na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
CUỘC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI PHÍA BẮC, NGOẠI GIAO VIỆT NAM- TRUNG QUỐC HIỆN NAY
09/03/2023 07:11:17

Ths. THÂN THỊ CƯƠNG

GIẢNG VIÊN KHOA XÂY DỰNG ĐẢNG

            Ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc tấn công Việt Nam. Cuộc chiến được phía Việt Nam gọi là Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, 1979. Phía Trung Quốc gọi là Chiến tranh đánh trả tự vệ trước Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu coi cuộc chiến này là một phần của Chiến tranh Đông Dương lần 3.

Vì sao cuộc chiến diễn ra? Có nhiều lý do để giải thích, song những lý do chính là vì: sau khi chiến thắng Mỹ Tết Mậu Thân năm 1968, Việt Nam nhất định cùng lúc giữ mối quan hệ ngoại giao với Liên Xô và Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đang mâu thẫu rất gay gắt với Liên Xô (xung đột Xô – Trung 197). Quan điểm về cuộc chiến tranh chống Mỹ ở miền Nam giữa Việt Nam và Trung Quốc khác nhau: Việt Nam muốn tiến hành chiến tranh để giải phóng miền Nam còn Trung Quốc muốn chúng ta tiến hành cuộc chiến tranh du kích có giới hạn chống Mỹ. Năm 1972, chuyến thăm của tổng thống Mỹ Nixon tới Bắc Kinh và thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc được Việt Nam xem là một sự phản bội. Năm 1975, trong chuyến thăm Bắc Kinh, Lê Duẩn thẳng thừng từ chối đưa Việt Nam vào liên minh chống Liên Xô của Trung Quốc, phủ nhận quan niệm của Trung Quốc rằng chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô là mối đe dọa đối với các nước cộng sản châu Á. Cũng trong chuyến thăm này, Trung Quốc thông báo rằng sẽ không giữ mức viện trợ như đã hứa năm 1973. Viện trợ của Trung Quốc sau đó giảm mạnh và đến năm 1978 thì cắt toàn bộ. Điều kiện đầu tiên Trung Quốc đặt ra cho Việt Nam để nối lại viện trợ là phải từ chối tất cả các khoản viện trợ của Liên Xô.

Lý do thứ hai, Trung Quốc đem quân tấn công Việt Nam vì Trung quốc sợ một tiểu bá Việt Nam nổi lên sau khi chúng ta giành thắng lợi ở Đông Dương và việc bị Liên Xô bao vây từ phía Bắc. Một nước Campuchia chống Việt Nam đã trở thành một đồng minh quan trọng đối với Trung Quốc.

Lý do thứ ba, khiến căng thẳng Việt Nam - Trung Quốc đó là vấn đề Hoa kiều tại Việt Nam. Trước năm 1975, có khoảng 1,5 triệu người gốc Hoa sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ra chính sách buộc người Hoa phải nhập quốc tịch Việt Nam hoặc họ sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ, ngược lại. Năm 1976, Chính sách một quốc tịch bắt đầu, Hoa kiều nếu không nhập quốc tịch Việt Nam sẽ bị cho thôi việc, các báo và cơ sở giáo dục tiếng Hoa cũng bị đóng cửa. Với lý do cần kinh phí để hỗ trợ Hoa kiều hồi hương, tháng 5 năm 1978, lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố cắt một phần viện trợ không hoàn lại đã ký cho Việt Nam và rút bớt chuyên gia về nước. Tháng 7, Trung Quốc tuyên bố cắt hết viện trợ và rút hết chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam về nước. Tháng 11 năm 1978 Việt Nam ký "hiệp ước hữu nghị và hợp tác" với Liên Xô. Ngày 22 tháng 12 năm 1978, Trung Quốc ngừng tuyến xe lửa liên vận tới Việt Nam. Đầu tháng 1 năm 1979, đường bay Bắc Kinh - Hà Nội cũng bị cắt.

Tuyên bố chủ quyền của nước Việt Nam thống nhất năm 1975 đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; cách ứng xử của Việt Nam đối với người Việt gốc Hoa; và cố gắng của Việt Nam trong việc xây dựng quan hệ chặt chẽ giữa ba nước Đông Dương được Bắc Kinh xem là nỗ lực nhằm thống trị Đông Dương và là ví dụ về sự hỗn xược của Việt Nam.

Ngày 23 tháng 12 năm 1978, Quân đội Việt Nam tổng phản công trên biên giới Tây Nam, đánh sang Campuchia, giúp Đảng, Nhân dân cách mạng Cămpuchia lật đổ chính quyền Khmer Đỏ. Trung Quốc có được lý do để tuyên bố về cuộc chiến chống Việt Nam sắp tiến hành.

Cùng lúc căng thẳng Việt Nam-Trung Quốc lên cao thì ở biên giới phía Tây Nam của Việt Nam, chính quyền Khmer Đỏ, với sự bảo trợ của Trung Quốc, cũng bắt đầu leo thang hoạt động quân sự xâm lấn miền Nam Việt Nam. Các xung đột lẻ tẻ ở khu vực này đã nhanh chóng bùng nổ thành Chiến tranh biên giới Việt Nam - Campuchia với hệ quả là Việt Nam đưa quân vào Campuchia lật đổ chính quyền diệt chủng Khmer Đỏ. Đứng trước tình hình đó, ngày 17 tháng 02 năm 1979, Trung Quốc quyết định tấn công xâm lược Việt Nam với lý do "dạy cho Việt Nam một bài học" (lời Đặng Tiểu Bình) nhưng mục đích chính là phân chia lực lượng quân đội của Việt Nam để giúp chính quyền diệt chủng Khmer Đỏ.

Ngoài ra, theo một số nhà nghiên cứu quân sự Tây phương, về mặt chiến lược, Trung Quốc thử nghiệm một cuộc chiến tranh biên giới có giới hạn để thăm dò khả năng tương trợ của Liên Xô cho Việt Nam.

Về sau, một số nhà sử học suy đoán rằng cuộc chiến có vẻ là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Đặng Tiểu Bình khi nó thể hiện rõ các khiếm khuyết của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Những người khác cho rằng Đặng Tiểu Bình gây ra chiến tranh để giữ cho quân đội bận rộn trong khi ông củng cố quyền lực và loại bỏ các đối thủ cánh tả từ thời Mao Trạch Đông.

Đối với Việt Nam, cuộc chiến là một phần trong kế hoạch bành trướng về phía Nam của Trung Quốc. Theo phân tích của phía Việt Nam, mục tiêu chính của Trung Quốc trong hành động quân sự lần này gồm: Nhanh chóng chiếm đóng vùng biên giới Việt-Trung, đặc biệt là các thị xã trọng yếu gồm Lạng Sơn (chốt chặn nối Quốc lộ 1A của Việt Nam với Trung Quốc), Cao Bằng và Lào Cai. Vùng chiếm đóng dự kiến với bề sâu chừng vài chục km sẽ được Trung Quốc sử dụng làm bàn đạp cho các cuộc tấn công vào sâu nội địa Việt Nam; Tiêu hao lực lượng chủ lực và làm suy yếu khả năng phòng ngự phía Việt Nam bằng việc quét sạch các đồn biên phòng, tiêu diệt một phần lực lượng quân địa phương và các đơn vị quân độc lập khác của Việt Nam; Hủy diệt cơ sở hạ tầng và nền kinh tế ở các vùng chiếm đóng để đưa nền kinh tế Việt Nam tới chỗ sụp đổ.

Khi cuộc chiến Việt Nam – Trung Quốc xảy ra, nhiều nước đã lên tiếng về cộc chiến này. Đối với Mỹ, ngay khi cuộc chiến nổ ra, Hoa Kỳ tuyên bố giữ vị trí trung lập và kêu gọi "sự rút quân lập tức của Việt Nam khỏi Campuchia và Trung Quốc khỏi Việt Nam". Mỹ cho rằng: "việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam là sự tiếp nối của việc Việt Nam xâm lược Campuchia". Đối với Liên Xô, ngày 18 tháng 2, Liên Xô viện dẫn hiệp định ký với Việt Nam, thúc giục Trung Quốc "ngừng trước khi quá muộn" và đòi Trung Quốc rút quân lập tức và toàn bộ. Trong thời gian xảy ra cuộc chiến, Liên Xô đã lên án cuộc tấn công của Trung Quốc là "hành động man rợ bất chấp đạo lý của kẻ cướp", đòi Trung Quốc lập tức chấm dứt "cuộc chiến tranh xâm lược". Đêm hôm Trung Quốc tuyên bố rút quân, Cuba cảnh báo Trung Quốc là nước này sẽ hỗ trợ Việt Nam, kể cả việc đưa quân đến nếu cần.

Quân đội và nhân dân Việt Nam chiến đấu ngoan cường, quyết tâm giữ vững độc lập chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Trước tình hình đó, ngày 5 thnags 3 năm 1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân. Ngày 18 tháng 3 năm 1979, Trung Quốc rút hết quân về nước. Tuy nhiên, Việt Nam đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ cuộc chiến ngoài các thương vong về con người, tổn thất cụ thể về cơ sở vật chất hạ tầng ở 6 tỉnh biên giới bị phá hủy do trận chiến, Việt Nam còn phải gánh chịu nhiều khó khăn, thiệt hại do thái độ và chính sách thù địch, vây hãm mà Trung Quốc và đồng minh của Trung Quốc gây ra trên các mặt trận quân sự, kinh tế, ngoại giao...

Sau khi bình thường hóa quan hệ, hai nước đã nỗ lực đẩy mạnh quan hệ chính trị. Hai bên tránh nhắc lại những bất đồng, xung đột trong quá khứ để hướng đến tương lai. Về mặt ngoại giao chính thức, Việt Nam luôn cam kết tuân theo "Phương châm 16 chữ vàng", là láng giềng tốt của Trung Quốc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng họp báo (10/4/2007 tại Bắc Kinh) và tuyên bố: "Quan hệ Trung-Việt chưa lúc nào tốt đẹp như lúc này".

Hiện nay, Việt Nam tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc trong các hoạt động điều hành kinh tế - xã hội do Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, hơn nữa Trung Quốc cũng đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế như Việt Nam. Việt Nam cũng tuân thủ nghiêm chính sách "Một Trung Quốc" của Trung Quốc Đại lục nhưng vẫn có quan hệ hợp tác kinh tế và văn hoá tốt đẹp với Đài Loan. Người Hoa ở Việt Nam cũng được đối xử bình đẳng hơn với tư cách là một dân tộc của Việt Nam. Nhìn chung, Nhà nước Việt Nam chú trọng mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc tôn trọng lẫn nhau trên cơ sở duy trì hoàn toàn nền độc lập và tự do của đất nước.

Cuộc chiến Trung Quốc- Việt Nam, thể hiện truyền thống đoàn kết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Đảng, nhân dân Việt Nam, đồng thời với tinh thần ngoại giao tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các nước, không xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nước khác. Tinh thần đó, trở thành truyền thống ngoại giao của Việt Nam với thần hòa bình, hữu nghị, nhân văn, thân thiện với láng giềng, ngoại giao công tâm, lấy lẽ phải, công lý và chính nghĩa để thuyết phục lòng người, đó là bản sắc ngoại giao Việt Nam./.