na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
BỒI DƯỠNG LÒNG YÊU NGHỀ CHO ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRẺ Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
10/07/2023 07:55:11

ThS. Nguyễn Thị Nga

Giảng viên khoa LLCS

Đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học lý luận chính trị là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Ngày 22/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của công tác này, thời gian qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã hướng dẫn các Trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, đây là một vấn đề lớn, bao gồm nhiều khâu, nhiều nội dung, nhiều phương diện. Trong đó, đội ngũ giảng viên – với tư cách là chủ thể của quá trình giảng dạy đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Thêm nữa, hiện nay, việc hướng tới xây dựng Trường Chính trị chuẩn, đòi hỏi người giảng viên cũng phải đảm bảo “chuẩn”. Để người giảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, đáp ứng những yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, việc bồi dưỡng lòng yêu nghề cho đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên trẻ là rất cần thiết.

Lòng yêu nghề là tình cảm say mê và thái độ sẵn sàng đi tới cùng với nghề mà mình đã lựa chọn. Trong cuộc sống, dù làm bất cứ việc gì cũng cần tận tâm và có lòng yêu nghề. Có yêu nghề ta mới nỗ lực, cố gắng và sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để làm tốt công việc. Đối với nghề giáo, lòng yêu nghề là phẩm chất quan trọng nhất. Chính lòng yêu nghề là cơ sở nền tảng cho những phẩm chất giáo đức khác. Phải có lòng yêu nghề mới có động lực thật sự để nâng cao chuyên môn. Có người có năng lực, chuyên môn cao nhưng không yêu nghề cũng không dạy tốt. Có yêu nghề mới luôn luôn có khát vọng tìm kiếm biện pháp cải tiến giảng dạy. Không có lòng yêu nghề thì không có thầy giỏi, thầy tốt. Không có thầy tốt, thầy giỏi thì không có học trò giỏi, học trò tốt. Bản thân người thầy tốt, tận tâm với nghề là tấm gương để học trò học tập, phấn đấu noi theo. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao nghề giáo. Bác cho rằng :"Nghề thầy giáo là rất quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa". Người đặc biệt nhấn mạnh sự “yêu nghề” trong hoạt động giáo dục: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất”[1]. Bên cạnh đó, Người đặc biệt chú trọng đến tinh thần trách nhiệm, dám đối mặt với khó khăn, thử thách, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ mà xã hội, Đảng giao cho các thầy, cô giáo. Người căn dặn: “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho”[2]. Đó là tinh thần trách nhiệm dành cho sự nghiệp giáo dục.

Đối với giảng viên ở các trường chính trị, ngoài đặc điểm, nhiệm vụ chung của người giáo viên còn có những đặc thù riêng: là người giảng dạy đồng thời tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước do đó có vai trò hết sức quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; là người tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của địa phương – vai trò hết sức quan trọng đồng thời cũng là một vai trò mà xã hội đánh giá cao và kỳ vọng ở các giảng viên. Chính vì vậy, lòng yêu nghề đối với giảng viên trường chính trị biểu hiện:

+ Tận tụy với công việc, luôn nghĩ đến việc cống hiến cho giáo dục.

+ Trong giảng dạy luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao.

+ Luôn cải tiến nội dung và phương pháp dạy học; thường xuyên cập nhật kiến thức mới, nội dung thời sự và thực tiễn cho bài giảng;

+ Luôn học hỏi và tự rèn luyện để hoàn thiện bản thân.

+ Luôn rút ra kinh nghiệm để hoạt động sư phạm ngày càng tốt hơn

+ Có thái độ tích cực trong hoạt động nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn

+ Có tình yêu thương chân thành, gắn bó và quan tâm thực sự đến học viên

+ Yêu chế độ, tích cực trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trường Chính trị tỉnh Hải Dương hiện nay có 42 giảng viên và giảng viên kiêm chức, trong đó đội ngũ giảng viên trẻ chiếm 35%, đảm nhận giảng dạy một lượng khá lớn các bài giảng. Đây cũng chính là lực lượng chủ lực và có vị trí quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường trong tương lai. Tuy nhiên, đây cũng là lực lượng dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, nhất là những mặt trái của cơ chế thị trường, dẫn đến việc dao động về tư tưởng, thiếu nhiệt huyết. Cho nên cần tiếp tục bồi dưỡng lòng yêu nghề, ý thức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ giảng viên trẻ. Năm 2025, trường Chính trị tỉnh Hải Dương đặt ra mục tiêu xây dựng nhà trường đạt chuẩn mức 1. Để đạt được mục tiêu đó yêu cầu về việc xây dựng đội ngũ giảng viên có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực đảm nhiệm được đầy đủ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức,đặc biệt là các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng theo chức danh, vị trí việc làm là một nhiệm vụ vô cùng cần thiết. Việc đạt tiêu chí được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương về trường chính trị chuẩn về việc “thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng được giao” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của trường. Bên cạnh đó, theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 đã định hướng trong thời gian tới cũng sẽ tăng cường các chương trình đào tạo, bồi dưỡng“nâng cao năng lực, kỹ năng và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm”.

Từ những vấn đề lý luận và thực tiễn nêu trên có thể thấy rằng, việc tiếp tục bồi dưỡng lòng yêu nghề cho đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ ở trường Chính trị tỉnh Hải Dương là hết sức cần thiết, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Để làm tốt nội dung này, cần thực hiện các giải pháp sau đây:

* Về phía nhà trường:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục bồi dưỡng tình yêu nghề cho tầng lớp giảng viên trẻ nhận thức sâu sắc về vị thế của nghề giáo dục trong hội sự cần thiết phải bồi dưỡng tình yêu nghề trong tình hình hiện nay

Chỉ có như vậy mới xây dựng được lớp giảng viên trẻ thực sự yêu nghề, yêu người, nhiệt huyết, trách nhiệm trong giảng dạy; thường xuyên tự bồi dưỡng, học hỏi đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm.

Công tác tuyên truyền, giáo dục phải được tiến hành thường xuyên, bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, sáng tạo, sát từng đối tượng; gắn giáo dục, bồi dưỡng của tổ chức với đề cao ý thức tự học, tự rèn của giảng viên trẻ và tinh thần “tôn sư trọng đạo” của người học.

- Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị

Cùng với công tác giáo dục, đây giải pháp tác động trực tiếp đến nhận thức, xu hướng nghề nghiệp, phong cách của mỗi giảng viên trẻ trước diễn biến phức tạp của đời sống xã hội. Bởi vậy, nhà trường cần triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung này trong công tác xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung bồi dưỡng tình yêu nghề cho giảng viên trẻ nói riêng.

Việc học tập làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác được thực hiện một cách toàn diện, song trọng tâm, trọng điểm, sát với giảng viên trẻ. Nhà trường cần quán triệt, cụ thể hóa để họ nắm vững tư tưởng của Bác về tình yêu nghề, tình yêu người, dám nghĩ, dám nói và dám làm ước mơ, hoài bão của bản thân.

Bên cạnh đó, cấp ủy, cán bộ chủ trì các khoa cần quan tâm, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để giảng viên trẻ phấn đấu, rèn luyện; xây dựng các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trong bồi đắp tình yêu nghề theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với lợi thế của Trường Chính trị tỉnh, nên tổ chức các cuộc thảo thuận, hội thảo chuyên sâu hoặc tăng cường viết bài tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên trang Website, nội san của trường, cho các báo, tạp chí của địa phương và trung ương.

- Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ và phương pháp, tác phong công tác cho giảng viên trẻ

N trường cần thường xuyên quan tâm, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, kiến thức chuyên sâu theo lĩnh vực, n học giảng dạy và kĩ năng, phương pháp sư phạm; khnăng duy khoa học sáng tạo, biết gắn thuyết với thực hành, luận với thực tiễn.

Hàng năm, cần rà soát và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ giảng viên trẻ. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn cho giảng viên trẻ. Đồng thời, có sự quan tâm, ưu tiên trong việc chọn cử giảng viên trẻ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

- Xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, tạđiều kiện để giảng viên trẻ khẳng định mình trong thực tiễn

Môi trường sư phạm tốt sẽ là cơ sở cho giảng viên trẻ thêm yêu quý, gắn bó, toàn tâm toàn ý với nghề; ngược lại, nếu môi trường sự phạm không tốt sẽ dễ làm cho họ chán nản, thiếu quan tâm đến công việc chung, không hứng thú trong giảng dạy, dẫn đến mất dần tình yêu nghề dễ dẫn đến sự thay đổi trong xu hướng nghề nghiệp. vậy, nhà trường cần quan tâm xây dựng môi trường phạm lành mạnh, thân thiện nhằm khơi dậy tình yêu nghề, khả năng sáng tạo của giảng viên trẻ:

+ Xây dựng được văn hóa công sở văn minh, tiến bộ, hiện đại góp phần tạo nên nền nếp làm việc khoa học, có kỷ cương dân chủ. Tạo được tình đoàn kết và chống lại bệnh quan liêu, cửa quyền xa rời quần chúng.

+ Xây dựng nội quy, quy chế làm việc, quy chế dân chủ ở cơ sở, quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị chặt chẽ, khoa học tạo nên những chuẩn mực, phá tính cục bộ, sự đối lập có tính bản thể của các thành viên, hướng mọi người đến giá trị chung, tôn trọng nguyên tắc, quy tắc và chuẩn mực văn hóa công sở, để đưa sinh hoạt đơn vị, cơ quan vào nề nếp.

+ Thực hiện những qui định đã ghi trong Quy chế văn hóa công sở

+ Giải quyết hài a mối quan hệ giữa lãnh đạo và cán bộ, giảng viên, giữa giảng viên và học viên, giữa nhà trường và đơn vị phối hợp không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực trong nhà trường.

- chính sách đãi ngộ, khuyến khích thỏa đáng đối với giảng viên trẻ, nhằm động viên họ yên tâm gắn bó với nghề

Nhà trường cần phải nghiên cứu, xây dựng các chính sách đãi ngộ giảng viên trẻ một cách toàn diện, đồng bộ, như: sử dụng, phát huy vai trò, sở trường của họ trong các lĩnh vực hoạt động; chế độ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp; khen thưởng, tôn vinh những giảng viên trẻ có thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học; bồi dưỡng, cử đi học nâng cao trình độ cho mỗi giảng viên trẻ…

Thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những băn khoăn, trăn trở của giảng viên trẻ, từ đó giúp giảng viên tháo gỡ để yên tâm công tác.

* Đối với giảng viên:

Một là, phải luôn tu dưỡng, rèn luyện để trở thành người thực sự mẫu mực về phẩm chất chính trị, tư tưởng, nhân cách đạo đức.

Giảng viên trường Chính trị cũng là người giảng dạy nhưng có đặc thù riêng là tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…nên phải tu dưỡng và rèn luyện không chỉ để bản thân mỗi người tốt hơn, hoàn thiện hơn, mà thông qua đó còn giúp cho mỗi giảng viên nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình. Có nhận thức rõ được tầm quan trọng và vai trò công việc giảng dạy của mình, giảng viên trẻ càng thêm yêu nghề và có ý thức nghề cao hơn. Người giảng viên cũng cần phải rèn luyện để có bản lĩnh chính trị vững vàng trước khó khăn, thử thách.

Hai là, thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn.

Giảng viên phải thường xuyên rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là kiến thức lý luận chuyên ngành, những tri thức mới để liên hệ với nội dung bài giảng phong phú hơn. Hơn nữa, trình độ của học viên ngày càng cao, vì vậy, nếu giảng viên không thường xuyên tự mình rèn luyện, tự học, cập nhật những kiến thức mới, bổ sung các kiến thức thực tiễn thì sẽ bị lạc hậu. Đồng thời, giảng viên cần phải trau dồi kỹ năng và các phương pháp giảng dạy nhằm làm sâu sắc nội dung của bài giảng, thay đổi cách học và phương pháp học, tạo sự hứng thú, tính chủ động, sáng tạo của học viên.

Ba là, phải thực sự tâm huyết với nghề nghiệp, phải có tình yêu thương chân thành, gắn bó và quan tâm thực sự đến học viên

Sự tâm huyết, trách nhiệm với công việc là cơ sở để cho đội ngũ giảng viên yên tâm công tác, say mê, toàn tâm với công việc; biết vươn lên, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp; nâng cao tinh thần trách nhiệm với học viên như người ruột thịt của mình, không thiên tư, thiên vị. Nếu đội ngũ giảng viên không đến với nghề, đến với học viên bằng cái tâm trong sáng, nếu không thực sự yêu nghề, mọi hành động của họ chỉ dừng lại ở nghĩa vụ, chỉ mang tính hình thức, đối phó thì chất lượng giảng dạy không cao.

Bốn là, phải tích cực tham gia xây dựng môi trường học tập lành mạnh

Người giảng viên phải có tinh thần đoàn kết, kỷ luật, phát huy dân chủ, đó là mối quan hệ gắn bó giữa thầy với thầy, thầy với trò, cần đoàn kết toàn thể nhà trường thành một khối, phát huy cao độ tinh thần dân chủ, tập thể, tạo nên sức mạnh, phát huy tính năng động, sáng tạo và đổi mới trong giáo dục.

Phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp với yêu cầu thực tế. Mục đích chính là tạo một trường học thân thiện, tức là ở đó phải kích thích được niềm yêu thích của học viên với tri thức, đánh thức những khả năng kiến thức cũng như thực tiễn của học viên. Phát huy hơn nữa vai trò nêu gương của các thầy, cô trong tu dưỡng, rèn luyện tác phong “nghiêm về giờ giấc, đẹp về trang phục, chuẩn trong phát ngôn, đúng mực trong ứng xử, quyết liệt trong đổi mới phương pháp dạy - học, thi, kiểm tra, đánh giá” từ đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

* Kết luận:

Tình yêu nghề nghiệp là phẩm chất quan trọng nhất đối với đội ngũ nhà giáo nói chung, đội ngũ giảng viên trẻ ở trường chính trị nói riêng. Nó là nền tảng, động lực thôi thúc, nhiệt huyết để mỗi giảng viên phấn đấu vươn lên, đi theo sự nghiệp cao quý mà vẻ vang của mình. Bởi vậy, bồi dưỡng tình yêu nghề cho đội ngũ giảng viên trẻ là một yêu cầu khách quan trong xây dựng đội ngũ giảng viên trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện tốt điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cán bộ giảng viên, chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để tiếp tục phát huy truyền thống 60 năm trong sự nghiệp “ươm hạt giống đỏ” của nhà trường.



[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.14, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.402

[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.15, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.507