na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện luật đất đai năm 2013 tại tỉnh Hải Dương
22/02/2022 09:51:12

ThS. Lê Minh Thảo

Phó trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật

Luật đất đai năm 2013 (sửa đổi bổ sung năm 2018) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo thành hệ thống pháp luật đất đai tương đối đồng bộ, là cơ sở pháp lý giải quyết các quan hệ pháp luật về đất đai. Tại tỉnh Hải Dương, quá trình thực hiện Luật đất đai năm 2013 đến nay đã tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý và sử dụng đất, cụ thể:

Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực tạo hành lang pháp lý thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai theo quy hoạch; công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định; tình trạng vi phạm pháp luật đất đai đã cơ bản được ngăn chặn, xử lý và có chiều hướng thuyên giảm; công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện theo trình tự thủ tục hành chính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại về đất đai đã chấn chỉnh những sai phạm của cơ quan quản lý và người sử dụng đất.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác thực hiện Luật đất đai năm 2013 tại tỉnh Hải Dương còn có một số hạn chế sau:

Thứ nhất, công tác lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm ở một số chỉ tiêu sử dụng đất còn chưa sát với thực tế, chưa dự báo chính xác nguồn vốn để thực hiện công trình, dự án của chủ đầu tư trong năm kế hoạch. Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp còn chậm chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác quản lý. Nội dung của quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở các địa phương chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chưa điều chỉnh kịp thời theo quy định của pháp luật đất đai.

Thứ hai, công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn nhiều vướng mắc như: việc xác định mức vốn ngân sách cấp cho bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án thường không chính xác vì một số dự án chỉ tạm tính số tiền giải phóng mặt bằng; có dự án mới chỉ có chủ trương đầu tư chưa có số liệu cụ thể; việc giải phóng mặt bằng thực hiện nhiều dự án không đảm bảo thời gian, tiến độ; tỉnh chưa thành lập được Quỹ phát triển đất để chủ động bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; việc giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất còn hạn chế.

Thứ ba, công tác thu hồi đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở một số dự án còn chậm tiến độ do phải thực hiện việc ứng vốn đển thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng sau đó mới thực hiện các thủ tục đầu tư. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt, còn có tâm lý né tránh, ngại va chạm, chỉ để cho cán bộ làm công tác chuyên môn thực hiện. Việc quản lý đất đai ở một số nơi còn buông lỏng, để xảy ra vi phạm nhưng không xử lý kịp thời, triệt để. Hoạt động tuyên truyền, vận động chưa được quan tâm, phát huy đúng mức để tạo sự đồng thuận trong triển khai một số dự án. Việc lấy ý kiến của nhân dân trong quá thu hồi đất chủ yếu mới thực hiện được việc công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định, chưa thực hiện được việc lấy ý kiến tham vấn từ cộng đồng.

Thứ tư, trong công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai ở một số huyện chất lượng còn chưa cao, như: hồ sơ Giấy chứng nhận đa số là các bộ hồ sơ cũ được cấp theo nền bản đồ cũ, không đồng bộ với dữ liệu không gian của bản đồ địa chính mới; việc cập nhật, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu còn hạn chế do thiếu trang thiết bị, đường truyền và nhiều công chức chưa sử dụng thành thạo phần mềm; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu địa chính đối với đất nông nghiệp. Hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh ở cả 3 cấp chưa thật sự đồng bộ.

Thứ năm, Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập như: Công tác cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa còn chậm do có nhiều biến động về diện tích, kích thước, chủ sử dụng đất, phải đo đạc lập lại hồ sơ nhưng chưa có kinh phí thực hiện.

Thứ sáu: Công tác kiện toàn bộ máy quản lý tài nguyên và môi trường vẫn chưa đạt được như mong muốn. Việc phân cấp quản lý giữa trung ương với địa phương chưa đồng bộ; chưa phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương; lực lượng công chức được biên chế chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Những hạn chế trong thực hiện Luật đất đai năm 2013 tại tỉnh Hải Dương do các nguyên nhân sau:

Một là, quy định của pháp luật về quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất có sự thay đổi, bộc lộ một số hạn chế, khó khăn, bất cập trong công tác thực hiện các quy hoạch chuyên ngành với quy hoạch sử dụng đất. Hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai được quan tâm đổi mới tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng kịp thời với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chưa đồng bộ với các quy định của các lĩnh vực khác như đầu tư, xây dựng, giao thông, nông nghiệp.

Hai là, các văn bản quy phạm pháp luật ban hành còn chậm so với đòi hỏi của thực tiễn, số lượng văn bản quá nhiều, giữa các văn bản quy phạm pháp luật còn có một số quy định chưa thống nhất, gây khó khăn cho việc áp dụng.

Ba là, việc thực hiện thủ tục hành chính trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất còn liên quan đến sự phối hợp của nhiều ngành (Thuế, xây dựng, nông nghiệp, tài chính) dẫn đến việc không chủ động hoàn thành thời gian của thủ tục hành chính theo quy định.

Bốn là, nhận thức và việc chấp hành pháp luật đất đai của người sử dụng đất còn hạn chế. Như: việc biến động đất đai do chuyển quyền sử dụng đất của người dân diễn ra tự phát không tuân thủ quy định pháp luật, không thực hiện đăng ký biến động đất đai. Thực trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân không đúng đối tượng được nhận chuyển nhượng. Chưa có chế tài xử lý đủ mạnh để răn đe người sử dụng đất cố tình vi phạm pháp luật về đất đai.

Năm là, công tác chỉnh lý biến động đất đai giữa các cấp đặc biệt là cấp xã chưa được coi trọng, gây khó khăn cho việc xác định nguồn gốc đất đai, quản lý sử dụng đất. Kinh phí đầu tư cho công tác lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu.

Sáu là, đất đai là lĩnh vực nhạy cảm, xẩy ra nhiều tranh chấp, khiếu nại, tố cáo hơn các lĩnh vực khác.

 Bẩy là, lực lượng công chức được biên chế của ngành Tài nguyên và Môi trường các cấp chưa tương xứng với chức năng nhiệm vụ được giao.

Từ những hạn chế và nguyên nhân dẫn tới sự hạn chế nêu trên, để nâng cao hiệu quả thực hiện luật đất đai năm 2013 tại tỉnh Hải Dương trong thời gian tới chúng tôi đề xuất một số giải pháp, kiến nghị sau: 

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đất đai: Bảo đảm sự thống nhất giữa Luật đất đất đai với Luật quy hoạch, Luật nhà ở, Luật đầu tư, Luật khiếu nại tố cáo để tránh chồng chéo gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai. Quy định chặt chẽ việc lấy ý kiến của nhân dân trong lập và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể nhằm buộc các đơn vị có trách nhiệm trong lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo chất lượng.

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai: Thực hiện các giải pháp được đề cập tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 về đẩy mạnh phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật đất đai cho cộng đồng, nhất là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Chỉ thị số 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Đất. Nội dung tuyên truyền cần có trọng tâm, các hình thức, công cụ truyền thông phải thường xuyên, đa dạng và linh hoạt. Ngoài ra, cần nâng cao kỹ năng phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Thứ ba, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về đất đai: rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, loại bỏ các văn bản đã lạc hậu không còn phù hợp với yêu cầu quản lý của tỉnh. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện việc thực hiện mô hình “một cửa”, “Một cửa liên thông” để giải quyết các thủ tục hành chính. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai gắn với tin giản thủ tục hành chính.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành luật pháp và giải quyết khiếu nại tố cáo trong quản lý sử dụng đất đai: Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và hướng dẫn cho cấp phường, xã về chuyên môn trong công tác quản lý đất đai để kịp thời ngăn chặn hành vi tham nhũng, gây lãng phí trong quản lý, sử dụng đất. Tăng cường sự tham gia giám sát của người dân trong chấp hành pháp luật đất đai, khi phát hiện các trường hợp vi phạm phải kiên quyết thu hồi và có kế hoạch quản lý, sử dụng, tránh tái lấn chiếm hoặc thu hồi xong để không gây lãng phí.

Thứ năm, đào tạo nâng cao năng lực quản lý của cán bộ, công chức quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là ở cấp xã cần bổ sung các công chức được đào tạo đúng chuyên ngành quản lý nhà nước về đất đai cho các xã, phường, thị trấn còn thiếu cán bộ hoặc những nơi có cán bộ chưa được đào tạo đúng chuyên ngành. Có chính sách sử dụng đội ngũ cán bộ địa chính cấp xã ổn định để đội ngũ này có kinh nghiệm quản lý, nắm vững chính sách đất đai, am hiểu thực tế địa phương giúp giải quyết các công việc liên quan đến đất đai nhanh chóng, hiệu quả.

Thứ sáu, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan: giữa Văn phòng Đăng ký quyền sử dụngcủa tỉnh với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn; giữa cơ quan tài nguyên môi trường với Toà án, Viện kiểm sát, Chi cục thi hành án trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong quản lý và sử dụng đất đai.

Thứ bẩy, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai: Tăng cường tài chính cho công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác địa chính được thuận tiện, dễ dàng./.