na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2025) VÀ 139 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886-01/5/2025)! 
Nghiên cứu trao đổi
TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM GIẢNG DẠY CHUYÊN ĐỀ: KỸ NĂNG ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC Ở CƠ SỞ
26/04/2025 08:35:19

Trong Phần học Kỹ năng lãnh đạo, quản lý thuộc chương trình trung cấp LLCT gồm 11 bài, trong đó bài Kỹ năng đánh giá và sử dụng Cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở là bài thứ bẩy. Hiện chuyên đề được thiết kế với 08 tiết giảng nhằm cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản về đánh giá và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở. Từ đó, giúp học viên biết cách vận dụng các phương pháp để đánh giá và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở. Chuyên đề có hai phần nội dung kiến thức: Phần thứ nhất về Kỹ năng đánh giá cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở; phần thứ 2 về Kỹ năng sử dụng cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở. Có thể nói đây là một chuyên đề khó và rộng do xuất phát từ bản chất của hoạt động đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hiện nay được xem là khâu phức tạp và nhạy cảm. Từ thực tiễn giảng dạy chuyên đề này, xin được trao đổi một số khó khăn và biện pháp để giảng dạy chuyên đề được hiệu quả hơn.

* Một số khó khăn khi giảng dạy chuyên đề:

- Đối tượng của chuyên đề rộng gồm cả cán bộ, công chức, viên chức trong khi với mỗi đối tượng đánh giá hoặc bổ nhiệm hoặc luân chuyển, biệt phái thì yêu cầu, nội dung, cách thức xếp loại khác nhau, trình tự, thủ tục khác nhau... Do vậy yêu cầu giảng viên phải khái quát, tổng hợp để học viên nắm được nội dung cơ bản nhất.

- Đối tượng nghiên cứu của chuyên đề gồm cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở trong khi đó thực tế học viên của hầu hết các lớp trung cấp LLCT hiện nay rất đa dạng công tác không phải ở cơ sở, thậm chí có nhiều học viên công tác ở các sở, ban, ngành của tỉnh nên sự quan tâm của chính học viên đến chuyên đề khá hời hợt.

- Nội dung chuyên đề có nhiều phần khó và trừu tượng như làm thế nào để đánh giá được cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở được khách quan, công tâm. Làm thế nào để khắc phục được bệnh cảm tính và cảm tình trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức? Xây dựng tiêu chí để lựa chọn người có “Tâm”, “Tầm”, “Tài”. Hoặc với nội dung sử dụng cán bộ, công chức, viên chức cũng có nhiều nội dung khó và trừu tượng như: Điều động cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở; Luân chuyển CB, Biệt phái CC, VC ở cơ sở... Làm rõ sự khác biệt giữa một số hoạt động trong công tác cán bộ như điều động, luân chuyển, biệt phái.

- Văn bản thường xuyên thay đổi nên cũng khó khăn trong công tác cập nhật văn bản để vận dụng giảng giải làm rõ các nội dung chuyên đề như: Nguyên tắc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, tiêu chí đánh giá, luân chuyển CB, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.

* Một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy chuyên đề:

- Một là, trong khi soạn giảng, giảng viên cần xác định được mục tiêu cần đạt qua bài giảng, bao gồm về kiến thức, về kỹ năng và về tư tưởng. Có thể nói, việc xác định được mục tiêu một cách rõ ràng, đầy đủ, cụ thể và chính xác giúp giảng viên lựa chọn và sắp xếp kiến thức và lựa chọn phương pháp dạy học cho phù hợp với từng đối tượng học viên.

Chuyên đề hiện nay chỉ dừng lại nghiên cứu hoạt động đánh giá cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở tuy nhiên giảng viên cần căn cứ vào đối tượng học viên để mở rộng nghiên cứu cho phù hợp. Ví dụ với các lớp trung cấp có đối tượng đa dạng công tác ở các cấp chính quyền khác nhau (Cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã), ở các cơ quan khác nhau thì giảng viên cần gợi mở nghiên cứu theo hướng khái quát các nội dung sau: (1) Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức là gì? Vai trò và nguyên tắc của đánh giá cán bộ, công chức, viên chức? (2) Nội dung chung của đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Trên cơ sở đó chỉ ra những điểm khác biệt về nội dung đánh giá đối với CB, CC, VC theo quy định pháp luật hiện nay. (3) Về nội dung sử dụng CB, CC, VC cũng tiếp cận theo hướng tương tự. Nghĩa là cần có sự tổng hợp, khái quát. Hoặc có những lớp đối tượng chủ yếu là viên chức (giáo viên, y, bác sỹ...) cần tập trung vào các nội dung liên quan trực tiếp đến đánh giá xếp loại chất lượng công tác đối với viên chức, hoặc các quy định về sử dụng viên chức như bổ nhiệm, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, biệt phái.

- Hai là, giảng viên cần nghiên cứu kỹ giáo trình và tìm kiếm các tài liệu chuẩn bị cho bài giảng. Một trong những công việc hết sức quan trọng là cần cập nhật kiến thức mới, những nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, nghị quyết của tỉnh, của địa phương vào bài giảng; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật mới của Nhà nước; tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh các quan điểm sai trái, thù địch.

Ví dụ: Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định này hiện đã được sửa đổi bởi Nghị định số 48/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Nghị định này đã được sửa đổi bởi Nghị định số 85/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, hiện nay Nghị định này đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 71/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Ngày 28 tháng 4 năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 65-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ thay cho Quy định số 98-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ Ngày 07 tháng 10 năm 2017, Bộ Chính trị....

Khi có sự cập nhật văn bản mới, thường xuyên sẽ giúp cho học viên nắm được các quy định mới về đánh giá và sử dụng CB, CC, VC nói chung hiện nay. Đồng thời, giảng viên gợi mở để học viên thảo luận, đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong công tác đánh giá và sử dụng CB, CC, VC ở cơ quan. Học viên bày tỏ các kiến nghị, đề xuất về việc cần hoàn chỉnh các quy định của Đảng, quy định pháp lý liên quan đến công tác đánh giá và sử dụng CB, CC, VC hiện nay.

- Ba là, sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực. Kinh nghiệm cho thấy, ở mức độ nhẹ nhàng mang tính khởi động là câu hỏi sàng lọc hoặc hỏi đáp. Ở mức cao hơn có thể áp dụng các phương pháp như thảo luận hoặc xử lý tình huống.

Qua thực tiễn giảng dạy ở nhiều lớp, một số câu hỏi thảo luận có thể áp dụng để thảo luận như: (1) Tại sao đánh giá cán bộ là khâu khó và yếu hiện nay? (2) Có ý kiến cho rằng cần luân phiên trong khen thưởng cuối năm mới là công bằng, ý kiến của đồng chí về vấn đề trên như thế nào? (3) Làm thế nào để lựa chọn được người CB, CC, VC có tâm, tầm, tài để bổ nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý? (4) Giải pháp nào để lựa chọn được cán bộ khi Hải Dương thực hiện sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã hiện nay?

Sử dụng linh hoạt các câu hỏi trên, kết hợp với xây dựng tình huống trong công tác đánh giá và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức sẽ tập trung làm rõ được các nội dung chính của chuyên đề: Đánh giá và sử dụng CB, CC, VC.

- Bốn là, khi soạn bài giảng, giảng viên phải nắm chắc, tuân thủ đúng mẫu giáo án theo Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG ngày 02/5/2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc Ban hành quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc thực hiện đúng quy định về mẫu giáo án giảng sẽ thể hiện được tính khoa học, tính logic trong bài giảng, tiết giảng; các bước sẽ tiến hành giảng, các phương pháp và phương tiện, thời gian thực hiện trong mỗi phần nội dung kiến thức của bài học, từ đó giúp giảng viên chủ động được khung kiến thức và phương pháp, cũng như lượng thời gian sẽ sử dụng trong mỗi phần kiến thức của bài.

- Năm là, trong quá trình soạn giảng, đòi hỏi giảng viên cần xác định đúng nội dung cốt lõi hay vấn đề trong tâm của bài giảng. Chuyên đề “Kỹ năng đánh giá và sử dụng CB, CC, VC ở cơ sở” được thiết kế thành 2 phần nội dung chính, phần nội dung chính thứ nhất (Kỹ năng đánh giá CB, CC, VC) có 6 nội dung nhỏ. Với 6 nội dung chi tiết, giảng viên nên tập trung vào các mục: Nguyên tắc và nội dung đánh giá CB, CC, CV ở cơ sở. Phần nội dung chính thứ hai (Kỹ năng sử dụng CB, CC, VC) có 5 nội dung nhỏ, theo đó giảng viên nên tập trung vào các mục: Nguyên tắc và các nội dung sử dụng CB, CC,VC. Như vậy, việc xác định chính xác nội dung cốt lõi của bài giảng giúp giảng viên chủ động hơn về nội dung kiến thức cũng như phân bổ thời gian cho từng nội dung hợp lý và khoa học hơn. Việc xác định kiến thức trọng tâm rất quan trọng, quyết định hướng đi của buổi giảng. Bởi vì khi xác định đúng, bài giảng của giảng viên sẽ trở nên cô đọng, súc tích, vững chắc và đạt được mục tiêu bài học.

- Sáu là, nội dung bài giảng phải được thể hiện đầy đủ, chi tiết trong giáo án. Trong từng nội dung, gắn liền với việc phân tích, diễn giải làm rõ các ý chính mang tính chất lý luận là những ví dụ, dẫn chứng minh hoạ nhằm làm rõ nét hơn những kiến thức lý luận. Nội dung giáo án phải thể hiện đầy đủ kể cả những vấn đề liên hệ thực tế hay những ví dụ cụ thể để minh họa nhằm làm tăng tính thuyết phục, làm phong phú, sinh động thêm nội dung bài giảng. Các ví dụ cần mang tính khái quát, mang tính đại diện cao. Việc thể hiện chi tiết phân tích bài giảng, ví dụ minh họa trong giáo án là hết sức cần thiết, tránh những sai xót trong quá trình giảng như: Phân tích, dẫn chứng ví dụ thiếu khoa học, không mang tính đại diện, thậm chí ngẫu hứng sai về mặt tri thức, …

Lưu ý khi trích dẫn các ví dụ minh họa mang tính trái chiều như CB, CC, VC suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng hoặc yếu kém về năng lực...hoặc công tác bổ nhiệm chưa khách quan... Cần nêu rõ nguồn tham khảo để đảm bảo tính Đảng trong giảng dạy nói chung và tính rõ ràng với riêng chuyên đề.

         - Bẩy là, trong khi soạn giáo án bài giảng, giảng viên cũng cần thể hiện phần định hướng cho học viên, nhất là đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý ở cơ sở nhìn nhận, đánh giá, vận dụng nội dung kiến thức bài học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn ở cơ sở. Đây là một nội dung rất quan trọng trong giáo án của giảng viên, là một yêu cầu để bài giảng đi vào trong cuộc sống, để rèn luyện kỹ năng và định hướng tư tưởng cho người học, cũng như phản ánh tính chiến đấu, tính đảng của một bài giảng lý luận chính trị.

ThS. Phạm Thị Thanh