Từ ngày thành lập (10.6.1940) đến nay, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã trải
qua nhiều gian nan thử thách. Nhưng thành tựu nhiệm kỳ sau luôn cao hơn
nhiệm kỳ trước.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ I
Tổ chức tại ấp Vĩnh Long (nay thuộc thôn Bình Long, xã Lương Điền, Cẩm
Giàng) vào giữa tháng 6.1946, đề ra phương hướng, nhiệm vụ: tăng cường
xây dựng lực lượng về mọi mặt, đấu tranh với quân đội Pháp trên địa bàn
Hải Dương; nghiêm trị các đảng phái phản động để ổn định đời sống nhân
dân. Dự Đại hội có 80 đại biểu đại diện cho 250 đảng viên trong toàn
tỉnh. Đại hội bầu Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh gồm 7 đồng chí (5
chính thức, 2 dự khuyết). Đồng chí Nguyễn Văn Kha giữ chức Bí thư Tỉnh
ủy.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ II
Tổ chức ở thôn Triều Dương, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) vào tháng
4.1947, đề ra 5 nhiệm vụ chính về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa -
xã hội và đường lối lãnh đạo của Đảng. Dự đại hội có 250 đại biểu đại
diện cho 1.300 đảng viên trong toàn tỉnh. Đại hội bầu 11 đồng chí vào
BCH Đảng bộ tỉnh. Đồng chí Vũ Duy Hiệu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội đánh giá tình hình địch, thảo luận “Lời kêu gọi toàn quốc kháng
chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chỉ thị “Toàn quốc kháng chiến” của
Trung ương Đảng; thảo luận những ưu điểm, khuyết điểm và bài học trong
thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bước đầu thực hiện
hai nhiệm vụ chiến lược là kháng chiến và kiến quốc. Từ đó, đại hội đề
ra phương hướng, nhiệm vụ kháng chiến trên các mặt quân sự, chính trị,
kinh tế, văn hóa. Về xây dựng Đảng, đại hội đã nêu nhiệm vụ tích cực
phát triển Đảng để tổ chức đảng có ở hầu khắp các cơ sở, đẩy mạnh giáo
dục đảng viên...
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ III
Tổ chức tại đình Xuyên Hử, xã Đông Xuyên (Ninh Giang) vào tháng 2.1948,
chủ trương tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ
II; tích cực phát triển đảng viên mới; đẩy mạnh chiến tranh du kích,
củng cố chính quyền các cấp; phát triển các đoàn thể quần chúng. Dự đại
hội có 150 đại biểu đại diện cho trên 3.500 đảng viên trong toàn tỉnh.
Đại hội bầu 11 đồng chí vào BCH Đảng bộ tỉnh. Đồng chí Vũ Duy Hiệu tiếp
tục giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ IV
Tổ chức tại thị xã Hải Dương, vòng 1 từ ngày 21.6 - 2.7.1960, có 250 đại
biểu dự; vòng 2 từ ngày 23.2 - 3.3.1961, có 242 đại biểu đại diện cho
gần 2 vạn đảng viên trong toàn tỉnh dự. Đại hội bầu 35 đồng chí (27
chính thức, 8 dự khuyết) vào BCH Đảng bộ tỉnh. Đồng chí Nguyễn Chương
được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội thông qua phương hướng và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965
với mục tiêu xây dựng bước đầu cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa
xã hội và hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đưa
miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.
Đại hội xác định: “Hải Dương là một tỉnh nông nghiệp, chúng ta phải lấy
phát triển nông nghiệp làm trọng tâm”, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ phải
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong mọi mặt, củng cố tổ chức, nâng
cao nhiệt tình cách mạng…"
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ V
Tổ chức tại thị xã Hải Dương từ ngày 24 - 28.4.1963. Dự Đại hội có 320
đại biểu đại diện cho 22.047 đảng viên trong toàn tỉnh. Đại hội bầu 31
đồng chí vào BCH Đảng bộ tỉnh (27 chính thức, 4 dự khuyết). Đồng chí
Nguyễn Chương tiếp tục giữ chức Bí thư Tỉnh ủy khóa V.
Đại hội rút ra một số bài học kinh nghiệm trong hai năm đầu thực hiện kế
hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965, xác định đường lối xây dựng chủ
nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà do Đại hội Đảng toàn quốc
lần thứ III đề ra.
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ I
Tổ chức tại đền Xá, xã Cẩm Ninh (Ân Thi, Hưng Yên) từ ngày 9 -
10.2.1968, thống nhất cử đồng chí Lê Quý Quỳnh, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên
làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng; đồng chí Nguyễn Hoài Bắc, Phó Bí thư Tỉnh
ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hải Dương làm Phó Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hải Hưng. Các đồng chí Mai Văn Hách,
Trần Quang Tạo, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy
Hải Hưng. Hội nghị cử ra 13 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải
Hưng.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ I
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ nhất từ ngày 24.3 đến 1.4.1975
Tổ chức tại thị xã Hải Dương từ ngày
24.3 - 1.4.1975. Dự đại hội có 450 đại biểu đại diện cho hơn 7 vạn đảng
viên trong toàn tỉnh. Đại hội bầu 39 đồng chí vào BCH Đảng bộ tỉnh (33
chính thức, 6 dự khuyết). Đồng chí Ngô Duy Đông được bầu giữ chức Bí thư
Tỉnh ủy.
Đại hội đánh giá những thành tựu, thuận lợi, khó khăn của tỉnh, đề ra
phương hướng, nhiệm vụ phát triển nền kinh tế địa phương vững mạnh, toàn
diện nhằm mục tiêu công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, đồng thời làm tròn
nghĩa vụ đối với cách mạng miền Nam, tạo tiền đề cần thiết cho việc
thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai 1976-1980.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ II
Tổ chức tại thị xã Hải Dương, vòng 1 từ ngày 11 - 20.11.1976, có 502 đại
biểu dự; vòng 2 từ ngày 3 - 14.4.1977, có 487 đại biểu đại diện cho hơn
8 vạn đảng viên trong toàn tỉnh dự. Đại hội bầu BCH Đảng bộ tỉnh gồm 39
đồng chí (34 chính thức, 5 dự khuyết). Đồng chí Ngô Duy Đông tiếp tục
giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội đề ra phương hướng và nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ hai
1976-1980: phát triển kinh tế và cải tạo kinh tế, nhận thức việc xây
dựng quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa là một vấn đề lớn, có tính
quy luật.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ III
Tổ chức tại thị xã Hải Dương từ ngày 30.10 - 3.11.1979. Trên 500 đại
biểu, đại diện cho hơn 8 vạn đảng viên trong toàn tỉnh về dự. Đại hội
bầu BCH Đảng bộ tỉnh gồm 43 đồng chí (38 chính thức, 5 dự khuyết). Đồng
chí Ngô Duy Đông tiếp tục giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội đề ra mục tiêu xây dựng Hải Hưng thành tỉnh giàu đẹp về kinh tế,
văn hóa, vững mạnh về chính trị, mạnh mẽ về quốc phòng, góp phần xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đại hội thông qua phương
hướng, nhiệm vụ của tỉnh trong hai năm 1979-1980: chú trọng phát triển
kinh tế nông nghiệp, khai thác triệt để tiềm năng của địa phương là đất
đai và lao động...
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ IV
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ IV đã bầu 45 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
Tổ chức tại thị xã Hải Dương, vòng 1 từ
ngày 6 - 15.1.1982, có 522 đại biểu dự; vòng 2 từ ngày 25 - 29.1.1983,
có 506 đại biểu đại diện cho gần 9 vạn đảng viên trong toàn tỉnh. Đại
hội bầu 45 đồng chí vào BCH Đảng bộ tỉnh (41 chính thức, 4 dự khuyết).
Đồng chí Ngô Duy Đông tiếp tục giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ đến năm 1985: tập trung cao độ
để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là sản xuất lương thực, thực
phẩm. Đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, từng bước ổn định đời sống nhân
dân; đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu...
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ V
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ V từ ngày 20-25.10.1986
Tổ chức tại thị xã Hải Dương từ ngày 20 -
25.10.1986. Dự đại hội có trên 500 đại biểu đại diện cho trên 10 vạn
đảng viên trong toàn tỉnh. Đại hội bầu BCH Đảng bộ tỉnh gồm 56 đồng chí
(43 chính thức, 13 dự khuyết). Đồng chí Lê Đức Bình được bầu giữ chức Bí
thư Tỉnh ủy.
Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự
thật”, đại hội đã chỉ rõ những nguyên nhân yếu kém do khách quan và do
sự lãnh đạo của BCH, từ đó đề ra phương hướng nhiệm vụ 5 năm 1986-1990
với mục tiêu hình thành cơ cấu kinh tế mới, xây dựng và hoàn thiện từng
bước cơ chế quản lý mới, thúc đẩy sản xuất phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Muốn vậy, phải đổi mới tư duy, nhất là đổi mới tư duy kinh tế, phong
cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ. Phải thực sự đổi mới cách quản
lý kinh tế, chuyển mạnh từ hành chính bao cấp sang hạch toán kinh doanh
xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện 3
chương trình quan trọng đó là lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng
thiết yếu; hàng xuất khẩu.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ VI
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ VI đã bầu 47 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
Tổ chức tại thị xã Hải Dương, vòng 1 từ
ngày 28 - 30.3.1991, có 405 đại biểu dự; vòng 2 từ ngày 15 - 17.8.1991,
có 403 đại biểu đại diện cho trên 12 vạn đảng viên trong toàn tỉnh. Đại
hội bầu 47 đồng chí vào BCH Đảng bộ tỉnh. Đồng chí Phạm Văn Thọ được bầu
giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội đánh giá trong 5 năm thực hiện đổi mới theo tinh thần Nghị quyết
Trung ương VI, thực hiện cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, đổi mới cơ
chế quản lý đã phát huy tốt hơn năng lực sản xuất, khai thác tốt các
tiềm năng của địa phương. Đại hội xác định mục tiêu cụ thể: tập trung
thực hiện bốn chương trình kinh tế - xã hội: lương thực, thực phẩm; chế
biến sản phẩm nông nghiệp và sản xuất hàng xuất khẩu; xây dựng kết cấu
hạ tầng; dân số và việc làm.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ VII
Tổ chức tại thị xã Hải Dương từ ngày 6 - 9.5.1996. Về dự đại hội có 350
đại biểu, đại diện cho trên 12 vạn đảng viên trong toàn tỉnh. Đại hội
bầu 49 đồng chí vào BCH Đảng bộ tỉnh. Đồng chí Phạm Văn Thọ tiếp tục giữ
chức Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội xác định phương hướng, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn tới -
giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa có ý nghĩa to lớn đối
với sự phát triển của tỉnh, trong quá trình đổi mới phải biết kết hợp
đúng đắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đổi mới hệ
thống chính trị với phương châm “phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung
tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”.
Đảng bộ tỉnh Hải Dương được tái lập
Ngày 6.11.1996, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX đã phê chuẩn việc tái lập
hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Tháng 1.1997, Đảng bộ tỉnh Hải Hưng
chia tách thành hai đảng bộ, Đảng bộ tỉnh Hải Dương được tái lập.
Sau khi tái lập, BCH lâm thời Đảng bộ tỉnh Hải Dương được chỉ định gồm
30 đồng chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 9 đồng chí. Đồng chí Phạm Văn Thọ
tiếp tục giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XII
Tổ chức tại TP Hải Dương từ ngày 16 - 18.11.1997. Dự đại hội có 249 đại
biểu đại diện cho 74.082 đảng viên trong toàn tỉnh. Đại hội bầu 47 đồng
chí vào BCH Đảng bộ tỉnh. Đồng chí Nguyễn Đức Kiên được bầu giữ chức Bí
thư Tỉnh ủy.
Đại hội nêu phương hướng tổng quát: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, bảo đảm tính vững chắc và hiệu quả, đưa Hải Dương hội nhập với vùng
kinh tế trọng điểm phía Bắc. Xóa bỏ triệt để cơ chế quản lý tập trung,
quan liêu bao cấp. Hiệu quả kinh tế - xã hội là căn cứ, cũng là mục tiêu
quyết định các phương án đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh...
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XIII
Tổ chức tại TP Hải Dương từ ngày 15 - 17.12.2000. 350 đại biểu đại diện
cho gần 8 vạn đảng viên trong toàn tỉnh về dự đại hội và bầu 47 đồng chí
vào BCH Đảng bộ tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Chiền được bầu giữ chức Bí
thư Tỉnh ủy.
Đại hội đề ra phương hướng tổng quát: phát huy mọi nguồn lực, đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao
hơn thời kỳ 1997-2000 và mức bình quân cả nước. Diễn văn bế mạc do đồng
chí Nguyễn Văn Chiền, Bí thư Tỉnh ủy trình bày đã nhấn mạnh: “Quyết tâm
làm cho Hải Dương ổn định, phát triển đi lên bền vững hơn, không cam
chịu tụt hậu, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa,
xây dựng Hải Dương xứng đáng với vị trí là một trong những tỉnh giữ vai
trò động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc”.
Đại hội đại biểu Đảng bộtỉnh Hải Dương lần thứ XIV
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XIV từ ngày 16-18.12.2005Tổ chức tại TP Hải Dương từ ngày 16 -
18.12.2005.
Dự đại hội có 299 đại biểu đại diện cho 83.000 đảng viên
trong toàn tỉnh. Đại hội bầu 49 đồng chí vào BCH Đảng bộ tỉnh. Đồng chí
Bùi Thanh Quyến được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội xác định giai đoạn 2006-2010 có ý nghĩa rất quan trọng trong
việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010)
và định hướng mục tiêu phát triển đến năm 2020 với nhiều cơ hội, thách
thức mới trong quá trình phát triển và hội nhập. Do vậy, Hải Dương cần
huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền
vững, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quá
trình hội nhập; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo
hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đạt mức tăng trưởng kinh tế cao
hơn mức hình quân chung cả nước, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu cơ
bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XV
Tổ chức tại TP Hải Dương từ ngày 26 - 28.9.2010. Dự đại hội có 315 đại
biểu đại diện cho 90.652 đảng viên trong toàn tỉnh. Đại hội bầu 55 đồng
chí vào BCH Đảng bộ tỉnh. Đồng chí Bùi Thanh Quyến tiếp tục giữ chức Bí
thư Tỉnh ủy.
Đại hội xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh
tế, cơ cấu đầu tư và tăng trưởng kinh tế cao; phát triển nông nghiệp
theo hướng hiện đại, đẩy mạnh chăn nuôi gắn với công nghiệp chế biến và
xây dựng nông thôn mới để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa nông nghiệp,
nông thôn theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X); phát triển công nghiệp
theo hướng hiện đại, bền vững, tập trung đầu tư chiều sâu, ưu tiên phát
triển công nghiệp sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và có
lợi thế cạnh tranh; tạo nền tảng để đến năm 2020 Hải Dương cơ bản trở
thành tỉnh công nghiệp.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVI
Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chúc mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVI
Tổ chức tại TP Hải Dương từ ngày 26 -
28.10.2015. Dự đại hội có 349 đại biểu đại diện cho 99.000 đảng viên
trong toàn tỉnh. Đại hội bầu 55 đồng chí vào BCH Đảng bộ tỉnh. Đồng chí
Nguyễn Mạnh Hiển được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội đề ra phương hướng và mục tiêu tổng quát: nâng cao năng lực lãnh
đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong
sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân; chủ
động, sáng tạo đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng
cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập.
Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Phấn đấu xây dựng Hải
Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Nguồn: Báo Hải Dương