na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
Phát triển tư duy phản biện của học viên trường Chính trị tỉnh Hải Dương thông qua học tập và nghiên cứu
22/02/2022 09:48:47

Ths. Lê Thị Nga, giảng viên Khoa Lý luận cơ sở.

Với sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hóa, sự bùng nổ của cách mạng công nghệ thông tin, sự phát triển của nền kinh tế tri thức đang đặt ra những yêu cầu mới đối với giáo dục. Hướng tới tạo ra con người có đủ năng lực để làm chủ, thích ứng và giải quyết các vấn đề. Khả năng làm chủ đó đòi hỏi con người phải có những năng lực tư duy cần thiết.

Trong tiếng anh tư duy phản biện là “critical thinking” trong đó “thinking” có nghĩa là “tư duy”, “tư tưởng”;  còn Critical nghĩa là “đưa ra những đánh giá công bằng, cẩn thận về mặt tính chất tốt hay xấu của một người hay một vật nào đó”. Tư duy phản biện là năng lực tìm kiếm chân lý trong quá trình tư duy và ra quyết định. Do đó tư duy phản biện đòi hỏi người học cần phải có phẩm chất cẩn trọng, tư duy có tính kỷ luật, phải phân tích vấn đề thật kỹ trước khi đưa ra kết luận. Tư duy phản biện là một bước phát triển cao của tư duy. Chính vì vậy học viên có tư duy phản biện có thể nhìn nhận vấn đề theo những góc độ khác nhau, vừa có tính toàn diện vừa có sự sáng tạo, nhìn nhận sự việc sâu sắc.

Triết học nói chung có lịch sử phát triển hàng nghìn năm, triết học Mác –Lênin với hệ thống tri thức lý luận phong phú về thế giới về con người, vai trò, vị trí của con người; Xây dựng thế giới quan khoa học, phương pháp luận khoa học. Là đỉnh cao trí tuệ của loài người về tự nhiên, xã hội và tư duy, giúp con người có thể hiểu biết thế giới một cách toàn diện sâu sắc, từ đó chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Bài viết đi sâu phân tích vai trò quan trọng của triết học Mác- Lênin trong quá trình phát triển tư duy con người đặc biệt là năng lực tư duy phản biện.

Thực trạng việc học tập môn triết học Mác -Lênin của học viên trường Chính trị tỉnh Hải Dương .Trong những năm qua việc học tập triết học Mác –Lênin mặc dù đã đạt những kết quả nhất định nhưng vẫn còn tồn tại một số bất cập:

Thứ nhất, nội dung môn học mang tính hệ thống nhưng do chương trình đào tạo trung cấp nên nhiều nội dung kiến thức được rút gọn, khái quát nhất là phần lịch sử triết học. Do vậy học viên không thấy được quá trình tranh luận trong lịch sử về các vấn đề triết học và sự kế thừa, phát triển của triết học Mác- Lênin. So với thời lượng của môn học thì nội dung truyền tải khá nhiều nhưng lại chưa đủ để xác lập một cách đầy đủ và sâu sắc trong việc phát triển tư duy phản biện của học viên.

Thứ hai, sự khó khăn trong phương pháp học tập triết học. Mặc dù hiện nay với việc áp dụng các phương pháp giảng dạy và học tập tích cực, đã khắc phục được tình trạng “thầy đọc trò ghi”, giảm được tình trạng học theo kiểu ghi nhớ một cách máy móc, học thuộc.Người học đã phát huy được tính tích cực, sáng tạo của mình tuy nhiên do đối tượng học viên của trường đều là cán bộ, học theo hình thức vừa học vừa làm. Bên cạnh việc học tập vẫn bị chi phối bởi rất nhiều công việc chuyên môn, gia đình vì thế chưa có thời gian để tự học, tự nghiên cứu trước các nội dung của bài học. Dẫn đến tình trạng trong các buổi thảo luận, trao đổi còn ít có sự phản biện, nên phương pháp chủ yếu vẫn “thầy là trung tâm” còn trò là người nghe, ghi nhớ.

Với những bất cập nêu trên đòi hỏi phải có phương pháp xác định nội dung học, xây dựng phương pháp học khoa học mới có thể phát triển tốt tư duy phản biện của học viên.

Vì vậy, để nâng cao tinh thần chủ động tự học, tự nghiên cứu, khơi dậy phương pháp tư duy biện chứng, phát triển tư duy phản biện trong học tập môn triết học Mác –Lênin, Tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau :

Thứ nhất, về nội dung môn học: trong buổi học đầu tiên giảng viên cần giới thiệu chung về tổng thể môn học với các vấn đề cơ bản cần nắm vững của bộ môn. Học viên dựa trên cơ sở đó sắp xếp thành một hệ thống logic. Ví dụ: bộ môn triết học sẽ tiếp cận theo hai nhóm nội dung chính. Nhóm thứ nhất gồm những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng về các vấn đề: triết học là gì, các nguyên lý, các cặp phạm trù, các quy luật của triết học, lý luận và thực tiễn, làm rõ giá trị những phát kiến vĩ đại trở thành viên đá tảng của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Nhóm thứ hai là các vấn đề về chủ nghĩa duy vật lịch sử; hình thái kinh tế xã hội, giai cấp, nhà nước, con người, ý thức xã hội; khái quát thành tựu, kế thừa của triết học Macsxit trong dòng chảy phát triển của lịch sử triết học thế giới. Sau khi các định được các nội dung cơ bản từ đó xây dựng kế hoạch tìm hiểu và học tập.

Thứ hai, xây dựng phương pháp học tập triết học phù hợp. Sau khi đã xác định được những vấn đề triết học, sắp xếp một cách có hệ thống thì bước tiếp theo trong quá trình học là cần tìm hiểu một cách khách quan những quan điểm cơ bản đã có trong thực tế lịch sử về từng vấn đề theo trình tự từ thấp đến cao, từ sâu sắc ít đến sâu sắc nhiều. Để làm tốt được điều này yêu cầu học viên phải trực tiếp đọc, nghiên cứu từ các tác phẩm kinh điển. Sắp xếp thời gian giữa công việc và học tập một cách khoa học để đảm bảo việc nghiên cứu được diễn ra thường xuyên và liên tục.Từ những kiến thức đã tìm hiểu về vấn đề triết học trong lịch sử, cần đưa ra những lập luận, kiến giải của bản thân.Tham gia các buổi trao đổi, thảo luận với bạn học và thầy cô để khẳng định về quá trình tìm hiểu của mình, quan điểm cá nhân, nhận thức của mình đã đúng và đủ chưa. Đây cũng chính là con đường quan trọng để phát triển tư duy phản biện của học viên thông qua việc học tập triết học Mác- Lênin.

Thứ ba, về phía giảng viên giảng dạy do triết học là môn học lý luận có tính khái quát hóa cao, nên khó tránh khỏi sự trừu tượng, bài học dễ rơi vào tình trạng rời rạc, khó gây hứng thú. Vì vậy để giúp quá trình học và tự học của học viên đạt kết quả tốt, giảng viên cần thường xuyên nâng cao trình độ,thường xuyên bổ sung  những tình huống thực tiễn, đa dạng các phương pháp giảng dạy để bài học sinh động, dễ hiểu, tránh không khí nhàm chán khi học lý luận. Giúp học viên nắm được những vấn đề cơ bản trên cơ sở đó giúp học viên hình thành tư duy phản biện.

Hiện nay, có nhiều tư tưởng, nhiều trường phái triết học nhưng triết học Mác- Lênin vẫn là triết học đúng đắn nhất, đầy đủ nhất là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho nhận thức và hành động thực tiễn. Phát triển năng lực tư duy phản biện thông qua học tập triết học Mác- Lênin, góp phần hình thành thế giới quan duy vật, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và chỉ đạo hoạt động thực tiễn đúng đắn. Là cơ sở, nền tảng, phương pháp luận khoa học để tiếp tục nghiên cứu và học tập các nội dung tiếp theo trong chương trình trung cấp lý luận. Góp phần nâng cao hiệu quả vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác ./.