NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2024) VÀ 138 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886-01/5/2024)!
Nghiên cứu trao đổi
Một số giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay

Th.s Bùi Phương Trà, giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật

Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được xem là một trong những nội dung quan trọng, then chốt, tạo cơ hội cho phụ nữ được nói tiếng nói đại diện cho giới mình, được phát huy trình độ năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách về các lĩnh vực khác nhau của quốc gia. Trong giai đoạn hiện nay, bình đẳng giới là mục tiêu, động lực để xây dựng và phát triển đất nước, là điều kiện quan trọng để Việt Nam hội nhập toàn diện, đầy đủ vào đời sống chính trị thế giới.

Bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý là nam giới, nữ giới có vị trí, vai trò ngang nhau trong công tác lãnh đạo, quản lý, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình ngang nhau và được hưởng thụ kết quả bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo, quản lý chính thức trong hệ thống chính trị ngang nhau.

Các dạng bình đẳng giới trong lãnh đạo quản lý:

Dạng thứ nhất, Bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý hình thức: tạo điều kiện, cơ hội như nhau đối với nam giới và nữ giới mà không căn cứ vào hoàn cảnh khác nhau của từng giới. Kết quả bình đảng giới hình thức thường không tạo ra được kết quả bình đẳng do những khác biệt đáng kể về đặc điểm và hoàn cảnh của phụ nữ, nam giới và người thuộc giới thứ ba trong quá trình lãnh đạo.

Dạng thứ hai, Bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý thực chất: tạo điều kiện, cơ hội như nhau đối với nam giới và nữ giới mà có căn cứ vào hoàn cảnh khác nhau của từng giới, trong đó có chú ý đến kết quả trên thực tế của việc tạo điều kiện, cơ hội đó (theo CEDAW - Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ)

Việt Nam là quốc gia được đánh giá có những quyết tâm chính trị cao trong lĩnh vực bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý nói riêng. Tinh thần bình đẳng cơ hội giữa nam và nữ trong chính trị đã được khẳng định với việc đặt ra các chỉ tiêu cụ thể như trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 xác định: phấn đấu tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2016 - 2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 - 2020 trên 35%; phấn đấu đến năm 2020 đạt trên 95% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, uỷ ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; Phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Việt Nam là quốc gia được đánh giá có những quyết tâm chính trị cao trong lĩnh vực bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý nói riêng.

Những nỗ lực của Đảng, Nhà nước góp phần thực hiện tốt bình đẳng giới trên các lĩnh vực. Trong đó, bình đẳng giới trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý là một trong những lĩnh vực nổi bật và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2020; Luật Bình đẳng giới (năm 2006) và nhiều nghị quyết quan trọng của Đảng được ban hành là những bằng chứng về cam kết chính trị trong việc trao quyền cho phụ nữ. Đây là cơ sở quan trọng để Đảng, Nhà nước và toàn xã hội tạo điều kiện thúc đẩy việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ với vai trò lãnh đạo, quản lý trong tương lai.

Tuy nhiên trên phạm vi cả nước vẫn còn 28 địa phương có tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy 2020 - 2025 dưới 15%, chưa đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên theo Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị. Trong đó có 4 tỉnh, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy dưới 10% (Quảng Bình, Cần Thơ, Long An, Lâm Đồng); 02 địa phương không có cán bộ nữ trong ban thường vụ là các tỉnh Long An và Khánh Hòa. So với tiềm năng và nguồn lực nữ cán bộ trong hệ thống chính trị thì tỷ lệ cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ còn thấp so với đội ngũ lao động nữ và so với yêu cầu. Tỷ lệ nam và nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý vẫn còn mất cân đối. Trong nhiều năm nay chưa có sự tham gia của phụ nữ vào các chức danh như Thủ tướng, Phó Thủ tướng. Đặc biệt, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo nữ ở cấp xã, thôn rất thấp. Nếu thiếu lực lượng này thì nguồn cán bộ nữ cho những vị trí cấp cao hơn trong những năm tới sẽ gặp khó khăn. Thiết nghĩ, thực hiện bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý không chỉ đơn thuần là quy định tỷ lệ nữ được cơ cấu trong các cuộc bầu cử của Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể khác. Bất bình đẳng đối với phụ nữ là căn nguyên sâu xa tạo nên khoảng cách giới trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý. Phụ nữ vẫn đang phải chịu những định kiến nặng nề như: tư duy phụ nữ hạn chế so với tư duy nam giới, phụ nữ phải dành nhiều thời gian cho gia đình nên ít có điều kiện tham gia hoạt động lãnh đạo, quản lý. Tâm lý tự ti của phụ nữ hạn chế sự phát triển năng lực và sở trường… Chừng nào những định kiến đó chưa được gạt bỏ thì điều kiện tham gia hoạt động lãnh đạo, quản lý của phụ nữ vẫn còn bị hạn chế.

Một số giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về bình đẳng giới và vấn đề bình đẳng giới trong công tác cán bộ nữ. Nghiêm túc đánh giá trên cơ sở các nghiên cứu khoa học để chỉ ra đúng nguyên nhân cơ bản, đặc thù của mỗi địa phương, cấp, ngành, đơn vị dẫn đến sự không thành công trong mục tiêu bình đẳng giới.

Thứ hai, xây dựng chiến lược, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nữ, trong đó chú trọng đến công tác quy hoạch nguồn lãnh đạo nữ các cấp, các ngành.

Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định “Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Ðảng”. Do đó “Các cấp ủy đảng có trách nhiệm lãnh đạo xây dựng quy hoạch cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể về cán bộ của Ðảng ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Ðối với cán bộ nữ, đồng thời với việc xây dựng quy hoạch, phải chăm lo đào tạo, bồi dưỡng để chủ động về nhân sự; đề bạt, bổ nhiệm cần bảo đảm tiêu chuẩn của từng chức danh, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy được thế mạnh, ưu điểm của cán bộ nữ. Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm”. Dự án nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ đại biểu quốc hội, nữ đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, nữ cán bộ quản lý, nữ lãnh đạo các cấp; nữ ứng cử đại biểu quốc hội, nữ ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, nữ cán bộ thuộc diện quy hoạch là một trong 5 dự án quốc gia được Chính phủ phê duyệt thực hiện bằng nguồn kinh phí của Nhà nước. Bên cạnh đó, các cơ quan, nhất là người đứng đầu cơ quan phải đặt nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong tổng thể công tác cán bộ của cấp ủy. Trong từng cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ nữ theo quan điểm phát triển, chú trọng yếu tố giới. Trong quy hoạch, đào tạo của cơ quan phải nhất thiết bảo đảm tỷ lệ nữ phù hợp. Công tác luân chuyển cán bộ nữ phải phù hợp với điều kiện, sở trường công tác để đào tạo toàn diện từ lý luận đến thực tiễn đối với cán bộ nữ. Đồng thời, mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ trẻ có triển vọng phát triển.

Thứ ba, nâng cao vị thế và trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban Nữ công Công đoàn các cấp trong việc xây dựng và bảo vệ quyền lợi cho giới nữ. Các cấp ủy đảng cần xây dựng quy chế, nhất thiết phải lấy ý kiến của Hội Liên hiệp Phụ nữ hoặc Ban Nữ công Công đoàn trong quá trình thực hiện công tác cán bộ liên quan đến nữ. Đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức này đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, để tiếng nói của họ có trọng lượng và để việc chăm lo, giáo dục, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ có hiệu quả.

Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam thông qua quy định trách nhiệm của các cấp hội trong công tác cán bộ nữ cần tăng cường thực hiện chức năng đại diện của tổ chức; chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất, tham gia xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách về công tác cán bộ nữ; phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu nguồn cán bộ nữ có chất lượng cho Đảng; tham gia có hiệu quả vào công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ ở các cấp. Trong đó cần coi trọng công tác tham mưu, đề xuất, tham gia giám sát và phản biện xã hội; giới thiệu nguồn cán bộ nữ; tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên... góp phần vào thành tựu chung về bình đẳng giới của Việt Nam. Thông qua chức năng, nhiệm vụ của mình, các cấp hội phụ nữ cần khuyến khích mỗi hội viên không ngừng nâng cao sự hiểu biết, kiến thức xã hội, chuyên môn nghiệp vụ. Chú trọng phát hiện các nhân tố có năng lực để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cho các vị trí trong hệ thống chính trị. Hội cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền để từng bước nâng cao nhận thức về vai trò và vị thế của phụ nữ Việt Nam là một trong những công việc thường xuyên. Cần có những sáng kiến trong các chương trình, kế hoạch của Hội, như tổ chức thi tìm hiểu về Luật Bình đẳng giới và khuyến khích các gương điển hình tiên tiến trong các phong trào của Hội, tránh bệnh hình thức, quan liêu. Thông qua mỗi hội viên để xây dựng hình ảnh phụ nữ thời đại mới, hình thành những giá trị, chuẩn mực mới về bình đẳng giới để từng bước đẩy lùi những quan niệm định kiến giới đã ăn sâu trong tiềm thức của các nhóm xã hội.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển đời sống kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức để phụ nữ có được điều kiện phát triển toàn diện. Nhà nước cần có chính sách phát triển và tổ chức tốt các dịch vụ công để phục vụ tốt hơn đời sống nhân dân, giúp phụ nữ giảm gánh nặng gia đình để tập trung sức lực, trí tuệ cho công tác, góp phần thiết thực vào việc thực hiện bình đẳng giới phụ nữ trên thực tế.

Thứ năm, nâng cao năng lực cán bộ nữ trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý.

Phát huy tiềm năng to lớn của lực lượng nữ là yêu cầu tất yếu, khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng. Để nâng cao năng lực và phát huy hơn nữa sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống bộ máy Đảng, Nhà nước và đoàn thể, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, quan điểm về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ trong các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và quần chúng nhân dân. Tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Quan tâm xây dựng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, nâng cao năng lực của phụ nữ về mọi mặt nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan của hệ thống chính trị; thực hiện quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ nữ, bảo đảm yêu cầu phát triển liên tục, bền vững đội ngũ cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tránh tình trạng khi đại hội, bầu cử mới tìm kiếm nhân sự đủ tiêu chuẩn. Rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với phụ nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng nhằm tạo điều kiện phát huy tiềm năng của phụ nữ. Quan tâm đặc biệt tới xây dựng chính sách cho các đối tượng cán bộ nữ. Xem xét sửa đổi Bộ luật Lao động và các luật liên quan về vấn đề nghỉ hưu của cán bộ nữ.

Thứ sáu, rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chính sách thúc đẩy bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý ở nước ta.

Rà soát lại những chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý để bổ sung những chỉ tiêu cụ thể, định lượng về tỷ lệ nữ trong lãnh đạo, quản lý phù hợp; rà soát lại hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến sự tham gia lãnh đạo, quản lý của nữ giới, xóa bỏ những quy định đang bị hạn chế sự tham gia, tiếp cận cơ hội và thụ hưởng các cơ hội làm lãnh đạo, quản lý của nữ giới trong hệ thống chính trị; rà soát các quy định của Đảng và Nhà nước về độ tuổi, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, nghỉ hưu, xác định những bất cập, bất lợi đối với phụ nữ khi thực hiện những qquy định này để sửa đổi, bổ sung phù hợp với Luật Bình đẳng giới; rà soát các quy định của Đảng và Nhà nước về tiêu chuẩn quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, biệt phái và bổ nhiệm cán bộ tính đến vai trò giới trong gia đình của phụ nữ để đưa ra nhũng quy định phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nam giới và nữ giới; bổ sung hình thức hướng dẫn các phương pháp đạt tỷ lệ chỉ tiêu cán bộ lãnh đạo nữ trong các văn bản liên quan đến công tác cán bộ; bổ sung và tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát cụ thể, các hình thức khen thưởng và kỷ luật vào các văn bản bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách và dịch vụ xã hội nhằm chia sẻ trách nhiệm chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người bệnh, góp phần tạo điều kiện tốt hơn cho nữ giới tham gia có hiệu quả vào công tác lãnh đạo, quản lý.

Vấn đề bình đẳng giới không chỉ có ý nghĩa đối với phụ nữ mà còn đem lại ý nghĩa lớn lao đối với phát triển của xã hội. Đối với phụ nữ, bình đẳng giới làm thay đổi vị thế của họ, tạo ra cơ hội để họ thoát khỏi những cản trở, đem hết khả năng của mình cống hiến cho sự phát triển của gia đình và xã hội. Đối với xã hội, bình đẳng giới góp phần thực hiện sự phát triển tiến bộ của xã hội, bởi con người (cả nam và nữ) thực sự được xem là mục tiêu và động lực của sự phát triển. Để tạo những điều kiện và cơ hội bình đẳng thực sự cho phụ nữ, đặc biệt trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý, Đảng và Nhà nước đã và đang thực thi đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến việc ban hành nghị quyết, pháp luật và đẩy mạnh việc thực thi về bình đẳng giới trong đời sống xã hội, qua đó từng bước nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ Việt Nam trên tất cả các mặt đời sống xã hội nói chung và trong lãnh đạo, quản lý nói riêng, góp phần quan trọng vào việc phát huy nhân tố con người trong quá trình phát triển đất nước, hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Các tin mới hơn
Các tin cũ hơn
QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG TA VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ NỮ(22/11/2023)
Chủ động nhận diện những luận điệu xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh(15/11/2023)
Vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong giảng dạy môn học Quản lý hành chính nhà nước tại trường Chính trị tỉnh Hải Dương(15/11/2023)
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, TỔNG KẾT THỰC TIỄN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHUẨN(13/11/2023)
Một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã của tỉnh Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại(11/11/2023)
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
Bộ CHQS tỉnh Hải Dương Bảo Tàng tỉnh Hải Dương
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín