Phạm Thị Phương Thanh
Khoa Lý luận cơ sở
Đại Việt dưới thời trị vì của vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) là thời kỳ hoàng kim của đất nước; dân trí được mở mang, dân khí chấn hưng, thuần phong mỹ tục nở rộ. Đặc biệt, Vua Lê Thánh Tông là một minh quân thể hiện qua việc xây dựng cho mình một lực lượng hiền thần để trợ giúp và phò tá. Nghiên cứu về sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông góp phần rút ra những bài học cho hậu thế nhất là về thái độ, cách ứng xử với hiền tài của quốc gia, hiện nay, đó chính là chính sách đào tạo, trọng dụng nhân tài.
Dựa trên các tư liệu lịch sử và kết quả nghiên cứu đã được công bố, có thể thấy, chính sách đào tạo, trọng dụng nhân tài của vua Lê Thánh Tông thể hiện ở những điểm cốt lõi sau đây:
Thứ nhất, bày tỏ cam kết trọng dụng nhân tài: Sử cũ chép rằng, vào năm Nhâm Ngọ (1462), khi mới lên ngôi được 2 năm, vua Lê Thánh Tông có sắc dụ rằng “Nghe Tư Mã Quang có nói rằng: Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc để đi đến họa loạn. Ta và các người thề với trời đất dùng người quân tử bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chắm nhớ lấy, các ngươi chớ lãng quên”[1] Sử cũ cũng chép những điều tâm niệm của vua Lê Thánh Tông mong muốn bề tôi của mình là bậc hiền tài. Có được những bậc hiền tài mới làm rạng danh đất nước, mang lại hạnh phúc cho muôn dân, vua mới xứng là vua.
Thứ hai, củng cố hệ thống giáo dục, khuyến khích việc học tập, bồi dưỡng tài năng: hiểu thấu lẽ nhân tài phải do rèn luyện, bồi dưỡng, đào tạo mới thành, vua Lê Thánh Tông rất chú ý tới việc tạo dựng môi trường ươm nhân tài thông qua việc thiết lập hệ thống giáo dục. Vua Lê Thánh Tông đã trực tiếp viết “Chiếu khuyến học”. Ông cho lập nhà Thái Học để tạo nơi ăn, chốn ở cho các sĩ tử về Thăng Long thi hội, cấp học bổng Quốc Tử Giám cho học trò nghèo học giỏi và siêng năng, đặt ra các quan coi việc học (giáo thụ) tại các châu, lộ, in và phát sách cho các địa phương. Trên thực tế, nhiều lần vua Lê Thánh Tông trực tiếp ra đề cho các thí sinh thi đình, hỏi về việc trị quốc để chọn người tài.
Thứ ba, tổ chức thi công bằng để tuyển chọn người tài làm nguồn bổ nhiệm quan lại: Khác với các đời trước, Lê Thánh Tông cho tổ chức kỳ thi tuyển chọn nhân tài cho quốc gia với tần suất nhiều hơn, nhằm để nhân tài có thêm cơ hội phát lộ. Vua chọn quan, lại chủ yếu qua thi cử chứ không tuyển chọn người theo dòng máu xuất thân. Người trong hoàng tộc mà không có thực tài thì có thể được phong quan, tước nhưng chỉ là các quan có hàm để được ăn lộc chứ không nắm thực quyền. Quan lại có trình độ học vấn cộng với thực tài thì mới được bổ nhiệm.
Thứ tư, thiết lập chế độ đãi ngộ quan lại công bằng, tùy theo tính chất công việc khó dễ mà định đoạt. Tùy từng vị trí quan lại, tùy theo tính chất công việc sẽ có những đại ngộ, lương bổng khác nhau đảm bảo được tính công bằng và người thực tài, làm được việc khó sẽ được trọng dụng hơn cả.
Thứ năm, đặt yêu cầu, tiêu chuẩn rất cao đối với hiền tài trong quá trình được trọng dụng:
Vua Lê Thánh Tông đặt ra lệ khảo thí và khảo khóa để buộc các quan đều phải thường xuyên lo trau dồi, rèn luyện đạo đức và năng lực. Vua Lê Thánh Tông chính là vị vua đầu tiên đưa ra một cách khá hệ thống luật hồi tỵ. Theo đó, vua cấm quan lại 5 điều thường rất dễ phạm như sau: (1) Cấm quan, lại lấy vợ người địa phương nơi mình trị nhậm; (2) Cấm quan, lại mua đất, mua vườn, mua ruộng, mua nhà tại địa phương nơi mình trị nhậm; (3) Cấm quan, lại lấy người địa phương nơi mình trị nhậm làm cấp phó giúp việc cho mình; (4) Cấm quan, lại kết làm thông gia với người địa phương nơi mình trị nhậm; (5) Cấm đưa quan, lại về trị nhậm tại quê hương bản quán[2] . Có thể nói, đây một trong những hình thức kiểm soát xung đột lợi ích của đội ngũ quan lại được hình thành rất sớm trong lịch sử nước ta và hiện nay vẫn còn nhiều nhân tố hợp lý rất đáng nghiên cứu, học tập để áp dụng.
Như vậy, những kinh nghiệm thời vua Lê Thánh Tông trong việc trọng dụng hiền tài cho đến nay vẫn gợi cho chúng ta rất nhiều điều đáng suy ngẫm để thực hiện tốt hơn nữa công tác cán bộ, nhất là việc lựa chọn, sử dụng và phát huy năng lực của những nhân tài trong lĩnh vực quản lý. Để làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, tạo môi trường “cạnh tranh” lành mạnh, công bằng thực sự trong tuyển dụng, bổ nhiệm, chọn lựa nhân sự vào các vị trí trong nền công chức, công vụ nước ta và cả trong hệ thống chính trị, cần quán triệt những nội dung sau:
Một là, Đổi mới nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong việc xây dựng và tổ chức thi hành chính sách, pháp luật thu hút, trọng dụng nhân tài. Người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức cần nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ nhất là việc thu hút, trọng dụng nhân tài. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; trong sinh hoạt đảng và công tác chuyên môn của các cơ quan, đơn vị nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của xã hội về vai trò, vị trí của nhân tài và chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài với các hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp.
Hai là, cần tiếp tục hoàn thiện chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, gắn trách nhiệm với quyền hạn, tăng cường cơ chế quy trách nhiệm cá nhân của thủ trưởng cơ quan, đơn vị đối với kết quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống công quyền. Mạnh dạn trao quyền tự chủ hơn cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng ngân sách, khen thưởng, kỷ luật vì mục đích chung là nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
Ba là, Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với người có tài năng, thành tích, công trạng; bảo đảm điều kiện thuận lợi để người có tài năng được thường xuyên tham gia đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phù hợp với năng lực, sở trường công tác.
Đầu tư cho giáo dục và khoa học, công nghệ theo hướng coi trọng hiệu quả, đề cao thực học, học gắn chặt với hành, dùng thực tiễn để kiểm tra tài năng, năng lực của người được đào tạo. Gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ với thực tiễn sản xuất, thực tiễn quản lý xã hội.
Bốn là, cần đặc biệt quan tâm, tạo môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi để nhân tài phát huy tài năng, cống hiến cho địa phương, đất nước. Phải đặt nhân tài vào đúng vị trí vì không có nhân tài toàn năng mà chỉ có nhân tài trên những lĩnh vực cụ thể, do đó, công tác cán bộ không chỉ là phát hiện, giới thiệu, lựa chọn mà còn là đặt để, sắp xếp đúng người đúng việc.
Khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân tài, nhà khoa học làm việc trong các cơ quan, đơn vị được tham gia học tập, giao lưu với các chuyên gia, nhà khoa học trên thế giới để cập nhật tri thức mới, hướng phát triển mới, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước cũng như của cơ quan, đơn vị. Có chính sách đãi ngộ về vật chất; chính sách khung về tiền lương đối với nhân tài để các bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất, đồng bộ.
Năm là, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đội ngũ cán bộ, công chức bởi đây chính là lực lượng có thể góp phần rất lớn cho sự phát triển của đất nước khi đó là đội ngũ tiên tiến nhưng cũng có thể gây nhiều vấn đề phức tạp khi bị tha hóa, biến chất. Cần học tập cách tiếp cận của vua Lê Thánh Tông khi vừa trọng dụng hiền tài nhưng cũng yêu cầu rất cao đối với đội ngũ nhân tài khi được trọng dụng, ngăn ngừa các nguy cơ, biểu hiện tha hóa khi đã có quyền lực ở trong tay.
Cần xây dựng kế hoạch cụ thể để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các cơ quan, đơn vị triển khai, thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài nhằm nhân rộng điển hình tốt và ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường giám sát theo chuyên đề và giám sát văn bản trong thực hiện chính sách, pháp luật thu hút, trọng dụng nhân tài./.
[1] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2 (Hà Nội: NXB Văn học, 2006) tr. 227
[2] Lê Đức Tiết, Lê Thánh Tông: Vị vua anh minh, nhà cách tân vĩ đại (Hà Nội: NXB Tư pháp, 2007) tr.78.