na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỘI NHẬP QUỐC TẾ TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI LẦN THỨ XIII ĐẢNG
21/03/2023 02:27:21

ThS. Nguyễn Văn Tứ

Phó trưởng khoa Xây dựng đảng

Hội nhập quốc tế là một chủ trương, chiến lược hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, là bước chuyển tư duy mang tính đột phá chiến lược, đem lại cho đất nước các điều kiện để phát triển và một vị thế chưa từng có so với giai đoạn trước đây. Tư duy, quan điểm, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế là một quá trình nhận thức liên tục được bổ sung qua các kỳ Đại hội của Đảng và được thể hiện mạnh mẽ trong Văn kiện Đại hội XIII.

1. Quá trình hình thành tư duy, quan điểm, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế kể từ khi đổi mới 12/1986 đến nay.

Tư duy, quan điểm, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế là một quá trình nhận thức liên tục kể từ khi công cuộc Đổi mới của Đảng được khởi xướng vào tháng 12/1986 mở ra bước ngoặt trong tư duy và thực tiễn của Đảng và Nhà nước ta trong đường lối đối ngoại. Đại hội chỉ rõ: “Muốn kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, nước ta phải tham gia sự phân công lao động quốc tế; tranh thủ mở mang quan hệ kinh tế và khoa học - kỹ thuật với các nước thế giới thứ ba, các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế và tư nhân nước ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi”1.

Tại các Đại hội VII và Đại hội VIII của Đảng, đặc biệt là trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa VIII, Đảng ta nhấn mạnh: “Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cán bộ, luật pháp và nhất là về những sản phẩm mà chúng ta có khả năng cạnh tranh để hội nhập thị trường khu vực và thị trường quốc tế. Tiến hành khẩn trương, vững chắc việc đàm phán hiệp định thương mại với Mỹ, gia nhập APEC và WTO. Có kế hoạch cụ thể để chủ động thực hiện các cam kết trong khuôn khổ AFTA2.

Đại hội IX của Đảng (2001) khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển3, Việt Nam “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh có hiệu quả và bền vững4. Đảng đã nhận rõ mối quan hệ giữa hội nhập và phát triển. Hội nhập tạo tiền đề để phát triển, càng phát triển lại càng cần phải hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, do vậy cần phải chủ động hội nhập. Sau Đại hội IX, ngày 27/11/2001 Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 07 - NQ/TW về hội nhập kinh tế quốc tế.

Đến Đại hội X (2006) tư duy và đường lối hội nhập được phát triển thêm một bước khi đặt ra các yêu cầu “đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập vào chiều sâu, ổn định, bền vững, nâng cao tính chủ động, tích cực của mình trong các tổ chức quốc tế và khu vực mà Việt Nam tham gia và hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương5.

Đường lối hội nhập của Đại hội XI (2011) có những bổ sung, phát triển phù hợp với tình hình mới: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh6.

Sự phát triển về mặt tư duy, quan điểm tại Đại hội XI (2011) là từ “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế ...” lên một bước cao hơn thành “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế…”. Hội nhập quốc tế mà đảng ta muốn nói đến đó là không những hội nhập về kinh tế mà còn cả hội nhập về văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực khác nữa…

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2016) cũng đề cập rõ hơn và ở mức cao nhất triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, coi hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế. Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế bằng cách thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, xây dựng và triển khai chiến lược tham gia các khu vực mậu dịch tự do với các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng, ký kết và thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong một kế hoạch tổng thể với lộ trình hợp lý.

Đại hội XIII (2021), trong Văn kiện của Đảng đã có những nội dung kế thừa và phát triển các nhận thức lý luận về hội nhập quốc tế, nâng tầm hội nhập quốc tế lên một mức cao hơn khi nhấn mạnh nội dung chủ động, tích cực, toàn diện, sâu rộng. Trong phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế7. Nội hàm của yêu cầu chủ động hội nhập và tích cực của Văn kiện Đại hội XIII có bước tiến hơn so với giai đoạn trước khi đặt ra nhiệm vụ cho công tác đối ngoại phải đạt được hiệu quả để nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Đảng đã đưa ra quan điểm phát triển về hội nhập lên một tầm cao mới khi khai thác nội dung tích cực, toàn diện, sâu rộng để phục vụ cho mục tiêu xây dựng nền kinh tế tự chủ, đặc biệt là tự chủ về công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất quốc gia để cải thiện vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Chủ động hội nhập phải đa dạng hóa được thị trường, không nên phụ thuộc vào một thị trường và nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế khi ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài, Đảng nhận định: “Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài8.

Bên cạnh đó, chủ động hội nhập là phải “Chủ động, kiên quyết, kiên trì, đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại9. Độc lập dân tộc tạo ra sức mạnh nội sinh để nâng cao hiệu quả của hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam. Các hoạt động hội nhập của Việt Nam mang tính toàn diện, sâu rộng để phục vụ cho mục đích giữ vững môi trường hòa bình, ổn định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam10.

2. Những giải pháp nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế trong Văn kiện Đại hội XIII

Trong phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2020 - 2025, Văn kiện Đại hội XIII nhận định: Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác, liên kết để phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột cục bộ, sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên là những thách thức lớn đe dọa sự ổn định và phát triển ở một số khu vực, quốc gia. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, đi kèm theo đó là sự điều chỉnh chiến lược, chính sách ở nhiều quốc gia.

Văn kiện Đại hội XIII đề ra mục tiêu hội nhập trong giai đoạn tới của Việt Nam là tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Để đạt được mục tiêu trên, Văn kiện đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Thứ nhất, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường.

Thứ hai, tích cực đàm phán các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các đại diện thương mại, xúc tiến thương mại của Việt Nam tại các quốc gia.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện chính sách thương mại phù hợp với điều kiện của đất nước và hội nhập quốc tế. Nghiên cứu các biện pháp phòng vệ thích hợp, xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng không trái với các cam kết quốc tế.

Thứ tư, nghiên cứu phương án để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ các xung đột thương mại đến xuất khẩu. Đa dạng hóa đối tác nhập khẩu, tránh tình trạng phụ thuộc vào một đối tác.

Thứ năm, ưu tiên nhập khẩu, máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, hàng hóa trong nước chưa sản xuất được; kiểm soát hiệu quả việc nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu, trong nước không sản xuất được.

Thứ sáu, tăng cường quản lý biên mậu, gia tăng xuất, nhập khẩu chính ngạch, theo hợp đồng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống gian lận thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, xuất xứ hàng hóa.

Thứ bảy, đổi mới nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế.

Thứ tám, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, kết hợp chặt chẽ với đối ngoại song phương, thực hiện tốt các trọng trách quốc tế, nhất là trong ASEAN, Liên hợp quốc và các khuôn khổ hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ chín, tiếp tục đổi mới hợp tác quốc tế về pháp luật theo hướng chủ động, tích cực, tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của cộng đồng khu vực và quốc tế…Nghiên cứu giải pháp gia tăng sự hiện diện của chuyên gia pháp luật Việt Nam trong các thiết chế luật pháp quốc tế.

Thứ mười, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Khai thác tối đa vị thế quốc gia và nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước.

Qua hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong hội nhập quốc tế, hội nhập tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, cải thiện cơ cấu xuất khẩu, cân bằng cán cân thương mại. Điều này cho thấy chủ trương đúng đắn, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Tài liệu tham khảo:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.47, tr.415.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.56, tr.612.

(3), (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.60, tr.147.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.112.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.235.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, t.II, tr.94.

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, t.I, tr.216.

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, t.I, tr.216.

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, t.II, tr.331 - 332.