Vũ Thị Xuân
Khoa Lý luận cơ sở
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, được các thế hệ nhân dân tin yêu, trở thành ngọn cờ lan tỏa, cố kết khối đại đoàn kết dân tộc. Cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, là tài sản tinh thần to lớn, quý giá của Đảng và cách mạng Việt Nam. Song, các thế lực chống đối Đảng và chế độ XHCN ở Việt Nam cũng luôn dùng mọi thủ đoạn nhằm xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Các luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh chủ yếu đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, như: xuất bản sách, báo ở nước ngoài, sản xuất băng đĩa hình, in truyền đơn rồi tìm cách chuyển về trong nước … nhằm vào Việt Nam. Đặc biệt, hiện nay, dựa vào thành tựu công nghệ thông tin hiện đại, các thế lực chống phá cách mạng sử dụng mạng Internet, mạng xã hội như: Google, Facebook, YouTube pha trộn thông tin thật giả, bình luận xuyên tạc, kích động với các luận điệu sau:
Một là, Xuyên tạc tiểu sử, sự nghiệp Hồ Chí Minh
Một trong những luận điệu xuyên tạc của chúng là phủ nhận tư tưởng và động cơ tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh. Ngày 15-9-1911, Nguyễn Tất Thành viết đơn gửi Tổng thống Pháp và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp trình bày nguyện vọng muốn vào học Trường Thuộc địa (École Coloniale). Đơn được gửi từ Mácxây có đoạn viết:“Tôi vinh hạnh, xin một đặc ân với lòng nhân từ cao cả của ông được thu nhận vào học Trường Thuộc địa như một học sinh nội trú.”[1]
Chúng chỉ vin vào những nội dung trong lá đơn này rồi lập luận động cơ Hồ Chí Minh sang Pháp là tìm đường làm quan, “mộng làm quan” cho thực dân, là do “kinh tế gia đình, ra đi để tìm đường cứu nhà” …
Trên thực tế, chúng không thể xuyên tạc mục đích xin học Trường Thuộc địa của Nguyễn Tất Thành, bởi nơi đây chỉ dạy ngôn ngữ và văn minh Pháp cho những thanh niên Việt Nam do Toàn quyền Đông Dương gửi sang học. Trong đó, học viên của Trường Thuộc địa không nhất thiết phải trở thành quan chức; từ năm 1896 trở đi, Trường Thuộc địa còn có những lớp dạy cho những người bản xứ các nghề chuyên môn như điện báo, kế toán, công xưởng… Hơn nữa, thời gian càng lùi xa, càng khẳng định rằng, hoài bão lớn lao của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành cách đây hơn một thế kỷ đã trở thành sự thật. Từ một sự lựa chọn đúng và khởi đầu một hướng đi đúng, với ý chí, quyết tâm và sự phấn đấu không mệt mỏi cho con đường mình đã chọn, Người ra đi từ bến cảng Sài Gòn năm 1911 đã tìm thấy con đường cách mạng đúng đắn và lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh vì một nước Việt Nam độc lập và thống nhất, tự do và hạnh phúc, ngày một phát triển bền vững.
Hai là, Xuyên tạc về tư tưởng Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng thiên tài, nhà lý luận kiệt xuất. Tư tưởng của Người không chỉ ở những câu chữ mà nằm ở chiều sâu nội dung và ý nghĩa cao cả của nó, Người vừa kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lê nin vào điều kiện thực tiễn của nước ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với tiến trình của cách mạng Việt Nam, chứa đựng mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch công kích, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, coi tư tưởng của Người chỉ là sự sao chép nguyên bản, áp dụng khiên cưỡng chủ nghĩa Mác – Lênin. Luận điệu này không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc sự thật về tính thống nhất, vận dụng sáng tạo và bổ sung phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với kho tàng lý luận kinh điển. Mác - Ăngghen bàn nhiều về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, Lênin bàn nhiều về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Xuất phát từ yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn cách mạng châu Âu, các nhà lý luận Mác - Lênin tập trung vào giải quyết vấn đề giai cấp. Còn tư tưởng Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân ở thuộc địa, giải quyết mâu thuẫn dân tộc, làm cách mạng dân tộc giải phóng.
Ba là, Xuyên tạc về đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh
Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua nghị quyết về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tôn vinh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch đã phủ nhận Nghị quyết vinh danh Hồ Chí Minh của UNESCO và chúng còn cho rằng, Người “mượn” tư tưởng vĩ nhân thế giới làm tư tưởng của mình, cóp sách, sửa thơ của người khác làm sách, thơ của mình. Chúng còn xuyên tạc rằng, hiện nay là thời đại của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, khoa học - công nghệ hiện đại..., nên những tư tưởng hay những quan niệm về đạo đức của Hồ Chí Minh đã bộc lộ những “sự lỗi thời”, “lạc hậu”, “không còn phù hợp” với thời đại ...
Thực tiễn đã chứng minh tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên sức sống và giá trị thời đại, bởi bản chất cách mạng, khoa học và nhân văn của chính những tư tưởng, đạo đức đó và bởi sự vận dụng sáng tạo những tư tưởng vượt trước thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam, của Đảng Cộng sản Việt Nam, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chiến lược và sách lược cách mạng trong toàn bộ tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bạn bè năm châu khâm phục và coi Người là biểu tượng cao đẹp của những giá trị về tư tưởng, lương tri và phẩm giá làm người, hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Đạo đức và tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung, trước sau như một của Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam và nhân loại đúng như Nghị quyết của UNESCO ghi rõ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam…”.
Bốn là, Xuyên tạc về chủ trương học tập và làm theo Hồ Chí Minh của Đảng Cộng sản Việt Nam
Chúng lập luận rằng bản thân tấm gương đạo đức của Cụ Hồ cao đẹp, hấp dẫn đến như thế mà vẫn không đủ sức ảnh hưởng, thấm sâu vào ngay các đồng chí, học trò gần gũi chung quanh mình, thì làm sao ảnh hưởng tới được đông đảo cán bộ và nhân dân bên dưới? hay trong bối cảnh thực trạng suy thoái về đạo đức của cán bộ, đảng viên mà cứ “kêu gọi “đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” một cách hình thức và nhàm chán…
Thực tế, việc nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta thực hiện từ rất sớm, được thực hiện dưới nhiều hình thức trong từng thời kỳ cách mạng. Tấm gương, đạo đức của Người đã tỏa sáng trong trái tim, khối óc của mỗi người Việt Nam, trở thành tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc ta, soi đường, chỉ lối cho Đảng và dân tộc Việt Nam tiến lên giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Những quan điểm chỉ đạo của Đảng là nhân tố tạo nên những thành tựu bước đầu đối với công tác nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trong những năm qua. Nghiên cứu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là dịp để mỗi người Việt Nam tự nhìn nhận lại chính mình, theo tinh thần Bác Hồ đã dặn: Học để hành, để làm người, để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự giai cấp và nhân loại./.
[1] Đơn ngày 15-9-1911 của Nguyễn Tất Thành gửi Tổng thống Pháp, Bút tích lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh