na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
Quan điểm biện chứng về Chủ nghĩa tư bản được thể hiện qua Học thuyết Giá trị thặng dư của C. Mác
04/08/2023 12:00:00

Người viết: ThS. Nguyễn Thị Nga

Giảng viên khoa Lý luận cơ sở

Học thuyết giá trị thặng dư là một trong ba đóng góp to lớn của C.Mác đối với lịch sử xã hội loài người. Học thuyết giá trị thặng dư của Mác ra đời trên cơ sở nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Phát hiện giá trị thặng dư làm nổ ra cuộc cách mạng thực sự trong toàn bộ khoa học kinh tế, trang bị cho giai cấp vô sản thứ vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. Một trong những giá trị to lớn của học thuyết giá trị thặng dư đó là nó đã đưa ra những lý luận để làm rõ tính chất lịch sử của chủ nghĩa tư bản (CNTB) - sự ra đời của CNTB là một tất yếu lịch sử, nhưng với những mâu thuẫn, với những hạn chế của nó thì CNTB không thể là mô hình tương lại mà loài người hướng tới, sẽ bị thay thế bằng chế độ khác tiến bộ hơn, phát triển hơn. Và cho đến ngày nay, những lý luận này vẫn còn nguyên giá trị.

Học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác đã chỉ rõ xu thế vận động tất yếu của phương thức sản xuất TBCN. Sự phát triển của nền sản xuất hàng hóa giản đơn dưới sự tác động của quy luật giá trị, dần dần sẽ dẫn tới sự phân hóa giàu - nghèo, đến một giai đoạn nhất định sẽ tạo ra những điều kiện cho sự ra đời của CNTB. Sản xuất giá trị sử dụng thống nhất với sản xuất giá trị trao đổi thì đó là nền sản xuất hàng hóa. Sản xuất ra giá trị trao đổi đồng thời cũng là sản xuất ra giá trị thặng dư thì đó là sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa. Đó là một quá trình vận động tự nhiên. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa là sản phẩm tất yếu của sự phát triển lực lượng sản xuất trong các xã hội trước đó. Khi nghiên cứu về CNTB, các nhà lý luận Mác-Lênin đã đánh giá cao những thành tựu, những đóng góp tích cực của CNTB đối với lịch sử xã hội loài người. Các ông đã chỉ ra: từ khi mới ra đời, CNTB đã cho con người thấy tính ưu việt của nó. Theo C.Mác, Ăng ghen, đó là một bước tiến vĩ đại về phía trước trên những con đường phát triển của xã hội loài người. Trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, C.Mác và Ph. Ăngghen đã viết “giai cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử” (1). Hai ông đánh giá cao công lao của CNTB trước hết là đối với sự phát triển lượng sản xuất: “Giai cấp tư sản trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”(2).

Nhưng đồng thời, các ông cũng chỉ rõ những mặt hạn chế, những giới hạn của CNTB. Những hạn chế này được các nhà lý luận mácxit đề cập ngay từ trong lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển của CNTB. Trước hết, về lịch sử ra đời của CNTB: như C.Mác đã phân tích, CNTB ra đời gắn liền với quá trình tích lũy nguyên thủy tư bản. Thực chất, đó là quá trình tích lũy tiền tệ nhờ vào những biện pháp ăn cướp, tước đoạt đối với những người sản xuất hàng hóa nhỏ và nông dân tự do; nhờ vào hoạt động buôn bán, trao đổi không ngang giá qua đó mà thực hiện bóc lột, nô dịch đối với những nước lạc hậu. Cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của CNTB là quan hệ bóc lột của các nhà tư bản đối với công nhân làm thuê. Mặc dù so với các hình thức bóc lột đã từng tồn tại trong lịch sử, bóc lột TBCN cũng đã là một sự tiến bộ, song theo sự phân tích của các ông thì chừng nào CNTB còn tồn tại thì chừng đó quan hệ bóc lột còn tồn tại và sự bất bình đẳng, phân hóa xã hội vẫn là điều không tránh khỏi. Các ông đã phân tích rõ mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân TBCN về tư liệu sản xuất và cho rằng, quá trình phát sinh, phát triển của phương thức sản xuất TBCN đều không xoá bỏ tính chất tư hữu tư nhân.

Trải qua quá trình phát triển, CNTB ngày nay đã có những bước phát triển mới. Phương thức sản xuất này vẫn tỏ ra vẫn còn sức sống nhất định. Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, một số phần tử lớn tiếng rêu rao rằng: CNTB đã thay đổi về chất nhờ việc ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ vào trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo đó, trong phương thức sản xuất tư bản ngày nay không còn hiện tượng người bóc lột người, xã hội tư bản là xã hội tiến bộ nhất trong lịch sự nhân loại mà loài người cần hướng đến và rằng học thuyết giá trị thặng dư của chủ nghĩa Mác đã lỗi thời.

Sự thực có phải là như vậy?

Chúng ta không phủ nhận trong thời gian vừa qua, CNTB đã có nhiều biện pháp nhằm xoa dịu mâu thuẫn, có những điều chỉnh để tiếp tục tồn tại, khả năng “co dãn” của tư bản là rất cao. CNTB hiện đại có đặc điểm lớn so với tất cả các giai đoạn phát triển trước đây là trình độ phát triển rất cao của lực lượng sản xuất, trình độ khoa học công nghệ rất cao của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế. Các nước tư bản phát triển, như Mỹ, các nước Tây Âu, Nhật Bản là những nước đi đầu trong nghiên cứu phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đi đầu trong các lĩnh vực điện tử, tin học, thông tin, viễn thông, phát triển Internet, trí tuệ nhân tạo, công nghệ vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ sinh học... làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, chất lượng, hiệu quả của những ngành kinh tế truyền thống và tạo nên nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều sản phẩm mới, công nghệ cao, có giá trị gia tăng, mức cạnh tranh cao. Ngày nay, các nước tư bản phát triển cũng đang đi đầu trong việc phát triển nền kinh tế số, kinh tế tri thức, nền kinh tế thông minh với các ngành công nghiệp thông minh, nông nghiệp, dịch vụ thông minh, hệ thống giao thông, năng lượng, thông tin thông minh, hệ thống phân phối thông minh... Sự phát triển của lực lượng sản xuất trên nền tảng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại đã nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra tiềm năng cho CNTB phát triển. Các nước tư bản phát triển trở thành các trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ của thế giới, có quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, cho dù có điều chỉnh như thế nào đi nữa, cho dù có khoác trên mình những “tấm áo choàng lộng lẫy” như thế nào đi nữa thì bản chất của CNTB vẫn không hề thay đổi. Về bản chất, CNTB vẫn là chế độ bóc lột. Sự áp bức, bóc lột được che đậy dưới nhiều hình thức khác nhau và ngày càng mang tính chất tinh vi hơn trước; hình thức bóc lột cũng luôn có sự thay đổi dựa trên việc áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Sự bóc lột vượt khỏi biên giới quốc gia và được triển khai trên phạm vi quốc tế thông qua nhiều hình thức. Trong CNTB hiện đại, những mâu thuẫn gắn liền với bản chất của CNTB vẫn tồn tại: đó là mâu thuẫn giữa tư bản và lao động làm thuê, giữa tư bản với tư bản, giữa các cường quốc tư bản với các nước nghèo, kém phát triển, đang phát triển. Để có lợi nhuận tối đa, thì đối với nhà tư bản, thời gian lao động của công nhân càng dài càng tốt, cường độ lao động càng cao càng tốt, chi phí tiền lương, tiền công, trang bị bảo hộ lao động, phúc lợi cho người lao động càng ít càng tốt, do đó, luôn tìm mọi cách, kể cả “lách luật” để làm điều này một cách tinh vi. Ngày nay, mâu thuẫn giữa các công ty, tập đoàn tư bản, các nước tư bản phát triển với nhau trong việc giành giật thị trường tiêu thụ, các nguồn nguyên liệu, năng lượng, các phát minh, sáng chế, thành tựu khoa học công nghệ, các nhân lực chất lượng cao... vẫn diễn ra rất gay gắt. Quan hệ giữa các nước tư bản phát triển với các nước kém phát triển, đang phát triển thể hiện bên ngoài như những quan hệ bình đẳng, thỏa thuận từ cả hai phía, nhưng thực chất là quan hệ bất bình đẳng. Các nước tư bản phát triển giàu có, có nguồn lực tài chính lớn, trình độ khoa học công nghệ cao, nắm độc quyền các bí quyết công nghệ, thương hiệu sản phẩm... xuất khẩu hàng hóa, xuất khẩu tư bản vào các nước đang phát triển, kém phát triển không phải với mục tiêu hỗ trợ phát triển các nước này mà để mở rộng thị trường tiêu thụ, khai thác tài nguyên, nguồn lao động rẻ, chuyển giao những máy móc thiết bị, những công đoạn những ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường cho những nước này, với giá cả độc quyền do họ chi phối; đồng thời vẫn sử dụng các biện pháp chống bán phá giá, các hàng rào thuế quan và phi thuế quan (như nguồn gốc xuất sứ, về lao động, điều kiện sản xuất, về vệ sinh an toàn...) để cản trở xuất khẩu hàng hóa của nước đang phát triển, kém phát triển vào nước họ... CNTB hiện đại vẫn không ngăn chặn, tránh được các cuộc khủng hoảng kinh tế gắn liền với bản chất của CNTB. Sự can thiệp, điều tiết của nhà nước đã giúp CNTB hiện đại tránh được các cuộc khủng hoảng sản xuất thừa, khủng hoảng chu kỳ của các giai đoạn trước, nhưng lại làm xuất hiện những hình thức khủng hoảng mới, khủng hoảng cơ cấu xảy ra ở một số ngành, lĩnh vực. CNTB hiện đại cũng không xóa bỏ được tình trạng phân hóa giàu nghèo trong xã hội, mà sự phân hóa còn tiếp tục gia tăng, vẫn là chế độ bất công. Chênh lệch về thu nhập, mức sống, tài sản giữa người giàu và người nghèo trong thế giới tư bản rất lớn, xu hướng ngày càng gia tăng. Chẳng hạn, ở Mỹ, 99% thu nhập kể từ năm 2009 đã rơi vào hầu bao của nhóm 1% dân số giàu nhất. Theo thống kê đến năm 2013, ở Mĩ khoảng 400 người có thu nhập hàng năm từ 185 triệu USD trở nên tương phản với 25 triệu người sống dưới mức nghèo khổ. Chưa kể, còn phải nhắc đến hàng loạt vấn đề nổi cộm và ngày càng trở nên phổ biến khác như: mối đe dọa của khủng bố như hệ quả trực tiếp từ hành động can thiệp quân sự ở nước ngoài, hay ô nhiễm môi trường, tính mạng con người bị đe dọa vì súng đạn sử dụng bừa bãi

Như vậy, với những phân tích trên về CNTB hiện đại đã cho thấy những lý luận trong học thuyết giá trị thặng dư về vị trí, vai trò của CNTB vẫn giữ nguyên giá trị. CNTB là chế độ phát triển hơn, tiến bộ hơn các chế độ xã hội trước đó song đây là chế độ bóc lột, áp bức, bất công và mặc dù trong thời gian qua CNTB đã có những điều chỉnh để tiếp tục tồn tại song vẫn không thể khắc phục được từ gốc rễ những hạn chế đó. Chính vì vậy, CNTB không thể là “lời giải đáp đầy đủ nhất cho mọi vấn đề đặt ra trong cuộc sống tương lai”, không thể là mô hình xã hội mà chúng ta hướng tới. Đây cũng là căn cứ lý luận khoa học quan trọng để củng cố niềm tin vào tính đúng đắn, khoa học của lý luận macxit, niềm tin vào việc lựa chọn con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

Chú thích:

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1995, t.4, tr.599

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1995, t.4, tr.602-603