NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2024) VÀ 138 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886-01/5/2024)!
Bảo vệ nền tảng tư tường
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẶC TRƯNG BẢN CHẤT CỦA CNXH VÀ SỰ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG TA

ThS. Đặng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng TCT Hải Dương

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đặc trưng bản chất của Chủ nghĩa xã hội là một trong những di sản tư tưởng của Người. Hiện nay, các thế lực đang ra sức tuyên truyền xuyên tạc về giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh. Bài viết góp phần làm rõ việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội của Đảng ta, nhất là trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, từ đó, đấu tranh, phản bác lại các quan điểm sai trái của các thế lực thì địch.

Từ khóa: Hồ Chí Minh, đặc trưng CNXH, Đảng Cộng sản Việt nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đặc trưng bản chất của Chủ nghĩa xã hội là một trong những di sản tư tưởng của Người. Đồng thời, đây là tư tưởng có ý nghĩa chỉ đạo đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Với quan niệm duy vật lịch sử, Chủ nghĩa Mác – Lê nin đã khẳng định sự tất yếu ra đời của chủ nghĩa xã hội và đưa ra những đặc trung cơ bản nhất của chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở kế thừa và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lê nin, Hồ Chí Minh đã chỉ ra những đặc trung bản chất của chủ nghĩa xã hội. Đó là:

Về kinh tế:

Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu. Nhưng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, có nhiều hình thức sở hữu. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Trong nước ta hiện nay có những hình thức sở hữu chính về tư liệu sản xuất như sau: sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân, sở hữu của hợp tác xã tức là sở hữu tập thể của nhân dân lao động, sở hữu của người lao động riêng lẻ, một ít tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản” (1) , Người kết luận: “Mục đích của chế độ ta là xóa bỏ các hình thức sở hữu không xã hội chủ nghĩa, làm cho nền kinh tế gồm nhiều thành phần phức tạp trở nên một nền kinh tế thuần nhất, dựa trên chế độ sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể” (2).

Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động. Người luôn hướng tới mục đích "ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Người dặn: "Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm. Người nào cũng biết chữ” (3)

Về chính trị:

Chủ nghĩa xã hội là một chế độ do nhân dân lao động làm chủ. Theo Người, dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân; chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, bởi vậy, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân; dân chủ là chìa khóa của mọi sự tiến bộ và phát triển. Chủ nghĩa xã hội là công trình tập thể của nhân dân, do nhân dân tự xây dựng, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Về văn hóa

Chủ nghĩa xã hội là một xã hội phát triển cao về văn hóa, đạo đức, trong đó, người với người là bạn bè, là đồng chí, là anh em, con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, có cuộc sống vật chất và tinh thần phong phú, được tạo điều kiện để phát triển hết khả năng sẵn có của mình. Theo Hồ Chí Minh, phải “làm cho nước ta có một nền công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, có một nền văn hóa và khoa học tiên tiến” (4)

Về xã hội

Chủ nghĩa xã hội là một xã hội công bằng hợp lý, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không hưởng, các dân tộc đều bình đẳng, miền núi được giúp đỡ để tiến kịp miền xuôi,…Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội là “một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng” (5). Đối với đồng bào dân tộc miền núi, Hồ Chí Minh nói: "Dưới chế độ thực dân và phong kiến, đồng bào rẻo cao sống rất cực khổ. Ngày nay, đồng bảo rẻo cao được tự do bình đẳng, không bị áp bức bóc lột như trước kia. Nhưng đời sống vật chất và văn hóa chưa được nâng cao mấy. Đó là vì cán bộ lãnh đạo không chú ý đầy đủ đến đồng bào rẻo cao. Bác thay mặt Trung ương và Chính phủ giao cho cán bộ từ tỉnh đến xã phải ra sức giúp đỡ hơn nữa cho đồng bảo rẻo cao về mọi mặt" (6).

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng và nhân dân ta luôn luôn vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn đất nước. Trong quá trình đó, Đảng ta không ngừng tổng kết để khái quát lên những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (năm 1991) của Đảng, mô hình CNXH mà nhân dân ta xây dựng đã được phác họa với sáu đặc trưng. “Đó là xã hội: Do nhân dân lao động làm chủ; Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới” (7)

Đại hội lần thứ X (2006) của Đảng đã bổ sung, phát triển, làm cho mô hình CNXH Việt Nam toàn diện hơn, gồm tám đặc trưng: “là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới”(8).

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển 2011), Đảng ta tiếp tục xác định tám đặc trưng trên cơ sở kết hợp, bổ sung, phát triển những đặc trưng của CNXH trong hai Văn kiện nêu trên. Cụ thể: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới” (9)

Tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục kế thừa những đặc trưng CNXH được trình bày trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển 2011). Nhưng đến Đại hội lần thứ XIII, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Đảng ta tiếp tục có những bước phát triển mới trong tư duy lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Tuy không trình bày riêng về các đặc trưng của CNXH mà chúng ta đang xây dựng, nhưng nhiều nội dung mới được bổ sung, phát triển. Đó là:

- Đối với đặc trưng: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”

Đây là đặc trưng thể hiện mục tiêu của CNXH ở Việt Nam. Để đạt tới mục tiêu trên, Đại hội XIII đã xac định mục tiêu tổng quát: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trên cơ sở mục tiêu tổng quát và những thành tựu đạt được sau 35 năm đổi mới, chúng ta xác định các mục tiêu cụ thể hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta:

- Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đối với đặc trưng “do nhân dân làm chủ”:

Đảng xác định, “thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Như vậy, cùng với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung nội dung “dân giám sát”, “dân thụ hưởng”. “Dân thụ hưởng” nghĩa là người dân có quyền được thụ hưởng những thành quả của sự phát triển. Khi người dân được chăm lo lợi ích tương xứng với việc làm của mình, sẽ trở thành động lực cho sự phát triển và ngược lại. Mặt khác, “mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” (10)

Để “nhân dân làm chủ” được, không thể thiếu vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Đồng thời, “Cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội” (11) trong thực hành dân chủ, trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Đồng thời, phải có cơ chế giải phóng mọi tiềm năng, sức sáng tạo, động viên nhân dân tham gia phát triển mọi mặt đời sống xã hội, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Thực hiện nghiêm túc dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện. Đồng thời, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm dân chủ.

Đối với đặc trưng “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”

Để có “nền kinh tế phát triển cao” trong giai đoạn hiện nay, từ Đại hội XI, Đảng ta đã luôn nhấn mạnh vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục đề cập đến nội dung trên, nhưng nhấn mạnh mô hình tăng trưởng mới cần tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể là: "Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…" (12)

Về cơ cấu lại nền kinh tế, Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: "Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế. Cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công. Cơ cấu lại, phát triển lành mạnh các loại thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực" (13) . Trong đó, Đảng ta nhấn mạnh đến việc cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai, tài nguyên để đất đai, tài nguyên được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả cao. Cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng tập trung phát triển các lĩnh vực, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, sức cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nói chung để phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.

Đối với đặc trưng “có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Văn kiện Đại hội đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam,... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; ….phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất" (14)

Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đó là kết quả của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, của sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Trong thời gian tới, trước những khó khăn, thách thức mới, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết một lòng, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, đồng thời, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đổi mới, sáng tạo, nhất là xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đối với đặc trưng “con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”

Nhân dân co được cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc luôn là mục tiêu phấn đấu của Đảng ta. Tại Đại hội XIII, ngoài việc đề ra các chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, Đảng ta nhấn mạnh đến yếu tố “hạnh phúc”: “mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” (15)

Các văn kiện Đại hội XIII đề cao khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Thế giới hiện nay rất coi trọng chỉ số hạnh phúc của người dân để đánh giá về sự tiến bộ, ưu việt của các quốc gia. Đây cũng là một điểm nhấn trong các văn kiện tại Đại hội XIII.

Con người “có điều kiện phát triển toàn diện” cũng được Văn kiện Đại hội XIII của Đảng quan tâm và được nêu trong phần “Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030”: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.(16)

Để đảm bảo con người có điều kiện phát triển toàn diện, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp về kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học, y tế, văn hóa,…, ví dụ như, về giáo dục – đào tạo, Đảng ta đã chỉ rõ: “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. ”(17)

Đối với đặc trưng “các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”

Nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, trên cơ sở tổng kết những kết quả đạt được và chỉ ra những hạn chế, Đảng ta đã đưa ra những định hướng cho công tác dân tộc trong thời gian tới, trong đó, chủ trương thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững. Để phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần bố trí, huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển. Đồng thời, “Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững” (18).

Để “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển” (19), Đảng ta đề ra chủ trương: vừa cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và xã hội, đồng thời, phát huy tính tự lực, tự cường, phấn đấu vươn lên của chính bản thân các dân tộc thiểu số: “Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững” (20)

Đối với đặc trưng “có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”

Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị” (21) Trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng việc đề ra đường lối xây dựng và hoàn thiện Nhà nước - yếu tố trung tâm của hệ thống chính trị.

Trong thời gian tới, trước những biến động to lớn, phức tạp của tình hình thế giới, và những hạn chế, khó khăn trong nước, Đảng ta xác định, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Từ đó mới có thể: “Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính” (21)

Đây là lần đầu tiên, Đảng ta đề cập đến “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động” nhằm làm sâu sắc hơn bản chất và định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong điều kiện mới.

Đối với đặc trưng “có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”

Để hiện thực hóa đặc trưng trên, trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta xác định: mục tiêu đối ngoại: "bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc". Trong giai đoạn hiện nay, lợi ích quốc gia- dân tộc cao nhẩt là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước.

Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; đối ngoại của các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng các doanh nghiệp. Đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thực chất, thiết thực.

Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về những đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội luôn là những căn cứ để Đảng ta cụ thể hóa và từng bước hiện thực hóa các đặc trưng đó. Đó là quá trình Đảng ta không ngừng tìm tòi, đổi mới và sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và tình hình thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H.2011, tập 12, tr.372

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.372

(3) Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1995, t.5, tr.65.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.13, tr.66.

(5) Hồ Chí Minh (2013), Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.241

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.10, tr.323

(7) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 111.

(8) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn Kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 68..

(9) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 70.

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr. 28).

(11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXBCTQGST, H. 2021, tập 1, tr 173).

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 120).

(13) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 121)

(14) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 110-111)

(15) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr. 27-28.

(16) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr. 115-116

(17) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr. 136.

(18) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, tập 1, tr.170).

(19) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, tập 1, tr.170),

(20) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, tập 1, tr.170).

(21) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 284

Các tin mới hơn
Tăng cường đấu tranh phản bác những âm mưu xuyên tạc về Chủ tich Hồ Chí Minh(11/11/2023)
KHÔNG THỂ ĐỂ THẾ LỰC THÙ ĐỊCH, PHẢN ĐỘNG VÀ CÁC PHẦN TỬ CƠ HỘI CHÍNH TRỊ KÍCH ĐỘNG HẬN THÙ, CHIA RẼ DÂN TỘC (11/11/2023)
Nâng cao ý thức, trách nhiệm của giảng viên Trường chính trị tỉnh Hải Dương trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng(25/09/2023)
ĐẤU TRANH BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, ĐÁNH ĐỒNG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM VỚI CUỘC XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE HIỆN NAY(21/09/2023)
BẢO VỆ LỢI ÍCH NHÂN DÂN HAY CHIÊU TRÒ LỢI DỤNG, LÔI KÉO, KÍCH ĐỘNG CỦA CHỦ NGHĨA DÂN TÚY (21/09/2023)
Các tin cũ hơn
ĐẤU TRANH BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, ĐÁNH ĐỒNG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM VỚI CUỘC XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE HIỆN NAY(03/08/2023)
XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI VIỆT NAM (03/08/2023)
CHỦ NGHĨA XÃ HỘI LÀ MỘT CHẾ ĐỘ XÃ HỘI CẦN PHẢI VÀ CÓ THỂ ĐƯỢC XÂY DỰNG (03/08/2023)
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
Bộ CHQS tỉnh Hải Dương Bảo Tàng tỉnh Hải Dương
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín