm 1890, thuật ngữ “chủ nghĩa dân túy” (populism) bắt nguồn từ nghĩa gốc của từ populus (tiếng Latin) có nghĩa là dân, quần chúng nhân dân được sử dụng rộng rãi ở Mỹ trong phong trào thúc đẩy người dân nông thôn cùng Đảng Dân chủ chống lại những người Đảng Cộng hòa thường sống tập trung ở đô thị. Ở Nga, phái dân túy ra đời gắn với cuộc đấu tranh của nông dân nhằm đòi ruộng đất và thủ tiêu các hình thức bóc lột của chế độ nông nô. Lúc đầu những người dân túy bảo vệ chủ trương mở rộng giáo dục, đề cao chế độ tự quản nhưng sau đó phong trào đấu tranh nhanh chóng bị thất bại do tư tưởng và phương pháp đấu tranh mang tính không tưởng tiểu tư sản. Tuy nhiên, phong trào đấu tranh này vẫn tồn tại và trở thành trào lưu phản động, thỏa hiệp, làm tay sai cho Nga hoàng bảo vệ quyền lợi của tầng lớp phú nông. Vì vậy, “chủ nghĩa dân túy là sự hỗn tạp những tư tưởng dân chủ nông nghiệp với ước mơ xã hội chủ nghĩa, hy vọng bỏ qua chủ nghĩa tư bản - một biến dạng của chủ nghĩa xã hội không tưởng tiểu tư sản ở nước Nga, đó là hệ tư tưởng của phái dân chủ nông dân”. (1) Để vạch trần bản chất của những kẻ xuyên tạc và bóp méo chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin đã viết tác phẩm Những người bạn dân là thế nào, họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao” trong đó khẳng định: “Chủ nghĩa dân túy điều hòa, nhu nhược, đa cảm và mơ mộng của những “người bạn dân” sẽ không thể đứng vững lâu được, khi nó bị tấn công từ hai phía: một phía thì bị phái cấp tiến chính trị tấn công, vì những “người bạn dân” có thể tin vào bọn quan lại và không hiểu được sự cần thiết tuyệt đối phải có đấu tranh chính trị; phía khác thì bị những người dân chủ - xã hội tấn công, vì “những người bạn dân”, tuy không có liên quan gì với chủ nghĩa xã hội và hoàn toàn không có một khái niệm nào về nguyên nhân gây ra sự áp bức người lao động và về tính chất cuộc đấu tranh giai cấp đang diễn ra, nhưng lại muốn được coi là những người xã hội chủ nghĩa hay gần như vậy”.(2)

Tùy theo cách tiếp cận nên có rất nhiều khái niệm khác nhau về chủ nghĩa dân túy (CNDT). Đó có thể là một khuynh hướng tư tưởng hay một ý thức hệ hoặc một logic chính trị, một cách tư duy về chính trị, một luận điệu, lập trường. CNDT được hiểu là những tư tưởng và hoạt động chính trị với mục đích đại diện cho nguyện vọng và nhu cầu của người dân bình thường nhằm đòi hỏi sự bình đẳng với giới thượng lưu và kêu gọi sự thay đổi hệ thống chính trị và xã hội theo xu hướng này; là những ý tưởng và hoạt động chính trị nhằm mục đích nhận được sự ủng hộ của những người bình thường bằng cách cho họ những gì họ muốn. (3) hay CNDT là “một phong trào chính trị nhấn mạnh lợi ích, đặc điểm văn hóa và tình cảm tự phát của những người dân bình thường, trái ngược với những người của một tầng lớp đặc quyền. Để hợp pháp hóa chính nó, các phong trào dân túy thường nói chuyện trực tiếp về ý muốn số đông - thông qua các cuộc họp đại chúng, trưng cầu dân ý hoặc các hình thức dân chủ trực tiếp - mà không cần quan tâm lớn đến việc phân chia quyền hạn, quyền lợi của thiểu số”. (4) “Chủ nghĩa dân túy là chủ thuyết chính trị ủng hộ quyền lực của những người dân thường trong cuộc đấu tranh với tầng lớp đặc quyền. Một triết lý chính trị ủng hộ quyền và sức mạnh của người dân trong cuộc đấu tranh chống lại giới thượng lưu đặc quyền”.(5)

Dù ở cách tiếp cận nào chăng nữa, xét về bản chất, CNDT được hiểu là những thủ đoạn chính trị mang tính chất mị dân, đánh vào tâm lý, nhu cầu, lợi ích cá nhân hay đánh vào quan điểm của đám đông, sử dụng tâm lý bất mãn của người dân với các vấn đề bất cập trong xã hội, xung đột lợi ích giữa các nhóm đa số và thiểu số trong xã hội để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và quần chúng. Chính vì thế, nó thường gắn với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, tinh thần quốc gia vị kỷ; chủ nghĩa bành trướng, bá quyền; sự ngạo mạn và chủ nghĩa biệt lập văn hóa, vấn đề di cư, nhập cư... ở hình thái và mức độ biểu hiện khác nhau. Với tình hình thế giới đầy bất ổn về kinh tế - xã hội, khó dự báo, khó lường như hiện nay, trước những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế; sự ảnh hưởng của cách mạng khoa học công nghệ; khó khăn trong giải quyết các chính sách xã hội đối với nông dân; tệ nạn quan liêu, tham nhũng và di dân tự do, di tản toàn cầu… chủ nghĩa dân túy dường như có cơ hội trỗi dậy, phát triển mạnh mẽ, tạo những thách thức, gây ra những bất ổn đối với nền chính trị của nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Có thể khẳng định rằng, những hoạt động cơ bản CNDT bao gồm:

Một là, tiếp cận nhóm dân cư có những thiệt thòi và bức xúc nhất định; lắng nghe, chia sẻ ý kiến của họ nhưng không đặt trong tổng thể lợi ích chung của cộng đồng, xã hội; tuyệt đối hóa quyền lợi, không chú ý đến nghĩa vụ, trách nhiệm của nhóm dân cư này. tiến hành trưng cầu dân ý hoặc các hình thức dân chủ trực tiếp mà không cần quan tâm đến việc phân chia quyền hạn, quyền lợi của thiểu số.

Hai là, thông qua hoạt động của các cơ quan dân cử, qua mít tinh, biểu tình để tranh luận và thể hiện quan điểm, sự phản đối về các vấn đề liên quan đến lợi ích của nhóm dân cư thiệt thòi, những hạn chế nhất định của xã hội như sự khó khăn về kinh tế, phức tạp về an ninh, việc chậm chễ trong xử lý các vấn đề về đời sống, thị trường, nhất là những sai phạm của một số cán bộ trong bộ máy chính quyền các cấp…

Ba là, thông qua những người đại diện – kẻ thường tự cho bản thân là gần gũi, thông cảm với dân chúng thực hiện một thứ dân chủ không tưởng cho tất cả các thành phần, đối tượng có mặt trong đời sống xã hội, không cần phân biệt đúng, sai, miễn là đáp ứng được yêu cầu của đám đông. Thông qua việc lợi dụng những khiếm khuyết, tồn tại của hệ thống chính trị hiện hành, những người “đại diện cho nhân dân” lôi kéo người dân vào mục đích nhất định cùng những lời hứa vô trách nhiệm. Thực chất đó là sự lôi kéo, tranh thủ quần chúng thực hiện những ý tưởng và hoạt động chính trị chống lại hệ thống chính trị hiện hành.

Như vậy, với vỏ bọc ủng hộ và đấu tranh cho dân thường chống lại chính quyền hay là tầng lớp bên trên, đặc quyền, đặc lợi nên những vấn đề dân túy phát động dễ lôi kéo đám đông mặc dù người tiếp nhận nó không hiểu biết hoặc kém hiểu biết. Chính vì thế, hoạt động của CNDT thường hướng tới sự thay đổi của hệ thống chính trị và xã hội theo xu hướng của đám đông.

Thành tựu của công cuộc đổi mới sau 35 năm qua của đất nước ta là không thể phủ nhận. Đó là quá trình cải biến toàn diện, sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và đời sống xã hội. Qua 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự đoàn kết toàn dân, đất nước ta đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy mạnh và hội nhập quốc tế được tăng cường mở rộng; bộ mặt đất nước, đời sống của nhân dân thật sự thay đổi; dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và mở rộng; đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh; sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng đi vào chiều sâu; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới…Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (6). Điều đó là do Đảng ta có đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tích cực ủng hộ, thực hiện, được bạn bè quốc tế ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ. Ðảng đã nhận thức, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam, từ đó giữ bản lĩnh chính trị, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đồng thời nhạy bén, sáng tạo, kịp thời đưa ra các chủ trương, quyết sách phù hợp từng giai đoạn cách mạng, phù hợp tình hình thế giới và trong nước.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình đổi mới đất nước trong thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn, bộc lộ những hạn chế nhất định. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học hoạch định đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn để tiếp tục làm rõ. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động; kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa cao. Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển còn thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là các vấn đề xã hội và quản lý xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả. Trên một số mặt, lĩnh vực, còn một bộ phận nhân dân chưa được thụ hưởng đầy đủ, công bằng thành quả của công cuộc đổi mới. Tình trạng tham nhũng của cán bộ đảng viên có chiều hướng gia tăng dẫn tới suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Tất cả những hạn chế nói trên của công cuộc đổi mới ở Việt Nam rất dễ bị CNDT lợi dụng để kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng chống phá sự nghiệp cách mạng. Mặc dù CNDT ở Việt Nam mới chỉ bộc lộ qua những quan điểm, tư tưởng, phát ngôn, hành động mang tính mị dân, chưa phát triển thành một hệ thống lý luận nhưng có nguy cơ bùng phát và rất dễ trở thành cao trào khi bị các thế lực thù địch lợi dụng, cổ súy. Thời gian qua, CNDT ở nước ta biểu hiện qua một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đòi xét lại những nguyên lý xây dựng Đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác - Lênin, xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, cho rằng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là không phù hợp với xu thế thời đại; đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập thông qua bỏ Điều 4 trong Hiến pháp.

Thứ hai, bỏ qua hoàn cảnh lịch sử, điều kiện cụ thể của Việt Nam trong quá trình nghiên cứu dẫn tới xuyên tạc, bôi đen, phủ nhận lịch sử thông qua các trang mạng xã hội như Tâm thức Việt, Tiếng nói dân chủ Việt, … các hội nhóm như: “Diễn đàn dân chủ tiến bộ”, “Hội anh em dân chủ”, “Hội nhà báo độc lập”, “Câu lạc bộ nhà báo tự do” …các tài khoản mạng xã hội như “Sep Pham”, blogger Điếu Cày, “Canh Tân”, “Bạn của Việt Tân”, “Bạn của Nguyễn Quốc Quân”. Gần đây nhất, trên trang Facebook “Tâm thức Việt”, Dương Thu Hương đã cho rằng thời gian trước đổi mới là thời kỳ đưa con người vào sự cùng cực, đói khổ, mọi rợ nhất. Chiến thắng 30/4/1975 là biểu hiện “một nền văn minh đã thua một chế độ rùm rúm”, qua đó ca ngợi chế độ Việt Nam cộng hòa dân chủ, giàu có, văn minh, phê phán và cho rằng chủ nghĩa Mác là những gì xấu xa, tồi tệ, lừa lọc; phủ nhận tất cả thành quả cách mạng của hai miền Nam – Bắc, phủ nhận giá trị lịch sử và ý nghĩa của ngày thống nhất đất nước.

Bên cạnh đó, một loạt các ấn phẩm, tài liệu mang yếu tố xuyên tạc lãnh tụ xuất hiện như: Lê Hữu Mục với Hồ Chí Minh không phải là tác giả “Ngục trung nhật ký” (nghiên cứu, 1990), Trần Huy Quang với Linh nghiệm (truyện ngắn, 1992), Bùi Tín với Mặt thật (hồi ký, 1994), Vũ Thư Hiên với Đêm giữa ban ngày (hồi ký, 1997), Minh Võ với Hồ Chí Minh - nhận định tổng hợp (nghiên cứu, 2003), Dương Thu Hương với Đỉnh cao chói lọi (tiểu thuyết, 2009), v.v. đặc biệt bộ phim tài liệu Sự thật về Hồ Chí Minh (được chủ trương bởi “Phong trào quốc dân đòi trả tên Sài Gòn”) ra đời tại cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng là một sản phẩm “tiêu biểu” của chiến dịch “xóa thần tượng Hồ Chí Minh”.

Thứ ba, nhân danh lòng yêu nước, các nhà “dân túy” đã tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm về những vấn đề bức xúc trong xã hội như: tình trạng tham nhũng, quan liêu; sự phân hóa giàu nghèo; những rủi ro của kinh tế thị trường mang lại qua đó phê phán các quan điểm, đối sách của Đảng và Nhà nước, kích động tinh thần dân tộc cực đoan của một bộ phận quần chúng nhân dân, kêu gọi dân chúng đòi lại “quyền lợi chính đáng của mình”; gây dựng phong trào “nông dân yêu nước” nhằm lôi kéo nông dân, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận. Hơn nữa, các nhà “dân túy” tìm mọi cách thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của nội bộ nhằm chia rẽ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; tác động, lôi kéo, sử dụng một số cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên xuất thân từ nông dân có lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất.

Để đấu tranh, ngăn ngừa có hiệu quả những biểu hiện của CNDT ở nước ta hiện nay cần chú ý:

Một là, nhận diện, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm những biểu hiện của CNDT, từ đó tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân tác hại, nguy cơ của CNDT để chủ động cảnh giác, đấu tranh, phòng ngừa trước sự lôi kéo, dụ dỗ, kích động của các phần tử dân túy.

Hai là, tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Trong hàng ngũ cán bộ, người đứng đầu các cấp phải thực sự mẫu mực, nói đi đôi với làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Thường xuyên nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Các cấp ủy Đảng cần quán triệt và thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng đặc biệt là Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, gắn với thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”.

Ba là, kiên quyết phòng, chống mọi biểu hiện bè phái, “lợi ích nhóm”, lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để xuyên tạc sự thật, phát tán quan điểm dân túy, kích động, chia rẽ đoàn kết nội bộ. Các cơ quan công quyền từ trung ương đến địa phương phải nắm vững tình hình, kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc, những nguyện vọng, lợi ích chính đáng và hợp pháp của nhân dân.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí, truyền thông, nâng cao khả năng định hướng dư luận xã hội của báo chí, truyền thông để người dân tiếp nhận thông tin một cách chính thống, chọn lọc, có khả năng phòng vệ trước các thông tin xấu, độc.

Mặc dù chỉ biểu hiện dưới dạng phát ngôn, hành động mang tính mị dân, lôi kéo, kích động nông dân, CNDT ở nước ta chưa phát triển thành một hệ thống lý luận nhưng hết sức nguy hiểm khi bị các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị lợi dụng, cấu kết thành lực lượng đối lập để chống phá Đảng, Nhà nước. Chính vì vậy, chúng ta phải hết sức cảnh giác, chủ động, tích cực đấu tranh để CNDT không có cơ hội hồi sinh và phát triển nhằm bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng và thành quả của công cuộc đổi mới của đất nước.

-----

Tài liệu tham khảo:

1. Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam: Một số vấn đề về chủ nghĩa dân túy hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021

3. Khi chủ nghĩa dân túy lên ngôi. Http://baotintuc.vn/ Thứ Sáu, 27-1-2017.

4. Mai Mai: “Sức mạnh của chủ nghĩa dân túy”; http://baoquocte.vn.

5. Mary Beth Norton, David M. Katzman, David W. Blight, Howard Chudacoff, Fredrik Logevall, A People and a Nation: A History of the United States: Volume 2, 7th, Publisher: Cengage Learning, 1865.

5. V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1974, t.1, tr.427

6. Torcuato S.Di Tella: Populism, in Seymour Martin Lipset, Hg, The Encyclopedia of Democracy (Washington, D.C.: Congressional Quarterly Books), S. 985, 1995.

Chú thích:

(1) Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam: Một số vấn đề về chủ nghĩa dân túy hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.9

(2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1974, t.1, tr.427

(3) Mai Mai: “Sức mạnh của chủ nghĩa dân túy”; http://baoquocte.vn.

(4) Torcuato S.Di Tella: Populism, in Seymour Martin Lipset, Hg, The Encyclopedia of Democracy (Washington, D.C.: Congressional Quarterly Books), S. 985, 1995.

(5) Mary Beth Norton, David M. Katzman, David W. Blight, Howard Chudacoff, Fredrik Logevall, A People and a Nation: A History of the United States: Volume 2, 7th, Publisher: Cengage Learning, 1865.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, t.1, tr.25. 
Các tin mới hơn
KHÔNG THỂ ĐỂ THẾ LỰC THÙ ĐỊCH, PHẢN ĐỘNG VÀ CÁC PHẦN TỬ CƠ HỘI CHÍNH TRỊ KÍCH ĐỘNG HẬN THÙ, CHIA RẼ DÂN TỘC (11/11/2023)
Tăng cường đấu tranh phản bác những âm mưu xuyên tạc về Chủ tich Hồ Chí Minh(11/11/2023)
Nâng cao ý thức, trách nhiệm của giảng viên Trường chính trị tỉnh Hải Dương trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng(25/09/2023)
ĐẤU TRANH BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, ĐÁNH ĐỒNG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM VỚI CUỘC XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE HIỆN NAY(21/09/2023)
Các tin cũ hơn
TÍNH NHÂN VĂN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN VÀ SỰ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG TA (21/09/2023)
QUÁN TRIỆT NGUYÊN TẮC TÍNH ĐẢNG THEO TINH THẦN ĐẠI HỘI XIII TRONG GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG. (21/09/2023)
VẬN DỤNG TÁC PHẨM CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG VÀO GIẢNG DẠY MÔN HỌC NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THUỘC CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ(21/09/2023)
GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH HẢI DƯƠNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY(03/08/2023)
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẶC TRƯNG BẢN CHẤT CỦA CNXH VÀ SỰ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG TA(03/08/2023)
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
Bộ CHQS tỉnh Hải Dương Bảo Tàng tỉnh Hải Dương
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín