Tác giả: Đỗ Thị Lan
Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là Đại hội đánh dấu một thời kỳ mới của sự phát triển đất nước, thời kỳ đất nước ổn định để cất cánh. Nhiệm kỳ Đại hội XIII là một dấu mốc, một bước chuyển hết sức quan trọng, làm tiền đề cho các nhiệm kỳ tiếp theo để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để đạt được mục tiêu Đại hội XIII đề ra, 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, trong đó có công tác cán bộ, Tổng Bí thư chỉ rõ: Đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ - nội dung then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.
Tích cực triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương quyết tâm tổ chức thắng lợi Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025), thể hiện rõ khát vọng và quyết tâm chính trị cao đó là: Phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, Tỉnh đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược là: Một là, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh, đồng thời chú trọng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp, sáng tạo. Hai là, huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng số, đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu. Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; nêu cao vai trò gương mẫu, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã xây dựng Đề án số 02-ĐA/TU ngày 15 tháng 8 năm 2021 của Tỉnh ủy Hải Dương, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển, giai đoạn 2021-2030. Đề án ghi rõ ở mục tiêu chung: Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh Hải Dương có phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; có đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý; có khát vọng phát triển mạnh mẽ, có tư duy đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, hơph tác, ý thức tổ chức kỷ luật cao, tận tụy, trách nhiệm cao với công việc được giao; phong cách và phương pháp làm việc chuyên nghiệp, khoa học, tôn trọng tập thể, gắn bó với nhân dân. Dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách; từng bước được trẻ hóa, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ; có kiến thức chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ và kỹ năng công tác đáp ứng đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu xây dựng tỉnh Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại năm 2025, là tỉnh công nghiệp hiện đại năm 2030. Xây dựng hình mẫu người cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu trong tình hình mới đáp ứng yêu cầu với phương châm: “3 không”, “4 có”, “6 dám”, trên nguyên tắc: “3 không”, “5 rõ”, “6 dám”. Cụ thể:
+ “3 không” (không nói không; không nói khó; không nói có nhưng không làm);
+ “4 có” (Có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức lối sống trong sáng, có khát vọng phát triển mạnh mẽ, có uy tín cao và thực sự gương mẫu, có năng lực nổi trội);
+ “5 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm
+ “6 dám” (dám nghĩ; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám nói; dám đột phá sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách).
Kết quả, sau năm 01 thực hiện 03 khâu đột phá, Hải Dương có bước bứt phá ngoạn mục. Cụ thể, năm 2021 Hải Dương đã vươn lên vị trí số 13 trên Bảng xếp hạng, tăng 34 bậc (năm 2020, Hải Dương đứng thứ 47 trong cả nước); đứng thứ 6 trong số 11 tỉnh, thành phố ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Đáng chú ý hơn, Hải Dương đã thăng hạng từ vị trí giữa của nhóm các địa phương có chất lượng điều hành trung bình, lên đứng đầu nhóm 20 địa phương có chất lượng điều hành khá; chỉ cách địa phương đứng thứ 10 (nhóm có chất lượng điều hành tốt) là 0,95 điểm. Hải Dương cũng là một trong 10 địa phương được đánh giá có chất lượng kết cấu hạ tầng tốt trên cả nước. Kết quả trên đã phần nào khẳng định đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp của Hải Dương đã dám đột phá vì cái chung, từng bước đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo, bám sát thực tiễn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...
Tuy nhiên, sự phát triển của Hải Dương vẫn chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có của tỉnh, một trong những nguyên nhân gây cản trở sự phát triển đã được Tỉnh ủy Hải Dương thẳng thắn chỉ ra là: một bộ phận cán bộ lãnh đạo quản lý của Tỉnh chưa ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới; lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề khó, mới phát sinh chưa chủ động, tính quyết liệt chưa cao, chưa hiệu quả. Cán bộ lãnh đạo, quản lý có tinh thần đổi mới, sáng tạo, có tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm còn ít; khát vọng phát triển quê hương chưa mạnh mẽ. Một bộ phận có tư tưởng thỏa mãn, chưa tích cực tu dưỡng, rèn luyện nâng cao năng lực lãnh đạo trong tình hình mới; một số cán bộ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao...
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác, hội nhập và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống và biến đổi khí hậu, sự lan truyền dịch bệnh có nguy cơ ngày càng tăng. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng quốc tế hóa nguồn nhân lực vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng. Sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước nhanh và bền vững đang chuyển sang giai đoạn mới, cao hơn, ngày càng đi vào chiều sâu, khó khăn và phức tạp hơn. Tình hình đó đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, tích cực đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.
Hai là, Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.
Ba là, Đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện.
Bốn là, Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo. Chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm. Xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Năm là, Định kỳ sơ kết, tổng kết, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, giải pháp thí điểm, đổi mới, sáng tạo có hiệu quả; kịp thời xem xét, nghiên cứu để thể chế hoá thành quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp đó. Đồng thời biểu dương, khen thưởng xứng đáng; ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao.
Sáu là, Tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, phong cách, lối sống, đề cao trách nhiệm nêu gương cho đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu. Thực hiện chặt chẽ tiêu chuẩn chính trị của cán bộ đương chức và quy hoạch. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, nhà nước về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.
Bảy là, Nâng cao chất lượng công tác kiểm soát quyền lực trong cán bộ; ngăn chặn, đẩy lùi chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm, theo đúng Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền... đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1) Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
(2) Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 15/8/2021 của Tỉnh ủy Hải Dương về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển, giai đoạn 2021 - 2030.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021