Ths Phạm Thị Phương Thanh
Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở
Nguyên lý 80/20 (Nguyên lý Pareto) được lấy tên từ nhà kinh tế học người Ý Vilfredo Pareto khi ông phát hiện ra rằng 20% gia đình người Ý sở hữu 80% tổng tài sản của quốc gia. Bị thu hút bởi phát hiện mới mẻ này, ông bắt đầu áp dụng quy tắc 80/20 này cho mọi thứ xung quanh mình. Hóa ra 20% số cây trong vườn đã đóng góp 80% sản lượng thu hoạch. Hóa ra 20% thời gian làm việc hàng ngày giúp bạn giải quyết 80% công việc cần thiết. Theo ông, ở bất kỳ một hệ thống nào, xu thế của nó là khoảng 80% kết quả là do 20% nguyên nhân gây ra. Nguyên lý 80/20 có thể áp dụng với nhiều lĩnh vực của đời sống để mang lại hiệu quả lao động cao. Vận dụng nguyên lý này trong giảng dạy góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian trên lớp của giảng viên đáp ứng yêu cầu đổi mới trong cả dạy và học, mang lại không gian học tập hữu ích.
Nguyên lý Pareto chỉ có vai trò như là một yếu tố hướng dẫn nó chỉ rõ sự phát sinh tất yếu của một tình trạng nếu chúng ta không nắm vững được quyền chủ động trong công việc. Do vậy, điều cốt lõi là chúng ta cần phải biết việc gì là quan trọng nhất, việc nào cần làm trước, việc nào cần làm sau, việc nào đem lại giá trị cao nhất. Áp dụng nguyên lý này trong giảng dạy chương trình trung cấp lý luận chính trị để đảm bảo số ít nỗ lực tạo ra số nhiều hiệu quả. Hay nói cách khác, giảng viên cần tập trung sự nỗ lực trong một số ít kiến thức trọng tâm của bài để mang lại hiệu quả cao trong dạy và học.
Thực tế cho thấy, hiện nay các nội dung trong giảng dạy của chương trình trung cấp lý luận đều khá dài, thường là 8 tiết đến 12 tiết, thậm chí có bài 20 tiết (môn Kinh tế chính trị). Giáo viên thường giảng một ngày giảng 8 tiết với nhiều nội dung khác nhau trong cùng 1 chủ đề. Nếu giảng viên dàn trải, giảng không có trọng tâm, cả bài giảng sẽ không đọng lại vấn đề gì. Trong khi đó, câu hỏi để học viên thi, trả lời câu hỏi vấn đáp, phần lớn lại không phải toàn bộ bài giảng. Như vậy, sự nỗ lực giảng dạy (áp dụng phương pháp tích cực, chọn trọng tâm trọng điểm của bài) của giảng viên vào 20% vấn đề trọng tâm của bài góp phần mang lại 80% hiệu quả bài giảng. Và rõ ràng, học viên sẽ tiếp thu chỉ 20% trọng tâm của bài là đảm bảo hiểu tới 80% vấn đề toàn bài giảng. Thời gian trên lớp nên tập trung vào những vấn đề trọng tâm của bài để mang lại hiệu quả dạy và học cao nhất. Bài giảng nào cũng có trọng tâm, vấn đề là giảng viên nỗ lực làm rõ số ít trọng tâm đó để đạt được số nhiều hiệu quả bài giảng và học viên tiếp thu được số ít trọng tâm cũng sẽ mang lại số nhiều việc hiểu bài. Học viên có hiểu bài mới có hứng thú học và vận dụng vào các vấn đề thực tế.
Vậy, nên áp dụng nguyên lý 80/20 trong giảng dạy thế nào?
1- Xác định trọng tâm của bài để phân chia thời gian lên lớp
Đây là nhiệm vụ rất quan trọng để áp dụng được nguyên lý 80/20. Toàn bộ bài giảng không phải phần nào cũng quan trọng để giảng hết. Cho nên giáo viên cần nhận rõ trọng tâm của bài, dồn nhiều tâm huyết, lựa chọn phương pháp thích hợp để mang lại hiệu quả cao nhất. Xác định trọng tâm của bài giúp giảng viên đầu tư thời gian phần lớn trên lớp để làm rõ những nội dung đó. Bài giảng cũng vì thế mà có chiều sâu, học viên sẽ hiểu vấn đề tốt hơn là phần nào cũng giảng mà không làm rõ vấn đề nào.
2- Gây sự chú ý của học viên bằng những tình huống gắn với nội dung bài giảng.
Đây là cách giúp học viên dễ nhớ và tập trung vào bài giảng dễ nhất. Nếu các sự kiện, tình huống phục vụ làm rõ nội dung lý luận nhưng lại lan man, thậm chí gây khó hiểu “vấn đề chồng vấn đề” sẽ không đạt được hiệu quả bài giảng. Học viên mất tập trung, không hợp tác và không trả lời được câu hỏi giảng viên đặt ra trong bài. Do vậy, khi xác định được trọng tâm, cần lựa chọn tình huống, vấn đề “đắt giá” liên quan tới lý luận sẽ giúp rút ngắn thời gian giảng những vấn đề lý thuyết đơn thuần, tăng hiệu quả nhớ, hiểu bài.
3- Lựa chọn phương pháp giảng thích hợp với từng phần, từng đối tượng học viên
Những nội dung trọng tâm của bài nên tập trung sử dụng các phương pháp tích cực, tùy vào sự hưởng ứng của học viên để lựa chọn phương pháp thích hợp. Ví dụ lớp trầm, ngại phát biểu: sử dụng phương pháp trắc nghiệm, lấy ý kiến số đông; lớp sôi nổi: sử dụng phương pháp phỏng vấn nhanh, sàng lọc...tạo được không khí cởi mở, trao đổi tích cực. Đây là việc giúp giảng viên “ít làm” (học viên phát huy việc thảo luận với nhau) nhưng lại mang lại hiệu quả cao, tránh cảm giác nhàm chán với cả người dạy và người học.
4- Hướng dẫn học viên tự học những phần không giảng sâu
Trong toàn bài có những phần không phải trọng tâm, học viên có thể tự nghiên cứu thì giáo viên nên hướng dẫn học viên tự học, cung cấp tài liệu liên quan để học viên tự tìm hiểu nếu cần thiết. Giáo viên có thể chỉ đưa ra câu hỏi để học viên tự tìm câu trả lời trong phần tự học.
Trên đây là một số vấn đề rút ra để áp dụng tốt nguyên lý 80/20 trong việc quản lý thời gian trên lớp của giảng viên. Áp dụng lý thuyết này mang lại hiệu quả tích cực trong việc dạy và học, vừa tạo hứng thú, gợi mở sâu được vấn đề cho cả giảng viên và người học, mang lại hiệu quả cao trong việc neo chốt kiến thức, phục vụ cho việc học tập của học viên./.