Theo
số liệu báo cáo Digital Việt Nam 2021 do tổ chức We
Are Social và Hootsuite (một công ty toàn cầu chuyên nghiên cứu về truyền thông
xã hội kết hợp cùng Hootsuite- một dịch vụ chuyên gia marketing xã hội) công bố
trên Tạp chí công nghệ số Việt Nam (tháng 3/2021): tính đến tháng 1 năm 2021, Việt
Nam có 68.17 triệu người sử dụng Internet chiếm 70% dân số, trong số đó có 65
triệu người dùng các trang mạng xã hội chiếm 67% dân số của cả nước. Điểm đáng
chú ý là 70,1% người dùng các trang mạng xã hội ở nước ta là lực lượng thanh
thiếu niên có độ tuổi từ 13 đến 34. Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch,
phản động và các phần tử cơ hội chính trị triệt để dùng mạng xã hội, các hình
thức truyền thông mới để tuyên truyền chống phá; tán dương, cổ vũ lẫn nhau đánh
vào nhận thức, tâm lý “đám đông” theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, “góp gió thành
bão”. Chúng tận dụng tối đa hệ thống phát thanh, báo chí, xuất bản ở nước
ngoài, các kênh facebook, youtube... để tung thông tin xấu, độc dưới dạng “thật
như giả”, “giả như thật”. Đối tượng tiếp cận nhanh nhất và có sức lan truyền
nhanh nhất, rộng nhất, đông đảo nhất chính là đội ngũ thanh thiếu niên. Phương
thức lan truyền rất đơn giản, chỉ cần nhấn nút “Like” (yêu thích) và “Share”
(chia sẻ, phát tán) mà không cần kiểm chứng thông tin.
Đặc biệt, trước
thềm Đại hội XIII của Đảng, chúng tập trung công kích dự thảo các văn kiện
trình Đại hội, xuyên tạc rằng các văn kiện lần này vẫn “sao chép theo lối mòn”;
các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
mà Đảng ta đưa ra trong dự thảo văn kiện là “bất khả thi”, “không có cơ sở để
thực hiện”... Cùng với đó, chúng tấn công vào đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ
của Đảng, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược; liên tục tung tin giả về thân
thế, sự nghiệp, tài sản, “sai phạm” của lãnh đạo cấp cao; xuyên tạc công tác
nhân sự của Trung ương, công tác phòng, chống tham nhũng,... nhằm gây bất ổn
chính trị - xã hội, gây ra những khó khăn, thách thức không nhỏ cho công tác bảo
vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái,
thù địch trong tình hình mới.
Không chỉ đưa lên mạng những thông tinh nhiễu loạn về chính
trị, chúng còn công kích vào các vấn đề xã hội nổi bật để thu hút sự quan tâm
chú ý của đông đảo người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên hiếu kì, a dua theo
đám đông. Ví dụ: xuyên tạc, kích động đám đông qua việc một quân nhân tử vong
khi đang huấn luyện (6/2021); bôi nhọ hình ảnh 300 tình nguyện viên của Trường
đại học kỹ thuật-y tế HD tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh… Những thông
tin sai sự thật khi phát tán trên mạng nếu không được kiểm chứng sẽ định hướng
dư luận xấu, dẫn dắt vấn đề gây kích
động, chia rẽ thiếu niềm tin vào quân đội, vào Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã
hội. Đặc biệt nguy hiểm hơn khi các hoạt động này thường thu hút rất đông sự
chú ý của giới trẻ trên các trang mạng xã hội, dấy lên làn sóng các quan điểm
trái chiều, tranh luận gay gắt thậm chí gây hằn thù, công kích, chia rẽ tinh
thần đoàn kết dân tộc.
Trước những diễn biến phức tạp của bối cảnh mới và cuộc đấu
tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cũng như những tác động của không gian
mạng đối với đoàn viên, thanh niên thì cách ứng xử của thanh niên trên không
gian mạng trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch là rất quan
trọng, góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Để phát huy vai trò của Đoàn thanh niên trên mặt trận này, chúng tôi xin tham
vấn một số giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, đổi mới, hoàn thiện chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức
lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ đoàn các cấp. Bởi vì, chỉ khi có kiến thức
mới củng cố được niềm tin, mới hình thành bản lĩnh chính trị vững vàng mới đấu
tranh có hiệu quả với những quan điểm sai trái, thù địch.
Đây chính là một trong những yếu tố cốt lõi,
nền tảng nhất để đội ngũ đoàn viên, thanh niên có thể đứng vững trước các thủ
đoạn lôi kéo, lợi dụng và phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù
địch, chống phá, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần tạo sự thống
nhất cao về chính trị, tư tưởng trong thế hệ trẻ hiện nay.
Thứ hai, nâng cao trách nhiệm cán bộ Đoàn trong nắm bắt, định
hướng dư luận trong thanh thiếu niên nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,
đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tiếp tục triển khai thực
hiện Chỉ thị số 01-CT/TWĐ của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn về “Tăng cường
rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ đoàn” nhằm xây
dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ đoàn, không suy thoái về
chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, xứng đáng là đội hậu bị thực sự tin cậy
của Đảng
Thứ ba, đẩy mạnh công tác
giáo dục, nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên về mạng xã hội theo Luật
an ninh mạng (2019), cách sử dụng mạng xã hội hợp lý. Đồng thời, động viên đoàn
viên, thanh niên tự học, tự trang bị các kiến thức, kinh nghiệm sống để nhận
diện thông tin xấu độc, hình thành khả năng phân tích trước các thông tin tràn
lan trên mạng xã hội.
Thứ tư, sử dụng linh hoạt nhiều hình thức, phương tiện khác nhau để
tuyên truyền thông tin tích cực đi đôi với cảnh báo để ngăn chặn có hiệu quả,
xoá bỏ thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Chia sẻ, lồng ghép trong các câu
chuyện lịch sử, các thông điệp tuyên truyền trên mạng xã hội (thông qua các tài
khoản, fanpage, group trên Facebook, Zalo…) hướng đến nhiều đối tượng với đặc
thù về trình độ nhận thức khác nhau.
Thứ năm, tập trung vào đội ngũ cán bộ trẻ trong những cơ quan nghiên
cứu, giảng dạy lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn; đoàn viên thanh
niên hoạt động trên các lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn hóa, nghệ thuật… Cần
lựa chọn những đoàn viên, thanh niên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình
độ lý luận chính trị và khả năng diễn đạt các vấn đề cần đấu tranh, tăng cường
nêu gương “người tốt việc tốt” trong phong trào thi đua của Đoàn và Hội liên
hiệp thanh niên các cấp; đồng thời, có cơ chế cung cấp thông tin kịp thời,
phương tiện tác nghiệp phù hợp và có những chính sách động viên, khích lệ đoàn
viên, thanh niên chủ động tham gia đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bảo
vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng.
Như vậy, để nâng cao hiệu quả của cuộc
đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước những quan điểm sai trái,
xuyên tạc, thù địch trên mạng xã hội thì việc phát huy vai trò xung kích của
đoàn viên, thanh niên có ý nghĩa to lớn và ngày càng trở nên cấp thiết. Công
tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ vừa mang tính thường xuyên,
vừa mang tính cấp bách, trong đó, thanh niên phải là những người hăng hái nhất,
dũng cảm nhất, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại
mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động nguy hiểm của các thế lực xấu, thù địch. Làm
tốt công tác này, không những góp phần vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng
mà còn góp phần phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của
đoàn viên, thanh niên, tạo điều kiện cho đoàn viện thanh niên có môi trường và
điều kiện thuận lợi nhất để rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.