NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2024) VÀ 138 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886-01/5/2024)!
Nghiên cứu trao đổi
Áp dụng phương pháp tình huống trong giảng dạy các môn lý luận Mác-Lênin, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy trong chương trình đào tạo Trung cấp LLCT-HC ở trường Chính trị tỉnh Hải Dương

                                                             ThS. Nguyễn Thị Nga

                                                             Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học lý luận chính trị là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Ý thức sâu sắc về vị trí, vai trò của công tác này, theo chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường chính trị tỉnh Hải Dương luôn đổi mới, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy lý luận chính trị bằng nhiều biện pháp khác nhau: nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý, nâng cao hiệu quả công tác đánh giá học viên… Trong đó, xác định rõ đổi mới phương pháp giảng dạy là một trong những điều kiện quyết định nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Vì vậy, việc tăng cường đưa các phương pháp tích cực vào giảng dạy hiện nay là hết sức cần thiết để người học tìm hiểu kiến thức một cách hoàn toàn chủ động, tự giác, có mục đích cụ thể, sáng tạo và đầy hào hứng để có thể nắm vững kiến thức, kĩ năng nhằm vận dụng chúng vào học tập và thực tiễn, trong đó phương pháp tình huống là một trong những phương pháp có tính khả thi cao.

Giảng dạy bằng phương pháp tình huống là đưa ra các tình huống (có thật hoặc giả định) chứa đựng nội dung kiến thức bài giảng để học viên phân tích tìm hướng giải quyết, qua đó chuyển tải các nội dung bài giảng đến học viên một cách sinh động, sâu sắc, giúp học viên tự nhận thức được vấn đề một cách dễ dàng, chủ động và hứng thú hơn.

Yếu tố cấu thành chủ yếu của phương pháp này là dựa trên các tình huống thực tế của cả học viên và giảng viên. Mục đích chính của các tình huống là để miêu tả, trao đổi kinh nghiệm về cách thức giải quyết vấn đề và những mâu thuẫn trong khi thực hiện công việc được giao. Bằng những tình huống khác nhau cần phải giải quyết trong khoảng thời gian định sẵn cùng nguồn lực có hạn, người học được đặt vào vị trí cần phải đưa ra quyết định hoặc kêu gọi sự hỗ trợ của các thành viên cùng nhóm để tìm hướng giải quyết hợp lý. Sự đa dạng của các tình huống được đưa lên không chỉ khuyến khích người học phát huy tính chủ động, óc sáng tạo mà còn đem đến sự thoải mái, sảng khoái về mặt tinh thần khi tham dự lớp. Yếu tố này làm người học có thể tiếp thu nội dung kiến thức bài giảng dễ dàng, sâu và nhớ lâu hơn các phương pháp giảng dạy truyền thống.

Hiện nay, trong giảng dạy các môn lý luận Mác-Lênin chương trình đào tạo Trung cấp LLCT, do đặc thù của đối tượng học viên, đặc thù của môn học nên phương pháp thuyết trình và hỏi đáp là phương pháp cơ bản, song không nên lạm dụng và coi đó là những phương pháp độc tôn mà cần có sự phối hợp với các phương pháp giảng dạy tích cực nhằm thiết thực nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy. Sở dĩ cần đưa phương pháp tình huống nói riêng và các phương pháp giảng dạy tích cực nói chung vào giảng dạy các môn lý luận Mác-Lênin là:

Thứ nhất, do những hạn chế của các phương pháp giảng dạy truyền thống: giảng viên trở thành trung tâm và chịu trách nhiệm với thành công của bài giảng, làm mất đi tính chủ động, sáng tạo của học viên, học viên cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, áp lực và “không hiệu quả”, thậm chí là “sợ” khi học các môn lý luận Mác-Lê, và không có kỹ năng vận dụng kiến thức xử lý các tình huống trong thực tiễn; từ đó dẫn đến kiểu học đối phó, học kiểu hình thức, qua loa...

Thứ hai, việc áp dụng phương pháp tình huống sẽ góp phần thực hiện tốt nguyên tắc lý luận gắn liền với thực tiễn trong giảng dạy lý luận. Việc đưa phương pháp tình huống vào giảng dạy giúp khắc phục được tính lý thuyết, trừu tượng, học viên không phải tiếp nhận những nguyên lý, quy luật triết học chung chung mà đi thẳng vào giải quyết những vấn đề thực tế, giúp họ không còn thấy những kiến thức Mác-Lênin là những cái khó hiểu, trừu tượng mà luôn gắn liền với thực tiễn cũng như có thể vận dụng những kiến thức đó giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. Không chỉ vận dụng kiến thức vào thực tiễn, thông qua việc giải quyết tình huống, còn giúp cho học viên rèn luyện kỹ năng đấu tranh với những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, giữ vững lập trường tư tưởng chính trị. Thông qua đó, còn góp phần củng cố niềm tin của học viên vào nền tảng tư tưởng của Đảng

Thứ ba, sử dụng phương pháp tình huống làm cho giờ học sinh động hẳn lên, thúc đẩy sự quan tâm chú ý của học viên và tăng cường sự say mê yêu thích của học viên đối với môn học này.

Thứ tư, hiện nay, có những điều kiện cho phép việc áp dụng phương pháp tình huống mang tính khả thi và đạt hiệu quả: phần lớn giảng viên và học viên đều trẻ tuổi, nên luôn có sự nhanh nhạy, chủ động trong việc tiếp nhận cũng như phối hợp trong việc thực hiện các phương pháp tích cực; cơ sở vật chất được đảm bảo; đặc biệt là khung chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở được ban hành kèm theo Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG ngày 21 tháng 1 năm 2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh theo đó thời gian giảng dạy các môn lý luận Mác-Lênin  tăng hơn 100 tiết so với trước, tạo điều kiện về mặt thời gian để giảng viên có thể đưa phương pháp tình huống cũng như các phương pháp giảng dạy tích cực khác vào dạy học mà không bị áp lực về thời gian so với trước.

Như vậy, có thể thấy rằng để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận Mác-Lênin trong chương trình đào tạo Trung cấp LLCT-HC, việc sử dụng phương pháp tình huống là cần thiết và hoàn toàn có những điều kiện để đảm bảo tính thực thi của việc áp dụng phương pháp này. Tuy nhiên, với những đặc thù của môn học, đối tượng học, chương trình học, thì vấn đề đặt ra là làm thế nào để việc sử dụng phương pháp này đạt hiệu quả cao nhất.

Điểm mấu chốt nhất trong áp dụng phương pháp tình huống chính là việc chuẩn bị tình huống. Việc lựa chọn tình huống phải đảm bảo tốt các yêu cầu sau đây:

+ Tình huống phải mang tính thời sự, sát với thực tế; phải chứa đựng thông tin đầy đủ, buộc người học phải sử dụng thông tin trong tình huống để giải quyết vấn đề;

+ Tình huống đưa ra phải thể hiện những thách thức thực sự đối với người học, phải tạo ra khả năng để người học đưa ra nhiều giải pháp, để thu hút sự chú ý, kích thích tư duy, tình huống phải "có vấn đề" và không có câu trả lời duy nhất đúng cho vấn đề đó. Các nhân vật, sự kiện trong tình huống có tính hiện thực. 

+ Tình huống đưa ra phải có tính phức tạp vừa đủ, buộc người học phải suy nghĩ, vận dụng khả năng trí tuệ để giải quyết.

+ Nội dung tình huống phải phù hợp với trình độ cũng như tính đến những đặc thù (về chuyên môn, nghề nghiệp…) của người học.

Giảng viên nên dành thời gian quan trọng cho việc thu thập, phân loại, phân tích những tình huống có thật liên quan đến bài giảng. Trường hợp cần thiết có thể hư cấu, nhưng cốt lõi của tình huống vẫn phải là có thật, như vậy việc tìm ra phương án xử lý mới mang tính hấp dẫn đối với người học. Giảng viên cần cập nhật thông tin mới, thu thập những "tình huống mới có vấn đề" trong đời sống và trong sách báo nhằm xây dựng "ngân hàng" tình huống có liên quan đến nội dung bài học. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị, giảng viên đã đảm bảo được 50% thành công trong việc áp dụng phương pháp này.

Bước tiếp theo là tổ chức thực hiện: Muốn thực hiện thành công phương pháp tình huống, ngoài những hiểu biết sâu về tình huống giảng dạy, giảng viên cần có các kỹ năng dạy học theo nhóm, kỹ năng tổ chức lớp học. Giảng viên giới thiệu tình huống và cung cấp thông tin về tình huống cho từng cá nhân hoặc từng nhóm học viên viên. Có nhiều cách cung cấp thông tin về tình huống (phát tài liệu, qua băng video, nói trên lớp, yêu cầu các học viên đóng vai). Giảng viên dành thời gian để từng học viên đọc, tìm hiểu về tình huống. Tuỳ theo thời lượng, nội dung của bài giảng, độ phức tạp của tình huống, quy mô lớp học để quyết định thời gian. Giảng viên cần phải đảm bảo rằng tất cả học viên trong lớp đã hiểu rõ tình huống. Giảng viên chia thành các nhóm học viên để thảo luận tình huống. Nêu rõ nhiệm vụ mà nhóm phải hoàn thành, thời gian và cách thức làm việc nhóm. Khi các nhóm bàn bạc, trao đổi, thảo luận, giảng viên cần đi đến từng nhóm để theo dõi xem các nhóm có đi đúng hướng không? Có cần trợ giúp không? Sau khi hết thời gian thảo luận, các nhóm trình bày kết quả xử lý tình huống của nhóm mình bằng hình thức đóng vai, cả lớp đóng góp ý kiến. Sự thành công của cuộc thảo luận mở này (cả lớp cùng trao đổi trao đổi, thảo luận) sẽ quyết định thành công của phương pháp tình huống. Khi các học viên thảo luận, giảng viên có thể ghi chép lại, tóm tắt những gì đã đạt được, đưa ra những nhận xét, đánh giá và chốt lại vấn đề.

 Để xây dựng cũng như để giải quyết tình huống có hiệu quả, đòi hỏi giảng viên phải nắm vững kiến thức chuyên môn, vốn hiểu biết rộng, luôn cập nhật thông tin mới, nhuần nhuyễn kỹ năng sư phạm. Chính vì vậy, yếu tố góp phần thực hiện thành công phương pháp này đó chính là bản thân người giảng viên phải không ngừng nỗ lực học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân, nhất là rèn luyện thói quen sưu tầm, tra cứu tài liệu, nghiên cứu và viết tình huống.

Một điểm nữa cần lưu ý khi áp dụng phương pháp tình huống cũng như các phương pháp giảng dạy tích cực khác đó là không nên “lạm dụng” bất cứ một phương pháp nào mà cần thấy được những ưu điểm, hạn chế của từng phương pháp, có sự kết hợp giữa các phương pháp, trên nền tảng tôn trọng phương pháp thuyết trình và hỏi đáp để đạt hiệu quả tốt nhất. Một buổi giảng, một bài giảng, không cần sử dụng quá nhiều phương pháp tình huống, có thể nêu 1 hoặc 2 tình huống, miễn sao tình huống đó phải thật”đắt” góp phần nâng cao chất lượng của bài giảng.

Như vậy, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị nói chung, các môn lý luận Mác-Lênin nói riêng cần có nhiều yếu tố trong đó việc đổi mới phương pháp giảng dạy sẽ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo một cách bền vững. Áp dụng phương pháp tình huống không có nghĩa là loại bỏ phương pháp dạy học truyền thống quen thuộc, mà người giảng viên phải biết kết hợp giữa phương pháp truyền thống với các phương pháp khác; lấy người học làm trung tâm, giảng viên đóng vai trò là người hướng dẫn, cố vấn tạo sự lôi cuốn cho người học chủ động, tích cực và sáng tạo trong quá trình tiếp nhận tri thức, biết tự làm giàu kiến thức và có kỹ năng vận dụng tri thức vào hoạt động thực tiễn của bản thân để giải quyết các vấn đề đặt ra.

 

 

Các tin mới hơn
QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG TA VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ NỮ(22/11/2023)
Chủ động nhận diện những luận điệu xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh(15/11/2023)
Vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong giảng dạy môn học Quản lý hành chính nhà nước tại trường Chính trị tỉnh Hải Dương(15/11/2023)
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, TỔNG KẾT THỰC TIỄN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHUẨN(13/11/2023)
Một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã của tỉnh Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại(11/11/2023)
Các tin cũ hơn
Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trường chính trị tỉnh Hải Dương(29/12/2021)
Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy các chương trình bồi dưỡng kỹ năng theo chức danh, vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu xây dựng trường Chính trị tỉnh Hải Dương đạt chuẩn mức một 1 (Giai đoạn 2022- 2026) (24/12/2021)
Định hướng nâng cao năng lực cho công chức lãnh đạo, quản lý phòng chuyên môn, nghiệp vụ cấp sở hiện nay(16/12/2021)
“Hộ khẩu – điểm đáng chú ý của luật cư trú năm 2020(15/12/2021)
Phát huy vai trò của công đoàn trong thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương(09/12/2021)
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
Bộ CHQS tỉnh Hải Dương Bảo Tàng tỉnh Hải Dương
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín