Người viết: Nguyễn Thị Mai
Khoa: Nhà nước và pháp luật
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tài sản quý giá của dân tộc ta.
Giá trị của Di chúc trước hết là về phương diện tư liệu lịch sử. Đây là một trong những tác phẩm quan trọng cuối cùng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc trước lúc đi xa.
Giá trị của Di chúc còn ở chỗ, tuy không phải là một tác phẩm dài về số trang, số chữ, chỉ là “mấy lời”, chỉ “nói tóm tắt vài việc”, song đã kết tinh những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những quan điểm cơ bản của Người về xây dựng và chỉnh đốn Đảng để “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, về “công việc đối với con người”, về giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, về xây dựng chế độ xã hội mới - chế độ xã hội chủ nghĩa, về xây dựng khối đoàn kết quốc tế và góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới, v.v...
Đặc biệt, giá trị của Di chúc còn ở chỗ, đây không phải là một tác phẩm lý luận thuần túy giống như nhiều tác phẩm khác, mà là văn kiện có sứ mệnh chuyển tải những “điều mong muốn cuối cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính vì vậy, nó chứa đựng những tình cảm lớn của Người đối với toàn Đảng, toàn dân ta, với đồng chí và bầu bạn khắp năm châu.
Xuyên qua và bao trùm tất cả những tư tưởng lớn, những tình cảm lớn trong Di chúc, chúng ta thấy nổi bật lên chính là Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.
Đọc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều nhận thấy ngay là: hai chữ con người chiếm lĩnh toàn bộ mọi suy tư, trăn trở của Người. Đây chính là biểu hiện đầu tiên của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Chữ “người” được Hồ Chí Minh xác định: “nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng hơn là cả loài người”. Với Hồ Chí Minh, không có vấn đề chính trị - xã hội nào lại không xoay quanh vấn đề con người, và không có con người chung chung, trừu tượng mà chỉ có những con người hiện thực, “con người thật” - con người xét trong các quan hệ xã hội hiện thực, trong các điều kiện sống hiện thực.
Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh còn thể hiện ở sự thấu hiểu và tình yêu thương con người sâu sắc. Xuất phát từ con người hiện thực để thấu hiểu và yêu thương họ, đó là giá trị nhân văn đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Luôn suy tư về con người hiện thực, vì thế, Hồ Chí Minh hiểu rất sâu sắc về con người, trước hết là đồng bào của Người, là nhân dân các nước thuộc địa, là giai cấp những người lao động trên thế giới.
Trong Di chúc, ta thấy tình yêu thương con người của Hồ Chí Minh thể hiện ở sự quan tâm và những việc làm thiết thực cho từng đối tượng, vì từng đối tượng. Tình yêu thương đối với Đảng thể hiện ở mong muốn Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, giữ vững địa vị đảng cầm quyền và có đủ khả năng hoàn thành sứ mệnh mà nhân dân đã giao phó. Tình yêu thương đối với các tầng lớp nhân dân thể hiện ở chỗ: Đối với những người đã hy sinh một phần xương máu thì phải đảm bảo cho họ có nơi ăn chốn ở, có khả năng “tự lực cánh sinh”; đối với các anh hùng liệt sĩ thì phải xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm để ghi nhớ công lao của họ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân; đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) thì phải giúp đỡ để họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét; đối với thế hệ trẻ thì phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”; đối với phụ nữ thì phải bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ họ tham gia phụ trách ngày càng nhiều công việc kể cả công việc lãnh đạo; đối với nông dân là những người luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ, thì miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất; đối với các tầng lớp nhân dân lao động nói chung thì Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
Vì tình yêu thương con người, Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn vẹn cuộc đời cho cho nhân dân, cho dân tộc, cho nhân loại. Ngay cả “của cải” quý giá cuối cùng của một con người là “tro xương”, Người cũng muốn san sẻ cho nhân dân cả ba miền Trung, Nam, Bắc, nhất là cho đồng bào miền Nam “đi trước về sau”. Người dặn kỹ: “Nếu tôi qua đời trước ngày nước ta được thống nhất, thì nên gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam”. Trong những dòng cuối cùng của Di chúc, Hồ Chí Minh viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.
Ý nghĩa của tác phẩm trong thời đại ngày nay
Di chúc đã thể hiện tập trung tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng con người toàn diện, triệt để. Tư tưởng giải phóng ấy được khái quát trong luận điểm của Hồ Chí Minh: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.
Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh với niềm tin vào năng lực tự giải phóng của con người thể hiện rõ trong Di chúc. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh khẳng định rằng, toàn bộ sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ xã hội, toàn bộ sự nghiệp làm cho con người và xã hội phát triển toàn diện chỉ có thể do chính nhân dân thực hiện. Toàn bộ niềm tin của Hồ Chí Minh đối với nhân dân thể hiện một cách thật sâu sắc trong luận điểm: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. “Động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”, đó là kết tinh chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, triết lý sống Hồ Chí Minh, học thuyết cách mạng Hồ Chí Minh. Đó là bài học lớn nhất mà Hồ Chí Minh đúc rút ra từ tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, từ thực tiễn đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam. Bài học ấy mang tính khoa học nhất, cách mạng nhất, và cũng nhân văn nhất.
Quan tâm đến con người, thấu hiểu và yêu thương con người, quyết tâm đấu tranh để giải phóng con người, song quan trọng hơn cả, đó là giác ngộ, tập hợp, phát huy sức mạnh của con người để con người tự giải phóng chính mình, đó là nội dung cơ bản của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, xuyên suốt cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Di chúc là Tâm nguyện của Người: “Suốt đời tôi hết lòng phụng vụ Tổ quốc, phụng vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phụng vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Ý chí, niềm tin, tinh thần lạc quan cách mạng, trách nhiệm với nhân dân của Người thể hiện sâu sắc ở dự báo về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và ngày thống nhất đất nước, ở những chỉ dẫn về công việc của sự nghiệp cách mạng còn dang dở. Di chúc là tâm sự của một người đã suốt đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc và nhân dân; là tấm lòng chung thuỷ với “các nước anh em” và “bầu bạn khắp năm châu”.
Di chúc là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng ta là Đảng cầm quyền”. Để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Di chúc nêu những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng, đó là: Giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên. Công tác chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng.
Sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp bền bỉ, dài lâu, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đảng cầm quyền phải chăm lo phát triển lực lượng cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai một thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên”, có như vậy mới thực hiện thành công lý tưởng xây dựng một xã hội mới, tiến bộ, văn minh. Bác dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, đó là công việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Cách mạng Việt Nam không thể tách rời cách mạng thế giới. Sự vững mạnh của Đảng còn được khẳng định trong mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ với các đảng cộng sản và bè bạn quốc tế. Điều Bác dặn trong Di chúc “về phong trào cộng sản thế giới” chỉ dẫn định hướng quan trọng cho quan hệ đối ngoại của Đảng, đó là nguyên tắc đoàn kết quốc tế dựa trên “nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”.
Di chúc là tác phẩm bàn về xây dựng xã hội XHCN ở Việt Nam, là phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta
Di chúc là điểm kết tinh tư tưởng của Bác về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam, mối quan hệ giữa công bằng và tiến bộ xã hội, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá trong xây dựng xã hội mới, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh thời đại, động lực lợi ích và chăm lo chu đáo tới cuộc sống con người, tư tưởng trọng dân, coi dân là gốc, là chủ thể của sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.
Di chúc như một kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh với những chỉ dẫn về quản lý xã hội như: đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp hoàn cảnh mới; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; chính sách miễn thuế nông nghiệp cho nông dân; chính sách xã hội, công bằng xã hội...
Giá trị văn hoá của Di chúc chỉ dẫn con đường, mục tiêu phát triển của nền văn hoá Việt Nam; trù tính, dự liệu về những cuộc vận động lớn giáo dục văn hoá trong toàn dân, toàn xã hội, lấy văn hoá chính trị của Đảng Cộng sản cầm quyền và văn hoá trong thể chế nhà nước - một nhà nước dân chủ pháp quyền của dân, do dân, vì dân làm sức mạnh tiêu biểu nêu gương thuyết phục nhân dân. Qua lời dặn dò về việc riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến việc xây dựng một đời sống văn hoá mới; một lối sống tiết kiệm, không lãng phí; mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, môi trường sinh thái.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3,4,5,7,9,12. Nxb. CTQG, H., 2002
3. V.I.Lênin, tập 33, Nxb Tiến bộ, Mácxcơva, 1976.
4. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Nxb. Sự Thật, H., 1976