Ủng hộ tự do hàng hải, “thượng tôn pháp
luật” trên Biển Đông
Thủ
tướng Australia Scott Morrison khẳng định tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải
tại Biển Đông. Ảnh: The Australian.
Phản ứng trước tuyên bố mới nhất
của Mỹ về tình hình Biển Đông, trong cuộc họp báo ngày 16/7, Thủ tướng
Australia Scott Morrison khẳng định Canberra sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ tự do
hàng hải tại Biển Đông và duy trì một lập trường “rất kiên định” về vấn đề này.
Ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ
nêu lập trường về các yêu sách hàng hải tại Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng
Philippines Delfin Lorenzana đã ra thông cáo khẳng định ủng hộ mạnh mẽ lập trường
của cộng đồng quốc tế rằng cần phải có một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển
Đông. Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố "nhất trí cao" với Mỹ sau
khi Washington ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Trong thông cáo, ông Lorenzana
kêu gọi chính phủ Trung Quốc tuân thủ các phán quyết của Tòa Trọng tài thường
trực (PCA) năm 2016, trong đó khẳng định yêu sách đối với cái gọi là "Đường
chín đoạn" mà Bắc Kinh đơn phương vẽ ra trên Biển Đông là không có cơ sở.
Philippines cũng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển
(UNCLOS) mà nước này cũng là một bên tham gia ký kết.
"Sẽ là lợi ích tốt nhất
cho sự ổn định khu vực nếu như Trung Quốc lắng nghe lời kêu gọi của các nước
trong việc tuân theo luật pháp quốc tế và tôn trọng các thỏa thuận quốc tế hiện
hành" – ông Lorenzana nói.
Phát biểu trước các phóng
viên, ngày 14/7, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã hoan nghênh
việc Mỹ ra tuyên bố về những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo nhận định của ông Suga thì tuyên bố trên đã thể hiện cam kết vững chắc của
Washington đối với hòa bình, ổn định trong khu vực. Nhật Bản phản đối bất cứ
hành động nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Lập trường kiên định của
Nhật Bản là ủng hộ “tính thượng tôn pháp luật”, sử dụng các biện pháp hòa bình
thay cho vũ lực hay cưỡng ép và Nhật Bản sẽ hợp tác với Mỹ vì mục đích này.
Mỹ ra
tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông
Hai
tàu sân bay Mỹ trong cuộc tập trận ở Biển Đông ngày 6/7. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 14/7 đã
ra tuyên bố bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuyên bố nêu rõ, Mỹ bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng
mở. Hiện Mỹ đang tăng cường chính sách tại một vùng có tranh chấp, có ý nghĩa sống
còn tại khu vực đó là Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, các yêu sách của Bắc
Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông, cũng như
chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó, là hoàn toàn bất hợp
pháp.
Tại Biển Đông, Mỹ mong muốn
gìn giữ hòa bình và ổn định, duy trì tự do trên biển theo cách nhất quán với luật
pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại không bị cản trở, và chống lại bất cứ
nỗ lực nào nhằm sử dụng cưỡng ép hoặc vũ lực để giải quyết tranh chấp. Đây là
những lợi ích sâu sắc và trường tồn mà Mỹ chia sẻ với nhiều đồng minh và đối
tác của mình, những người từ lâu ủng hộ một trật tự thế giới dựa trên luật lệ.
Những lợi ích chung này đã gặp
phải sự đe dọa chưa từng thấy từ Trung Quốc. Bắc Kinh đã sử dụng sự hăm dọa nhằm
làm suy yếu quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển ở Đông Nam Á, bắt nạt họ
trong vấn đề tài nguyên ngoài khơi, khẳng định sự thống trị đơn phương và thay
thế luật pháp quốc tế bằng “chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Phương pháp tiếp cận này của Bắc Kinh đã được
thể hiện rõ trong nhiều năm. Năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khi đó
là ông Dương Khiết Trì đã tuyên bố với những người đồng cấp ASEAN rằng “Trung
Quốc là một nước lớn và các quốc gia khác là nước nhỏ và đó là sự thật.” Thế kỷ
21 không có chỗ cho quan điểm này của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định,
Trung Quốc không có căn cứ pháp lý nào để đơn phương áp đặt ý chí của họ lên
khu vực. Bắc Kinh đã không đưa ra cơ sở
pháp lý rõ ràng nào cho yêu sách đối với cái được gọi là “Đường lưỡi bò” ở Biển
Đông kể từ họ khi chính thức công bố vào năm 2009. Trong một phán quyết được đồng thuận ngày
12/7/2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển
năm 1982 - mà Trung Quốc là một thành viên - đã bác bỏ các yêu sách hàng hải của
Trung Quốc vì không có căn cứ dựa trên luật pháp quốc tế.
Như Mỹ từng tuyên bố, và theo
Công ước, phán quyết của Tòa Trọng tài là cuối cùng và mang tính ràng buộc về
pháp lý với cả hai bên. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh quan điểm của Mỹ
về các yêu sách trên biển của Trung Quốc giống với phán quyết của Tòa trọng
tài.
Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ mọi
yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng nước xung quanh bãi Tư Chính
của Việt Nam cũng như mọi yêu sách của nước này đối với vùng nước nằm ngoài
lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở quần đảo
Trường Sa.
Tuyên bố nêu rõ mọi hành động
của Trung Quốc nhằm quấy nhiễu hoạt động đánh bắt cá hoặc khai thác dầu khí của
các nước khác tại các vùng biển này, hoặc tiến hành các hành động như vậy một
cách đơn phương, đều trái pháp luật.
Tuyên bố nhấn mạnh, thế giới sẽ
không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông như đế chế hàng hải của riêng mình. Mỹ ủng
hộ các đồng minh và đối tác tại Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của
các nước này đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, thống nhất với các quyền
và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế. Mỹ ủng hộ cộng đồng quốc tế trong việc
bảo vệ tự do trên biển và tôn trọng chủ quyền, và bác bỏ bất cứ đòi hỏi nào nhằm
áp đặt “chân lý thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông hoặc ở khu vực rộng lớn hơn.
Ngày 15/07/2020, liên quan đến Tuyên bố về Lập trường
của Hoa Kỳ đối với các yêu sách biển ở Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao
Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
Hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông
là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng
quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện
chí, trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa
quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó.
Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề
Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong
tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước của Liên hợp quốc về Luật
Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại
dương.
Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc
duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp
thông qua đối thoại cùng các biện pháp hoà bình khác theo luật pháp quốc tế vì
lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng
quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này.
Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam