na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự cần thiết mở cửa hội nhập
30/06/2023 09:17:04

Người viết: ThS. Nguyễn Thị Nga

Đơn vị: Khoa Lý luận cơ sở

Trên cương vị Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước, với các hoạt động quốc tế phong phú, tiếp cận từ thực tiễn phát triển Việt Nam, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng công tác đối ngoại, đề xuất nhiều nguyên lý, luận điểm về thời đại và đường lối quốc tế, chính sách đối ngoại và ngoại giao Việt Nam nhằm phát huy sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là sự kế thừa và phát triển truyền thống văn hóa Việt Nam về hội nhập quốc tế; kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận Mác - Lênin về hội nhập cho phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam; là cơ sở nền tảng, kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước ta trong các giai đoạn cách mạng. Tư tưởng của Người về hội nhập thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau đây:

Trên con đường đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã sớm có tư tưởng về việc các dân tộc phải mở cửa giao lưu, quan hệ bình đẳng, cùng có lợi và kịch liệt phê phán tư tưởng biệt lập giữa dân tộc này với dân tộc khác. Một quốc gia, dân tộc muốn có sức mạnh phải thoát ra khỏi tình trạng biệt lập, phải mở cửa, tăng cường hợp tác với bên ngoài, mở cửa kinh tế đối với Việt Nam vừa là nhu cầu, vừa là điều kiện quan trọng để phát triển và đưa đất nước đi lên. Đa phương hóa, đa dạng hóa, làm bạn với tất cả các nước dân chủ và tiến bộ là một tư tưởng xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong “Lời kêu gọi Liên hợp quốc” tháng 12-1946, Người nhấn mạnh việc mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực đối với các nước: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:

a. Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.

b. Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.

c. Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc.

d. Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân” [1].

Theo Hồ Chí Minh, một quốc gia, dân tộc muốn phát triển phải thoát khỏi tình trạng biệt lập, phải mở cửa tăng cường hợp tác với bên ngoài. Xuất phát từ điều kiện thực tế của nước nhà, một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, trong nhiều thế kỷ bị chi phối bởi phương thức sản xuất tiểu nông, tự cấp, tự túc. Bên cạnh đó, cùng với chính sách khai hóa của thực dân, đế quốc kiểu cũ đã kéo lùi sự phát triển của dân tộc. Do đó, nhiệm vụ trước mắt phải đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước. Tuy nhiên, khi đã giành được độc lập mà không có chính sách mở cửa và hợp tác với các nước khác thì quốc gia cũng không thể phát triển theo đúng quỹ đạo, có khi còn lâm vào tình trạng bế tắc.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và trong nước, Hồ Chí Minh vẫn luôn tìm cách mở rộng quan hệ với các nước nhằm vừa tận dụng sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; đồng thời xây dựng mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ đấu tranh thống nhất đất nước. Trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế, Người khẳng định, độc lập chủ quyền của mỗi quốc gia không tách rời với hợp tác kinh tế quốc tế, không cản trở quan hệ kinh tế quốc tế. Hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn vốn, khoa học công nghệ, thị trường nhằm phát triển kinh tế, phát huy sức mạnh nội lực, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, vì lợi ích chung mỗi nước, mỗi dân tộc.

Mục tiêu nhất quán về hợp tác kinh tế quốc tế theo Hồ Chí Minh là để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân. Quan điểm này rất gần gũi với khái niệm tăng trưởng bao trùm của quốc tế hiện nay, khi Người hướng mục tiêu phát triển và hợp tác kinh tế quốc tế cuối cùng là để mang lại lợi ích cho tất cả mọi người dân trong xã hội. Mấy tháng sau khi giành độc lập, Hồ Chí Minh trả lời các nhà báo về vấn đề mở cửa hợp tác kinh tế của nước Việt Nam mới: “Có thể rằng: chúng ta hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác. Có thể rằng: chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Tàu, đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia”[2]. Quan điểm cơ bản, nhất quán của Hồ Chí Minh trong hội nhập kinh tế quốc tế là để có điều kiện phát huy những tiềm năng của Việt Nam, thu hút ngoại lực để phát huy nội lực; nội lực là cái quyết định, ngoại lực là yếu tố quan trọng và phải trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi.

Ba mươi năm hoạt động ở nước ngoài cùng với nhiều chuyến thăm chính thức các nước trên thế giới với cương vị nguyên thủ quốc gia, đã tạo cơ hội cho Hồ Chí Minh có tầm nhìn thực tiễn về giao lưu và hội nhập quốc tế về văn hóa. Người cho rằng: Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại”. Cho nên, “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”[3]. Quan điểm của Người là tiếp thu toàn diện tất cả cái hay, cái tốt của văn hóa nhân loại trên nền tảng văn hóa dân tộc, cốt cách văn hóa dân tộc, thông qua “màng lọc” chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Tuy vậy, theo Hồ Chí Minh, độc lập tự chủ trong mở cửa hội nhập trước hết cần thấm nhuần tư tưởng “lấy sức ta mà tự giải phóng cho ta”, công việc của ta phải do ta giải quyết lấy, không có sự can thiệp áp đặt từ bên ngoài; đấu tranh cho nguyên tắc bình đẳng, hoà bình hữu nghị và hợp tác trong quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc; kiên quyết giữ trọn quyền dân tộc tự quyết và quyền tự phán xét những vấn đề nảy sinh trong quan hệ quốc tế và trong chính sách của các nước lớn; kiên định đường lối đối ngoại vì lợi ích trước mắt và lâu dài của dân tộc; phù hợp với những chế định của luật pháp quốc tế và hoà nhập với xu thế chủ đạo của quá trình chuyển biến trong quan hệ toàn cầu; chống xu hướng biệt lập, dân tộc hẹp hòi.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập và hợp tác quốc tế là những định hướng có tính chất phương pháp luận trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay.



[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H.2011, tr. 523

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb CTQG, H.2011, 86.

[3] Hồ Chí Minh: Về công tác văn hóa văn nghệ, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1971, tr.71