ThS Phạm Thị Quyên – khoa NN&PL
Trong từng nhà nước pháp quyền đều có các yếu tố cơ bản của chế độ Nhà nước pháp quyền và những yếu tố đặc thù. Tính đặc thù của Nhà nước pháp quyền ở mỗi quốc gia được quyết định bởi sự khác biệt và sự độc đáo của văn hóa và đạo đức truyền thống của mỗi dân tộc. Sau đây là một số mô hình nhà nước pháp quyền điển hình trên thế giới:
1. Nội dung “chủ nghĩa lập hiến” và “thượng tôn pháp luật” ở Anh
Về mặt hình thức Hiến pháp ở Anh tồn tại dưới dạng phi hệ thống hóa, là một tổ hợp gồm 2 bộ phận: bộ phận thành văn và bộ phận không thành văn. Tên gọi “Hiến pháp không thành văn” là bởi nó không được viết vào thành một văn bản rõ ràng. Cả phần thành văn và phần không thành văn đều có những nguồn rất khác nhau.
Phần thành văn là do Nghị viện ban hành, kể cả các bản án của toà án có chứa các án lệ, mặc dù chúng cũng được viết bằng chữ. Các án lệ của tòa án làm nên hệ thống Thông luật, liên quan chủ yếu đến các vấn đề quyền con người, các vấn đề quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau.
Phần “không thành văn” là những thỏa thuận (thông lệ). Nó là phần quan trọng của luật tập quán, được coi là phần chủ yếu của Luật Hiến pháp nước Anh.
Nguyên tắc thượng tôn pháp luật, thành tố quan trọng của chế độ pháp quyền của nước Anh có ý nghĩa cốt lõi cho cả hệ thống tư pháp của nước này, mặc dù nguyên tắc đó không được quy định ở bất kỳ văn bản nào. Ở Anh, pháp quyền “Rule of Law” được h iểu ở những phạm vi khác nhau. Ở nghĩa rộng, pháp quyền được hiểu như là sự bảo đảm một trật tự pháp luật tốt. Ở nghĩa hẹp, pháp quyền được hiểu như là chất lượng của nền tư pháp, là quy chuẩn tối thiểu mà nền công lý cần đạt được. Pháp quyền “Rule of Law” trong lý thuyết pháp lý của người Anh có 3 nghĩa:
Thứ nhất, pháp quyền đòi hỏi loại trừ sự tùy tiện của bộ máy nhà nước, bởi bộ máy này phải chịu sự ràng buộc của pháp luật
Thứ hai, không ai được đứng trên pháp luật, cho dù kiến thức hay địa vị của người đó như thế nào và đều phải tuân theo pháp luật thông thường, trước Tòa án thông thường.
Thứ ba, các quy phạm hiến định nằm trong tất cả các yếu tố của Thông luật, trong các án lệ của Tòa án.
2. Phân quyền ở Anh
Nét đặc sắc nhất trong cơ chế phân quyền theo mô hình của Anh thể hiện chủ quyền thuộc về Nghị viện. Chủ quyền của Nghị viện thông qua việc làm luật ở hai Viện cùng với Nhà vua và Chính phủ. Những chủ trường quan trọng của Nhà vua sẽ không thực hiện được nếu thiếu sự đồng ý của hai Viện của Nghị viện và ngược lại, Nhà vua không có quyền không phê chuẩn dự luật do Nghị viện trình mà không cần có điều kiện nào khác. Chính phủ Anh về hình thức là thuộc về Nhà vua, hành xử theo ý chỉ của Nhà vua và nhân danh Nhà vua, nhưng Nghị viện lại kiểm soát quan trọng Chính phủ như đối với vấn đề gọi nhập ngũ, thực hiện chính sách tài chính, bổ nhiệm và miễn nhiệm các thẩm phán, quyền đặc xá.
Cơ chế giám sát phổ biến nhất của Nghị viện Anh đối với Chính phủ là chất vấn dưới cả hai hình thức: bằng miện và bằng văn bản. Đối với các câu hỏi chất vấn miệng, thủ tục hỏi và đáp chỉ diễn ra trong phạm vi một giờ đồng hồ. Chất vấn bằng văn bản diễn ra tại cả Hạ viện và Thượng viện. Các Bộ trưởng nhận được các câu hỏi chất vấn và trả lời bằng văn bản thông qua các công văn chính thức trong thời gian 7 ngày (đối với Hạ viện) kể từ khi nhận được câu hỏi chất vấn và 2 tuần (đối với chất vấn tại Thượng viện).
Thẩm quyền của thủ tưởng Anh rất lớn, xuất phát từ truyền thống và tập quán văn hóa chính trị của quốc gia này. Có hai hình thức trách nhiệm của Chính phủ trước Hạ viện: hình thức “bất tín nhiệm Chính phủ” và hình thức “ra nghị quyết phê bình Chính phủ”. Trong trường hợp Hạ viện áp dụng hình thức bất tìn nhiệm thì Chính phủ có hai cách lựa chọn: hoặc tự giải thể, hoặc đề nghị Nhà vua giải tán Hạ viện để tổ chức bầu cử lại Nghị viện.
Đối với quyền tư pháp ở Anh là hoàn toàn bình đẳng với quyền lập pháp và quyền hành pháp. Các cơ quan hành pháp tuyệt đối không can dự vào hoạt động của các Tòa án; kể cả việc đào tạo, tuyển chọn và bổ nhiệm các thẩm phán đều nằm hoàn toàn trong khuân khổ hệ thống tổ chức và hoạt động của Tòa án, do các Tòa án quản lý. Các thẩm phán bổ nhiệm suốt đời và chỉ có thể bị Nhà vua miễn nhiệm khi có hành vi không xứng đáng.
Khác với tòa án ở Mỹ, các tòa án ở Anh không được quyền kiểm tra tính hợp pháp của các văn bản do Nghị viện han hành mà chỉ được quyền giải thích các văn bản đó khi vận dụng. Tuy nhiên, các toàn án ở Anh lại có quyền kiểm tra việc áp dụng pháp luật của các cơ quan hành pháp. Trong quá trình xét xử các vụ án cụ thể, Tòa án có quyền phán quyết về sự phù hợp của các văn bản do các cơ quan hành pháp ban hành và của các hành vi của các quan chức hành pháp so với pháp luật. Tòa án có quyền tuyên một văn bản hay hành vi loại đó là vi phạm pháp luật, vượt thẩm quyền và tuyên bố vô hiệu hóa văn bản hay hành vi đó.
3. Chế độ bảo hiến ở Anh
Ở Anh, các quy phạm hiến định không nằm trong một văn bản mà tổng thể các quyền của cá nhân được Tòa án bảo vệ, là yếu tố quyết định vị trí pháp lý của bộ máy nhà nước. Đó cũng chính là trật tự Hiến định mà các Tòa án có trách nhiệm bảo đảm thông qua toàn bộ hệ thống án lệ của mình và được coi là một bộ phận của Hiến pháp không thành văn.
Xem xét vấn đề bảo hiến ở Anh cần được đặt trong nguyên lý về vị trí tối thượng của Nghị viện. Nghị viện có thẩm quyền rất lớn thể hiện ở 3 điều:
Thứ nhất, Nghị viện có quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ bất kỳ quy phạm pháp lý nào đang tồn tại.
Thứ hai, Tất cả các quy định pháp luật của Nghị viện đều có thể được coi là quy phạm cơ bản.Hoặc nói đúng hơn, ở Anh không có sự phân biệt Luật Hiến pháp hay án lệ hay luật thông thường.
Thứ ba, Tòa án không có quyền tuyên vô hiệu bởi lý do vi hiến đối với một văn bản hay quy định của Nghị viện. Ngược lại, Nghị viện thường ban hành các luật thực định nhằm sửa chữa sai lầm của Tòa án và bằng cách sử đổi án lệ của Tòa án, mặc dù Nghị viện không trực tiếp hủy án lệ đó.
Tuy nhiên, ở Anh, Tòa án vẫn có thể tuyên một văn bản của Nghị viện là vô hiệu nếu chứng minh được rằng luật của Nghị viện đã không vô tư, trái với thông luật.
Trên đây là một số đặc điểm trong mô hình pháp quyền của Anh. Những yếu tố đặc thù về lịch sử, pháp luật cũng như nền triết học và chính trị của nước này đã hình thành trong suốt nhiều thế kỷ. Những yếu tố đó đã tác động và ảnh hưởng quyết định đến tổ chức Nhà nước của nước Anh./.