na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
Vai trò của đạo đức công vụ đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước
06/04/2020 03:29:04

ThS. Trần Thị Phượng, giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật


Đạo đức công vụ đóng vai trò rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ trong các cơ quan nhà nước. Ảnh hưởng của đạo đức công vụ đến hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ thông qua khả năng tác động của các giá trị chuẩn mực của đạo đức công vụ tới nhận thức và hành vi ứng xử của cán bộ, công chức trong hoạt động thực thi công vụ. Vai trò của đạo đức công vụ đối với hoạt động thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước được thể trên các mặt:

Thứ nhất, đạo đức công vụ góp phần định hướng và điều chỉnh hành vi của cán bộ, công chức

Bản thân đạo đức công vụ là những quy tắc, chuẩn mực, giá trị đạo đức quy định hành vi của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ. Phần lớn những quy tắc, giá trị chuẩn mực của đạo đức công vụ được quy định trong các văn bản luật, văn bản dưới luật hoặc trong các bản nội quy, quy chế hoạt động của các cơ quan nhà nước. Những quy tắc, chuẩn mực của đạo đức công vụ có tính chất bắt buộc đối với những người hoạt động trong nền công vụ phải tuân theo. Vì vậy, cán bộ, công chức tham gia vào nền công vụ và khi thực thi các hoạt động công vụ sẽ không được hành động một cách tuỳ tiện theo ý chí cá nhân mà phải ứng xử, hành động theo những chuẩn mực mang tính tối thiểu quy chuẩn đó của đạo đức công vụ. Ngoài những chuẩn mực mang tính bắt buộc phải tuân theo được quy định trong các văn bản luật, văn bản dưới luật, và các bản nội quy, quy chế của cơ quan còn có những chuẩn mực thuộc đạo đức xã hội, các giá trị chuẩn mực của văn hoá công sở cũng thuộc phạm trù đạo đức. Mặc dù những chuẩn mực này không mang tính cưỡng chế, bắt buộc phải tuân theo, nhưng bằng những cơ chế nhất định như “dư luận xã hội” của cộng đồng và “lương tâm” của người công chức thì chúng cũng trở thành những chuẩn mực đạo đức có tác động tích cực đến việc điều chỉnh hành vi của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Thứ hai, đạo đức công vụ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi công vụ

Đạo đức công vụ bao gồm những giá trị chuẩn mực tích cực đều hướng đến việc thực hiện có hiệu quả của hoạt động công vụ. Với những chuẩn mực quy định rất cụ thể về những việc phải làm và không được làm của cán bộ, công chức. Đồng thời, thông qua những cơ chế chính thức (bắt buộc) và không chính thức (tự nguyện thực hiện do tác động của dư luận xã hội) sẽ tác động góp phần điều chỉnh hành vi của cán bộ, công chức thực hiện theo các chuẩn mực đó trong quá trình thực thi công vụ. Khi những chuẩn mực này được cán bộ, công chức nhận thức và thực hiện đầy đủ sẽ tạo ra sức mạnh vô cùng lớn và đem lại hiệu quả cao trong hoạt động công vụ của các cơ quan nhà nước. Điều này đã được chứng minh trong thực tiễn tại nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau ở nước ta. Đây chính là một minh chứng về sức mạnh vô hình của đạo đức công vụ trong hoạt động công vụ của các cơ quan nhà nước.

Thứ ba, đạo đức công vụ góp phần hoàn thiện nhân cách và nâng cao phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức

Thông qua chức năng nhận thức và chức năng giáo dục, đạo đức công vụ góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện nhân cách và nâng cao phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức. Chính những giá trị chuẩn mực tích cực của đạo đức công vụ như tấm gương phản chiếu tất cả các hành vi, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức. Qua đó, mỗi cán bộ, công chức có thể soi rọi, tự nhận thức lại mình để điều chỉnh hành vi và không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để hoàn thiện nhân cách của bản thân. Hoàn thiện nhân cách công chức chính là quá trình tu dưỡng, rèn luyện và thực hiện đạo đức công chức. Đồng thời với quá trình hoàn thiện nhân cách của cán bộ, công chức thì cũng chính là quá trình họ tự nâng cao các phẩm chất đạo đức, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức (như các biểu hiện quan liêu, hách dịch, tham nhũng, lãng phí,...) của cán bộ, công chức mà hiện tại đang trở thành vấn nạn trong nền công vụ của nước ta. Vì vậy, có thể thấy đạo đức xã hội nói chung và đạo đức cán bộ, công chức nói riêng như một sức mạnh tự bảo vệ con người trước sự thoái hoá, biến chất, đánh mất mình; phải coi đạo đức như một giá trị văn hoá thúc đẩy xã hội phát triển và tiến bộ.

Thứ tư, đạo đức công vụ góp phần tích cực trong tiến trình cải cách hành chính, nâng cao uy tín của các cơ quan nhà nước

Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và tiến hành cải cách hành chính nhà nước, vai trò của đạo đức công vụ là hết sức quan trọng, ảnh hưởng quyết định đến hiệu lực, hiệu quả và uy tín của các cơ quan nhà nước. Bởi đạo đức công vụ là một trong những biểu hiện của đạo đức cách mạng, thông qua những giá trị chuẩn mực về thái độ, hành vi ứng xử của cán bộ, công chức phù hợp với định hướng và mục tiêu cải cách hành chính ở nước ta là xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại và mang tính phục vụ cao đối với nhân dân và toàn xã hội. Những giá trị chuẩn mực của đạo đức công vụ luôn được kế thừa, bổ sung và loại bỏ cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Là phạm trù thuộc hình thái ý thức xã hội, song đạo đức công vụ có tính độc lập tương đối và có khả năng chi phối ý thức và hành vi của cán bộ, công chức một cách trực tiếp và lâu dài. Vì vậy, ảnh hưởng của nó là vô cùng to lớn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tới tiến trình cải cách hành chính nhà nước, nâng cao uy tín của các cơ quan nhà nước và sự nghiệp xây dựng một nền hành chính phát triển ở nước ta.

Từ những vai trò trên cho thấy, việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức công vụ và các biện pháp bảo đảm thực hiện tốt các chuẩn mực đó đối với cán bộ, công chức là hết sức cần thiết trong nền công vụ ở nước ta hiện nay.