na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2025) VÀ 139 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886-01/5/2025)! 
Nghiên cứu trao đổi
TỪ QUAN ĐIỂM CÁCH MẠNG XÃ HỘI CỦA CHỦ NGHĨA MÁC NHÌN LẠI MỘT VÀI NÉT VỀ CHỦ NGHĨA DÂN TÚY
28/04/2025 02:11:58

Trong nội dung Triết học, các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác đã chỉ ra rằng Cách mạng là sự thay đổi có tính chất bước ngặt, căn bản về chất trong toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội; là phương thức chuyển từ hình thái kinh tế xã hội lỗi thời lên một hình thái kinh tế mới cao hơn và tiến bộ hơn….

Từ đó, Học thuyết Mác chỉ ra lực lượng chính của cách mạng là giai cấp công nhân, là nhân dân lao động và các lực lượng tiến bộ làm cách mạng.

Nội dung được thể hiện khoa học và rõ nét trên từng lĩnh vực; cụ thể về nguồn gốc của cách mạng.

Cách mạng xã hội là một hiện tượng lịch sử, nó có nguồn gốc sâu xa là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất tiến bộ đòi hỏi được giải phóng, phát triển với quan hệ sản xuất đã lỗi thời, lạc hậu đang là trở ngại cho sự phát triển của lực lượng sản xuất. C.Mác trong Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị – Lời tựa đã viết: “Từ chỗ là những hình thức phát triển của lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của các lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại một cuộc cách mạng xã hội . Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất biểu hiện dưới dạng xã hội là mâu thuẫn giữa giai cấp bị trị, đại diện cho lực lượng sản xuất mới, tiến bộ với giai cấp thống trị, đại diện cho quan hệ sản xuất đã lạc hậu so với sự phát triển của trình độ lực lượng sản xuất. Khi mâu thuẫn đó trở lên gay gắt, quyết liệt đòi hỏi được giải quyết, thì sẽ nổra cách mạng xã hội. Khi cách mạng xã hội nổ ra, xã hội cũ bị xóa bỏ.

Động lực cách mạng là những giai cấp có lợi ích gắn bỏ chặt chẽ và lâu dài đối với cách mạng, có tính tự giác, tích cực, chủ động, kiên quyết, triệt để cách mạng, có khả năng lôi cuốn, tập hợp các giai cấp, tầng lớp khác tham gia phong trào cách mạng. Mỗi cuộc cách mạng đều có mục đích là đánh đổ giai cấp phản động, lạc hậu để giành chính quyền. Để làm được điều đó cần xác định rõ đối tượng của cách mạng xã hội là giai cấp nào? Đối tượng của cách mạng xã hội là những giai cấp và những lực lượng đối lập cần phải đánh đổ của cách mạng.

Nội dung của cách mạngdo Mác và các nhà kinh điển nêu lên, đều nhằm tới mục tiêu là đưa quyền lợi và mọi thành quả về kinh kế,chính trị tiến bộ xã hội cho toàn thể nhân dân lao động, chống lại mọi áp bức bất công; nghèo nàn lạc hậu; tha hóa của người lao động trong xã hội

Để làm được những mục tiêu nêu trên, giai cấp công nhân và các lực lượng làm cách mạng phải thực hiện các cuộc đấu tranh không khoan nhượng trên tất cả các mặt trận, từ kinh tế, chính trị đến tư tưởng và cả bạo lực cách mạng.

Quan điểm này hoàn toàn xa lạ với những tư tưởng của chủ nghĩa dân túy; về Chủ nghĩa Dân túy phác họa một vài nét như sau:

Cho đến nay, Chủ nghĩa dân túy (populism) xuất hiện trong đời sống nhân loại đã hơn 100 năm. Dù đã xuất hiện với thời gian tương đối dài, nhưng chỉ những năm gần đây, nó mới ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, chính trị và kinh tế nhiều các quốc gia trên thế giới.

Về ngữ nghĩa, Chủ nghĩa dân túy (populism) theo nghĩa gốc của từ populus trong tiếng Latinh là dân, quần chúng nhân dân. Trong nghĩa Hán Việt, chữ “túy”, trong Chủ nghĩa dân túy là say sưa, say mê, là làm cho đám đông nghe và tin theo chủ đích chính trị của mình.

Nguồn gốc của Chủ nghĩa Dân túy:

Chủ nghĩa dân túy đã xuất hiện từ sớm trong đời sống chính trị thế giới, nhưng nổi lên từ khoảng thế kỷ thứ XIX trong các phong trào nông dân, trí thức ở nhiều nước tư bản. Tại Mỹ- nơi được coi là quê hương của Chủ nghĩa dân túy, trào lưu này xuất hiện từ đầu thế kỷ XIX trong phong trào nông dân đòi những cải cách về thuế, sở hữu đất đai, sự quản lý của chính phủ đối với nền kinh tế. Đến những năm 90 của thế kỷXX thì nổi lên một cách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy người nông dân ở nông thôn và Đảng Dân chủ chống lại những người Đảng Cộng hòa sống chủ yếu ở các đô thị. Thời gian này phong trào của trí thức, nhà tư sản ở Nga quay lưng lại với giai cấp, tầng lớp của mình, ấp ủ xây dựng những “công xã nông thôn” cho giai cấp nông dân dựa trên nền tảng của chủ nghĩa xã hội không tưởng. Ban đầu phái dân túy có nhiều tư tưởng tiến bộ, đóng vai trò quan trọng chống lại chế độ chuyên chế Nga hoàng, bảo vệ lợi ích của quần chúng. Tuy nhiên, phong trào này đã nhanh chóng bộc lộ bản chất phản động, cải lương, gây trở ngại cho việc truyền bá Chủ nghĩa Mác vào Nga. Vì phong trào chủ yếu đáu tranh trên nghị trường, bất bạo động rồi từng bước thỏa hiệp.

Đến năm 2004, Cas Mudde, nhà khoa học chính trị Trường Đại học Georgia (Mỹ), đã đưa ra định nghĩa được coi là phổ biến, khái quát nhất về Chủ nghĩa dân túy, coi đây là một “hệ tư tưởng mỏng”, hay một khuynh hướng tư tưởng chính trị với nội dung cơ bản là nhấn mạnh sự đối lập giữa “quần chúng nhân dân” với “tầng lớp tinh hoa” mà họ cho là suy thoái về tư tưởng, chính trị và sự thỏa hiệp về quyền lợi, từ đó tranh giành, lợi dụng lòng tin của quần chúng cho mục đích riêng bằng lời hứa, phát ngôn mềm dẻo. “Hệ tư tưởng mỏng” được pha trộn với các lý thuyết, phong trào khác, như chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa dân tộc, tư tưởng chống đế quốc hoặc chống phân biệt chủng tộc, nhằm giải thích và biện minh cho những mục tiêu cụ thể. Điều này tạo nên những cách tiếp cận, xu hướng và hình thức riêng của chủ nghĩa dân túy trong từng hoàn cảnh khác nhau ở mỗi quốc gia, khu vực.

Về bản chất của chủ nghĩa dân túy:

Chủ nghĩa dân túy là một phong trào chính trị nhấn mạnh lợi ích, đặc điểm văn hóa và tình cảm tự phát của những người dân bình thường, trái ngược với những người của một tầng lớp đặc quyền.

Để hợp pháp hóa chính nó, các phong trào dân túy thường nói chuyện trực tiếp về ý muốn của số đông thông qua các cuộc họp đại chúng, trưng cầu dân ý hoặc các hình thức dân chủ trực tiếp mà không cần quan tâm đến việc phân chia quyền hạn, quyền lợi của thiểu số. Nói như thế, có nghĩa, chủ nghĩa dân túy chưa phải là một hệ lý thuyết mà chỉ là một phong trào chính trị. Một phong trào chính trị được núp dưới bóng ủng hộ quyền lực của những người dân thường trong cuộc đấu tranh với tầng lớp đặc quyền. Một thứ lý thuyết của giới chính trị mị dân, ủng hộ quyền và sức mạnh của người dân trong cuộc đấu tranh chống lại giới thượng lưu đặc quyền.

Vì núp bóng sự ủng hộ và đấu tranh cho những người dân thường với tầng lớp đặc quyền nên những vấn đề dân túy đưa ra đều thu hút, lôi kéo và làm cho người tiếp nhận nó mù mờ về một lý tưởng không tưởng trong đời sống xã hội loài người. Nhằm lợi dụng “số đông” trong xã hội, thực chất của cái gọi là chủ nghĩa dân túy không gì khác là những tư tưởng và hoạt động chính trị với mục đích kêu gọi sự thay đổi hệ thống chính trị và xã hội theo xu hướng của đám đông. Rõ ràng đây là thủ đoạn chính trị mang tính chất mị dân, đánh vào tâm lý của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ quần chúng thực hiện những ý tưởng và hoạt động chính trị chống lại hệ thống chính trị hiện hành.

Với những người theo lý thuyết dân túy thường tự cho bản thân là gần gũi, thông cảm, chia sẻ với dân chúng, một thứ dân chủ không tưởng cho tất cả các thành phần, đối tượng có mặt trong đời sống xã hội, không cần phân biệt phải trái, đúng sai, miễn là đáp ứng được yêu cầu của đám đông. Như vậy, có thể hiểu, Chủ nghĩa dân túy không có giá trị cụ thể, nó chủ yếu nhằm vào việc giành lòng tin của số đông quần chúng bằng cách lợi dụng những khiếm khuyết, tồn tại của hệ thống chính trị hiện hành để lôi kéo người dân vào mục đích riêng cùng những lời hứa suông, không có trách nhiệm.

Cũng xuất phát từ những tồn tại trong thực tiễn cuộc sống, lợi dụng vào niềm tin của quần chúng, lôi kéo được số đông vì lợi ích cá nhân, Chủ nghĩa dân túy trở thành thủ đoạn chính trị của những kẻ chống đối xã hội hiện tại, cơ hội nhằm nắm lấy thời cơ, lợi dụng tâm lý quần chúng để chia rẽ nội bộ hệ thống chính trị hiện hành, từng bước nắm lấy quyền lực bằng các phương pháp dân chủ. Như vậy, Chủ nghĩa dân túy không phải là một hệ thống tư tưởng như cái gọi là “đại diện cho nhân dân”.

Cốt lõi bản chất của cái gọi là chủ nghĩa dân túy là những thủ đoạn chính trị mang tính chất cơ hội, mị dân, đánh vào tâm lý, lợi ích cá nhân hay một đám đông để kêu gọi, lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và quần chúng. Chủ nghĩa dân túy không có sự nhất quán giữa nói và làm, giữa lý thuyết và hành động. Chủ nghĩa dân túy thường đi liền với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, tinh thần quốc gia vị kỷ, bành trướng, bá quyền và sự biệt lập văn hóa của mỗi dân tộc.

Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, không tồn tại cái gọi là “giới thượng lưu đặc quyền”, dân chủ được mở rộng và phát huy. Lợi dụng dân chủ được mở rộng, những khó khăn về kinh tế, phức tạp về an ninh, việc chậm chễ trong xử lý các vấn đề về đời sống, thị trường, nhất là những sai phạm của một số cán bộ trong bộ máy chính quyền các cấp, các đối tượng thù địch, chống đối đã thực hiện những thủ đoạn, cách thức, hình thức của cái gọi là chủ nghĩa dân túy nhằm lôi kéo, xúi giục, kích động vào đời sống xã hội.

Bản chất cái gọi là chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa nhân đạo, dân chủ mà các đối tượng thù địch, chống đối sử dụng lâu nay trong chiêu bài dân chủ, nhân đạo, nhân quyền vẫn là chủ nghĩa cơ hội, mị dân, lừa dối. Mục đích duy nhất của Chủ nghĩa dân túy là xóa bỏ chế độ, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của các Đảng cách mạng chân chính, phủ nhận những thành quả mà cả một dân tộc đã phải đổ xương máu với biết bao thế hệ mới giành được.

Đảng Cộng sản Việt Nam, người lãnh đạo và đại diện duy nhất lợi ích của giai cấp và nhân dân, xác định rất rõ hệ tư tưởng của mình. Chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động. Như vậy, với bất cứ thứ chủ nghĩa nào khác, với bất cứ thứ lý thuyết nào khác, mọi sự xa rời hệ tư tưởng nền tảng đều đi trái với bản chất của giai cấp, với lợi ích của dân tộc. Với cái gọi là Chủ nghĩa dân túy, dù có khoác lên mình bất cứ “chiếc áo” hào nhoáng đến đâu thì những quan điểm, tư tưởng của nó vẫn lộ rõ sự đối lập với hệ tư tưởng nền tảng mà Đảng, giai cấp và nhân dân đã xác định. Trong xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, mục tiêu mà Đảng, Nhà nước ta xây dựng, nhất định không có sự tồn tại cái gọi là chủ nghĩa dân túy với thứ lý thuyết mị dân, không tưởng và phản động.

Phan Huy Toán, Khoa Lý luận cơ sở