na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
Dấu ấn những ngày sinh nhật Bác Hồ 19.5.1890
19/05/2022 10:11:59

Th.s  Thân Thị Cương

 GV  Khoa xây dựng Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng trước đây lấy tên là Nguyễn Ái Quốc), sinh ngày 19/5/1890 ở làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; mất ngày 02/9/1969 tại Hà Nội. Cuộc đời của Người là tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng, phấn đấu cống hiến hy sinh trọn đời vì đất nước, vì dân. Mỗi dịp sinh nhật, Người là những dấu ấn, những bài học bài học quí về tấm gương mẫu mực, tình cảm, sự giản dị, chân tình của Bác cho Đảng, cán bộ và nhân dân Việt Nam.

Ngày 18 tháng 5 năm 1946, trên trang nhất tờ báo “Cứu quốc” đã chính thức thông báo ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19 tháng 5 năm 1890. Năm 1946 là năm kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ lần đầu tiên. Sáng 19/5/1946, tại Bắc bộ Phủ, các đại biểu thiếu nhi thủ đô, tự vệ, hướng đạo và hơn 50 đại biểu Nam Bộ đã đến chúc mừng sinh nhật Bác. Bác tặng các đại biểu thiếu nhi một cây bách trồng trong chậu và nói: “Bác có cây này tặng các cháu. Mai sau, cái cây sẽ mọc ra một chậu trăm cái tán. Các cháu chăm nom cho cây lớn, cây tốt, thế là các cháu yêu Bác lắm đấy”.

Cũng chính ngày này, lực lượng thanh niên Thủ đô đã tuần hành thị uy chúc thọ Bác Hồ. Việc đó làm cho các lực lượng Đồng minh thấy rõ uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong lời phát biểu đáp lại lòng kính mến của đồng bào: “Tôi chưa xứng đáng với sự săn sóc của đồng bào. Vì tôi hãy còn là một thanh niên, tuổi 56 chưa đáng được đồng bào chúc thọ. Chỉ vì một nhà báo nào đó biết đến ngày sinh của tôi mà đem ra làm rộn đồng bào. Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc. Tôi xin hứa với đồng bào gắng sức làm việc, nhưng tôi hy vọng vào sự cộng tác chặt chẽ của đồng bào. Việc nước là lớn, không ai có thể làm một mình nổi. Tôi mong rằng ngày này năm sau các đồng bào sẽ làm cho nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cường thịnh hơn. Hôm nay đồng bào cho tôi nhiều hoa bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi”.

Mùa hè năm 1946, trong bối cảnh tình thế đất nước như: “ngàn cân treo sợi tóc”, các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam, việc kỷ niệm ngày sinh của Bác có ý nghĩa thể hiện  khối đoàn kết toàn dân, uy tín và sự ủng hộ quần chúng nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một biện pháp vô cùng quan trọng để bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ năm 1946.

Dịp sinh nhật năm 1949, Bác Hồ ở một gia đình tại Bản Chương, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang, trước ngày 19/5, Bác đã làm bài thơ “Không đề”:

“Vì nước nên chưa nghĩ đến nhà

Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già

Chờ cho kháng chiến thành công đã

Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”.

Ngày 19-5-1950, Chính phủ tổ chức lễ chúc thọ mừng Bác Hồ tròn 60 tuổi tại “Chủ tịch phủ”. Linh mục Phạm Bá Trực, Phó trưởng Ban Thường trực Quốc hội, đứng lên thay mặt toàn thể đọc những lời chúc thọ Bác, mở đầu bằng mấy câu tiếng Latinh rất trịnh trọng. Bác Hồ tươi cười cảm ơn và Bác đã làm thơ đáp lại:

“Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán

So với ông Bành vẫn thiếu niên

Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe,

Trần mà như thế kém gì tiên”.

Sinh nhật năm 1953 cũng ở an toàn khu Việt Bắc, Bác làm bài thơ “Sáu mươi ba tuổi”:

“Chưa năm mươi đã kêu già

Sáu ba mình vẫn nghĩ là đương trai

  Sống quen thanh đạm nhẹ người

Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung”.

Năm 1954, Bác Hồ chủ trì cuộc gặp gỡ và mở tiệc chiêu đãi các đại biểu chiến sỹ đã lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bước sang những năm tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân dân 2 miền Nam – Bắc bị chia cắt; trong ngày sinh nhật, Bác thường đi thăm hỏi quần chúng nhân dân, cán bộ để tránh thăm hỏi, phiền phức cho cán bộ, nhân dân. Như câu chuyện của Bà Lưu Thị Tính, cán bộ bảo vệ an toàn thực phẩm kể lại: “Ngày sinh nhật, Bác không ở nhà. Bác bảo nắm cho Bác nắm cơm muối vừng, Bác đi thăm bà con để tránh phiền phức cho dân, cho cán bộ…”.

Sinh nhật năm 1968, sau khi nghe Thủ tướng chúc thọ, Bác làm thơ để động viên và trở thành kim chỉ nam cho cán bộ, đảng viên, nhân dân làm cách mạng:

“Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm

Vẫn vững hai vai việc nước nhà

Kháng chiến dân ta đang thắng lớn

Tiến bước! ta cùng con em ta.

Dịp sinh nhật của Người năm 1969 cũng diễn ra giản dị và đầm ấm như mọi lần, không ai nghĩ đó là ngày sinh nhật cuối cùng của Bác.

Mỗi dịp sinh nhật của Bác Hồ là những dấu ấn về tấm gương thể hiện sự khiêm tốn, giản dị, đó là bản chất “Người đầy tớ thực sự trung thành” của nhân dân. Bác đã để lại cho Đảng, cho dân một gia tài trí tuệ, đạo đức mà mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần ra sức học tập và noi theo. Nhân cách ấy, sự cao thượng ấy càng làm cho hình ảnh Bác Hồ trở nên cao đẹp và là tấm gương mẫu mực về đức tính khiêm tốn, giản dị và đạo lý làm người cao đẹp nhất.

Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh việc thực hiện kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (Khóa XIII) v/v “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Việc thường xuyên học tập và thực hành những điều răn dạy của Bác là hết sức cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên nói chuung, trong đó có đội ngũ cán bộ, giảng viên, đảng viên Trường Chính trị tỉnh Hải Dương nói riêng. Học Bác mỗi ngày, chúng ta phải thực sự cầu thị, kiên trì rèn luyện suốt đời để nâng cao trình độ lý luân, đoàn kết thống nhất sớm xây dựng nhà trường trở thành Trường Chính trị chuẩn trong thời gian tới./.