Ths: Nguyễn Thanh Nguyên
Giảng
viên khoa: Xây dựng Đảng
Tham mưu là nhiệm vụ thường trực của cá nhân, một đơn vị,
một cơ quan, tổ chức đối với cấp trên và cấp có thẩm quyền. Công tác tham mưu
luôn được coi là mảng hoạt động quan trọng của người lãnh đạo, quản lý cấp
phòng. Một đơn vị, tổ chức hoạt động thông suốt, hiệu quả một phần nhờ vào công
tác tham mưu của người lãnh đạo cấp phòng. Bài viết chỉ ra một số khó khăn,
thách thức và có những đề xuất đối với công tác tham mưu của lãnh đạo cấp phòng
trong bối cảnh hiện nay.
Công tác tham mưu được coi là mảng hoạt động quan trọng của
người lãnh đạo, quản lý cấp phòng. Tham mưu không nên hiểu đơn thuần là giúp việc,
là “bảo sao làm vậy” mà tham mưu cần được hiểu là tham dự, can dự, đề xuất chủ
trương chon lãnh đạo quản lý cấp trên. Đồng thời, tham mưu còn là hướng dẫn và
chỉ đạo thực hiện về lĩnh vực mình đảm trách cho cấp dưới.
Do đó, tham mưu chính là sự tham gia vào quá trình lãnh đạo
quản lý theo thẩm quyền. Tham mưu có trách nhiệm và đồng thời tham mưu cũng có
quyền hạn trong đó. Một cá nhân, một đơn vị, một cơ quan, tổ chức khi được cấp
trên giao nhiệm vụ thực thi công việc thì cũng phải xác định nhiệm vụ tham mưu
cho cấp trên và cấp có thẩm quyền những gì liên quan đến công việc. Vì vậy,
tham mưu luôn là nhiệm vụ thường trực của cá nhân, một đơn vị, một cơ quan, tổ
chức đối với cấp trên và cấp có thẩm quyền.
Đối với các địa phương, cơ cấu tổ chức của sở thuộc Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh, ngoài bộ phận văn phòng, thanh tra,… thì có các phòng
chuyên môn, nghiệp vụ (khoản 3 Điều 5 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014
của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương). Quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn
thuộc ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện) hiện
có các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện gồm có phòng và cơ
quan tương đương phòng (khoản 2 Điều 1 Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày
04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban
nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh).
Như vậy, phòng (tương đương phòng) được hiểu là một tổ chức
gắn với chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ của một cơ quan, đơn vị. Trong bộ máy
quản lý nhà nước, phòng là một cấp. Cấp trên trực tiếp của phòng ở trung ương
là các ban, văn phòng, cục, viện và các đơn vị khác tại các bộ, cơ quan ngang bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ. Cấp trên trực tiếp của phòng ở địa phương là sở, ban,
UBND cấp huyện của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Chức năng chung của cấp phòng là chuyển tải và tổ chức thực
hiện các quyết định của cấp trên trực tiếp và phản ánh những yêu cầu, nguyện vọng,
đề xuất của công chức đơn vị với lãnh đạo cấp trên. Đặc biệt, phòng có chức
năng tham mưu, giúp thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý các lĩnh vực công tác
chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ mà phòng được phân công. Theo đó, trong các quyết
định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan
đơn vị ở trung ương và địa phương sẽ quy định cụ thể về chức danh lãnh đạo, quản
lý cấp phòng và tương đương. Số lượng, chức năng, nhiệm vụ của lãnh đạo cấp
phòng và tương đương có thể là khác nhau ở các đơn vị, bộ ngành, địa phương.
Tuy nhiên, có thể khái quát thành những điểm chung như sau:
Lãnh đạo quản lý cấp phòng bao gồm: trưởng phòng và các
phó trưởng phòng. Lãnh đạo cấp phòng có các nhiệm vụ chủ yếu là: Xây dựng,
trình thủ trưởng cơ quan để thủ trưởng cơ quan trình cấp có thẩm quyền các đề
án, dự án; Xây dựng, trình thủ trưởng cơ quan, đơn vị ban hành văn bản hướng dẫn
thực hiện công tác chuyên môn theo quy định của pháp luật; Xây dựng, trình thủ
trưởng cơ quan, đơn vị ban hành các quyết định, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, hằng
năm thuộc lĩnh vực quản lý của phòng; Tổ chức thực hiện công tác chuyên môn của
phòng; đôn đốc hướng dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện lĩnh vực công tác do
phòng quản lý; Trực tiếp quản lý con người, cơ sở vật chất, tài chính (nếu có)
của phòng; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của thủ trưởng cơ
quan.
Từ các nhiệm vụ được giao nêu trên, sẽ có nhiều hình thức
tham mưu xuất phát từ những góc độ khác nhau. Cụ thể:
- Nhìn nhận từ cách thức tham gia của người tham mưu đối
với sự việc, hiện tượng (tham mưu bằng hình thức tư vấn; tham mưu bằng việc
tham gia vào các hội đồng chuyên môn; tham mưu bằng việc thẩm định).
- Nhìn nhận từ việc tham gia, can dự vào các giai đoạn cụ
thể của chu trình hoạch định chính sách, chu trình quản lý (tham mưu cho sự hoạch
định; tham mưu cho sự tổ chức thực hiện; tham mưu cho sự chỉ đạo, hướng dẫn;
tham mưu cho sự kiểm tra, đánh giá).
- Nhìn nhận từ việc tham gia, can dự vào các yếu tố cấu
thành nội dung quản lý (tham mưu về mặt thẩm quyền; tham mưu về tiêu chuẩn, quy
chuẩn; tham mưu về quy trình, thủ tục).
- Nhìn nhận từ yếu tố phương tiện thực hiện tham mưu
(tham mưu bằng lời; tham mưu bằng văn bản).
- Nhìn nhận từ yếu tố người tham mưu để tham mưu cho người
được tham mưu (tham mưu của cơ quan, tập thể, đơn vị; tham mưu của cá nhân).
Ngày nay, khi mà đất nước đang phát triển mạnh trong sự hội
nhập quốc tế sâu, rộng; ứng dụng các thành tựu khoa học- kỹ thuật và công nghệ
có tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội thì đội ngũ lãnh đạo quản
lý các cấp cần ý thức sâu sắc về hiệu quả công việc của từng mặt công tác. Đối
với lãnh đạo cấp phòng, công tác tham mưu là rất quan trọng. Vì vậy, lãnh đạo
quản lý cấp phòng cần chú ý đến chất lượng của hoạt động tham mưu như: tham mưu
những vấn đề đúng chức trách được giao; tuân thủ các quy định của pháp luật hiện
hành; các ý kiến tham mưu phải dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn; tham mưu
phải hướng tới mục đích mang lại lợi ích cho cơ quan, tổ chức; tham mưu phải
khách quan và trung thực, kịp thời./.